Nhạc sĩ Lê Đức Sơn - khi cây đàn guitar "tự hát"

18/07/2024 07:34 GMT+7 | Giải trí

Khán phòng nhỏ của Cà phê Thứ Bảy tại Hà Nội cuối tuần qua (14/7) có mưa, chật kín người mà không gian lặng thinh đến lạ. Không một tiếng cười nói, chỉ có cây đàn guitar cổ điển cất tiếng độc tấu những giai điệu thân quen mà đầy lạ mới.

Đó là đêm nhạc giới thiệu các tác phẩm ca khúc và dân ca Việt Nam được chuyển soạn cho độc tấu guitar của nhạc sĩ Lê Đức Sơn. Đáng nói, tất cả tác phẩm được giới thiệu đều trích từ sách Độc tấu guitar - 30 tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc & dân ca Việt Nam (NXB Hà Nội) được anh cho ra mắt cũng dịp này.

Nhạc sĩ Lê Đức Sơn - khi cây đàn guitar "tự hát" - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Lê Đức Sơn

Đêm nhạc guitar cổ điển thuần Việt

Biến tấu mưa rơi là chủ đề của đêm nhạc, cũng là tác phẩm được biểu diễn tại chương trình. Đây là sáng tác được Lê Đức Sơn lấy cảm hứng từ dân ca Khơ Mú - những bài ca mừng nương rẫy được người Khơ Mú hát trong hội mừng mưa rơi để đón những cơn mưa đầu mùa. Trên cây guitar cổ điển, những ngón đàn thăng hoa của nghệ sĩ mở ra cả một bầu không khí tươi vui, rộn ràng của lễ hội nơi miền sơn cước.

Tác phẩm được viết bằng thủ pháp biến tấu trên chủ đề, giọng Sol trưởng với phần dạo đầu sử dụng kỹ thuật bồi âm (harmonic) để tạo nên một không gian mùa xuân trong veo. Càng về cuối, bản nhạc nhỏ dần với những âm bồi mô phỏng những bong bóng mưa thưa dần, đầy sinh động, gợi cảm.

Không chỉ có Biến tấu mưa rơi, cây đàn guitar cổ điển còn đưa người nghe chìm vào thế giới âm nhạc đa thanh, muôn điệu, đậm chất Việt Nam. Người nghe   say sưa thưởng thức, dõi theo từng chuyển động "xuất thần" trên cây guitar, có khi lại đu đưa, rồi gõ tay tạo nhịp nhè nhẹ theo điệu nhạc. Cả nghệ sĩ và người nghe như cùng để tiếng guitar "độc bước" dẫn dụ, phiêu lãng qua nhiều cung bậc xúc cảm.

Nhạc sĩ Lê Đức Sơn - khi cây đàn guitar "tự hát" - Ảnh 2.

Bộ đôi sách chuyên biệt về guitar của nhạc sĩ Lê Đức Sơn

Đó là những phút giây da diết cùng bản Quê hương của Giáp Văn Thạch. Tác phẩm được Lê Đức Sơn chuyển soạn trên giọng La thứ với phần dạo đầu trải hợp âm mô phỏng tiếng thập lục rí rách trên quãng ngũ cung, tạo nên âm hưởng làng quê Việt Nam thân thương, gần gũi. Trong bản nhạc này, tác giả chuyển soạn sử dụng nhiều kỹ thuật luyến láy, bổ ngón (hammer on), kéo ngón (pull off), trượt ngón bấm (glissando) tạo nên những luyến láy đậm màu sắc quê hương.

Hoặc, Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh được Lê Đức Sơn mạnh dạn chuyển soạn cho độc tấu guitar trên giọng Fa trưởng. Bản nhạc mặc dù có một số hạn chế về nốt bè trầm nhưng vẫn mang lại một hiệu quả vui tươi, lột tả phong cảnh đồng quê Việt Nam tươi đẹp với tinh thần hân hoan của người nông dân. Giai điệu của tác phẩm được xuất hiện đăng đối trên bè cao và tái hiện ở bè trầm.

Và, còn nhiều nữa những màn độc tấu guitar cổ điển thuần Việt đa thanh điệu, khi trầm ấm êm ái, lúc lại rộn ràng, vui tươi.

"Thực tế, không phải ai cũng có giọng để hát. Và khi ấy, việc độc tấu guitar, nhờ cây đàn "hát" hộ là lựa chọn của nhiều người" - nhạc sĩ Lê Đức Sơn.

"Cầu nối" để guitar đến với mọi công chúng

Những tác phẩm đầu tiên trong tuyển tập này được Lê Đức Sơn khởi viết vào khoảng năm 2020. Chọn sáng tác, chuyển soạn những ca khúc, làn điệu giàu bản sắc văn hóa Việt Nam cho độc tấu guitar cổ điển - đó là những trăn trở của anh trên hành trình sự nghiệp đã hơn 30 năm qua.

Nhạc sĩ Lê Đức Sơn - khi cây đàn guitar "tự hát" - Ảnh 4.

Các nghệ sĩ trẻ biểu diễn tác phẩm độc tấu guitar của nhạc sĩ Lê Đức Sơn tại đêm nhạc

Theo anh, các tác phẩm độc tấu guitar phần lớn vẫn là của châu Âu - quê hương sản sinh nhạc cổ điển. Trong khi, các tác phẩm Việt Nam cho độc tấu guitar chưa nhiều.

"Trước đây cũng có một số nghệ sĩ guitar lão thành như Hải Thoại, Tạ Tấn, Văn Vượng, hoặc thế hệ sau có Đặng Ngọc Long, Nguyễn Thế An… từng chuyển soạn khá nhiều ca khúc Việt Nam. Nhưng so với nhu cầu của người chơi guitar thì dường như  chưa đủ" - anh bày tỏ - "Bởi, số lượng người chơi guitar thực sự rất đông, khi nó là một cây đàn rất gần gũi với mọi người, dễ chơi, dễ mang vác và dễ mua".

Từ thực tế ấy, Lê Đức Sơn đã quyết định chọn những ca khúc nổi tiếng và những làn điệu dân ca Việt Nam thân thuộc để chuyển soạn, sáng tác. Sau khi được chuyển soạn theo phong cách độc tấu dành riêng cho guitar cổ điển, các ca khúc và làn điệu dân ca như lại được khoác lên mình một chiếc áo mới với ngôn ngữ âm nhạc mới. Đó cũng là "cầu nối" để giúp cây đàn guitar ngày càng tiếp cận thêm được nhiều công chúng yêu nhạc.

Nhạc sĩ Lê Đức Sơn - khi cây đàn guitar "tự hát" - Ảnh 5.

Đêm nhạc “Biến tấu mưa rơi”giới thiệu các tác phẩm độc tấu guitar của Lê Đức Sơn chật kín khán giả

Theo lời nhạc sĩ, những ca khúc nổi tiếng và  những làn điệu dân ca đã ăn sâu vào trong tiềm thức người Việt Nam. Hầu hết, ai cũng từng được nghe chúng đâu đó trên đài hoặc tivi. Để rồi, khi thưởng thức hay tập luyện những tác phẩm  chuyển soạn từ những giai điệu quen thuộc này, họ sẽ được khơi gợi được sự hứng thú và cũng cảm thấy việc chơi đàn guitar trở nên có ý nghĩa.

"Độc tấu guitar có thể hiểu là cây đàn tự hát lên và tự đệm cho nó. Với độc tấu, cây đàn sẽ cố gắng hát giống, hoặc hay, như giọng ca của con người" - Lê Đức Sơn bày tỏ - "Thế mạnh của guitar là có thể sử dụng những thủ pháp biến tấu, ngẫu hứng. Chúng làm những âm thanh, những nốt nhạc khác đi, để bài nhạc trở nên sinh động theo một cách mới mẻ và mang tới ngôn ngữ âm nhạc mới cho những ca khúc, dân ca quen thuộc".

Đam mê mang đến động lực

Với Lê Đức Sơn, quá trình tìm tòi, nghiên cứu để chuyển soạn độc tấu guitar cũng mất nhiều công sức. Trước tiên anh phải nghe rất nhiều ca khúc có sẵn, cũng như tìm tòi thêm những bài hát, làn điệu mới. Một ca khúc có thể phối khí theo nhiều phong cách khác nhau như pop, jazz… nên anh phải chọn ra được phong cách gần nhất với trường phái guitar cổ điển để phối âm hiệu quả.

Sau đó, bước quan trọng tiếp theo là chọn giọng (chọn tông) trên cây đàn. Chọn giọng phải lột tả được giai điệu bài hát cũng như phối âm cho ra được bè hòa âm mà không ảnh hưởng tới giai điệu. Tiếp đó, phải chơi giọng/tông đó trên đàn.

Nhạc sĩ Lê Đức Sơn - khi cây đàn guitar "tự hát" - Ảnh 6.

Tuyển tập “Độc tấu guitar - 30 tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc & dân ca Việt Nam” (NXB Hà Nội) của nhạc sĩ Lê Đức Sơn

"Phải thực hành rất nhiều phương án, chơi thử, rồi phối âm, chọn các vòng hòa âm làm sao tối ưu nhất, để người chơi guitar không bị làm khó nhưng vẫn có thể lột tả được giai điệu đặc trưng của từng ca khúc"- nhạc sĩ cho biết - "Cuối cùng là bắt tay vào viết. Khi đã chơi "nháp" trên đàn, nhạc sĩ bắt đầu đặt bút viết nhạc, Lúc này lại chuyển sang một thử thách mới. Bởi, đôi khi chơi trên đàn thì ổn nhưng để viết ra thành nốt nhạc lại phải tính toán sao cho bè cân đối và không bị quãng nghịch".

Như lời kể, mất nhiều công sức nhưng chưa khi nào Lê Đức Sơn thấy mệt mỏi trong công việc này. Anh luôn dồi dào cảm hứng trong nghiên cứu, giảng dạy và sáng tác với một tình yêu đặc biệt dành cho cây đàn guitar - người bạn đã theo mình hơn 30 năm qua.

Tình yêu ấy càng trở nên có ý nghĩa khi Sơn cho ra đời những tác được giới chuyên môn đánh giá cao. Cụ thể, trước tuyển tập Độc tấu guitar, anh từng xuất bản cuốn Phương pháp học guitar - Lý thuyết và Thực hành (NXB Thanh niên) vào năm 2017. Đây được xem như cuốn giáo trình học guitar phù hợp với người Việt Nam ở mọi lứa tuổi và từng được nhiều người sử dụng trong việc dạy và học một cách hiệu quả.

Như chia sẻ, với 2 đầu sách chuyên biệt về guitar này, nhạc sĩ Lê Đức Sơn mong muốn những người yêu guitar, gồm cả tự học và được học một cách bài bản, sẽ có cơ sở để chơi đúng hơn, hay hơn và tốt hơn. Anh cũng hy vọng một ngày nào đó những bản nhạc đậm chất Việt Nam chuyển soạn cho độc tấu guitar sẽ được những người nước ngoài biết đến và chơi chúng, như một cách để đưa âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

Vài nét về nhạc sĩ Lê Đức Sơn

Nhạc sĩ Lê Đức Sơn (sinh năm 1968) hiện công tác giảng dạy tại Bộ môn Guitar, Khoa Accordion - Guitar - Keyboard, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Anh xuất thân trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, trong đó có 2 ông cậu là Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Loan và NSND, GS-TS Nguyễn Trọng Bằng, nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, nguyên Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Không chỉ nghiên cứu, sưu tầm, giảng dạy và sáng tác cùng cây guitar cổ điển, anh còn là người tổ chức nhiều chương trình biểu diễn guitar lớn nhỏ cho các nghệ sĩ quốc tế và nhiều các hoạt động biểu diễn ngoại khóa cho học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Yên Bái, Cao đẳng Nghệ thuật Tây Bắc…

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm