Ngắm "chân dung" Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua góc nhìn hội họa

28/10/2024 20:32 GMT+7 | Văn hoá

Bằng những sáng tạo đa sắc màu, các họa sĩ trẻ đã mang đến những góc nhìn đa dạng về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong cuộc thi vẽ tranh có chủ đề Tiếng vang lịch sử.

Sau 2 tháng phát động, cuộc thi vẽ tranh Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhận được gần 200 tác phẩm. Trong đó, có 70 tác phẩm lọt vào vòng chung kết được giới thiệu tại Lễ trao giải và triển lãm cuộc thi vừa diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ban tổ chức đã trao giải cho 17 tác phẩm xuất sắc, gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 10 giải Khuyến khích và 2 giải Đặc biệt.

Đa dạng ngôn ngữ

Lựa chọn ngôn ngữ hội họa khác nhau, các tác phẩm của cuộc thi mang đến những "chân dung" Văn Miếu - Quốc Tử Giám đầy sáng tạo qua góc nhìn khác biệt, mới lạ của những họa sĩ trẻ. Đó là góc nhìn tả thực trong tác phẩm Dấu ấn thời gian của Nguyễn Thị Thanh Tâm (giải Đặc biệt). Nữ họa sĩ chọn đặc tả chi tiết đầu đao hình rồng trên mái Khuê Văn Các với những vết nứt rạn theo thời gian.

Ngắm "chân dung" Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua góc nhìn hội họa - Ảnh 1.

Tác giả Nguyễn Anh Tài đoạt giải Nhất

"Khuê Văn Các được nhiều họa sĩ lựa chọn thể hiện khi vẽ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Thay vì vẽ toàn bộ công trình này, tôi lựa chọn đi vào tả thực chi tiết mái đầu rồng với những vết nứt vỡ để nhấn mạnh giá trị lịch sử của di tích. Tôi vẽ từng nét rất cẩn trọng, từ tốn, để tả được rõ nhất từng vết nứt, vỡ, rạn. Tôi chọn thể hiện bằng màu nước với sắc xanh chủ đạo để tả phần mái ngói và tả kỹ ở chi tiết đầu rồng" - nữ họa sĩ cho hay.

Hoặc, tác giả Nông Thị Quỳnh Nha lại mang tới một góc nhìn đầy sáng tạo trong tác phẩm Bia hiếu học (giải Nhì). Tác phẩm gây ấn tượng với chất liệu tranh in nổi trên đồ chơi xếp hình cho thấy sự tìm tòi ngôn ngữ hội họa mới lạ, độc đáo. Cụ thể, những miếng ghép đồ chơi được họa sĩ tạo hình, lăn mực và in thành tranh.

Nông Thị Quỳnh Nha chia sẻ: "Khi thực hiện tác phẩm này, tôi luôn trăn trở điều gì khiến Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ? Và khi đến đây, tôi đã cảm nhận được tinh thần hiếu học xuyên suốt của di tích này" - nữ họa sĩ chia sẻ - "Tôi lựa chọn tạo hình bia tiến sĩ để thể hiện tinh thần này. Trong tranh có nhiều biểu tượng khác nhau được khắc họa như mũ trạng nguyên, sách, bút lông, đèn dầu… của sĩ tử xưa kết hợp với những công cụ học tập của các sĩ tử hiện đại. Các biểu tượng này được đồng hiện trên bia tiến sĩ tạo ra sự kết nối xưa và nay của tinh thần hiếu học - thứ vẫn được lưu truyền qua các thế hệ người Việt Nam".

Ngắm "chân dung" Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua góc nhìn hội họa - Ảnh 2.

Tác phẩm “Dòng sử” (giải Nhất) của tác giả Nguyễn Anh Tài

Còn tác giả Nguyễn Anh Tài lại chọn kể câu chuyện lịch sử của Văn Miếu - Quốc Tử Giám theo góc nhìn đầy tính ẩn dụ qua tác phẩm Dòng sử (giải Nhất). Tác phẩm kể về hành trình học tập, đỗ đạt của một sĩ tử xưa với ước mong đem tài năng và đức hạnh phụng sự đất nước. Theo tác giả, chính những sĩ tử đỗ đạt là nhân tài của đất nước đã giúp Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn được giữ gìn, phát huy tới ngày nay.

"Tôi muốn kể câu chuyện một chàng sĩ tử khi xưa đang chuyên tâm tham gia các kỳ thi hương, hội, đình. Trên hành trình ấy, chàng sẽ nhớ về những năm tháng dùi mài kinh sử với ước mơ ghi danh vào văn bia" - họa sĩ Nguyễn Anh Tài bày tỏ - "Tôi chọn màu nước để thể hiện kỹ thuật loang màu và chồng lớp. Trong đó, lớp nền có các họa tiết trên trống đồng với hình ảnh chủ đạo là các loại chim mang ý nghĩa của sự chắp cánh vươn tới ước mơ chinh phục tri thức. Cùng với đó là các trang sách được xử lý với hiệu ứng sáng bừng, ngụ ý cho một tương lai tươi sáng của các sĩ tử".

Ngắm "chân dung" Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua góc nhìn hội họa - Ảnh 3.

Tác phẩm “Dấu ấn thời gian” (giải Đặc biệt) của tác giả Nguyễn Thị Thanh Tâm

Đa dạng góc nhìn

Rõ ràng, từ chủ đề Tiếng vang lịch sử, các tác phẩm dự thi đã thể hiện sự đa dạng về góc nhìn, câu chuyện, ý tưởng cũng như chất liệu biểu đạt. Các hình tượng kiến trúc như cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, nhà bia tiến sĩ, cùng các họa tiết đặc trưng như đầu đao, long, phượng, quy… trở thành chất liệu để các họa sĩ trẻ khai thác và thể hiện tác phẩm đầy sáng tạo, công phu.

KTS Bùi Thanh Việt Hùng (thành viên Ban giám khảo) đánh giá, nhiều tác phẩm sáng tạo về nội dung, khai thác được chủ đề Tiếng vang lịch sử thông qua các ngôn ngữ và chất liệu khác nhau. Có những tác phẩm được thể hiện bằng màu nước trong trẻo, công phu, nhưng cũng có những tác phẩm tìm kiếm sự biểu hiện bằng các kỹ thuật in, dập với các mô-típ hiện đại, trẻ trung, đúng với phong cách của thế hệ trẻ nhưng lại mang đậm dấu ấn, ký hiệu của truyền thống… Đây chính là thành công của cuộc thi vẽ tranh Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2024.

Ngắm "chân dung" Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua góc nhìn hội họa - Ảnh 4.

Tác phẩm “Bia hiếu học” của tác giả Nông Thị Quỳnh Nha

Cũng theo ông Hùng, các tác phẩm của cuộc thi đã thể hiện được những cảm xúc và suy tư bên trong của những nghệ sĩ trẻ thay vì họ chỉ đơn thuần vẽ lại các công trình kiến trúc của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

"Đơn cử, tác phẩm Dòng sử của Nguyễn Anh Tài đã kết hợp nhiều hình ảnh nghệ thuật, ký hiệu truyền thống khác nhau để kể về chiều dài lịch sử của Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông qua một câu chuyện cụ thể. Trong tác phẩm, tác giả đã gợi lại hình ảnh của những ông đồ và những sĩ tử xưa tham gia các kỳ thi thi hương, hội, đình. Đây là một ý tưởng độc đáo cho thấy tác giả đã cảm thụ sâu sắc âm hưởng của truyền thống hiếu học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám".

Ngắm "chân dung" Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua góc nhìn hội họa - Ảnh 5.

Không gian trưng bày các tác phẩm lọt vào vòng chung kết

"Hoặc, tác phẩm Bộ tam bình "thuở ấy" của tác giải Nguyễn Hữu Hải đoạt giải Nhì cũng rất ấn tượng. Bộ tranh thể hiện những khung cảnh khác nhau của Văn Miếu - Quốc Tử Giám với màu sắc đầy hoài niệm. Đó là hình ảnh một thư sinh đang đọc sách trên lầu gác của Nhà Thái học hiện lên với bút pháp, đường nét tinh tế, gợi cảm xúc bâng khuâng, sâu lắng, xa xưa. Trong khi, Nhà Thái học vốn là công trình được xây mới trong không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám" - ông Hùng dẫn chứng.

Từ thành công của cuộc thi, TS Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trưởng ban tổ chức cuộc thi) nhấn mạnh: "Các tác phẩm với đa dạng chất liệu, bút pháp, góc nhìn đã phản ánh những cung bậc cảm xúc về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám của các bạn trẻ. Chúng tôi hy vọng cuộc thi là cầu nối giữa quá khứ và cuộc sống đương đại, giữa các bạn trẻ với di sản nghìn năm của cha ông. Đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên, họa sĩ trẻ và những người yêu thích nghệ thuật hội họa phát huy được tài năng, khả năng sáng tạo và lan tỏa niềm đam mê hội họa cũng như tình yêu với di sản văn hóa".

"Chúng tôi hy vọng cuộc thi là cầu nối giữa quá khứ và cuộc sống đương đại, giữa các bạn trẻ với di sản nghìn năm của cha ông" - TS Lê Xuân Kiêu (Giám đốc Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm