11/12/2024 18:30 GMT+7 | Giải trí
Bài hát Đến với con người Việt Nam tôi của nhạc sĩ Xuân Nghĩa 20 năm nay thường được vang lên trong các sự kiện, lễ hội lớn nhỏ như kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, SEA Games... Ban biên soạn sách giáo khoa cũng đưa bài hát này vào sách Âm nhạc 10, bộ Cánh diều - là bài học đầu tiên trong chủ đề Quê hương Việt Nam.
Nếu hỏi nhạc sĩ Xuân Nghĩa về hoàn cảnh ra đời của bài hát Đến với con người Việt Nam tôi, anh sẽ có thể dành cả buổi để kể tỉ mỉ về nó, vì đây là tác phẩm yêu thích và có thể gọi là thành công nhất của anh tính đến thời điểm hiện tại.
8 năm cho một bài hát
Năm 1992, khi còn là thành viên của ban nhạc The Student, Xuân Nghĩa cùng đồng đội của mình thường chơi nhạc trong các buổi văn nghệ các dịp 20/11 và 26/3..., hầu hết là biểu diễn các bài hát về thầy cô, trường lớp và về truyền thống cách mạng.
Sau mỗi lần diễn, anh nghĩ: "Liệu thế hệ mình có viết nổi các bài hát hay như vậy không?" và ý tưởng viết một bài hát về đề tài quê hương đất nước được ấp ủ.
Năm 1994 là thời điểm Việt Nam được gỡ bỏ cấm vận về thương mại và lúc này anh đã đủ lớn để nhận thấy các sự kiện của đất nước tác động đến cảm xúc của mình như thế nào và chính thức bắt tay cho bài hát ấp ủ lâu nay.
"Tôi đã viết rất nhiều đoạn nhạc với các thể loại khác nhau như rock, ballad, disco và... đều không được vì nghe sáo rỗng và nhạt nhẽo. Tôi nghĩ, không có gì phải vội, hôm nay chưa tìm ra thì mai sẽ có".
"Rồi, trong lúc tôi định viết một bài hát về tình yêu với cái tứ "Hãy đến bên tôi, hãy đến bên em" thì các câu "Hãy đến với những con người Việt Nam tôi/Đến với quê hương, đất nước thanh bình..." xuất hiện và cứ thế đoạn điệp khúc được tuôn ra. Lúc này, tôi biết mình đã bắt đầu tìm ra chìa khóa cho bài hát này, dù sau đó vẫn có nhiều lúc bị... bí" -tác giả Đến với con người Việt Nam tôi chia sẻ.
Bài hát được viết đoạn điệp khúc trước, 2 năm sau anh mới thử các hợp âm của nhạc euro disco cho các câu mở đầu: "Này bạn thân nơi năm châu bốn phương. Việt Nam đất nước chúng tôi xin chào". Viết được 95% bài hát thì anh tiếp tục "bí", vì sau câu "Hà Nội thủ đô con tim dấu yêu" là gì nữa anh chưa hình dung ra. Cũng như câu "Đến với tiếng pháo Giao thừa ngày 30" được anh viết trước đó thì đến năm 1994 có lệnh cấm pháo, nên phải tìm từ khác thay từ "tiếng pháo". Vậy là bài hát bị gác lại, đến năm 1998 mới hoàn thành và năm 2000 được phổ biến rộng rãi, sau rất nhiều lần bị từ chối chọn biểu diễn, thu âm.
Đến nay, bài hát đã đi được một quãng đường dài và đã được biểu diễn từ các sự kiện đón các vị lãnh đạo, trao cờ SEA Games cho đến các buổi văn nghệ phong trào. Thử gõ từ khóa bài hát Đến với con người Việt Nam tôi trên Google thì ra hàng trăm clip, cả tiếng Việt và tiếng Anh, có tốp ca, đồng ca, dân vũ... mới thấy bài hát đã được lan tỏa rộng rãi ở khắp nơi.
Cũng chính sự phổ biến ấy dễ khiến bài hát bị hát sai vài từ, ví dụ như câu đầu tiên: "Này bạn thân nơi năm châu bốn phương" thường xuyên được hát thành "Này bạn thân ơi năm châu bốn phương". Bản đưa vào sách giáo khoa cũng bị sai lỗi này. Tác giả bài hát có chút tiếc nuối: "Nếu ban biên soạn cho biết sớm thì tôi đã đưa bản nhạc phổ chi tiết hơn và ca từ chính xác hơn".
Nhạc sĩ Xuân Nghĩa đang có kế hoạch viết lời tiếng Anh cho bài hát này như một bản hoàn chỉnh và chính thống để mọi người thuận tiện sử dụng, dự định sẽ phổ biến vào dịp 30/4 năm sau - đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Các bài hát của tôi được hát ở các kỳ hội diễn, các sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm, thời gian còn lại thì chúng được nghe nhiều là tôi vui rồi. Mục tiêu sáng tác của tôi đầu tiên là phải để nghe chứ không phải để hát" - Xuân Nghĩa.
"Tìm những điểm chung của cộng đồng"
Ngoài Đến với con người Việt Nam tôi, Xuân Nghĩa còn có nhiều bài hát khác về đề tài quê hương đất nước và các ngành nghề, đoàn hội... Nói Xuân Nghĩa đã khẳng định mình ở những lĩnh vực sáng tác ấy là thỏa đáng, vì Nơi ấy là Trường Sa, Cùng dưới nắng phương Đông, Mãi là người thanh niên Việt Nam, Lá chắn cho cuộc sống... là những bài hát được biết đến nhiều hơn các bài tình ca của anh.
Hỏi Xuân Nghĩa viết nhạc quê hương đất nước, phong trào, sự kiện hoặc về các ngành nghề thì với anh có gì là thích thú? Thật bất ngờ khi nghe câu trả lời khá thú vị. "Khi viết những bài hát về tình yêu thì tôi phải khai thác được những thứ rất riêng và độc đáo của mình, còn khi viết những đề tài bạn vừa liệt kê thì tôi phải tìm những điểm chung của cộng đồng. Tôi thích nhìn thấy sự đồng cảm của cộng đồng, như hình ảnh nhiều nhóm thích mặc áo cờ đỏ sao vàng hát các nhạc phẩm của tôi".
Xuân Nghĩa nói, anh thích viết những bài hát kiểu vậy, vì đó là khi anh được thỏa chí… phá cách. Chẳng hạn Lá chắn cho cuộc sống là bài hát cho lực lượng cảnh sát cơ động, được viết đầy chất rock, rất hiện đại.
Xuân Nghĩa nói rằng anh chọn những giai điệu đẹp cho đề tài quê hương đất nước, cuộc sống xã hội, vì theo anh đó là các đề tài có chiều sâu và sẽ được tồn tại lâu. Trong lúc cao hứng, Xuân Nghĩa nói vui: "Ngày trước, chúng tôi chơi nhạc sống trên sân khấu nên âm giai nhiều và cảm âm tốt, nhưng nếu tôi dành nó để viết nhạc tình yêu thì phí quá, vì nó nhiều cạnh tranh, nên có thể thời gian tồn tại sẽ ngắn".
Lại cắc cớ hỏi anh, những bài hát này được hát trong những phạm vi hẹp quá, không thể hát hằng ngày, vậy anh có thấy tiếc không? Xuân Nghĩa mỉm cười: "Hầu hết các bài hát, bất cứ của ai, cũng đều được nghe nhiều hơn được hát chứ. Các bài hát của tôi được hát ở các kỳ hội diễn, các sự kiện lớn, các ngày kỷ niệm, thời gian còn lại thì chúng được nghe nhiều là tôi vui rồi. Mục tiêu sáng tác của tôi đầu tiên là phải để nghe chứ không phải để hát. Họ nghe thấy hay thì mới thích hát".
Rồi anh kể thêm kỷ niệm lần đầu tiên bài hát Đến với con người Việt Nam tôi được dàn dựng công phu trên sân khấu của Nhà Văn hóa Thanh niên khiến chính tác giả của nó phải "há hốc mồm" khi xem, vì đó là một tiết mục rực sáng, hào hùng và đầy sức trẻ. Cảm xúc ở lại với người nghe như vậy là thành công.
Nhớ một thời sôi nổi
Trong dòng cảm xúc về những sáng tác của mình, nhạc sĩ Xuân Nghĩa lùi về quá khứ, kể về cách anh bước chân vào âm nhạc. Đó là những ngày chàng thanh niên Xuân Nghĩa tự lần mò học đàn từ những cuốn sách kiểu tờ bướm (in nhạc) rồi cùng với những người bạn của mình thành lập ban nhạc The Student, sau đó lập một ban nhạc khác tên là The Broom và đi biểu diễn ở nhiều sân chơi dành cho những người trẻ, tham gia nhiều cuộc thi.
Xuân Nghĩa bộc bạch anh vốn là người không quan tâm đến âm nhạc, nhưng tình cờ nghe nhóm Modern Talking hát trên ti vi trong chương trình Âm nhạc quốc tế của HTV khiến anh mê mẩn. Chỉ nghe thì không thỏa mãn, nên anh đã cố gắng nghe đi nghe lại, chép lời bài hát để hát theo, vậy vẫn chưa thỏa mãn, anh dành dụm tiền mua được cây guitar rồi tự tập tành.Từ một học sinh phải "copy" bài bạn mỗi khi thầy bắt làm bài về chia nhịp phách, anh trở nên siêng năng tập chơi đàn hằng ngày rồi đi biểu diễn.
Những nhạc sĩ trẻ thế hệ anh ngày ấy như Nguyễn Nhất Huy, Hoài An, Quốc An, Vũ Quốc Việt... đã tạo nên một làn gió mới cho nhạc trẻ Việt Nam những năm cuối 1990 và đầu những năm 2000. Xuân Nghĩa nói, với anh đó là quãng thời gian đẹp nhất trong hành trình đi với âm nhạc của mình. Một thế hệ sôi nổi, đầy sức sống, dám làm, dám thử cái mới và có thể nói là thế hệ tiên phong làm cho nhạc trẻ Việt Nam quay trở lại sau làn sóng nhạc ngoại, nhạc Hoa lời Việt tràn ngập trước đó.
Hiện tại, ngoài công việc quản lý phòng thu nhạc của mình, Xuân Nghĩa đang thực hiện kế hoạch cho ra đời một album nhạc đề tài thanh niên và một album các bài hát tiếng Anh đã viết trong các cuộc thi thời trẻ như một kỷ niệm trong sự nghiệp sáng tác của mình.
Vài nét về nhạc sĩ Xuân Nghĩa
Tên đầy đủ là Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh năm 1975 tại Hà Nội. Năm 2 tuổi thì theo gia đình vào sinh sống ở TP.HCM cho đến nay. Các bút danh chính: Xuân Nghĩa, Mimosa.
Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM.
Loại nhạc yêu thích: Disco, eurodance, rock'n roll, glam metal…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất