Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Cô giáo từ Thủ đô về

20/11/2020 10:36 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Năm lớp 8, chúng tôi đón cô giáo Cương từ Hà Nội vừa lên. Cô mới ra trường, làm chủ nhiệm lớp, dạy môn sinh vật… Thấm thoắt câu chuyện đã gần 60 năm rồi.

Lời chúc 20/11 tình cảm nhất gửi tới thầy cô giáo

Lời chúc 20/11 tình cảm nhất gửi tới thầy cô giáo

Ngày 20/11 đã tới, điều mà nhiều người trong chúng ta quan tâm là làm sao để có những lời chúc dành tặng thầy cô hay nhất, ý nghĩa nhất.

Trong trí nhớ của tôi, cô rất xinh, lại hiền hậu. Chẳng hiểu sao cô lại quý tôi, cô nhận tôi là em nuôi. Cô cũng có thằng em tên là Bảng xấp xỉ tuổi tôi nhưng Bảng cao ráo đẹp trai linh hoạt, giống chị nhất ở cặp mắt một mí tròn trịa, nhưng không ti hí mắt lươn, nên trông cũng lành.

Bảng được cô dắt lên Đại Từ (Thái Nguyên) cũng học lớp 8 như tôi. Không thấy vẻ gì khác biệt, nhưng mấy tuần sau nghe nói nó đã đi bắt trộm ngỗng của người trong xóm. Vụ việc vỡ lở, tôi nghe ngạc nhiên lắm. Những năm đầu thập niên 1960, Đại Từ cũng là xứ “u tì”, dân lành như đất, thật thà đến tận ngón chân. Chúng tôi cũng thế, nên nghe chuyện trộm cắp là thấy ghê ghê, muốn xa lánh. Mà Bảng có vẻ cũng chẳng thích chơi cùng chúng tôi, bọn quê quê!

Chuyện Bảng em cô giáo đi trộm ngỗng nhiều người biết. Giờ thì hiểu là vì ở cái tuổi hiếu động, nghịch quá giới hạn thôi, nhưng bọn tôi thì ghê. Nghĩ là nó xấu lắm. Cô không nói gì nhưng tôi biết chắc cô cũng đau lòng và xấu hổ lắm!

Sau này mới biết thêm là ở Hà Nội nó thuộc diện “trèo me trèo sấu”, sểnh ra là nhảy tàu điện, tuy chưa ăn cắp, móc túi nhưng cứ để tiếp diễn thì có thể là tương lai sẽ thế. Gia đình sợ, bắt cô dắt thằng em lên xứ khỉ ho cò gáy để “cai” sự nghịch ngợm của nó, nhưng nào nó có chừa. Vài tuần đã gây chuyện.

Năm 1961, vào tháng 3, cánh đồng lúaYên Huy gần khu trường đang thì con gái bỗng nhiên thấy sâuphá lúa bỗngsinh ranhư từ trên trời rơi xuống. Lúc người dân biết thì chúng đã nở dày như rươi. Một gốc lúa mươi mười lăm con sâu xanh béo nần to gần bằng đầu đũa. Nó cắn lúa như trâu ăn, xoẹt ngang thân sát gốc cả khóm tựa như liềm cắt. Từng đàn chim sáo kéo về đông nghịt, chúng nhảy nhótăn sâu no nê, có con no quá bội thực lăn quay ngay trên ruộng. Vậy mà sâu chẳng bớt cho.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ cô giáo Cương qua trí nhớ của tác giả bài viết

Đám sâu sinh sôi liên tục ngày đêm ứ dưới ruộng, bò tràn lên bờ nhầy nhụa. Lúc đó chưa có thuốc trừ sâu nào phun diệt. Thế là cả trường bỏ học, mỗi trò một ống nứa, một cái gắp đi giúp dân bắt sâu ở từng gốc lúa. Cứ đầy ống lại đổ vào cái sọt to để ở góc ruộng, sau đem cân tính công rồi đem chôn.

Lúc ấy nhà trường phát động thi đua bắt sâu, xem ai được nhiều nhất. Có khen nhưng chỉ khen gió, không giấy tờ gì. Có ngày một trò nhỏ bé như tôi bắt đến chục cân sâu. Ban đầu còn gắp, sau quen rồi cứ vuốt các gốc lúa bốc sâu bỏ vào ống. Tay mũi tanh nồng phát lợm. Có đứa yếu, hít mùi tanh của sâu không chịu nổi,cũng say nôn mửa…

Tất nhiên đi bắt sâu có cả thầy và trò. Cô Cương chủ nhiệm cũng vén quần xắn tay ngại ngần bước xuống ruộng lúa. Cô người Thủ đô, biết bùn đất là gì, dính tí nướcruộng đã sợ mà lại phải đi bắt sâu thì đủ biết cô căng thẳng đến thế nào mà đâu dám kêu ca. Trò như tôi vốc vài chục con bỏ ống thì cô chưa gắp nổi một con.

Tôi vừa nhặt sâu thỉnh thoảng lại ngó sang cô ở phía xa. Bỗng thấy cô loay hoay như gà vướng tóc, tôi chạy lại thì có chuyện thật: Cô đang cuống quýt cầm ống nứa đựng sâu cố gắng một cách bất lực gạt gạt con đỉa bám ở bắp chân, mắt nhắm nghiền ngoảnh nơi khác, nước mắt hoen trên má. Xung quanh đám trò mải nhặt sâu chẳng đứa nào để ý vì cô không dám kêu.

Tôi đến nơi, vội thò tay dứt con đỉa trâu (loại đỉa to) đang bám chặt chân cô ném ra xa. Một dòng máu từ bắp chân chảy loang. Cô lúc này mới qua cơn hoảng loạn, nhìn tôi với lòng biết ơn nhưng cô không nói được gì.

Cô ở trường 2 năm rồi sau chuyển về trường Lương Ngọc Quyến ở dưới thị xã Thái Nguyên. 2 năm ấy cô cũng một lần cuốc bộ từ trường xa 5km lên tận nhà thăm bố mẹ tôi. Cô ăn 1 bữa cơm và chuyện trò khen tôi ngoan học giỏi trước mặt bố mẹ. Lúc ấy tôi hãnh diện lắm.

Gần 60 mươi năm rồi, ký ức về cô cũng nhòa mờ. Được biết cô chuyển vào TP.HCM sau khi nghỉ hưu, không có dịp nào gặp lại.

Nhớ cô là người xinh đẹp và hiền hậu, tận tình với học trò.Một cốt cách Hà Nội chuẩn mực. Trò lỡ nói câu gì hơi thô thiển là cô nhăn mặt nhắc nhở. Nhưng lứa học trò bọn tôi thời ấy rất ngoan, biết nghe và sửa khi bị nhắc.Cũng nhờ cô mà biết thế nào là chửi tục nói bậy. Mà lúc ấy nhỏ nhoi gì, tuổi 15, 16 cả rồi. Cô nằm trong tốp nhà giáo hiếm hoi một thời của nền giáo dục nước nhà.

Nhà bố mẹ cô ở phố Hà Trung, Hà Nội nhưng gốc gác lại là dân làngNành bên Bắc Ninh. Phố Hà Trung là phố có nghề làm da, hầu hết gốc gác từ Nành chuyển ra đó làm nghề.

Nhớ cô, nhưng hình ảnh cô trong ký ức chỉ còn như sương mai vương trên mép núi. Vừa xa mờ, ẩn khuất mà thanh cao như những gì cao quý ở miền đất hứa.

Họa sĩ ĐỖ ĐỨC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm