13/02/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tròn mười năm cầm máy ảnh để theo đuổi niềm đam mê đặc biệt với giếng làng, Lê Bích gọi đó là một khối nam châm khổng lồ và “hút lấy tôi như hút một chiếc kim nhỏ bé”.
1. Hành trình đi qua hơn 200 ngôi làng, với hơn 300 chiếc giếng cổ và hàng ngàn bức ảnh của anh được khởi xướng từ năm 2011, khi Bích nhận ra giếng là... tình yêu của mình.
Đó cũng là thời điểm, anh bỏ việc tại một công ty bất động sản để trở thành một nhiếp ảnh chuyên nghiệp ở tuổi xấp xỉ 40. Trước đó, Bích có 6 năm cầm máy ảnh và thường xuyên “tha thẩn” ở các làng quê trong mỗi dịp cuối tuần. Khởi nguyên của mọi thứ nằm ở một câu chuyện cá nhân: Là con trai của một họa sĩ, anh thường theo bố về quê vẽ ký họa từ nhỏ.
“Tôi luôn thích về các làng quê chụp ảnh. Tại đó, trong cách cư xử với nhau, chúng ta gặp những nét dân dã, chất phác và hồn nhiên mà các đô thị lớn không còn. Là khách lạ, bạn vẫn có thể được người ta thoải mái mời vào nhà ăn củ khoai, uống bát nước chè xanh hoặc thậm chí là ngả lưng nếu quá trưa” - anh kể - “Mỗi chuyến đi ấy, tôi lại quẩn quanh với ý nghĩ: Giá mình có thể chụp được những bức ảnh ghi lại hồn cốt và thần thái của từng ngôi làng”.
Giếng cổ, không hẹn mà gặp, cứ ẩn hiện trong những bức ảnh của Bích khi đó. Chúng là những chiếc giếng cổ rất đẹp ở chùa Trầm, chùa Vô Vi hay chùa Trăm Gian, là những bàn thờ thần bên cạnh giếng, là cách mà người dân quê mặc định dành trọn không gian quanh nó làm nơi sinh hoạt tập thể trong làng. Rồi, khi quẩn quanh Hà Nội, anh gặp thêm những chiếc giếng cổ ở đền Bạch Mã đình Yên Thái, ở nơi thờ Mẫu Ỷ Lan trong ngõ Tạm Thương. Và cả những chiếc giếng dân sinh trong các hộ dân tại phố Hàng Bông, Hàng Trống, ngõ Hàng Chỉ...
Bích nhận ra: Có cả một văn hóa giếng không chỉ ở các miền quê mà ngay trong lòng Hà Nội, nơi mình sống. Để rồi, khi nghỉ việc và theo đuổi nhiếp ảnh một cách trọn vẹn, hành trình của anh thật sự bắt đầu.
Một thập niên từ cái mốc 2011 ấy là những chuyến đi khắp Việt Nam từ Tây Bắc cho đến mũi Cà Mau của Bích. Xen giữa đó là những lần phóng xe máy quanh Hà Nội hoặc xuống các làng ven đô để tìm giếng cổ và lân la trò chuyện với người dân - dù lắm khi bị “đuổi như đuổi tà”. Chưa hết, còn cả những lần gặp giới khoa học để hỏi tỉ mỉ về địa điểm, độ sâu, niên đại, hiện trạng... của từng chiếc giếng.
2. Giếng cổ không chỉ thu hút Bích bởi cách xếp gạch, vết chạm khắc trên thành giếng, màu nước hay lớp rêu phong. Xa hơn thế, dù là giếng hình tròn, chữ nhật, bán nguyệt hay bát giác, dù là giếng có thành xây bằng gạch, bằng đá ong, xếp đá hay giếng đất đơn sơ, tất cả đều là chứng nhân của những câu chuyện đặc biệt về cách con người ứng xử với kiến trúc này.
“Chúng ta thường nhìn giếng để nhớ về làng, về dòng họ hay những ký ức tuổi thơ. Nhưng với những người trung niên trở lên, giếng là một hệ giá trị tâm linh thật sự” - Bích nói - “Đó là nơi tụ thủy tích phúc, là nơi trời đất giao hòa, là nơi mà những giá trị về sự nhân ái và chan hòa của người Việt được đề cao, khi bất cứ ai trong cộng đồng đều có quyền tới đây lấy nước”.
Ngồi với người viết, Bích say sưa kể về hơn 200 chiếc giếng mà anh tạm phân loại theo các nhóm khác nhau: Giếng vùng cao Tây Bắc, giếng làng Bắc Bộ, giếng trong lòng phố cổ Hà Nội, giếng miền Trung, giếng Nam Bộ, giếng Hoàng cung... Mỗi chiếc giếng ấy lại gắn với chuyện riêng về văn hóa, tập quán và tâm linh của người dân bản địa.
Như anh kể, ở Tây Bắc, người Mông sống trên núi cao nhưng vẫn có giếng đá nằm giữa thung lũng hoặc những giếng đá nằm ở ngã ba đường. Người Tày dùng giếng khơi, đào ở lưng đồi xuống khoảng 2 - 4 mét, phía trên lợp mái cọ. Còn người Nùng lại có những giếng nước tập thể gọi là “mó”, nước trong, mát lạnh và luôn được lưu thông tuần hoàn theo nguồn nước. Hay, ở Nam Bộ, giếng cổ hoặc nằm ven bờ biển để thuận tiện cho tàu cá khi xưa vào lấy nước ngọt, hoặc nằm trong các đình, chùa, miếu để tiện thờ cúng.
Riêng với miền Trung, Bích hào hứng nói về quan niệm của người Chăm: Nước giếng không phải đào dưới đất như phía Bắc mà được dẫn từ triền đồi về qua các máng đá cổ. Anh kể, ở Gio An (Quảng Trị), đồng bào Chăm xếp đá làm thành giếng và phân dòng nước theo các tầng bậc rất rõ ràng: Nước ở tầng cao nhất để cúng thần, tầng thứ hai để ăn, tầng thứ 3 để tắm giặt hoặc cho trâu bò uống, rồi lại tầng cuối lại có một hệ máng đá riêng để tươi tiêu cho đồng ruộng. Rồi ở Ninh Thuận, giếng Chăm lại làm bằng gỗ, chia thành giếng riêng cho nữ và nam...
3. Cũng chẳng có gì lạ, khi Lê Bích hiểu và dành tình cảm lớn nhất cho những chiếc giếng tại miền Bắc, nơi anh sinh ra. Ở đó, giếng là một phần của bộ ba “cây đa – giếng nước – mái đình”, là nơi dân làng lấy nước để lễ Phật, tế Thành hoàng trong tuần tiết hoặc dùng tắm thánh (Mộc dục) trong hội làng. Rồi, vào năm mới, dân làng lại tát giếng, thau giếng hoặc gánh nước giếng về nhà sau giao thừa để cầu mong sự đủ đầy, hòa thuận.
Bởi thế, dịp Xuân mới, Bích thường “tha thẩn” bên những chiếc giếng làng trong ngày hội. Có năm, anh kì cạch tới đón giao thừa ở Chàng Sơn (Thạch Thất) để ghi lại cảnh người dân lấy nước giếng dâng cúng Thành hoàng trong thời khắc chuyển giao năm mới. Rồi có năm, Bích đến hội làng Giàn, nay là thôn Cáo Đỉnh (Xuân Đỉnh) và chứng kiến lễ rước nước giếng với những điệu múa sinh tiền, nơi người dân luôn mong gánh “nước thánh” ghé qua nhà mình để gặp nhiều may mắn.
Thậm chí, trong phố phường Hà Nội, những chiếc giếng cũ cũng là một thế giới đặc biệt, theo lời Bích. Đó là giếng Trung Kính Thượng ở phố Nguyễn Ngọc Vũ có cây hoa sữa kề bên, với lời kể rằng phụ nữ xưa thiếu sữa nuôi con chỉ việc sắm lễ tới giếng để cầu rồi bứt một cành hoa về treo trong nhà. Rồi giếng Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) dưới đáy có ba phiến gỗ lim, hằng năm dân làng vẫn đem nước đi cúng Thánh; giếng cổ thời Trần ở Hoàng thành Thăng Long có thành xếp gạch hình xương cá; và cả chiếc giếng trong ngõ Hàng Chỉ đã được người dân biến thành quán cà phê Giếng Cổ luôn hút khách ra vào...
Chục năm trong hành trình ấy, Bích nói rằng cuộc sống của mình thú vị hơn trước. Ngoài ảnh, anh có thêm kiến thức và cả những người bạn mới - khi mà rất nhiều trong số họ đang sống xa tổ quốc và gửi thư cám ơn Bích vì được dịp ngắm lại chiếc giếng cổ tại làng mình qua ảnh.
Rồi, Bích kể về chiếc giếng cổ nằm ở cuối làng Thượng Hội (Đan Phượng, Hà Nội). Giếng hình bầu dục, dân làng gọi đấy là tấm gương lớn, người dân khi ra khỏi làng hoặc lúc quay về đều có dịp soi mình. Nó khiến anh nhớ tới một nhận xét của họa sĩ Lê Thiết Cương. Rằng, giếng là nơi sâu nhất của làng. Sâu nhất, thấp nhất cũng có nghĩa là nơi chứa đựng được nhiều nhất. Cho nên, lòng giếng cũng là lòng làng, lòng người vậy.
Cúc Đường
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất