Nhớ học giả An Chi (27/11/1935 - 12/10/2022): Một tiếng nói phản biện trong học thuật

17/10/2022 07:59 GMT+7 | Văn hoá

Tại sao mỗi cuốn sách của học giả An Chi ra đời lại tạo nên sự tranh luận dữ dội, lẫn hoan nghênh nhiệt liệt? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ cần đọc lại những bộc bạch của An Chi lúc sinh thời, để qua đó, chúng ta có thể hiểu thêm phần nào đó.

Học giả An Chi: Tự lập, tự học và tự trọng

Học giả An Chi: Tự lập, tự học và tự trọng

Lúc 8h30 ngày 14/10 tới đây tại Đường sách TP.HCM, học giả An Chi có buổi giao lưu với độc giả và ra mắt 3 cuốn sách "Những tiếng trống qua cửa nhà sấm", "Câu chữ truyện Kiều" và "Chuyện Đông chuyện Tây tập 7".

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng trích giới thiệu một phần cuộc trò chuyện của học giả An Chi với nhà thơ Lê Minh Quốc:

“Kỳ diệu thay, cuộc sống này dù sắc màu nào đi nữa thì bao giờ cũng còn có những nguồn sáng ở đâu đó. Bao giờ, tôi cũng nghĩ đến những quyển sách mà mình đã đọc. Đọc là học. Trong cuộc đời, tôi là người may mắn. Có lẽ may mắn nhất là tôi có được những người thầy, dù chưa học họ một ngày, hoặc chưa từng gặp mặt nhưng thâm tâm luôn kính trọng họ.

Chừng hơn hai mươi năm trước, tôi rất thích đọc chuyên mục "Chuyện Đông chuyện Tây" trên tạp chí "Kiến thức ngày nay" do cụ An Chi đứng mục. Cụ đã truyền cho tôi cảm hứng bất tuyệt về tình yêu tiếng Việt. Tôi may mắn còn có những người thầy như Alexandre de Rhodes, Huình Tịnh Paulus Của, Lê Ngọc Trụ, Lê Văn Đức, Nam Chi Bùi Thanh Kiên… và nhiều nhà soạn từ điển khác tài ba nhất của nước Nam. Từ đó, tôi càng vững tin đi theo con đường đã chọn, đã nghiên cứu, đã viết: “Văn hóa Việt, nhìn từ tiếng Việt” (NXB TH TP.HCM, 2022).

Chú thích ảnh
Hoc giả An Chi. Ảnh: Phong Quang

Người thầy là gì? Họ là người đưa đò? Tôi nghĩ họ là chính là người truyền cảm hứng, là hiện thân của nhân vật Prometheus trong thần thoại Hy Lạp. Xét theo nghĩa này, mới thấy sự thành công của mỗi đời người, trong đó có ơn của biết bao người thầy. Có thể nói học giả An Chi là một trong những người thầy mà khi cần hiểu một chữ/ một nghĩa nào đó, không riêng gì tôi mà nhiều người lại “làm phiền” đến cụ. Vả, bao giờ cũng thế, trăm lần như một, bao giờ cụ cũng trả lời tận tuỵ và chu đáo cho lớp hậu học.

Tại sao học giả An Chi - một người không có danh xưng như tiến sĩ, giáo sư nhưng tại sao mỗi bài viết, mỗi cuốn sách ra đời lại tạo nên sự tranh luận dữ dội lẫn hoan nghênh nhiệt liệt? Trả ời câu hỏi này, cho phép tôi chia sẻ những gì mà lúc sinh thời cụ đã bộc bạch, qua đó, ta có thể hiểu thêm phần nào.

Cụ kể: “Thời đi học của tôi là năm tháng tươi đẹp nhất. Tôi gắn bó rất nhiều với sách và nhà sách. Tôi có thể cả quyết rằng không có nhà sách nào ở Sài Gòn mà tôi chưa đặt chân tới (thời đó nhà sách đâu có mọc lên như nấm, như bây giờ). Tôi còn có thể cả quyết rằng có nhà sách tôi biết mà nhiều người Sài Gòn không biết. Đó là Tous les livres. Tất cả những người tôi đã hỏi đều biết Albert Portail, một nhà sách danh tiếng trên đường Đồng Khởi hiện nay, nhưng, cũng trên con đường này, Tous les livres thì không ai biết đến. Nhà sách này nằm ở tầng trệt của Grand Café de la Terrasse ngày xưa, nay là cao ốc 10 tầng của khách sạn Caravelle, ngay góc Công trường Lam Sơn và Đồng Khởi.

Từ ngoài bước vào Tous les livres thì có thể dễ dàng nhìn thấy bên phải của tủ quầy, cao khoảng trên 1m, đặt ở giữa nhà, là bộ sách đồ sộ Les hommes de bonne volonté (Những người có thiện chí) 27 quyển của Jules Romains, nhiều năm không thấy ai mua. Tại đây tôi đã mua quyển Jean-Christophe của Romain Rolland. Tôi đã xin mẹ tôi 500 đồng để mua. Mẹ tôi hỏi sách gì mà mắc dữ vậy. Tôi nói là mua nhiều cuốn. Biết tôi là học sinh, cô nhân viên đã trừ cho tôi 1% nên tôi chỉ phải trả 495 đồng. Quyển này cực đắt vì là ấn bản thượng hảo hạng (édition de luxe).

Chú thích ảnh
Học giả An Chi và bà Đinh Thị Thanh Thủy (Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM), đơn vị in ấn, phát hành các tập sách mới nhất của An Chi

Thời đó, tôi còn biết đến một nhà sách “hoạt động đột xuất”, nghĩa là trong một thời gian ngắn rồi dẹp, là tiệm sách Việt Nam, cách rạp Nguyễn Văn Hảo chừng năm, bảy căn, trên đường Trần Hưng Đạo hiện nay. Tiệm này chỉ có một cái tủ nhỏ treo tường và chỉ bày bán sách của NXB Hier et Aujourd’hui, là sách tiếng Pháp thiên về hiện thực xã hội chủ nghĩa, nói chung là thiên tả.

Chẳng phải trước khi vào học trường Tây thì tôi không mua sách, đọc sách. Nhưng sau khi vào học ở đây thì việc đó mới thực sự bắt trớn mạnh và trở nên thường xuyên, khởi đầu bằng việc chấp hành lời dặn của giáo sư chủ nhiệm lớp đầu cấp là mỗi học sinh phải góp một quyển vào tủ sách của lớp. Tôi đã góp quyển Oliver Twist của Charles Dickens, mua tại nhà sách Vĩnh Bảo, lúc đó chưa dời về Lê Lợi hiện nay mà còn ở góc đường Pasteur và Lý Tự Trọng. Tại đây, tôi còn mua nhiều quyển khác, trong đó có Việt Nam văn học sử trích yếu (2 tập) của Hạo Nhiên Nghiêm Toản.

Nhiều người tưởng rằng thời Pháp thì ở Sài Gòn, người ta không thể tìm được sách thiên tả, hoặc sách hiện thực xã hội chủ nghĩa bằng con đường công khai, nghĩa là ở những hiệu sách. Lầm to! Năm 15 tuổi, tôi đã có dịp đọc Ma vie d’enfant (Thời niên thiếu của tôi) của Maxime Gorki, không phải do cán bộ kháng chiến cung cấp, mà mua tại Albert Portail. Tôi cảm thấy một niềm sung sướng thầm kín rất khó diễn tả vì lần đầu tiên mình được đọc một tác phẩm của Nga, mà lại là Nga cách mạng nữa và bây giờ, sau 66 năm, tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của ông ngoại với Alexis: “Tu n’es pas une médaille que je puisse porter à mon cou. Va-t’en plutôt par le monde!” (Cháu không phải là cái mề-đai ta có thể đeo [mãi] ở cổ. Tốt nhất [cháu] hãy dấn bước vào đời).

Sau Thời niên thiếu, Gorki còn có tiếp En gagnant mon pain (Trên đường kiếm sống), rồi Mes universités (Những trường đại học của tôi). Hai quyển này, tôi cũng mua được ở Portail.

Chú thích ảnh
Tập 5 của bộ sách “Rong chơi miền chữ nghĩa” đã hoàn thành, kịp in ấn

Vì cũng yêu mến các nhà văn tiến bộ của Pháp nên gặp quyển Le silence de la mer (Sự im lặng của biển) của Vercors thì tôi mua liền. Vercors là một nhà văn kháng chiến (chống phát xít Đức) và đồng sáng lập viên của NXB Minuit. Quyển này, tôi mua tại Bích Vân thư xã, trên đường Trần Hưng Đạo hiện nay. Đây là nơi tổng phát hành của NXB Minh Tân bên Pháp; ở đây tôi luôn luôn được trừ 5% vì tôi là khách hàng - học sinh, mà lại quen đến … nhẵn mặt.

Gia đình tôi là cơ sở kháng chiến nên từ sớm, khoảng mười ba, mười bốn tuổi, tôi đã thích sách thân kháng chiến hoặc có nội dung chống Pháp. Hồi đó, tôi rất thích Cái chết của anh tiểu đội trưởng Người vợ tù của Bùi Nam Tử, Nam Bộ chiến sử của Nguyễn Bảo Hóa và nhiều quyển khác cùng loại. Rồi sở dĩ sau đó tôi thích văn học thiên tả là do chịu ảnh hưởng của nhóm Chân trời mới mà nòng cốt là Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc. Nhóm này chủ trương xu hướng “tả chân xã hội”.

Tôi có hầu như tất cả những tác phẩm chính của nhóm này, do nhà Nam Việt xuất bản. Tôi đã tìm đọc hoặc mua được những tác phẩm chính của nước ngoài mà nhóm này giới thiệu và đề cao như Le Talon de Fer (Gót sắt) của Jack London, Les Raisins de la Colère (Những quả nho của sự phẫn nộ) của John Steinbeck, La Mère (Người mẹ) của Maxime Gorki, Tom Paine của Howard Fast.

Có lần, khi giáo sư Pháp văn ra đề luận đại ý là “Hãy thuật lại và nhận xét về một quyển sách mà em đã đọc” thì tôi đã thuật quyển Les Raisins de la Colère (Những quả nho của sự phẫn nộ) của John Steinbeck rồi kết luận rằng giấc mơ viếng thăm nước Mỹ của tôi đã tiêu tan. Bà giáo sư đã nhận xét nguyên văn như sau: “Il ne faut pas juger catégoriquement un pays d’après un livre.” (Không nên phê phán gay gắt một đất nước qua một quyển sách).

Chú thích ảnh
Bộ sách “Rong chơi miền chữ nghĩa” (5 tập) sẽ được tái bản, bổ sung

Tôi biết đến nhiều con đường ở Sài Gòn - Chợ Lớn là nhờ việc đi tìm sách mà tôi cho là một nhu cầu về tri thức hơn là một cái thú chơi sách. Nhưng cũng có khía cạnh thuộc về… thú chơi sách. Chẳng là với những quyển sách mà tôi khoái dữ thì tôi đều đem đóng bìa da, mà còn chơi “bọc trụm” nữa, chứ không chỉ bọc gáy và bốn góc bìa. Nhớ lại mới thấy thời học sinh mình mua sách thoải mái thật vì ăn chưa no lo chưa tới, không nghĩ đến chuyện làm ra tiền có vất vả hay không hoặc vất vả như thế nào.

Thời đó, mẹ tôi phát tiền tuần cho tôi; số tiền đó đủ cho tôi ăn quà và mua sách. Tôi đã mua được tất cả những tác phẩm trong tủ sách “Cổ văn Việt Nam” của NXB Tân Việt, từ Truyện Thúy Kiều, Truyện Hoa tiên, cho đến Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng, Bần nữ thán, v. v.. Tôi cũng mua được nhiều quyển trong tủ sách “Les pages immortelles” (Những trang bất hủ) thuộc NXB Corréa, như những trang của Diderot, Descartes, Marx, v.v..

Tôi không thể kể hết tên những quyển sách tôi đã mua. Tuy tủ sách của tôi hồi đó chỉ là của một học sinh trung học nhưng nghĩ đến nó, lúc nào tôi cũng cảm thấy hãnh diện”.

Cuốn sách đã khiến cụ thay đổi cái nhìn về cuộc đời là quyển sách nào? Học giả An Chi kể:

“Năm 15 tuổi, tôi đã có dịp đọc Ma vie d’enfant (Thời niên thiếu của tôi) của Maxime Gorki, không phải do cán bộ kháng chiến cung cấp, mà mua tại nhà sách Albert Portail. Tôi cảm thấy một niềm sung sướng thầm kín rất khó diễn tả vì lần đầu tiên mình được đọc một tác phẩm của Nga, mà lại là Nga cách mạng nữa và bây giờ, sau 66 năm, tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của ông ngoại với Alexis: “Tu n’es pas une médaille que je puisse porter à mon cou. Va-t’en plutôt par le monde!” (Cháu không phải là cái mề-đai ta có thể đeo [mãi] ở cổ. Tốt nhất [cháu] hãy dấn bước vào đời)”.

Tâm tình của học giả về sự “tự học” của năm tháng hoa niên là vậy. Có thể nói không ngoa, chính tình yêu sách là làm nên tên tuổi của cụ. Thế nhưng, có một điều cần ghi nhận, chẳng hạn về tiếng Việt, ban đầu cụ chịu ảnh hưởng sâu sắc với bộ sách Chính tả Việt ngữ của nhà ngôn ngữ học lừng danh của miền Nam là Lê Ngọc Trụ. Nhưng rồi, sau khi khi tập trung nghiên cứu thì cụ cho biết “có những vấn đề cần xem lại”. Tư duy này rất đáng ghi nhận ở cụ, tức là dám đặt lại những vấn đề mà lâu nay ai cũng nói thế, hiểu thế để tìm cách lý giải mới, và khác trước. Toàn bộ sách của cụ như Câu chữ Truyện Kiều, Chuyện Đông chuyện Tây, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Rong chơi miền chữ nghĩa… đã phản ánh rất rõ một tư duy phản biện, có trách nhiệm với những gì đã viết.

Về cuối đời, một điều khiến cụ hài lòng và sung sướng nhất vẫn là tập 5 của bộ sách Rong chơi miền chữ nghĩa đã được hoàn thành in ấn. Hơn cả thế, bà Đinh Thị Thanh Thuỷ - giám đốc NXB TH TP.HCM đã thưa với cụ: “Tụi con sẽ thực hiện lời hứa tái bản, bổ sung, hoàn chỉnh trọn bộ 5 tập "Rong chơi miền chữ nghĩa" trong một diện mạo mới”. Thông tin này còn là tin vui cho những ai lâu nay đã tin, đã ngưỡng mộ về tri thức uyên bác của học giả An Chi. Và, chắc chắn chúng ta hài lòng bởi ở đó còn là sự phản biện rất cần thiết trong không khí học thuật hiện nay.

Lê Minh Quốc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm