Nhạc sĩ Dương Thụ: Nhiều cái “mơ hồ” là đương nhiên

28/08/2010 18:56 GMT+7 | V-League

(TT&VH cuối tuần) - Mùa giải 2010 đã chính thức khép lại nhưng với những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, sự hấp dẫn vẫn còn ở phía trước. Và chỉ sau ngày 31/8 mọi người mới có thể biết được bóng đá Việt Nam còn hấp dẫn và “lắt léo” đến độ nào. Nhạc sĩ Dương Thụ tiếp tục chia sẻ với Cà phê bóng đá những suy nghĩ về “hậu” V-League.

* Bóng đá Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại những “căn bệnh” lạ như việc một số đội bóng ở V-League thì “sợ” vô địch, mà chơi tại hạng Nhất lại không thích lên V-League. Theo ông tại sao lại có tình trạng “chê” V-League khi đây được xem là một trong những giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á?

- Đá bóng và làm bóng đá là hai chuyện khác nhau, cũng giống như viết báo và làm báo vậy. Người làm bóng đá phải làm nhiều việc không phải là chuyện đá bóng. Cầu thủ đá trên sân, nhưng họ phải “đá” trên bàn. Có những trận cầu thủ muốn thắng nhưng họ lại muốn thua, cầu thủ muốn mình trở thành những nhà vô địch, muốn đá ở hạng trên nhưng họ thì không. Đấy không phải là bệnh, mà là những toan tính của người làm bóng đá, những toan tính thông thường. Chỉ ngặt nỗi ở Việt Nam mình, các ông bầu vẫn còn có nơi thuộc dạng “con nhà nghèo” làm bóng đá, hoặc dân nhà giàu mới nổi kinh doanh bóng đá theo kiểu amateur nên đôi khi cách làm của họ có thể khiến chúng ta ngạc nhiên.

* Báo chí đưa ra cách lý giải như: một số CLB e mình không đủ tiền và lực để chiến đấu ở một đấu trường khốc liệt như V-League nên đành “an phận thủ thường”, hay chuyện cầu thủ không “máu” thăng hạng vì sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc khi các CLB “thay máu” cho cuộc chiến mới. Ông nghĩ sao về cách lý giải này?

- Tôi nghĩ về điểm này báo chí đã lý giải đúng. Tất nhiên còn nhiều nguyên nhân khác nảy sinh từ sự phức tạp của một nền bóng đá đang bước những bước đầu tiên trên con đường chuyên nghiệp hóa. Chúng ta cần có sự cảm thông với những người làm bóng đá.


Nhạc sĩ Dương Thụ

* Mặc dù mùa giải 2010 đã hạ màn nhưng số phận của một số đội bóng (mà điển hình là N.SG) thì phải đến 31/8 (hạn chót các CLB trình hồ sơ hoàn thành chuyển đổi cơ cấu sang chuyên nghiệp) mới có phán quyết cuối cùng đã góp phần khẳng định đây là mùa bóng hấp dẫn và khó lường nhất từ trước đến nay?

- Cái gì không đoán trước được thì mới hấp dẫn. Bóng đá Việt Nam ở các giải đấu đã bắt đầu có điều đó. Tôi nghĩ thế cũng hay. Chúng ta biết trước cả rồi thì chán lắm. Tất nhiên không phải cái gì cũng khó đoán. Nếu tinh ý vẫn có thể biết trước được vài điều. Ví dụ như HN.T&T sẽ vô địch để mừng Đại lễ 1.000 Thăng Long - Hà Nội chẳng hạn. Một vài đội đã biết và họ tìm mọi cách phá chuyện này do muốn mang lại công bằng, nhưng đã không phá được thì đành phải chịu. Có lẽ là “mệnh giời” và các cụ 1.000 năm trước đã đứng sau lưng để “độ” cho họ.

* Và đồng thời cũng chứng tỏ khái niệm “chuyên nghiệp” là rất mơ hồ trong bóng đá Việt Nam?

- Khái niệm “chuyên nghiệp” thì có làm thì mới tường minh. Mới làm thì nhiều cái “mơ hồ” là đương nhiên. Nhưng tôi nghĩ chất chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam mỗi ngày một rõ ra. Nó hơn hẳn nhiều hoạt động văn hóa thể thao khác đấy. Về chuyện này phải biểu dương bóng đá mới phải. Các bạn chê nhiều quá!

* Với cách hành xử được cho rằng rất không công bằng với các đội hạng Nhất qua thông báo số 19 (hạng Nhất chỉ còn 1,5 suất thăng hạng) của VFF thì theo ông bóng đá Việt Nam có đang đi đúng hướng trên lộ trình chuyên nghiệp?

- Tôi chưa biết thông tin này vì chưa đến ngày 31/8 cho nên tôi không thể bình luận.

* Cám ơn ông và sau ngày 31/8 hy vọng ông sẽ đưa ra những bình luận của mình với Cà phê bóng đá.

Cà phê bóng đá

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm