Đỗ Bảo: Hy sinh cho đáng!

13/09/2012 07:00 GMT+7 | Văn hoá

 
“Gần 30 tuổi tôi thấy rõ ràng cách sống mà mình cần lựa chọn, còn trước đó tôi chỉ có những suy nghĩ mơ hồ thôi. Bây giờ tôi trở nên cực đoan, cũng bởi tôi không chịu được những rung động quá mạnh”.

Và Đỗ Bảo dừng lại, anh kiến tạo cho mình một thế giới nhạc không quá đẹp để thành ảo ảnh, mà chân thực, gần gũi với những giá trị đơn giản nhất một con người cần có. Một Đỗ Bảo nhạy cảm, tinh tế đủ để lập ngôn cho mình trên sân khấu showbiz quay cuồng hàng đêm và day dứt trong chính sự tỉnh táo của mình. Và một Đỗ Bảo cũng chân thực, trần trụi sống không kém giữa cái cuộc đời tưởng yên ả như nhạc của anh. Mà hóa ra cuộc đời không hẳn vậy!

Ừ tôi tỉnh táo


* Anh tinh quá! Chẳng bao giờ mê muội quá sức như một nghệ sĩ mà người ta vẫn mặc định. Và chẳng ai… lừa được anh cả!

- Tôi cứ bị tỉnh táo trong mọi chuyện, ngoài những giờ phút rất ít ỏi khi tôi bị cuốn vào điểm trung tâm rung động của bản nhạc. Mọi người hay tôi đều nghĩ nghệ sĩ cần chông chênh giữa sự tỉnh táo và sự mơ hồ, lúc thăng hoa, lúc tuyệt vọng buồn bã… phải vượt qua những người bình thường thì mới sáng tạo được. Nhưng tôi lại thấy, thật khổ sở, nếu tôi không tỉnh táo thì làm nghề rất khó, sẽ không thể giữ được bản thân, hay duy trì đam mê đúng như mong muốn của mình trong một môi trường phức tạp như ở Việt Nam hiện nay. Cuộc sống nói chung, hay showbiz nói riêng, nó giống như một cái cối xay lớn, sẵn sàng nghiền nát mọi giá trị, mọi cá tính, mọi xương thịt, hay các rung động nếu mình đồng ý thỏa hiệp.

Trên một sân khấu đã quá chông chênh như thế, mình cũng thỏa sức cho bản năng biểu diễn thì mình có thể ngã hoặc rơi bất cứ lúc nào. Có những khi tôi rất buồn chán bởi từ lâu tôi buộc phải rèn luyện để sự tỉnh táo trở thành thói quen đến mức cực đoan, bởi vì chuyện ấy có gì đó ngớ ngẩn nhưng lại cần thiết, sự chông chênh trong tôi ít dần. Xét cho cùng, tôi cần sự cân bằng hơn, bởi sự chông chênh tôi không cần tạo ra thì chúng cũng đã và đang tồn tại ngay dưới chân mình, xung quanh mình.

* Nghe giống như câu “Ai cho tôi lương thiện” quá. Và anh, luôn mang tâm thế của người đứng ở xa, quan sát mọi thứ xung quanh thì môi trường nghệ thuật ở Việt Nam có ngày càng giống một nồi lẩu?

- Tôi thấy điều này rất rõ ràng. Nói đến nghệ sĩ giờ chỉ thấy toàn những scandal, những chuyện gây sốc… hoặc các thông tin nhảm nhí như quần áo, lộ cái này lộ cái nọ. Buồn cười là những người trơ gan, cứ thách thức dư luận thì càng nổi tiếng, chửi họ cũng là cách giúp họ nổi tiếng hơn, khoe khoang hơn. Nhiều độc giả ngây thơ sẽ chỉ thấy thành ra truyền thông đang tôn vinh những giá trị vật chất mới, những giấc mơ…

Với tôi, có lẽ giới truyền thông, tôi nói riêng lĩnh vực ca nhạc, còn nhiều lúng túng, chưa rõ quyền năng để tôn vinh đúng chuyện và chê đúng chuyện, dẫn dắt đời sống đi lên. Lỗi này có thể là lỗi “hệ thống”, lỗi “thời đại” đi nữa, nhưng nó đang gây ra hiện tượng các giá trị bị đảo lộn, triệt tiêu sự sáng tạo, rất đáng sợ.

 

* Truyền thông đang thể hiện rõ những gì một phần không nhỏ muốn biết tới đó chứ?


- Khán giả bây giờ được tập cho cách giải trí quá dễ dãi. Gần đây tôi để ý những vấn đề quanh các gameshow trên tivi, chẳng hạn khi khán giả xem gameshow, xem và nghe người ta ăn mặc đẹp, nói lời hay, thảo mai, rồi mai ra quán cà phê lên mạng xã hội bàn tán thì vui cười chút chứ có gì tốt đẹp ở đây đâu, giết thời gian cho những chuyện vô bổ. Ngày nay người ta ham được xoa dịu vuốt ve bằng những vui thú con con, những cách mị dân sống sượng, thì làm sao người ta chịu được kham khó để dám sống tử tế, tự trọng, chưa kể là để sáng tạo và kiên nhẫn chờ đợi những kết quả to lớn, cho bản thân và cho cộng đồng.

Tôi thấy quanh mình, hình như ai cũng cô đơn và bâng khuâng giữa bao nhiêu thác lũ văn hóa, vật chất tràn vào Việt Nam. Có một nỗi sợ rất nhược tiểu cộng với thói quen sính ngoại đến lố bịch, có thể biết là thế nhưng mọi người vẫn đua nhau tiêu phí để bù lấp những trống trải nào đó… Chẳng hạn như đồ xa xỉ, đồ công nghệ đắt tiền đầy ra đấy nhưng không ít trường hợp chỉ là để khoe mẽ, để khẳng định thứ đẳng cấp “ảo” nào đó. Nhiều người dùng điện thoại iphone nhưng chỉ để nghe gọi nhắn tin, chứ chưa biết làm gì khác với nó, vậy thì dùng cái điện thoại nào chẳng được. Rõ là một xã hội tiêu phí, và âm nhạc thì bị tiêu cực kì phí, lên mạng download miễn phí và không thích thì khi delete không có gì phải tiếc.

Những chuyện như thế không phải lỗi của riêng ai đâu, nhưng nó thể hiện sự nhiễu nhương dân trí của mình như thế nào chứ, mà dân trí của mình như thế thì điều đám đông ấy muốn biết, điều đám đông ấy quan tâm có nghĩa gì đây? Truyền thông phải thể hiện cái họ cần được giúp có lẽ tốt hơn, nó sẽ giúp xã hội minh bạch và tốt đẹp hơn, thay vì chiều chuộng cái nhiễu nhương ngày nay.

* Chính anh đang tìm đến lớp công chúng này khi chọn phong cách Pop làm nên thương hiệu Đỗ Bảo đó. Phải không?


- Tôi nhận tôi viết nhạc Pop như một cách kiêm nhường, vì tôi hướng mình sống bình thường nên tôi cũng chọn dòng nhạc có vẻ bình thường để lập ngôn. Từ khi còn nhỏ, tôi đã chán ngấy cái thói tô điểm cho mình bằng những khái niệm ngoại thân, nói cách khác với tôi các tên gọi hoàn toàn không quan trọng, tôi nghĩ miễn sao người nghệ sĩ viết ra tác phẩm vang lên và nhận được sự đồng cảm từ ai đó có chút trí tuệ, như thế là tuyệt vời thôi.

Như gần đây tôi có đọc một loại bài viết trong cuộc thi viết: “Tôi và thần tượng”, tôi thấy quá nhiều bài viết buồn cười của giới trẻ khi họ chia sẻ với thần tượng của họ là những ca sĩ dòng nhạc này dòng nhạc nọ. Họ non dại với những cảm xúc nhất thời nông nổi và nhạt nhẽo, họ thần tượng ai đó như hòa vào một trào lưu, khóc lóc buồn tủi hay làm duyên làm điệu rất là bồng bột, mà họ bồng bột như vậy thì làm sao mà khiến thần tượng của họ vui hơn hay tốt đẹp hơn được. Một tác giả hay một ca sĩ nhắm vào đối tượng đó thì không ổn chút nào, khác gì đi bắt bóng ở dưới sông, rồi tự dối mình rằng đó là những khán giả thực sự chia sẻ suốt đời với mình.

Tôi chỉ nghĩ mình như người làm vườn, làm một khu vườn sinh thái âm nhạc của mình và ai đó ghé thăm thì tôi trân trọng mời họ vào. Trong thâm tâm, tôi mong muốn sáng tác của tôi đi đến với lượng khán giả có chính kiến, trí tuệ riêng, nói chung là những khán giả tiến bộ. Và bởi tôi tin tầng lớp khán giả rất đơn giản và khiêm nhường, họ thích tôi là anh làm vườn chứ không thích tôi là ông chủ đất. Đằng nào cũng chút hy sinh cho nghệ thuật thì tôi mong hy sinh cho đáng để nhận lại niềm vui sướng cho đáng. Tôi sẽ không bao giờ thích những khán giả chỉ biết nghe bằng tai người khác, nhìn bằng mắt người khác, nghĩ bằng trí óc người khác, yêu bây giờ và quyên ngày mai. Họ và tôi không làm gì cho nhau được đâu.

* Anh vừa nói về sự hy sinh. Hóa ra để tỉnh táo lại cần phải vứt bỏ nhiều thứ đến thế ư?

- Chị nghĩ để ngồi sáng tác hay làm album nhạc trong một môi trường showbiz chông chênh là dễ ư? Những năm tháng này khó lắm, suốt ngày tôi phải đi tìm điểm giữa của cái trục bập bênh, đặt chân vào điểm đó để mình không bị hất văng đi bất cứ lúc nào.

Tôi rất muốn ngồi đây bình thản nói những chuyện mơ mộng dịu dàng, nhưng không thể, tôi đang nói toàn những chuyện nặng nề bởi vì tôi nghĩ mình đang được nói với nhiều người, những vấn đề chung.

Người nghệ sĩ có thiên chức mang tới giá trị tinh thần tốt đẹp hơn cho cộng đồng, chứ thỏa hiệp và cũng a dua sống nhiễu nhương như đời sống đó nữa thì làm nghệ sĩ có nghĩa gì đây, khi các kiểu băng đảng, các kiểu gian thương đã làm điều đó quá tốt rồi.

Cứ phải đi tìm tâm điểm để sống, để nói gì đó bằng âm nhạc, để cân bằng, làm tôi mất nhiều thời giờ. Không thích thú gì, nhưng tôi chấp nhận, để có thể sảng khoái trả lời cho mình bất cứ lúc nào trước những câu hỏi lớn rằng mình là ai mình đang ở đâu, mình từ đâu đến, tại sao lại sống, sống vì điều gì… Người có thể cười mình, mình có thể cười người, những sự thật khác nhau tồn tại trong mỗi người. Tôi có hy sinh, để đổi lấy những nguồn vui mà tôi mới hiểu được.

* Nếu thế sao anh không “Nam tiến”, hay anh ở lại vì Hà Nội chật chội này lại là mảnh đất tốt cho ai biết nắm bắt cơ hội?

- Ngay khi tôi tưởng tượng mình xa Hà Nội nửa năm tôi đã không muốn nghĩ tiếp nữa rồi. Tôi thích Sài Gòn, miền Nam có nhiều cái hay hơn Hà Nội nhưng tôi chỉ thấy mình không phù hợp, ít khi nào tôi nghĩ đến việc thay đổi nơi làm việc. Như năm 2004 tôi có gần 3 tháng làm Sao Mai Điểm Hẹn ở Sài Gòn hay vừa rồi 2012 ở Huế, gần ba tháng để sống và làm việc tại một nơi khác thì tôi thấy là thú vị. Tôi thích những chuyến thay đổi dài chừng ấy, đừng xa Hà Nội quá lâu. Còn nếu buộc cần thay đổi hẳn một môi trường mới, tôi sẽ chọn việc định cư ở nước khác.

Dừng lại thôi, chông chênh thế mệt rồi


* Sự tỉnh táo là bài học đầu đời khi đứa trẻ 5 tuổi biết thế nào là hụt hẫng của nghèo đói và mất mát từ gia đình mình?

- Nó do ảnh hưởng đó. Bố mẹ tôi cho tôi thấy bằng cuộc đời của họ là dù xuất thân có điều kiện rất tốt, nhưng một ngày có thể mọi thứ sẽ biến mất, và khi ở con số 0 ấy ta phải làm gì. Nỗ lực bằng sức lao động của họ chứ không thỏa hiệp, họ kiên trì để tạo lập lại, dành lại những quyền lợi thuộc về của họ, đó là bài học ảnh hưởng đến tôi.

Suốt những năm tháng sau này tôi thấy điều đó vẫn xảy ra đầy rẫy trong cuộc sống, sự bất công, những cú rơi của ai đó, sự mất mát nơi những người xung quanh vẫn còn nhiều. Không phải chỉ mất nhà mất đất, ngày nay tôi thấy bao đứa trẻ mất tuổi thơ, hay là những người bị tước đoạt niềm tin, đức tin… Những chuyện đó dạy cho tôi rằng những sự việc tồi tệ chẳng bao giờ dừng lại, chúng chỉ được hạn chế dần trên một lộ trình rất dài để một nền văn minh thay đổi. Và nó giảm đi, hạn chế dần đi khi càng có nhiều người mong muốn mình sẽ tử tế hơn và trên thực tế dám sống tử tế như mong muốn của mình.

* Những bài học cuộc đời làm ta lớn khôn, còn kinh nghiệm trong nghệ thuật có làm anh sáng tạo tốt hơn không?

- Tôi vẫn nghĩ nghệ thuật vốn thuộc về tuổi trẻ, khi ấy mọi suy nghĩ, sức lực còn sung mãn, không biết mệt là gì để đi đến cùng từng vấn đề. Bây giờ tôi bớt trẻ rồi thì có kinh nghiệm, nhưng tôi không tỉnh táo tôi sẽ lại bị nô lệ bởi những kinh nghiệm. Thấy kinh nghiệm là phải gắng vứt đi ngay hoặc là phải đặt lên bàn cân lựa chọn kỹ lắm, cũng phải chờ những khoảnh khắc “vô nhiễm” mà quyết định để tác phẩm thế này hay là sửa thế kia… Bây giờ tôi vẫn thích ca khúc, tình ca, mà tình ca vốn gần với tuổi trẻ, thế nên tôi luôn nghĩ rằng tôi sẽ viết tình ca nhiều nhất trong khoảng thời gian 10 năm nữa thôi là hợp lý.

* Tỉnh táo để biết điểm dừng thì tốt, nhưng như thế có khắc nghiệt không cho một đời nghệ sĩ quá ngắn?

- Tôi nói thẳng ra rằng người chuyên nghiệp phải tỉnh táo, chứ không lơ tơ mơ được đâu. Có những chặng anh được quyền hoang mang, mơ hồ, chông chênh, nhưng đó là lúc anh đang học bài thôi, chứ còn khi làm việc chuyên nghiệp và lâu dài thì người ta rất cần tỉnh táo, không để kỹ thuật làm chủ mình, dẫn dắt mình, không để mình lệ thuộc quá vào công nghệ, điều đó dễ phá vỡ cảm xúc mình đang có. Mà vỡ rồi là không ghép lại được. Một tác phẩm âm nhạc có giá trị có lẽ là khi nó gợi được cảm xúc của người nghe, đó vẫn là yếu tố hàng đầu.

Còn về việc đời nghệ sĩ ngắn hay dài, tôi nghĩ đơn giản rằng tài hoa của mỗi người là trời cho, chứ thế giới nghệ thuật thì vẫn bạc bẽo như xưa, biết bao nhiêu nhạc sĩ lẫy lừng nổi tiếng mà mọi người yêu mến giờ họ đang ở đâu và nghĩ gì, thời cuộc nó có thể xóa hình bóng thế hệ họ thì tất nhiên sau này thời gian cũng có thể xóa hình bóng thế hệ tôi thôi. Trời cho đến đâu, lại là chuyện kì lạ ta không hiểu hết nổi, có những người xuất chúng quá nên dường như họ sống thêm nhiều đời sau. Nhưng tựu trung lại, một điều căn cơ nhất mà tôi thấy nghĩ thế này thật hay và thoải mái, rằng chẳng có gì là mãi mãi cả. Kể cả những phép lạ trời cho cũng không mãi mãi đâu.

* Vậy nên ca khúc Đỗ Bảo có giản dị, chân thành, chạm đến trái tim người nghe, nhưng thiếu sự lãng mạn vì tỉnh táo quá?

- Tôi ngày càng hướng tới sự lành lạnh, phẳng lặng, cân bằng, chứ nếu thể hiện cảm xúc lãng mạn, ấm nóng quá thì tôi không chuộng. Tôi thấy trên thực tế những cảm xúc kiểu ấy nó dường như là không thật, và không bền, tôi thích sự lãng mạn có thật, sự lãng mạn thực tế. Lúc thăng hoa trong tình yêu người ta có đủ các trạng thái, hành động lãng mạn, nhưng nó chỉ là khoảnh khắc ngắn trong đời sống. Một tình yêu lâu dài phải được dàn trải chia đều ra nhiều khoảnh khắc thì những xúc cảm như thế tôi chuộng hơn. Tôi gắng đưa vào ca khúc của mình độ ấm của cảm xúc vừa phải, không thừa và không thiếu, cứ đủ thôi. Vừa đủ thì lâu dài, không kệch cỡm, cũng không sến và ủy mị bao giờ cả.

Chẳng hạn khi cao hứng hoặc cảm xúc mạnh liệt tôi sẽ có những câu hát đắm say, bay bổng lắm, đó là tôi tưởng vậy, nhưng vài hôm sau hát lại, thấy sến hay kì cục quá, tôi phải bỏ đi thôi. Âm nhạc từ cuộc đời chân thật và phản chiếu cuộc đời càng chân thật càng tốt, người thích ngọt thì thấy tôi nhạt, người thích nhạt thấy tôi ngọt, vấn đề là tôi thấy mình đủ, và những người thích đủ thì họ thích nhạc của tôi.

 

* Đây là kết quả của một người đã cuồng điên trong tình yêu và luôn tự vấn mình để rút ra kinh nghiệm?


- Trong “Bài ca tháng Sáu” tôi có viết: Hoặc nếu mình, những kẻ phiêu lưu/Cứ u buồn rồi say đắm nhiều/Ồ ta lẽ nào muốn thế, nó như một tuyên ngôn trong đời sống lâu dài của tôi vậy. Tạm trải qua những năm tháng tuổi trẻ phiêu lưu, có say đắm cực kỳ nhiều, u buồn cực kỳ nhiều, quẩn quanh trong vòng tròn ấy, nó đủ rồi, mệt mỏi rồi, trước cái biên độ rộng quá đỗi của tình yêu. Quá u buồn, quá say đắm thì cũng quá bất ổn. Xét cho đến cùng thì con người đâu ai muốn thế mãi, để tiến lên thì người ta phải vung tay vung chân nhẹ nhàng giúp cơ thể cân bằng mà đi. Tạo hóa sinh ra con người bước đi cân bằng thông qua những chông chênh ở biên độ hẹp như thế chứ con người không ngã vật bên phải ngã vật bên trái để bước đi. Tình yêu cũng vậy, dần dần tôi nghĩ làm sao say đắm vừa đủ, u buồn vừa đủ, để có tình yêu lâu bền.

* Không phải người yêu cuồng say rồi cưới, đủ tỉnh táo để giữ mình và gia đình luôn cân bằng. Anh có tin rồi sự tỉnh táo sẽ giúp anh không bị vướng phải tình cảm ngoài luồng hay giữ được người đàn bà của mình mãi mãi?

- Trong mối quan hệ của đàn ông – đàn bà hay hôn nhân, tôi đề cao vai trò người đàn ông rất nhiều, tổ chức về mặt vĩ mô cho mối quan hệ đó đi lâu dài hay không, có mục tiêu gì, đàn ông phải chỉ ra và thuyết phục, cách nào mà dẫn dắt mối quan hệ đó. Để có một tình yêu lâu bền thì cần việc mình dám vứt bỏ, hy sinh những gì không cần thiết, và sẵn sàng mang tình cảm ấy đi cùng nhau như thứ hành trang quan trọng nhất. Chỉ mang nó theo thôi, một tình yêu trong trẻo nhẹ nhàng, không tham lam, không đòi hỏi, không phù phiếm, nó sẽ giúp mình làm được mọi điều khác cần cho sự sống và cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống, tôi nghĩ tình yêu như thế sẽ là một bảo bối quan trọng có phép lạ hẳn hoi.

May mắn là vợ chồng tôi tạm thời vẫn có cảm giác đó. Một mặt, tôi không bao giờ khẳng định mình vẫn có quyền năng giữ được mọi thứ mãi mãi bởi vì vẫn có một con thú trong tôi, nên chuyện gì xảy ra là do số phận ở tương lai. Mặt khác tôi khẳng định rằng tôi luôn nhắc mình chọn gia đình là trên hết. Tôi rất chán ghét lý luận rằng nghệ sĩ nhất thiết phải đơn độc kiểu không vợ, sống đơn độc nay mối tình này mai mối tình khác… Sự cô độc, giống như sự chông chênh, nếu xem là chất xúc tác để sáng tạo đi nữa, tôi xin nói là chúng luôn quanh đây, dưới bước chân mình, đời sống xung quanh ta, nếu muốn có và đặt tiêu điểm mà nhìn, ta chỉ thừa chứ không bao giờ thiếu chúng.

Những điều đơn giản

Tác giả của những tình khúc lãng mạn, những bài ca hạnh phúc – cái thứ tưởng xa xỉ trong cuộc sống chông chênh bây giờ, và tưởng xa vời với người nghệ sĩ, lại là một người rất thực tế. Anh thuộc thế hệ nhạc sĩ đầu thế kỷ 21, một thế hệ giao thời giữa cái cũ bảo thủ và cái mới lộn xộn. Tìm một chỗ đứng để đỡ chông chênh, nghiêng ngả; tìm một cách nói với cuộc đời mình để không thỏa hiệp, không gây tổn thương cho cả hai thái cực cũ và mới không phải dễ. Thế mà Đỗ Bảo trả lời được. Anh lành và dễ chịu. Không chỉ bằng những ca khúc với những nỗi buồn đẹp luôn có lối thoát, mà còn bằng một cuộc sống đẹp và chân thực đến cảm động.

Anh cho rằng, anh bị ảnh hưởng bởi tư duy viết nhạc của người nước ngoài, những bài hát với tinh thần giản dị, không trang hoàng ngôn từ, không lạm dụng những hình ảnh bóng bảy ẩn dụ. Anh thích cái gì lành lạnh, man mát, mà ấm ở bên trong, cảm giác nghe nhạc như ăn chiếc bánh mà vị ngọt chỉ vừa đủ. “Tôi lớn lên vào lúc mà mọi thứ chợt thay đổi nhiều, từ kiến trúc, văn chương, hội họa. Trân trọng vẻ đẹp của những lối viết ca khúc trong quá khứ, chúng không mất đi, nhưng chúng là không đủ vào lúc tôi bắt đầu suy nghĩ để viết nhạc”.

Khi ấy, anh cũng chỉ muốn nghe những điều đơn giản, mà đủ cho mình phấn chấn, cái gì đó lành lạnh man mác mà đủ thấy tình cảm. Anh đặt những câu nói, hình ảnh bình thường của đời người vào bài hát và chọn khoảnh khắc, vị trí đắc địa cho chúng và xem như phong cách của mình. “Tôi mừng vì không chỉ khán giả trang lứa tôi thấy một số bài hát của tôi gần gũi với họ, mà cả một số nhạc sĩ, người viết trẻ sau tôi cũng lựa chọn lối viết ấy cho các sáng tác của họ”.

Theo Thế giới Người nổi tiếng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm