Nhiều người đến với văn chương mạng như một thú giải trí

22/07/2009 16:14 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Đã xuất bản gần chục đầu sách gồm truyện ngắn, tiểu thuyết…, đến tiểu thuyết Blogger (NXB HNV & Bách Việt, 2009) nhà văn Phong Điệp đã thể hiện sự “lột xác”, vượt qua chính mình bằng cách chọn lối viết làm khó cho độc giả khi tiếp cận, “gây hấn” với phương cách tiểu thuyết chương hồi thường gặp. Phải chăng vì lẽ đó, Ban Công tác nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam chọn Blogger (cùng với tập truyện ngắn Kẻ dự phần) là điểm nhấn sáng tác của Phong Điệp trong buổi tọa đàm hôm qua, 21/7.

* Khi còn ở Blog! 360, hiếm khi thấy chị viết entry, “nhà” thì sơ sài đồ đạc, hầu như không trang trí gì, gửi quick comment một tuần sau mới thấy hồi âm, thế mà lại lấy blogger làm ý tưởng viết tiểu thuyết?


Nhà văn Phong Điệp

- Với tôi, có một nick ở blog giống như một chìa khóa để thâm nhập thế giới mạng. Tôi là người lười viết blog nhưng rất chăm đọc blog. Đọc như một cách khám phá thế giới của người trẻ hiện nay. Và thực sự, khi khám phá thế giới ấy tôi hoàn toàn bị bất ngờ với một “thế giới mạng” sôi động và rất nhiều sắc thái cảm xúc. Tôi rất tâm đắc một câu, đại ý: thực tế luôn phong phú hơn sự tưởng tượng của con người.

* Giờ sở hữu một website, blog lẫn facebook, chị có hứng thú với việc đưa tác phẩm của mình lên mạng để tăng lượng độc giả không?


Tiểu thuyết “Blogger” của Phong Điệp
- Tôi không có ý định post lên mạng tác phẩm của mình khi nó còn đang dở dang, một phần vì cảm thấy điều đó khiến mình có thể bị phân tán, đứt đoạn tư duy khi sáng tác, một phần vì thấy mình sẽ là một người có lỗi khi trưng ra một tác phẩm chưa hoàn thiện. Giống như tôi không thể mặc một chiếc áo mà nó còn chưa được ráp xong tay hoặc thiếu cổ áo (cười).

Thời gian qua, người ta hay nói nhiều về văn học mạng. Đó cũng là một khuynh hướng hiện nay, và những tác giả chọn cách sáng tác này - họ thực sự được kích thích khi sáng tạo trong sự tương tác với độc giả. Trong sáng tác, mỗi người sẽ tự lựa chọn một cách thức phù hợp nhất. Còn tôi nghĩ mình hợp hơn khi “tác chiến” một mình.

* Thực tế cho thấy chất lượng nhiều tác phẩm văn học mạng còn ở mức trung bình. Người viết khó làm chủ được ngòi bút của mình khi liên tiếp nhận được phản hồi của bạn đọc và sau đó chịu chiều theo thị hiếu bạn đọc…

- Thực ra qua quan sát của bản thân tôi thấy khi đến với văn học mạng, nhiều tác giả coi đó như một thú giải trí và thử nghiệm khả năng viết lách. Họ không coi văn học là con đường lâu dài để theo đuổi. Mới đây Yahoo Plus có tổ chức một cuộc thi viết lách trên mạng. Rất nhiều người thấy tò mò về cuộc thi thì nhảy vào tham dự, sau đó họ thậm chí có thể chẳng viết lách gì nữa.

* Vậy trường hợp như Nguyễn Thế Hoàng Linh, sau này là Keng, sau khi tác phẩm mạng được in thành sách, họ tuyên bố từ bỏ công việc (học hành, kiếm tiền) đang làm để tập trung vào việc viết?

- Rõ ràng là họ có niềm đam mê với văn chương dù có thể thời gian ban đầu họ có thể chỉ định “ghé thăm” văn chương trong chốc lát. Tuy nhiên ở đây nên nhìn nhận một cách rạch ròi hơn: Để đi dài với văn chương cần hai yếu tố: Một là bản thân người viết thực sự đam mê, quyết tâm theo đuổi văn chương và hai là nội lực của chính họ. Mong muốn thôi chưa đủ. Người viết cần phải có khả năng thực sự. Nói một cách hình ảnh: Văn học như một cuộc chạy đua đường trường, muốn chạy đến đích anh cần có đủ sức khỏe để chạy, nếu không sẽ phải bỏ cuộc giữa chừng.

* Xin cảm ơn chị.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm