22/02/2024 07:24 GMT+7 | Văn hoá
Tròn 10 năm trước, vào đúng chiều 30 Tết năm Giáp Ngọ (2014), nhà thơ Nguyễn Đình Chiến ra đi ở tuổi 62 trước sự tiếc thương vô hạn của gia đình, bè bạn, đồng đội cũ và người yêu thơ trong và ngoài nước.
Có duyên biết đến bác sĩ Trần Thị Kim, tôi đã ghé thăm nhà và vô tình biết đến câu chuyện về cuộc đời đầy đam mê, cống hiến với nhiều tâm huyết còn dang dở của chồng cô - cố nhà thơ Nguyễn Đình Chiến. Ông là một người có công trong việc sáng lập ra Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, đồng thời cũng là cha đẻ của tạp chí Người bạn đường. Từ đó tôi chủ động tìm hiểu nhiều hơn về ông qua các tư liệu, các chương trình hội thảo, những hồi ức của nhiều đồng đội và bạn bè đã từng gắn bó.
Một tài năng đặc biệt
Khi ông mất, trong bài viết thương tiếc bạn, nhà thơ Trần Đăng Khoa, người nhiều năm gắn bó với Nguyễn Đình Chiến trong thời gian học tập tại Nga, cho biết: Tài năng văn chương của Nguyễn Đình Chiến phát tiết từ hồi còn học phổ thông.
Bài thơ Gặp lại các em đoạt giải Nhất trong cuộc thi thơ tuần báo Văn nghệ năm 1982 chính là "giấy thông hành" để Nguyễn Đình Chiến đi vào "xứ" thơ. Như lời nhà thơ Trần Đăng Khoa, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi năm ấy, nhà thơ lớn Xuân Diệu, đã phải "đãi" hơn mười vạn bài thơ gửi về dự thi mới lọc ra được một "hạt vàng" Nguyễn Đình Chiến".
Rồi, trong bài báo mang tên Những bài thơ được giải đăng trên báo Quân đội nhân dân tháng 9/1982, nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể rằng khi Xuân Diệu đọc xong bài thơ dự thi của Nguyễn Đình Chiến đã phải buông kính kêu lên:"Ồ, đây mà là thơ ư? Đây là tình cảm. Tình cảm của cậu này mãnh liệt lắm. Mãnh liệt đến không thể kìm giữ được, cứ tràn ra cả lề giấy".
Bài thơ Gặp lại các em viết về sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ trẻ trong cuộc chiến tranh giữ nước ở biên giới phía Bắc đã trở thành một hiện tượng và được đông đảo các chiến sĩ, bạn bè văn chương thời bấy giờ yêu thích. Bài thơ có đoạn:
"Cho anh về sống lại những đêm
Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc
Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất
Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em
Vẫn còn đây tiếng hát hồn nhiên
Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác
Cả tiểu đoàn qua sông ào ạt
Em đập sóng thia lia cho dậy ánh trăng vàng..."
"Đến bây giờ, chỉ ngồi đọc lại mấy câu thơ của anh Chiến mà nước mắt tôi vẫn trào ra. Bởi vì những điều anh Chiến viết không thể nào quên được. Thơ Chiến đã ru những người nằm xuống, vực dậy tinh thần chiến đấu cho bao người ở lại" - Giáo sư, nhạc sĩ Tôn Thất Triêm.
Viết và đọc lại bút ký chỉ bằng trí nhớ
Trong ký ức của Trung tướng Lê Phúc Nguyên - Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân (giai đoạn 2007 - 2014) - Nguyễn Đình Chiến có một bề dày của người lính chiến đã tham gia chiến đấu trên các mặt trận và được đào tạo rất cơ bản về chuyên ngành triết học. Điều này giúp anh viết về quân sự, chính trị mà vẫn rất gần gũi đối với bạn đọc. Hàng loạt các bút ký dài kỳ của anh đã gây tiếng vang trong thời kỳ bấy giờ, nổi bật là Vị Xuyên - bài ca người giữ đất.
"Chiến có trí nhớ rất đặc biệt. Anh đọc cho tất cả nghe các bài bút ký mà không cần phải viết ra. Ví như bút ký Bát-Đom-Boong - Nơi tuyến đầu in tới 7 kỳ trên báo Quân đội nhân dân, anh đọc cho tôi nghe từ chữ đầu đến chữ cuối không cần giấy tờ, văn bản gì" - Trung tướng Lê Phúc Nguyên chia sẻ - "Hay như năm 2004, khi gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh cũng đọc tác phẩm Trường ca Điện Biên Phủ của mình cho Đại tướng nghe mà không sai một chữ".
Còn đại tá Phan Thanh Lê Nguyên, Trưởng ban khoa học, trường Sĩ quan Đặc công, cho biết bút ký Bát-Đom-Boong - Nơi tuyến đầu (đạt giải Nhì cuộc thi bút ký báo Quân đội nhân dân 1983 - 1984) được Nguyễn Đình Chiến viết trong suy nghĩ mà không cần ghi ra giấy.
"Tôi nhìn anh ngồi trong phòng một mình, không thấy viết lách gì cả mà tay chân cứ múa liên hồi, nên nghĩ ông này chắc đi nhiều bị khí ám, hay hâm hâm thế nào. Đến khi anh ấy bước ra khỏi phòng, tôi hỏi viết được gì rồi, anh nói tôi ra ngoài mua 5 bắp ngô về đây rồi sẽ được nghe" - ông kể - "Tôi đã phóng xe ra tận trung tâm Đà Lạt, mua đúng 5 bắp ngô nướng về. Ăn xong, Nguyễn Đình Chiến đọc một lèo cho tôi nghe bài bút ký về Bát-Đom-Boong từ trong trí nhớ".
Tận hiến cho văn chương
Năm 1986, Nguyễn Đình Chiến được gửi sang đào tạo dài hạn tại Học viện Văn học Gorky ở Matxcơva. Sau 6 năm học tập, Nguyễn Đình Chiến đã tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu qua tác phẩm Trường ca Kutuzov và Napoleon.
Nguyễn Đình Chiến là người đồng sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga, được anh em tin cậy bầu làm Chủ tịch Hội (1994 - 1999). Ông cũng được cử làm Tổng biên tập Tạp chí Người bạn đường - tờ tạp chí văn chương dành riêng cho người Việt Nam ở Liên bang Nga. Ít ai biết, Nguyễn Đình Chiến đã phải dùng đến cả những đồng tiền cá nhân với tất cả sự tâm huyết để chăm chút cho những số đầu tiên của tờ tạp chí được ra đời.
Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở Liên bang Nga ra đời đã đáp ứng được nguyện vọng của gần 100 cây bút thơ, văn, nhạc vốn đã và đang học tập, lao động, sinh sống chủ yếu ở Matxcơva, góp phần phản ánh sinh động hình ảnh nước Nga, cũng như đời sống mưu sinh của những người lao động nơi xứ sở bạch dương bằng những trang văn nóng hổi không khí thời cuộc.
Dịch giả Thúy Toàn nhận định sáng tác của các thành viên Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam ở Liên bang Nga chính là kho tư liệu quý về một giai đoạn lịch sử của người Việt trên nước bạn, về tình cảm của nhân dân Nga với cộng đồng người Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Và Nguyễn Đình Chiến chính là một trong những người có nhiều đóng góp to lớn cho các hoạt động và tình hữu nghị của các nhà văn Nga và Việt Nam ở giai đoạn này.
Năm 2000 Nguyễn Đình Chiến về nước, dành rất nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đọc, biên tập, viết hàng ngàn trang tiểu luận phê bình, giới thiệu ra công chúng những giá trị văn chương của bạn văn nghệ sĩ chưa có điều kiện xuất hiện. Bằng trái tim và lòng nhiệt huyết dành cho thơ, ông đã chọn lọc và biên soạn 7 cuốn sách Ngày hội thơ - giới thiệu gần 1.000 gương mặt thơ mới tới bạn đọc cả nước.
Những ngày đầu năm 2024, tôi có mặt ở chương trình Kỷ niệm 10 năm đi xa của nhà thơ Nguyễn Đình Chiến tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tôi chứng kiến các vị tướng lĩnh, nhiều bạn thơ ở những nơi xa xôi, dù tuổi còn niên tráng hay mái tóc đã bạc đầy gió sương vẫn về góp mặt, hòa nhịp ký ức còn thao thức mãi giữa thời gian cùng nhà thơ.
Nhà thơ Vũ Quần Phương bày tỏ sự kính nể về sự sôi nổi của Nguyễn Đình Chiến trên mọi phương diện hoạt động. Còn Giáo sư, nhạc sĩ Tôn Thất Triêm sau khi biểu diễn ca khúc nhạc Nga nổi tiếng "Đàn sếu" để tưởng nhớ bạn xưa đã xúc động bày tỏ: "Đến bây giờ, chỉ ngồi đọc lại mấy câu thơ của anh Chiến mà nước mắt tôi vẫn trào ra. Bởi vì những điều anh Chiến viết không thể nào quên được. Thơ Chiến đã ru những người nằm xuống, vực dậy tinh thần chiến đấu cho bao người ở lại".
Trước đó, sau một lần cùng vợ ông, bác sĩ Kim, thăm mộ của ông trên Yên Bái, khi trở về tôi đã thức trong đêm và viết thành bài thơ Bay như tình Đình Chiến vỗ nhân gian, trong đó có đoạn:
"Nguyễn Đình Chiến - trái tim thơ đỏ dòng máu Việt Nam
Nhưng đập nhịp tâm hồn Yesenin, Chekhov
Thở hơi thở Gogol, Tolstoy, Nazim Hikmet ….
… Nghìn câu thơ nổi trôi về vỗ cánh
Bay như tình Đình Chiến vỗ nhân gian"...
Năm 2018, Nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiến được xây dựng tại Chương Mỹ, Hà Nội và đã trở thành nơi đón tiếp, giao lưu văn chương nghệ thuật của nhiều văn nghệ sĩ và các hội đoàn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất