Nhạc sĩ Phó Đức Phương: 2012 sẽ “tái xuất giang hồ”

08/02/2012 07:19 GMT+7 | Âm nhạc


(TT&VH Cuối tuần) - Vừa gặp, tôi đã nài nỉ trước: Anh ơi hôm nay không nói chuyện bản quyền nữa nhé! Phả một hơi khói thuốc trong cái lạnh đầu xuân Hà Nội, tay lóng ngóng tắt chiếc điện thoại cứ đổ chuông tin nhắn tới tấp, “ông bản quyền” (Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam), tác giả của những ca khúc nằm lòng nhiều thế hệ: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Huyền thoại Hồ núi Cốc, Chảy đi sông ơi, Trên đỉnh phù vân, Về quê…, cười tủm tỉm: Mình sắp tái xuất giang hồ rồi!

Tôi háo hức: Cụ thể thế nào ạ?

Ông vừa say sưa vừa chậm rãi: Cũng định “tái xuất” 3-4 năm rồi đấy. Đã năm lần bảy lượt hứa với các đoàn (các đoàn nghệ thuật phía Bắc, hầu hết trong số này từng “sống” bằng nguồn nhạc Phó Đức Phương, từ nhạc cho múa đến nhạc cho kịch), nhưng chưa ngừng được gian truân và giông bão trong công việc này (tức việc bản quyền) nên chưa dứt được mà đi. Đến tháng 4 năm nay là chẵn 10 năm TT Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chính thức ra đời. Thời gian tới, khi TT đi vào hoạt động theo một “đường ray” ổn định, tôi sẽ chỉ còn chịu trách nhiệm trong những hoạch định lớn về tổ chức, định hướng, chiến lược hoạt động, v.v..., như một Chủ tịch HĐQT chẳng hạn, lúc đó tôi sẽ có điều kiện để trở lại với sáng tác.

Khó có thể tưởng tượng một nhạc sĩ tài danh, nổi tiếng hiền lành lại từng “sửng cồ” suýt nữa thì “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với cả một bầu sô khét tiếng “mafia” trong làng showbiz phía Bắc để đòi tiền tác quyền. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

* Anh có tự đặt cho mình câu hỏi: Phó Đức Phương sẽ trở lại với công chúng như thế nào sau 12 năm “rửa tay gác kiếm”? Liệu khi đó sẽ có thêm một Chảy đi sông ơi mới, một Trên đỉnh phù vân khác hay sẽ chỉ là một bóng mờ của những hào quang cũ? Công chúng âm nhạc ngày nay cũng khác nhiều so với mươi năm về trước.

- Trở lại sáng tác với tôi lúc này tức là lại bước vào giai đoạn khổ ải và đầy kịch tính. Làm thế nào để đồng hành và chiếm được vị trí trong công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ - đó là điều hết sức ngặt nghèo và khó khăn với người sáng tác ở thế hệ tôi. Hoặc sẽ vẫn là một Phó Đức Phương của Trên đỉnh phù vân, của Chảy đi sông ơi nhưng “mẫu mã” hình thức trẻ trung, hòa hợp với công chúng âm nhạc hiện nay. Hoặc “chấm dứt” Phó Đức Phương để chuyển sang một Phó Đức Phương hoàn toàn mới.

Bản thân tôi cũng cảm thấy hồi hộp với cuộc “tái hội nhập” này. Hồi hộp nhưng hy vọng, bởi đời tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn tương tự. Quãng 1995-1996, sau hơn 10 năm “quên” viết ca khúc, chỉ tập trung làm nhạc cho sân khấu và nhạc phim, một lần ngồi với Nguyễn Cường (nhạc sĩ), tôi nói mình sẽ trở lại với ca khúc. Cường có vẻ không tin, bảo: Tuổi chúng mình giờ này có gì thì đã cống hiến hết cả rồi! Nghe thế cũng hơi hoang mang. Nhưng rồi năm 1997 có Trên đỉnh phù vân, Chảy đi sông ơi, Không thể và có thể. Năm 1998 có Về quê… Hơn 10 năm, chính xác là 15 năm “cách ly” ca khúc, song khi trở lại, Phó Đức Phương vẫn có thể “tái hội nhập”, có thể đồng hành với đời sống ca khúc những năm 1997-2000. Vậy nên tôi hy vọng cuộc tái hòa nhập tới đây sẽ lặp lại tình thế của những năm 1995-1996.

Dù mới chỉ rất mơ hồ về cuộc “tái hội nhập 2012” trong lúc cơn sóng ca khúc để xem hơn để nghe và ca sĩ thích hở hơn thích hát đang ào từ năm 2011 sang 2012, song tôi không thể không tin vào sự quả quyết đầy thơ ngây nhưng cũng đầy quyết liệt của ông. Hơn nửa thế kỷ trước, chàng trai dòng dõi nhà Phó Đức (Phó Đức Phương là cháu nhà chí sĩ cách mạng Phó Đức Chính) đã dấn thân vào con đường âm nhạc cũng bằng sự thơ ngây và quyết liệt. Nay gần bước vào tuổi thất thập, sự quyết liệt và thơ ngây ấy dường như vẫn y nguyên…

***

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm Giáp Thân, 1944, tại Hà Nội. Thuở nhỏ, hè nào ông cũng được mẹ đưa về quê ngoại Bắc Ninh. Tuổi thơ được nuôi dưỡng bởi không khí làng quê cùng những làn dân ca quan họ, có lẽ là nguyên do để ông viết ca khúc Những cô gái quan họ khi vừa thi đậu vào trường nhạc. Bài hát đoạt giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi vận động sáng tác ca khúc của tỉnh Hà Bắc năm 1965, dịu dàng như một dải lụa trong những ngày sục sôi ca khúc chiến đấu, chính thức ghi tên Phó Đức Phương trong lòng công chúng yêu nhạc cả nước. Ông cũng là người thành danh sớm nhất trong nhóm “tứ quái Hà Nội” gồm Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến và Phó Đức Phương. Năm 1971, khi Phó Đức Phương tốt nghiệp trường nhạc, thì Dương Thụ, Trần Tiến, Nguyễn Cường mới lục tục vào khoa Sáng tác trường này. Thế nhưng suýt nữa thì Phó Đức Phương đã trở thành một thầy giáo Toán-Lý thay vì một nhạc sĩ. Ông kể, ngày ấy mặc dầu đã viết bài hát từ hồi học cấp hai nhưng chưa khi nào nghĩ cuộc đời mình đi theo con đường âm nhạc. Học xong lớp 10, thầy giáo định hướng đi vào sư phạm, ông thấy mình học cũng không xuất sắc gì, chỉ có điểm Toán, Lý cao hơn cả, nên thi vào Sư phạm, khoa Toán-Lý. Vào đại học rồi bắt đầu bén duyên thơ. Bản chất vốn là người đa cảm nhưng rất rụt rè như tự nhận, song với người sinh viên tuổi đôi mươi, thơ lúc đó có sức mạnh không ngờ, “thơ có thể giải phóng con người từ bản chất”. Càng ngày, ý tưởng phải đi theo con đường âm nhạc càng chín dần. Và ý tưởng ấy biến thành hành động quyết liệt sau khi gặp người bạn đồng niên Dương Thụ.

Trong lần đến chúc Tết Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2008). Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Thuở ấy Phương khoa Toán-Lý, Thụ khoa Văn-Sử Đại học Sư phạm Hà Nội, thân nhau vì nhạc. Sau buổi học, cả hai thường cuốc bộ từ khu Mai Dịch về Cầu Giấy để đón xe điện về Hà Nội, họ chỉ nói với nhau về âm nhạc và chia sẻ với nhau những giấc mơ về nghệ thuật. Lúc ấy, Dương Thụ đã nói với bạn mình: Đời tôi đến chết cũng phải đi con đường âm nhạc, dù có phải gian truân đến mấy, dù phải xúc than, đẩy xe bò tôi cũng phải đi. Sự quyết liệt của Dương Thụ trở thành động lực để Phó Đức Phương quyết tâm… bỏ học. Ở đây cần mở ngoặc giải thích cho rõ rằng, thời đó sinh viên không được phép học hai trường hoặc chuyển trường, nếu không sẽ phải đền bù chi phí đào tạo (rất lớn lúc bấy giờ), vì vậy, muốn chuyển sang học trường nhạc, cả hai phải tìm cách “tháo thân” khỏi trường Sư phạm.

Sự đời trớ trêu. Dương Thụ không thể bỏ Sư phạm giữa chừng, bởi vậy mà sau đó, dù hai lần đỗ vào trường nhạc, ông cũng không thể đi trọn con đường mơ ước của mình và đời ông đúng là đã phải trải qua những tháng ngày cùng cực, xúc than, đẩy xe bò… để có thể được sống với giấc mơ cả đời âm nhạc. Còn Phó Đức Phương, ngay từ giữa năm học thứ hai Sư phạm, đã làm đơn xin thôi học để đi lao động với lý do “gia đình khó khăn” và một năm sau thì toại nguyện.

Ở nông trường Cửu Long (Lương Sơn, Hòa Bình), ban đầu Phó Đức Phương được lãnh đạo nông trường giữ rịt lại để làm công tác văn nghệ. Nhưng đầu óc bấy giờ đang ngập tràn tinh thần cách mạng của M.Gorky, rằng, nghệ sĩ muốn nên người phải xộc vào đáy xã hội, phải tôi luyện mới trưởng thành…, ông đòi đi lao động (chăn lợn) bằng được. Cũng nhờ thế, mấy tháng sau, Phó Đức Phương đàng hoàng về Hà Nội nhập học trường Âm nhạc Việt Nam (nếu làm cán bộ văn nghệ nông trường chưa chắc đã được ra đi dễ dàng như thế). Vừa vào trường, ông viết Những cô gái quan họ. Ra trường, năm 1971, ông có Hồ trên núi. Cả hai, cùng với những Huyền thoại Hồ núi Cốc, Một thoáng Tây hồ, Trên đỉnh phù vân, Chảy đi sông ơi, Về quê… sau này, đều là những ca khúc bất hủ trong kho tàng bài hát Việt Nam đương đại. Và đó cũng mới chỉ là một phần trong sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ Phó Đức Phương gồm hàng trăm tác phẩm viết cho sân khấu, múa, điện ảnh.

***

Năm 2000, khi ông chấp bút viết bản kiến nghị về vấn đề quyền tác giả và xuôi ngược lấy chữ ký của 200 nhạc sĩ từ Bắc tới Nam, gửi lên Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, thì bạn bè, người thân nhất mực can ngăn. Thời điểm đó, Việt Nam chưa tham gia Công ước Berne, chuyện ăn cắp bản quyền phổ biến và hiển nhiên tới mức chả ai còn thấy lạ, ngay giữa hội thảo quốc tế về Quyền tác giả, đã có người rất uy tín trong giới nghệ thuật cảnh báo: “Cả một cơ quan khổng lồ là Cục Thuế còn không dẹp nổi buôn lậu, trốn thuế nữa là các ông!”, và khẳng định: “Giải quyết chuyện bản quyền ở nước mình phải tới thế kỷ 22!”. Thời điểm đó, những người bạn âm nhạc của ông, ký vào bản kiến nghị cho vui lòng bạn là chính chứ chả ai tin tờ giấy kiến nghị với mấy chữ ký có thể làm nên trò trống gì, chưa kể khởi xướng và đứng mũi chịu sào công việc tày trời này lại là người hiền lành đến lơ ngơ, mà nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn gọi đùa là “ú ớ”! Người thân thì bảo thẳng: Tôi chờ đợi những tác phẩm âm nhạc của anh hơn là chuyện quyền tác giả! Tranh luận mãi bất phân thắng bại, “lý sự cùn” của ông là: “Mệnh của tôi nó thế! Mệnh bảo tôi phải mất 1 giáp (12 năm) khổ ải trên con đường này”. Từ một bản kiến nghị với 200 chữ ký, tháng 4/2002 TT Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương làm giám đốc ra đời, năm 2010 TT thu về 32 tỷ đồng tiền bản quyền âm nhạc, năm 2011 dự kiến thu khoảng 42 tỷ đồng…

Phút vui vẻ bên bạn văn nghệ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Khó có thể tưởng tượng một nhạc sĩ tài danh, nổi tiếng hiền lành, thay vì ngồi bên cây đàn và bản nhạc, là soạn thảo hàng trăm đơn thư, kiến nghị gửi đủ các cấp ban ngành, là lóc cóc gõ cửa mọi phòng ban, dám “đấu” cả với lãnh đạo cấp cao của cơ quan quản lý Nhà nước, “sửng cồ” suýt nữa thì “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với một bầu sô khét tiếng “mafia” trong làng showbiz phía Bắc, lên tận sân khấu Nhà hát Lớn trước giờ biểu diễn để đòi tiền tác quyền… Người bị chê “ú ớ” nhất trong “tứ quái Hà Nội” sau hơn 10 năm vác tù và hàng tổng giờ này một mình lái xe (hơi) ào ào (khả năng lái xe có thể sánh ngang Trần Tiến, hơn đứt Nguyễn Cường và Dương Thụ), nói tiếng Anh chưa tới mức như gió nhưng cũng đủ để cầm chịch những cuộc gặp gỡ quốc tế và làm MC cho chương trình giao lưu văn nghệ với bạn bè nước ngoài trên Hồ Tây! Mấy năm gần đây ông còn phát hiện ra mình có thêm một số khả năng bất ngờ khác nữa như có thể thức tới 5 giờ sáng để coi phim hành động và võ thuật Hollywood, không kìm hãm được sự sung sướng “khi uống rượu có thể bắt nạt cả các hảo hán trong giới nghệ thuật và chốn giang hồ”!

***

Nếu như cuộc đời có thể lập trình, thì với Phó Đức Phương, cuộc đời luôn đẩy ông tới những tình thế “bỗng dưng thành người hùng”, đã bộc lộ một cá tính, một nhân cách riêng biệt. Một Phó Đức Phương thờ ơ, thậm chí lơ ngơ với mọi việc, hiền lành, thậm chí rụt rè trong mọi quan hệ, bỗng chốc có thể trở nên mạnh mẽ, rõ ràng, quyết liệt và dám đương đầu tới cùng.

Lứa học sinh trường Nguyễn Trãi 3 (Cửa Bắc, Hà Nội) cuối những năm 1950 nhiều người còn nhớ buổi chào cờ “lịch sử”, khi tiết mục hát Quốc ca của hàng ngàn học sinh toàn trường có nguy cơ bị “vỡ”, đến nửa bài chả còn ai hát, thì duy nhất, một giọng nam đơn ca lẻ loi giữa sân trường, do ý thức được tình thế, vẫn một mình kiên cường hát đến câu cuối cùng. “Học sinh cá biệt”, “người hùng của buổi chào cờ” đó chính là Phó Đức Phương, khi ấy mới 13 tuổi. Mười năm sau, cậu sinh viên năm thứ ba trường Âm nhạc Việt Nam cũng làm “đứng tim” nhiều bạn bè cùng lứa vì phát biểu “không giống ai” trong hội nghị sinh viên “đấu tố” Tôn Thất Triêm (anh ruột nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Nguyệt Minh) lúc bấy giờ cũng đang là sinh viên của trường. Tự ý đánh bản nhạc không theo sự chỉ dẫn của giáo viên trong buổi thi tốt nghiệp, “tội” của Tôn Thất Triêm bị quy chụp tới mức cho rằng mang tính chất giai cấp và đã có đề nghị đuổi khỏi trường, gửi thông báo kỷ luật tới tất cả các đoàn nghệ thuật (bị kỷ luật này nghệ sĩ xem như “hết đường sống”). Cậu sinh viên năm thứ ba Phó Đức Phương ý thức được hoàn cảnh hiểm nghèo của bạn mình đã đứng lên phát biểu trong hội nghị, rằng đây chỉ là một sai sót trong quá trình chuẩn bị thi cử, nên phê bình, nhưng phê bình để giúp người có lỗi sửa chữa chứ không phải khiến bạn mình không ngóc đầu lên được! Về sau Tôn Thất Triêm chỉ bị cảnh cáo. Gần 20 năm sau, ông lại một mình “bảo vệ” Trần Tiến và Trịnh Công Sơn trong cuộc họp Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ khóa 3 về việc kết nạp thành viên mới. Giữa lúc Trần Tiến bị coi là “làm nhạc trẻ theo đuôi Sài Gòn”, còn Trịnh Công Sơn bị xem là “tàn dư của quá khứ”, thậm chí, một nhạc sĩ người dân tộc, thành viên Ban chấp hành Hội, còn đưa ra dẫn chứng: “Ở địa phương tôi, những đối tượng bị theo dõi, cần giáo dục, toàn thích nhạc Trịnh Công Sơn” (!), ông không ngại đưa ra ý kiến riêng của mình: “Không có những người như Trần Tiến, Trịnh Công Sơn thì công chúng TP.HCM hát gì nếu không phải là nhạc tiền chiến, nhạc vàng? Trịnh Công Sơn thừa sức ra khỏi đất nước, nhưng anh ấy đã lựa chọn ở lại, hồ hởi viết những bài hát mới hòa nhập với cuộc sống ở đây. Hội Nhạc sĩ phải mở cửa với họ…”. Trong cuộc sống riêng tư cũng thế, nhưng đó lại là một “góc khuất” khác.

Và đương nhiên, trong “lập trình” ấy của cuộc đời, phải có đoạn Phó Đức Phương “bỏ” viết nhạc đi đòi tác quyền âm nhạc, và sẽ có đoạn ông “tái xuất giang hồ”. Tôi không thể không tin vào điều ấy.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Phương tài hoa.

Âm nhạc đặc sản. Con người của đặc sản. “Véc-tơ âm nhạc” của Phương có gốc dân gian, chiều hướng ra hiện đại. Còn tôi thì ngược lại. Tuy nhiên đôi khi chúng tôi vẫn nói đùa là trong nhà Phương có nhiều đồ cổ nhưng nhiều khi có thứ “vớ vẩn” cũng được Phương quý như món đồ ngàn năm. Có những bài Phương viết tôi bái phục, như Hồ trên núi chẳng hạn, nhưng Phương lại không cho là như thế…

Ca sĩ Mỹ Linh: Cộng tác với nhạc sĩ Phó Đức Phương, tại sao không?

Trong 4 diva, chỉ có Thanh Lam và Mỹ Linh hát và thành công tới mức trở thành dấu ấn khó thay thế với nhạc Phó Đức Phương. Với Thanh Lam là Hồ trên núi, Một thoáng Tây hồ, Không thể và có thể, còn với Trên đỉnh phù vân thì không ai khác ngoài Mỹ Linh. Đặc biệt, với Mỹ Linh thì Trên đỉnh phù vân còn là dấu mốc đáng nhớ cho cuộc thăng hạng ngoạn mục của nữ ca sĩ, năm 2007, trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 5. Song Trên đỉnh phù vân lại cũng từng là “hố đen” trong quan hệ giữa tác giả ca khúc và ca sĩ thể hiện. Vì cho rằng Mỹ Linh hát không đúng một số nốt mà không chịu sửa, nhạc sĩ Phó Đức Phương quyết tâm đi tìm một giọng ca khác, mà ông cho là hoàn hảo cho ca khúc này - ca sĩ Hồng Hạnh, nhưng khán giả lại từ chối sự thay thế này. Còn Mỹ Linh thì bị gắn mác “chảnh” với tuyên bố “Muốn nổi tiếng thì đưa bài hát cho tôi”.

Sự thực là ca khúc Trên đỉnh phù vân đã “đến tay” Mỹ Linh như thế nào? Có hay không chuyện ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Phó Đức Phương “mâu thuẫn” vì mấy nốt nhạc?

Năm 1996, nhạc sĩ Phó Đức Phương chọn Mỹ Linh để gửi gắm hai ca khúc: Trên đỉnh phù vân (viết cho vở Yêu trên đỉnh phù vân của Đoàn kịch Hải Phòng) và Chảy đi sông ơi (vở Thuyền lá của Nhà hát Kịch Việt Nam). Theo ông, đoạn dạo đầu của Trên đỉnh phù vân đã bị Mỹ Linh “lái” theo kiểu hát ca trù vốn không phải chủ ý của người sáng tác, vì vậy mà ông tìm đến Hồng Hạnh. Sau này ông thừa nhận: “Hồng Hạnh sửa được vài nốt nhưng không lại bằng sự hấp dẫn của Mỹ Linh”. Mỹ Linh xác nhận nhạc sĩ Phó Đức Phương là người nghiêm túc, kỹ tính, song bản thân cô cũng là người ương bướng, bảo vệ ý kiến của mình tới cùng nếu thấy nó không sai và với Linh, khi thể hiện bài hát, ca sĩ phải là người sáng tạo một lần nữa. “Đó chỉ là chuyện hai chú cháu hơi bất đồng một tí, và chuyện này cũng qua rất nhanh” - cô khẳng định.

Vậy liệu có một sự kết hợp trở lại giữa giọng hát Mỹ Linh và âm nhạc Phó Đức Phương không, khi thời gian gần đây người ta thấy Mỹ Linh đã hát lại Trên đỉnh phù vân (trong chương trình Điều còn mãi và trong đêm nhạc của Nguyên Lê) vẫn đầy uy lực và sự quyến rũ? “Sao lại không nhỉ?”. Mỹ Linh cho biết cách đây vài tháng, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã cho vợ chồng Mỹ Linh - Anh Quân nghe bài hát mới của ông, Nao nao Thác Bà (Đỗ Bảo phối khí, nhóm M For You thể hiện) và cả hai đều thật sự thấy thích. “Chị tôi, Thì thầm mùa Xuân, Hà Nội đêm trở gió, Trên đỉnh phù vân, Hương ngọc lan…, tất cả đều trên con đường âm nhạc của tôi, chẳng có lý do gì để loại bỏ chúng cả. Mỹ Linh và ê-kíp của mình có thể cộng tác với nhạc sĩ Phó Đức Phương, có thể làm một đĩa nhạc dân gian. Có thể trong năm nay Mỹ Linh sẽ hát với một nghệ sĩ thành danh mà tôi vô cùng yêu quý. Mọi thứ đều rất rộng mở như thông điệp của album Chat với Mozart: Âm nhạc không có biên giới”…

Phạm Thị Thu Thủy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm