Nhạc sĩ Dương Thụ: Một AFF Cup hấp dẫn

12/12/2010 19:02 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH cuối tuần) - AFF Suzuki Cup 2010 đang diễn ra rất hấp dẫn với những cơn “địa chấn” lớn nhỏ khác nhau. Tuy chưa thể kết luận gì về sự tiến bộ của một nền bóng đá nhưng chắc chắn bóng đá Việt Nam và nhiều nước trong khu vực sẽ có nhiều điều phải suy ngẫm từ giải đấu này. Nhạc sĩ Dương Thụ đã chia sẻ nhiều suy nghĩ với Cà phê bóng đá.

* AFF Cup năm nay dường như đã thoát khỏi sự nhàm chán khi “đội bóng số 1 Đông Nam Á” Thái Lan bị loại, đội “chiếu dưới” Philippines giành chiến thắng oanh liệt trước ĐKVĐ Việt Nam, những đội trước giờ vẫn bị đánh giá yếu đều thi đấu rất sòng phẳng với những ƯCV của chức vô địch. Đây có là tín hiệu đáng mừng cho một nền bóng đá vốn bị xem là “vùng trũng” không, thưa ông?

- Cái này phải nhìn từ hai phía. Phía những đội xưa nay thuộc loại yếu kém tới mức bị coi là những đội lót đường: Philippine, Lào, Campuchia, Brunei, Đông Timo và phía những đội mạnh như Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Indonesia, và hơi yếu hơn một chút là Malaysia, Myanmar. Những đội yếu kém thì có đội mạnh lên rõ rệt. Lào là một điển hình mà thể hiện rõ nhất là kỳ SEA Games vừa rồi và trận mở màn AFF Cup (hòa 2-2 với đội đứng đầu Đông Nam Á là Thái Lan). Philippines thì không thể nói gì vì họ kêu gọi được những cầu thủ đang đá trong các giải châu Âu mà có cả quốc tịch Philippines. Cái đó đã phải là một tín hiệu đáng mừng chưa?


Nhạc sĩ Dương Thụ

Còn phía các đội mạnh? Thái Lan đang rơi vào khủng hoảng. Thế hệ vàng của họ đã luống tuổi (Chaiman 35 tuổi vẫn phải xuất trận để hy vọng cứu một trận thua) còn thế hệ sau “chưa kịp lớn”. Indonesia và Singapore nếu không có cầu thủ nhập tịch thì chắc vẫn thế thôi. Duy có Việt Nam là tiến bộ thật sự, hình thành được lối đá riêng có nghệ thuật và rất hấp dẫn nhưng chưa thật chín chắn. Nhìn từ cả hai phía thấy bóng đá Đông Nam Á có biến chuyển. Kẻ thì đi lên, người thì đi xuống. Một biến chuyển tất yếu, chẳng có gì gọi là đáng mừng cả. Thế giới đang thay đổi, thì bóng đá cũng thay đổi theo. Tiền nhiều hơn, tính chuyên nghiệp tăng lên, việc mở cửa đối với cầu thủ ngoại sẽ làm thay đổi tất cả. Hãy nhìn bóng đá Anh thì sẽ nhận ra điều tất yếu này.

* Trở lại trận Việt Nam - Philippines, ông có cảm giác như thế nào khi xem trận đấu ấy? Liệu có phải chỉ là một “tai nạn”?


- Không phải tai nạn mà là một trận thua thật sự. Chúng ta, mặc dù trên lý thuyết, tôn trọng mọi đối thủ (hay nói đúng hơn đấy chỉ là một thái độ lịch sự của những người có văn hóa) nhưng trong thực tế trận đấu ta coi thường họ. Chúng ta không kém về kỹ thuật, cũng chẳng thua về sức lực nhưng do sĩ diện nên đã đánh mất đi sự thông minh vốn có, đánh mất cái gọi là “độ quái” mà người Việt Nam ta luôn luôn có thừa. Ông Calisto là người tỉnh táo nhưng vào cuộc này cũng bị “Việt Nam hóa” luôn. Thật ra cũng chẳng trách được. Cái bệnh “sĩ” rất nặng của người Việt ta cần phải có những trận thua có tính chất “sỉ nhục” đó may ra mới “tỉnh” được.


Đừng nên nghĩ quá nhiều về trận thua Philippines. Đá có thắng có thua, dẫu sao mới chỉ thua có một trận, vẫn còn nhiều trận nữa mà. Quên Philippines đi.


* Ông có đồng tình với ý kiến của HLV Calisto rằng chúng ta thua vì đội bạn chơi quá “tiêu cực”? Theo ông, vấn đề hiện nay của ĐTVN là gì?


- Ông ấy nói có phần đúng. Bóng đá đẹp không chấp nhận “xe bus hai tầng”. Nhưng ở đây là đấu giải. Người ta muốn thắng đối phương bằng mọi giá nên người ta cần có mưu mẹo, kể cả làm việc bẩn là đâm đối phương từ sau lưng. Đã vào trận chúng ta phải chấp nhận điều này. Vấn đề là trước kẻ đa mưu túc kế thì đừng có ngây thơ, đừng có quá tự tin, đừng có sĩ diện. Để đối thủ đánh cho tử thương là một thất bại không thể bào chữa.


Vấn đề đội tuyển là cần qua giai đoạn “hăng máu” để trưởng thành. Đội tuyển đá đẹp, hay, hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Nhưng tính cách thì chưa “anh cả” (Thái Lan dù thua họ vẫn cho thấy điều đó). Còn về chuyên môn tôi không nghĩ quá nhiều, nếu các cầu thủ tự tin đá đúng khả năng thì chẳng có gì phải lo ngại.


* Cám ơn ông!


Cà phê bóng đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm