12/02/2024 18:00 GMT+7 | Giải trí
Liên hoan Âm nhạc quốc tế TP.HCM lần 3 - Hò Dô 2023 đã thu hút hơn 200.000 lượt khán giả, vượt xa cả mong đợi. Sau 3 mùa tổ chức, Hò Dô đã trở thành một ví dụ thí điểm cho việc làm công nghiệp văn hóa, là một điểm hẹn thưởng thức văn hóa nghệ thuật theo chuẩn quốc tế. Từ thực tế Hò Dô, các địa phương khác và cả "thành phố âm nhạc" Đà Lạt có thể rút thêm những kinh nghiệm cho mình.
Nhạc sĩ Huy Tuấn (Tổng đạo diễn) cho biết, Hò Dô vẫn đang trên đường hoàn thiện mình để quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn trong ngành công nghiệp văn hóa. Thế nhưng, việc hướng Hò Dô trở thành địa chỉ âm nhạc quen thuộc cho những cuộc "đại giao lưu văn hóa" đỉnh cao thế giới trong những năm tới thì đã có cơ sở rõ ràng.
* Thưa anh, sau 3 kỳ "Hò Dô", nhìn ở góc độ âm nhạc, lễ hội và công nghiệp văn hóa, anh nghĩ TP.HCM đã thu nhận về những điều gì là quan trọng nhất?
- Tôi thấy một dấu hiệu tích cực, nhất là ở mảng tổ chức các lễ hội. So với lúc Hò Dô tổ chức lần đầu, mới lác đác một vài lễ hội nhỏ lẻ và manh nha, thì năm nay là một sự thay đổi chóng mặt, với hàng chục các lễ hội được tổ chức khá bài bản, hình thức âm nhạc phong phú hơn. Khán giả của lễ hội cũng được dần hình thành và phân hóa theo nhóm riêng, như các tín đồ EDM, những người yêu thích mảng âm nhạc underground, indie… đều có thể tìm tới được những lễ hội riêng biệt cho thể loại âm nhạc mình yêu thích.
Hò Dô đã tạo được dấu ấn riêng, cá tính riêng cho mình và đang dần trở thanh thương hiệu văn hóa mới của thành phố, góp phần lan tỏa văn hóa bản địa ra thế giới, để mang thế giới đến gần khán giả của TP.HCM. Tôi nghĩ, khía cạnh quan trọng nhất của mọi nền công nghiệp, đó là sự giao thương, Hò Dô đang bắt đầu có được sư giao thương về văn hóa.
* Còn nếu nhìn ở khía cạnh khán giả âm nhạc, việc họ trực tiếp chạm đến những trải nghiệm sân khấu - thay vì xem qua màn hình vi tính, điện thoại - có ý nghĩa ra sao?
- Chúng tôi muốn cùng với khán giả phát triển và hình thành văn hóa dự lễ hội, bởi những trải nghiệm trực tiếp là không thể so sánh.
Tại sân khấu Hò Dô, bạn sẽ luôn có những trải nghiểm bất ngờ, choáng ngợp, từ các nghệ sĩ kỳ tài đến từ khắp các nền văn hóa, những thể loại âm nhạc để cho bạn có cơ hội khám phá ra những tần số cảm xúc mà ít khi được chạm tới.
Nói dễ hiểu, khi đến với các lễ hội có hàng chục hàng trăm ngàn khán giá giống như bạn, mọi cộng hưởng đều khác biệt với các show diễn thông thường khác.
* Còn nếu nhìn ở khía cạnh công nghiệp văn hóa, anh nghĩ "Hò Dô" có đóng góp hoặc gợi ý gì cho TP.HCM?
- Nền tảng của công nghiệp văn hóa phải bắt đầu đồng bộ qua nhiều hướng tiếp cận, cùng với một sự phong phú về sản phẩm. Hò Dô đã xuất hiện vào một thời điểm mà chúng ta còn rất ít các nền tảng để tiếp cận với nghệ sĩ từ các nơi trên thế giới, thiếu những thương hiệu văn hóa để thu hút khán giả nước ngoài, còn hơi nghèo nàn trong việc tạo ra những nơi thưởng thức nghệ thuật độc đáo cho chính khán giả trong nước.
Thật may mắn là đến nay, sự phát triển của các mô hình lễ hội âm nhạc nghệ thuật - không riêng gì với Hò Dô - đã nở rộ hơn rất nhiều, bất chấp việc cả thế giới phải dừng lại vài năm do đại dịch Covid-19, qua đó chúng ta có thể nhận thấy vai trò của văn hóa và nghệ thuật là vô cùng quan trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả thiên tai, chiến tranh, bệnh dịch… Nhu cầu thưởng thức âm nhạc tự thân của người dân là rất cao, nhưng việc tạo ra những sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng vẫn luôn là những bước đi cần thiết cho bất cứ một giấc mơ bay bổng nào.
Tôi chỉ xin một ví dụ nhỏ. Nhiều nghệ sĩ quốc tế đến với Hò Dô là vì họ muốn xuất hiện ở đó, muốn gặp khán giả Việt Nam, chứ không phải do chúng tôi trả nhiều tiền. Việc muốn chia sẻ nghề nghiệp với đồng nghiệp, với những không gian phù hợp đẳng cấp… là nhu cầu tự thân của người làm nghề. Cho nên, khi xây dựng thành phố âm nhạc, hoặc công nghiệp văn hóa, không gian nghề nghiệp và sự giao thương phải nên là những ưu tiên.
* Còn nói hẹp hơn một chút, đó là công nghiệp âm nhạc. Nền công nghiệp ấy cần những thành tố nào để hoàn chỉnh khái niệm và thiết thực đi vào đời sống?
- Tôi nghĩ cũng không có gì to tát đâu. Nó vẫn phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ những sản phẩm mang tính cá nhân cho tới sản phẩm của những tập thể, phải luôn đặt yếu tố sáng tạo lên hàng đầu, để thu hút được khán giả. Âm nhạc nào, khán giả ấy. Chính những người thụ hưởng sẽ đóng vai trò quyết định trong việc có hình thành được hay không một cái gọi là công nghiệp âm nhạc.
Khán giả không chỉ quyết định về doanh thu, về con đường chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư, mà còn là trụ cột của nền âm nhạc. Lâu nay, khi chúng ta nói về giao lưu quốc tế, là mới chỉ giao lưu về tác giả - tác phẩm, chứ chưa nghĩ đến việc giao lưu khán giả. Việc khán giả quốc tế xuất hiện trong các lễ hội, các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam gần đây là một thực nghiệm sinh động để chúng ta được quyền nghĩ đến việc thu hút họ trong tương lai gần.
* Xin mở rộng một chút, vừa rồi Đà Lạt được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc. Anh bình luận thế nào về tin tức này? Anh có nghĩ nếu là Hà Nội hoặc TP.HCM, thì khái niệm này có vẻ trọn vẹn hơn Đà Lạt chăng?
- Tôi nghĩ Đà Lạt rất phù hợp cho việc sáng tạo âm nhạc, bởi không gian có một không hai của nó. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt được UNESCO công nhận.
Nơi đây nhịp sống vốn dành cho những sự lắng đọng. Phong cảnh sẵn là một bức tranh lãng mạn tuyệt đẹp. Và, có lẽ, khí hậu 4 mùa trong một ngày chính là một hành trình thay đổi tâm trạng vốn dành cho những tâm hồn nhạy cảm, phức tạp, của các nhạc sĩ sáng tác. Tất cả những điều đó khó có thể trải qua ở bất cứ nơi nào khác.
Tuy Đà Lạt thuận lợi về mặt không gian, nhưng để có được một sự gắn kết thực sự với các nghệ sĩ, thì cần phải có một sự cởi mở hơn nữa từ chính sách đến việc triển khai, thu hút các nghệ sĩ hàng đầu quy tụ về đây trong một thời gian dài. Lựa chọn ra được một "tổng công trình sư" có tầm và hiểu biết, có thể gắn kết được cả những chính sách với những nguồn lực bên ngoài hệ thống sẽ mang tính quyết định.
Mà chẳng riêng gì Đà Lạt, tôi nghĩ các thành phố khác đều cần những sự kiện văn hóa, lễ hội quốc tế như vậy, để cùng nhau mở mang và thu hút du lịch. Điều này, như đã nói, nó sẽ góp phần quan trọng trong việc tạo ra một mạng lưới khán giả chất lượng cho tương lai. Khán giả là một trụ cột của thành phố âm nhạc hoặc công nghiệp văn hóa.
* Cảm ơn anh!
"Lâu nay, khi chúng ta nói về giao lưu quốc tế, là mới chỉ giao lưu về tác giả - tác phẩm, chứ chưa nghĩ đến việc giao lưu khán giả. Việc khán giả quốc tế xuất hiện trong các lễ hội, các sự kiện âm nhạc tại Việt Nam gần đây là một thực nghiệm sinh động để chúng ta được quyền nghĩ đến việc thu hút họ trong tương lai gần" - nhạc sĩ Huy Tuấn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất