Nhận diện thơ trẻ phương Nam

28/10/2024 20:28 GMT+7 | Văn hoá

LTS: Tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ lần 5 - 2024 do Hội Nhà văn TP.HCM phối hợp tổ chức, trong cương vị thành viên đoàn chủ tịch, nhà thơ Khét (Trần Đức Tín) có một tham luận. Từ tham luận này, anh phát triển thành bài viết và gửi đến báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN).     

Thời đại ta đang sống là 4.0, những công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hiện diện và bắt đầu hòa nhập với con người. Nơi ta đang sống - TP.HCM, một đô thị lớn của nước ta - cũng đang phát triển, sôi động và rộng mở. Với nền tảng xã hội đó, đã tạo cho thơ trẻ phương Nam nói chung có một diện mạo khác.

Nhiều cơ hội phát triển

Chúng ta sống ở thời đại công nghệ, các nối kết từ người viết với độc giả ngày càng đa dạng và tiện lợi hơn. So với các thế hệ cầm bút trước, phải thừa nhận là thế hệ chúng ta được "trang bị" nhiều hơn. Về tri thức, đa phần các bạn đều có nền tảng tri thức cao, người viết trẻ được học tập, sinh sống trong môi trường không chiến tranh, được dung nạp nhiều luồng tư tưởng rộng mở hơn và tri thức cũng vậy.

Nhận diện thơ trẻ phương Nam - Ảnh 1.

Tác giả bài viết (thứ hai, từ phải sang) tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ lần 5

Người cầm bút thế hệ 7X đến gen Z đại đa số đều tốt nghiệp đại học, có người còn học đến tiến sĩ và ở nhiều lĩnh vực chuyên môn, đa ngành nghề. Vậy nên "hành trang" các bạn đến với văn chương cũng đa diện hơn, tạo cho thơ trẻ phương Nam nhiều màu sắc, không đơn điệu và ít trùng lặp với các thế hệ đi trước. Đặc biệt là các bạn gen Z hiện nay đã tiếp cận văn chương nước ngoài theo một hướng nguyên bản hơn, trực tiếp bằng nguyên tác mà không thông qua bản dịch.

Về nhịp sống thời đại, người viết trẻ được thừa hưởng thành quả 4.0 và công nghệ AI, nên việc chúng ta tiếp nhận thông tin cũng nhanh chóng và đa chiều hơn. Việc này tác động từ tư tưởng, lối sống, các phông văn hóa du nhập đều được các bạn trẻ tiếp nhận và vận dụng một cách chủ động. Người trẻ hôm nay với phương tiện công nghệ và truyền thông này đã "rộng đường" hơn rất nhiều trong việc công bố, in ấn hoặc đưa tác phẩm của mình đến với độc giả được nhiều, nhanh hơn bất cứ thời đại nào đi trước.

Nhận diện thơ trẻ phương Nam - Ảnh 2.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam) phát biểu tại Hội nghị những người viết văn trẻ lần 5

Đời sống văn chương phương Nam luôn sôi nổi, chưa lúc nào trầm lắng. Khi theo dõi nhịp thở của văn chương phương Nam ta sẽ thấy vô số đầu sách được in ấn, xuất bản, ra mắt trong mỗi năm, thị trường sách nói chung và thị trường văn học của vùng đất phương Nam phải nói là sôi nổi bậc nhất trong cả nước. Vậy đồng nghĩa là vốn kiến thức về văn chương ở nơi đây được "trình làng" trong mỗi năm luôn đa dạng, các bạn trẻ sống trong nguồn vốn ấy là một điều thuận lợi cho việc học hỏi, trau dồi trên đường viết của bản thân mình.

Bên cạnh đó, hoạt động của Hội Nhà văn TP.HCM rất nổi bật, luôn có nhiều hoạt động sôi nổi, như tổ chức ra mắt sách các hội viên, trung bình 5-10 tác phẩm mỗi tháng. Về đội ngũ trẻ, hội cũng có cơ cấu hỗ trợ riêng cho sáng tác, in ấn, có Ban Văn trẻ với nhiều hoạt động mỗi năm và các báo, đài cũng hỗ trợ tương tác với những cây viết trẻ. 

Sôi nổi, kết nối, dung nạp và cởi mở

Với điều kiện nền tảng như trên đã tạo nên một "nhân diện" thơ trẻ phương Nam đa dạng, dung nạp và cởi mở. Điều này được minh chứng xuyên suốt trong 20 năm trở lại đây, thơ trẻ phương Nam luôn vận động và phát triển, liên tục xuất hiện nhiều nhà thơ mới và gây dựng được vị trí của mình trên thi đàn cả nước như Phan Hoàng, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Thiếu Nhơn, Phạm Phương Lan, Trần Lê Sơn Ý, Trần Lê Khánh, Nguyệt Phạm, Phùng Hiệu, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thúy Nga, Trần Võ Thành Văn, Hồ Huy Sơn, Đoàn Thị Diễm Thuyên, Tô Minh Yến, Vĩ Hạ… Danh sách này còn vài chục người nữa.

Thơ trẻ không chỉ ở sự liên tục vận động phát triển cơ hữu của nó, mà còn ở sự cập nhật, kết nối, cởi mởi của văn chương phương Nam - vốn luôn chấp nhận mọi sự tiềm tòi, khám phá, lối viết mới đối với những người làm thơ trẻ. Ở đây, chúng ta luôn tôn trọng mọi khuynh hướng sáng tác cả cũ lẫn mới. Tôi cho rằng đây là một điều rất quan trọng để văn chương phát triển. Và tính cởi mở của văn chương phương Nam còn nằm ở sự tương trợ của nó. Các khuynh hướng sáng tác không, chưa bao giờ đối kháng nhau, mà nó dung nạp và bổ trợ cho nhau, tạo nên một tổng thể đầy tiềm năng.

Nhận diện thơ trẻ phương Nam - Ảnh 3.

Sách của các tác giả trẻ trưng bày tại hội nghị

Sự dung nạp của văn chương phương Nam còn nằm ở sự đón nhận nguồn gốc, phong văn hóa của mỗi cá nhân thơ trẻ mang lại. Lê Thiếu Nhơn, Phan Hoàng, Nguyễn Phong Việt mang hồn cốt văn hóa Phú Yên; Phạm Phương Lan, Ngô Thúy Nga và ví dặm Nghệ Tĩnh; Phùng Hiệu từ Đà Nẵng; Trần Võ Thành Văn với lịch sử Bình Định; Đoàn Thị Diễm Thuyên với cái nôi kiên trung Đồ Chiểu; Tô Minh Yến cùng câu xuống xề vọng cổ của vùng Cửu Long…

Ngoài ra, những năm gần đây còn xuất hiện các bạn Trẻ viết thơ, xuất bản trên không gian mạng, có thể kể đến như Đoàn Nguyễn Anh Minh, Nguyễn Trần Khải Duy, Trần Trọng Đoàn, Trịnh Nam Trân… đã đạt được nhiều ưu ái trong lòng độc giả. Tất cả đều mang theo "căn cước" của quê hương mình đến quy tụ lại trong thơ trẻ phương Nam, chính sự dung nạp này cho chúng ta một vườn thơ phương Nam đa sắc, sâu rộng và rạng rỡ.

Những thách thức còn đó

Ta thử nhìn một cách công tâm mà điểm lại với thơ Trẻ chúng ta có bao nhiêu tác phẩm được giữ lại trong lòng độc giả, có bao nhiêu cái tên được gắn với dòng trôi của thơ hiện nay, hoặc nhỏ bé hơn, có bao nhiêu câu thơ chúng ta viết ra mà nó còn "sống" đến hôm nay? Chúng ta đã làm được gì nhiều cho thơ trẻ này, chúng ta đã mải mê loay hoay với chính bản thân mình mà không chung tay góp phần, điểm danh, đặt tên cho dòng thơ trẻ chung của mọi người. Thử nêu ra và điểm danh lớp trẻ của phương Nam hiện nay trong tổng quan văn chương cả nước xem, chúng ta sẽ bất ngờ đến ngượng ngùng.

Có phải chúng ta có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều đường đi, quá nhiều thi pháp nên người trẻ vẫn băn khoăn, ngập ngừng và chưa dám mạnh dạn tiến bước. Đã có rất nhiều người trẻ đến với văn chương, nhưng cũng nhiều người sớm rời đi, bỏ cuộc.

Cái thách thức của người trẻ là sự lăn xả với văn chương, là sự đánh đổi lưng chừng giữa sự nghiệp, vòng xoáy cơm áo gạo tiền với con chữ. Nó là một quang gánh thật sự không tương xứng, nên người trẻ còn e dè, thiếu tâm huyết, trách nhiệm với văn chương. Thế hệ gen Z chưa mạnh dạn tìm đến sân thơ chung của phương Nam.

Nhận diện thơ trẻ phương Nam - Ảnh 4.

Khách mời và đại biểu tham dự

Từ việc các bạn trẻ còn băn khoăn chưa dám nhận, lãnh trách nhiệm bản thân với con chữ một cách nghiêm túc nên chưa thật sự đầu tư, chưa dám lăn xả nên những trang viết, các bài thơ của chúng ta còn ở lưng chừng, chưa đi đến tận cùng hạnh phúc lẫn khổ đau. Dẫn chứng là nhiều tác phẩm thơ trẻ vẫn mang tính hời hợt, thiếu sự sâu sắc trong tư tưởng. Nội dung đôi khi chỉ dừng lại ở những cảm xúc bộc phát, không có sự trăn trở hoặc suy tư sâu sắc về các vấn đề của xã hội. Mặc dù có một số tác phẩm phản ánh các vấn đề xã hội, nhưng nhìn chung, thơ trẻ vẫn chưa đủ mạnh mẽ trong việc kết nối và đối thoại với các thực tế của cuộc sống. Sự thiếu đi tính chất này tạo ra một khoảng cách giữa tác giả và độc giả.

Đã có rất nhiều tác phẩm thơ, gần giống thơ, ra đời một cách hời hợt, khiến độc giả "quên ngay sau khi đọc", khiến độc giả ê chề với thơ loại "vè" mà không chút mảy may rung động nào. Và khiến độc giả quay lưng với các văn tự tạm gọi là thơ của chính chúng ta viết.

Nhiều tác giả vẫn còn ngại ngần trong việc thử nghiệm với các hình thức và cấu trúc thơ mới lẫn cũ. Sự cứng nhắc trong việc tuân theo các quy luật truyền thống hoặc thể loại mới khiến cho thơ trẻ thiếu sự đổi mới thực thụ, ít hấp dẫn hơn trong mắt độc giả, làm cho chúng mình tự già đi trong tư tưởng mình.

Ở đây chúng ta có một nghịch lý trong khung sống của các thế hệ kế cận nhau. Người trẻ toan sang già lại khăng khăng giữ lối thơ cũ, và người non trẻ lại tràn lan trong các phong cách sáng tác của phương Tây mà xa rời thực tại, chưa tìm được hồn cốt của dân tộc để về gần gũi hơn. Điều này thể hiện ở chỗ, các tác phẩm vẫn thường theo lối thơ tự do nhưng chưa thực sự phá cách trong cấu trúc hay hình thức thể hiện. Còn các tác phẩm viết theo lối cũ lại mòn sáo trong ngàn năm xa xăm, nhạt bóng.

Vậy làm sao thơ trẻ có vị thế tương xứng với lực lượng, tiềm năng đang có? Như trên, ta có một vườn đầy hoa của thơ trẻ, phong phú đấy, nhưng thật ngát hương thì chưa! Có lẽ cần một sự phát triển tột bậc của vườn thơ trẻ, để mọi bông hoa trong vườn đều khoe sắc và ngát hương.

Chúng ta đang có lợi thế là trẻ: công sức, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám thể nghiệm và dám chịu thất bại. Hoặc nói cách khác, vì chúng ta trẻ nên chúng ta còn thời gian cho sự thất bại. Vậy thì ngại gì mà không dấn bước!

Khét (nhà thơ)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm