Nhớ NSƯT Ngọc Đáng - một cô đào hiếm có

28/02/2022 19:46 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hung tin về sự ra đi đột ngột của NSƯT Ngọc Đáng vì bạo bệnh trên đất Mỹ đưa về (trưa 24/2) khiến giới sân khấu và khán giả mộ điệu không khỏi bàng hoàng. Sân khấu cải lương lại thêm một mất mát lớn!

Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP.HCM: Khi đại dịch 'bước vào' vở diễn

Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP.HCM: Khi đại dịch 'bước vào' vở diễn

26 vở kịch đã tham dự Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc từ ngày 3 đến 17/1 tại TP.HCM. Các đơn vị nghệ thuật đã đem đến những tinh hoa của mình, góp vào sự phát triển của sân khấu.

Thập niên 1960 - 1970, có 5 cô đào trẻ nổi lên rực rỡ trên sân khấu cải lương tuồng cổ (hồ quảng) làm say đắm bao lớp khán giả được mệnh danh là “ngũ nữ hổ tướng”, đó là: Xuân Yến, Thanh Thế, Thanh Loan, Bạch Lê và Ngọc Đáng. Những năm gần đây, các nữ tướng ngày nào đã lên tuổi bà và cũng ít tham gia hoạt động sân khấu, chỉ NSƯT Ngọc Đáng còn tỏ ra khá dẻo dai khi thường xuyên xuất hiện trong các chương trình tại hải ngoại. Thế nhưng đến hôm nay, cô đào cải lương tuồng cổ lẫy lừng ngày nào đã vĩnh viễn ra đi.

Nét duyên kỳ lạ

Ngọc Đáng là con “nhà nòi”, thân sinh là cặp đôi nghệ sĩ tài danh Tư Minh - Ngọc Xứng nổi tiếng trên sân khấu cải lương tuồng cổ ở các đoàn Phụng Hảo, Tấn Thành, Khánh Hồng... Sinh ra và lớn lên trong đoàn hát, Ngọc Đáng có sẵn “máu nghệ sĩ” trong người. Thuở nhỏ, hàng đêm ngồi trong cánh gà theo dõi cha mẹ và các cô chú diễn, từng điệu, từng bộ, từng động tác vũ đạo đã “thẩm thấu” vào người bà từ lúc nào không hay.

Chú thích ảnh
Lần cuối cùng đứng trên sân khấu của nghệ sĩ Ngọc Đáng là quay chương trình "Chút tình dạ cổ" với nghệ sĩ Ngọc Huyền

Thực lòng, cha mẹ bà không có ý định cho con theo nghề, nhưng thấy Ngọc Đáng bộc lộ năng khiếu từ sớm cũng đã gửi bà vào học căn bản tại Trường Quốc gia Âm nhạc. Sau đó tham gia các đoàn Đồng ấu Minh Tơ, Đồng ấu Ngọc Thạch, Đồng ấu Trường Thạnh… và đến 15 tuổi thì về đoàn Thanh Bình - Kim Mai, cùng với Thanh Bạch, Bạch Mai, Đức Lợi trở thành những ngôi sao trẻ trụ cột của đoàn.

Năm 1973, bà về đoàn Minh Tơ được đàn anh Thanh Tòng dìu dắt, rèn giũa thêm. Sau năm 1975, Ngọc Đáng phiêu bạt khắp các đoàn từ miền Tây ra miền Trung lên cao nguyên, trong đó có thời gian dài gắn bó với đoàn cải lương tuồng cổ Khánh Hồng - An Giang, nơi bà làm đào chính kiêm phó đoàn. Cũng trên sân khấu này, bà đã dìu dắt người đàn em tâm đắc là NSƯT Vũ Linh, cả 2 cũng trở thành liên danh ăn ý được khán giả rất yêu thích. Mãi đến cuối năm 1990, Ngọc Đáng mới quay trở lại đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ ở Sài Gòn. Từ đây, bà cũng lùi lại đóng những vai mụ, làm dàn bao cho phù hợp tuổi tác.

Ngọc Đáng là một trường hợp khá lạ khi nói bà là ngôi sao thì không hẳn đúng, nhưng trên sân khấu thì hiếm ai “sáng” bằng bà. Nhiều người trong nghề nhận định Ngọc Đáng có sức hút kỳ lạ không chỉ với khán giả mà cả bạn diễn đôi khi cũng bị cuốn theo. Cho nên diễn với Ngọc Đáng rất “sướng” vì dễ bắt nhịp cảm xúc cùng tạo sự thăng hoa nhưng cũng khá “nguy hiểm” nếu không vững nghề hoặc lơ là thì bị “chìm” ngay.

Chú thích ảnh
Sự ra đi của NSƯT Ngọc Đáng là mất mát lớn của sân khấu cải lương

Bà từng chia sẻ: “Yếu tố quyết định cho thành công của một người nghệ sĩ là lòng yêu nghề. Đã dấn thân theo con đường nghệ thuật thì đừng sợ khó, đừng phân biệt vai lớn, vai nhỏ mà phải cố gắng hoàn thành tốt nhất vai diễn của mình. Phải yêu vai diễn, có vai là nhào vô, diễn đa dạng các loại vai. Yêu vai không có nghĩa là chỉ chăm chăm vào vai đẹp, vai chính, đôi khi phải chịu xấu, phải chấp nhận làm nhân vật phụ”.

Chính vì thế mà Ngọc Đáng nổi tiếng với khả năng diễn xuất đa dạng: Khi là nữ soái oai phong lẫm lẫm (Đào Tam Xuân, Chung Vô Diệm), khi là bà hoàng sa cơ chất chứa nhiều nỗi niềm (Lý Thần Phi, Bàng Quý Phi), khi là bà mẹ chồng nanh ác (Ngụy Bà)… Đặc biệt, Ngọc Đáng cũng thuộc số ít nghệ sĩ cải lương tuồng cổ thành công ở cả tuồng xã hội, các nhân vật xã hội của bà không có chút pha tạp hay thấp thoáng bóng dáng những nhân vật tuồng cổ mà bà quen diễn.

Mỗi nghệ sĩ thường có một giai đoạn đỉnh cao và dạng vai diễn sở trường thì Ngọc Đáng lại khác. Mỗi giai đoạn trong sự nghiệp của bà đều có những vai diễn tâm đắc và chưa vai nào có thể làm khó bà hoặc bà từ chối diễn, thậm chí còn xung phong thế vai khi nghệ sĩ nào đó bỏ vai hoặc có sự cố. Nhiều lần, trong một tuồng, bà thủ diễn cả vai đào lẫn kép, như vai Lưu Toàn Nghĩa và Ngụy bà trong vở Vụ án Huỳnh Thổ Cang (Con hiền xử mẹ) ở đoàn Nha Trang. “Ngọc Đáng đóng kép nổi tiếng hay đó!” - bà rất tâm đắc với tài đóng kép của mình.

Chú thích ảnh
NSƯT Ngọc Đáng và nghệ sĩ Tuấn Châu trong chương trình Cổ nhạc phương Nam phục vụ kiều bào tại Mỹ

Người nghệ sĩ “hiếm có”

NSƯT Ngọc Đáng là một tài năng hiếm có mà sự nghiệp bền bỉ của bà đã chứng minh điều đó. Nhưng đáng quý hơn cả là một nhân cách cũng đẹp như những vai diễn thời xuân sắc của bà.

Là nữ tướng đầy uy vũ trên sân khấu, nhưng khi cởi bỏ lớp hóa trang, bà lại là một con người rất mực bình dị và vui vẻ. Đồng nghiệp, bạn bè đều nhận xét bà là “người của mọi người”. Ở đâu có mặt bà là ở đó có tiếng cười. Bà luôn tạo không khí vui vẻ, thân thiện trong các buổi tập tuồng với những câu chuyện vui khi đi hát.

Trong các cuộc phỏng vấn, bà luôn tự nhận mình là người lạc quan yêu đời, sống rất vô tư, hầu như không đặt nặng hay bị áp lực bởi vấn đề gì. Với bà, con người phải vui, phải lạc quan mới làm việc hiệu quả được.

Chú thích ảnh
NSƯT Ngọc Đáng quay hình video cải lương

Ngọc Đáng rất quý lớp nghệ sĩ trẻ. Không chỉ chủ động lùi lại làm dàn bao nâng đỡ các nhân tố mới, bà sẵn sàng chỉ dẫn từng ly từng tý, chăm lo, hỗ trợ đàn em từng việc nhỏ, kể cả nhắc tuồng, trang điểm, chuẩn bị phục trang… Luôn nhớ đến đàn anh là NSND Thanh Tòng từng giúp đỡ rèn giũa mình, NSƯT Ngọc Đáng cũng không nề hà truyền kinh nghiệm cho đàn em - những người nối tiếp “giữ lửa” cho nghệ thuật cải lương khi lứa nghệ sĩ của bà ngày một lớn tuổi. Ngọc Đáng từng chia sẻ, bà vẫn phải luôn học hỏi ở những người trẻ. Với bà, là nghệ sĩ càng phải học, lớn tuổi càng phải học nếu không thì sẽ bị đào thải.

Vì vậy, hơn 10 năm trên đất khách, Ngọc Đáng không chỉ tham gia biểu diễn phục vụ khán giả mà còn xuất hiện trong các chương trình giao lưu, mạn đàm giữ gìn văn hóa truyền thống như Cổ nhạc phương Nam, Tiếng tơ đồng, Nghệ thuật cổ kim… trong cả vai trò khách mời diễn thuyết hay MC dẫn chương trình. Cho đến những ngày cuối đời, Ngọc Đáng vẫn là hình mẫu nghệ sĩ chuẩn mực, tiêu biểu mà các thế hệ nghệ sĩ hướng đến học hỏi.

Những giọt nước mắt, những lời chia sẻ thâm tình từ trong nước ra hải ngoại của các thế hệ nghệ sĩ từ bạn diễn lâu năm đến những bạn trẻ chỉ đôi lần hợp tác cùng, là minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng và nhân cách hiếm có của NSƯT Ngọc Đáng.

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm