Học đá bóng Brazil: 'Ừ, con cứ đá bóng. Nhưng hãy vào đại học'

17/06/2014 15:06 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Đứa trẻ nào ở Brazil cũng mơ trở thành Neymar. Nhưng những người mẹ lại muốn con đi học chữ đàng hoàng, vào đại học, mai sau trở thành kỹ sư, bác sĩ...

Dân Việt mình thích bóng đá thì rõ rồi. Nhưng vẫn chưa thấm vào đâu so với Brazil. Ở đây chỉ có bóng đá. Tất nhiên vẫn có một số người chơi các môn thể thao khác, nhưng hiếm lắm. Hiếm đến mức đi ngoài đường chỉ thấy người ta mặc áo đội tuyển Brazil, Real Madrid, Barcelona, Milan... chứ chẳng thấy ai cầm vợt tennis.

Đứa trẻ nào cũng mơ trở thành Neymar

Chúng tôi tìm đến một sân bóng “phủi” dành cho người dân ở Sao Paulo, nằm bên trong một công viên yên bình và rất thơ mộng. Ở Việt Nam, không có chuyện sân bóng nằm trong công viên. Ở đây, sân 11 người hẳn hoi. Dù chỉ là sân rất bình thường, nhưng lại được tổ chức rất chuyên nghiệp. Có hàng rào bằng sắt cao vút. Có gần 10 bảo vệ đứng trông, với trang phục như cảnh sát.

Khi chúng tôi có ý định quay phim, bảo vệ liền chạy đến nhắc nhở, yêu cầu không được quay. Qua sự trợ giúp ngôn ngữ của một người dân, chúng tôi giải thích rằng chúng tôi là người Việt Nam, đến Brazil vì World Cup, muốn tìm hiểu về đất nước, con người, văn hóa và đặc biệt bóng đá Brazil. Các nhân viên bảo vệ tỏ ra rất thích thú, nhưng phải gọi điện xin phép “boss” (ông chủ). OK, nhưng chỉ 15 phút thôi.

Bên cạnh sân 11 có mấy sân nhỏ dành cho các đứa trẻ gần đấy đến chơi bóng. Đứa thì 8 tuổi, đứa thì 11 tuổi... Bố mẹ chúng vẫn đi cùng con đến sân, vừa trông, vừa xem con mình chơi bóng, và cảm thấy hạnh phúc khi con mình được đắm mình trong đam mê.

Gần như đứa trẻ nào ở Brazil cũng mê bóng đá. Cháu nào cũng bảo “mơ sau này trở thành Neymar”. Hỏi vì sao thì một cháu bảo “Neymar mới là cầu thủ số 1 thế giới, hay hơn Messi”. Cháu khác thì “chú ấy nổi tiếng thế cơ mà. Cháu thích nổi tiếng, ngày nào cũng lên tivi”. Cháu lớn nhất thì bảo “Cháu muốn sau này giàu có như Neymar. Giàu có thích lắm. Mua gì cũng được. Cháu sẽ tha hồ ăn đồ McDonald's”.

Nhưng đại học mới là thực tế

Tài năng, nổi tiếng và giàu có, ai chẳng mơ. Nhưng mẹ của chúng thì phải thực tế. Người mẹ ở đâu cũng giống nhau, luôn lo xa. Một bà mẹ có tên Camelia thổ lộ: “Tôi biết làm cầu thủ chuyên nghiệp kiếm được khá nhiều tiền. Nhưng ở đây có hàng triệu đứa trẻ đá bóng mỗi chiều. Khó lắm. Khó trở thành cầu thủ chuyên nghiệp lắm. Tôi muốn con mình đi học, sau này trở thành giáo viên hay kỹ sư gì đó”.

Theo một cuộc điều tra mới đây, ở vùng Đông Nam Brazil, trong đó có Sao Paulo và Rio de Janeiro, nghề cầu thủ không thể chen chân vào Top 20 nghề hứa hẹn nhất. Đứng đầu là kỹ sư dân dụng. Kế đến là giáo viên. Vâng, là giáo viên, đừng ngạc nhiên. Ở Việt Nam, giáo viên không phải là nghề hứa hẹn, đặc biệt ở khía cạnh kinh tế. Ở đây thì khác, kiếm tiền rất tốt, đặc biệt là giáo viên dạy tiếng Anh.

Rất ít người Brazil biết tiếng Anh. Nhưng ở các thành phố lớn, khi lượng khách du lịch kéo đến nhiều, nhu cầu học tiếng Anh để giao tiếp, để trở thành hướng dẫn viên du lịch (xếp thứ 3 trong danh sách Top 20) ngày càng tăng. Các nghề liên quan đến marketing, truyền thông, công nghệ, tài chính... cũng rất “hot”.

Camelia cũng là phóng viên như chúng tôi, thuộc một đài truyền hình. Thu nhập khá ổn, không quá lo toan về mặt kinh tế dù cuộc sống ở Sao Paulo rất đắt đỏ. “Ở đây, những gia đình trung lưu và thượng lưu không muốn con mình theo nghiệp đá bóng. Chỉ những đứa trẻ nhà nghèo, khu ổ chuột mới đi đá bóng thường xuyên. Chúng không được đi học nên đi đá bóng, mơ làm cầu thủ”, bà Camelia cho biết.

Bóng đá vẫn là đam mê lớn nhất ở đây. Và vẫn là lối thoát cho một tầng lớp. Nhưng rất bấp bênh. Những cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ Brazil tổ chức World Cup đã diễn ra trong suốt thời gian qua. World Cup không có tội. Người Brazil luôn chờ đợi ngày World Cup trở lại với đất nước họ.

Đó là cơ hội để họ gặp gỡ người hâm mộ trên khắp thế giới, và ai cũng ngạc nhiên một cách thích thú khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam. Nhưng nhiều người tin rằng, đây là lúc đầu tư để đào tạo ra những kỹ sư, giáo viên chứ không phải ném tiền tỷ vào World Cup.

Brazil vẫn là ứng viên số 1 cho chức vô địch World Cup năm nay, nhất là sau khi ĐKVĐ Tây Ban Nha thua Hà Lan tan tác ở trận ra quân. Nhưng số cầu thủ xuất chúng không còn nhiều như trước, cái thời mà Brazil từng tuyên bố rằng họ có thể chia ra 3, 4 đội hình, đủ mạnh để vô địch World Cup.

Có lẽ vì ngày càng có nhiều bà mẹ chọn con đường đại học cho con mình.

Bên lề

Người Brazil cổ vũ cho Bosnia & Herzegovina

Số lượng các cổ động viên Argentina tại Maracana hoàn toàn áp đảo các CĐV Bosnia & Herzegovina. Có khoảng 50.000 CĐV áo trắng xanh trên khán đài trong khi số CĐV Bosnia có lẽ chỉ khoảng 2000. Nhưng đội bóng châu Âu nhận được sự ủng hộ của các khán giả Brazil. Họ hò reo ăn mừng không khác gì đội chủ nhà ghi bàn khi Ibisevic rút ngắn tỉ số xuống 1-2 cho Bosnia. Rõ ràng người Brazil chẳng ưa gì ông bạn hàng xóm Argentina.

Đụng độ nhỏ sau trận đấu

Lại là va chạm giữa CĐV Argentina và Brazil. Sau trận ở khán đài B, có một số CĐV có lời lẽ qua lại và suýt lao vào ẩu đả. Rất may lực lượng an ninh đã ngăn chặn kịp thời. Không có ai bị bắt, có vẻ đó là những CĐV “quá chén”.


ĐỨC LỘC (từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm