14/11/2024 13:52 GMT+7 | Văn hoá
Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM đã hoạt động 31 năm. Tại đây, nhà hát thường xuyên trình diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm trong đó có thể loại nhạc kịch opera. Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập chất nhạc kịch thuần túy mà miêu tả tính chất nhạc kịch trong thoại kịch của các sân khấu muốn đi theo khuynh hướng này.
Lý do chúng tôi bàn đến vấn đề nhạc kịch, vì mới đây, sân khấu kịch Idecaf họp báo công bố ra mắt vở kịch Dưới bóng giai nhân (tác giả Quang Thảo cảm tác từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du). Trong đó, anh đã mời nhạc sĩ Văn Tứ Quý viết mới 36 track nhạc cho 14 cảnh để nghệ sĩ vừa diễn, vừa hát.
Thăng trầm “nhạc kịch Broadway”
Sân khấu Thiên Đăng ra đời cách nay đúng một năm. Ngày khai trương, NSƯT Thành Lộc xác nhận rằng bên cạnh ê-kíp thoại kịch, còn xuất hiện thêm một nhóm nhạc kịch Broadway hát diễn tiếng Anh xen kẽ tiếng Việt. Nhóm nhạc này được kỳ vọng sẽ thổi một luồng gió lạ vào đời sống kịch nghệ phía Nam, nhưng hiện tại nhóm chưa có hoạt động gì nổi bật.
Lùi lại hơn 10 năm trước, đạo diễn Nguyễn Khắc Duy gây chú ý trong công chúng vì dựng vở Chicago theo đúng phong cách nhạc kịch Broadway. Các diễn viên đều phải đảm bảo các kỹ năng diễn, ca hát, múa song hành.
Từ hiệu ứng lạc quan ban đầu, Nguyễn Khắc Duy đã cùng Vũ Hoàng Quân thành lập nhóm nhạc kịch Buffalo. Khi có sự tiếp sức của NSƯT Cát Tường, nhóm dàn dựng liên tiếp nhiều tác phẩm, tiêu biểu như Tuyết Sài Gòn, Tấm Cám, Thủy Tinh - đứa con thứ 101. Nhưng hiện tại, nhóm hầu như ngưng hoạt động vì chịu lỗ nặng. Hiện tại, người tiên phong Nguyễn Khắc Duy cũng không còn thấy xuất hiện trong môi trường sân khấu. Điều đó cho thấy, nhạc kịch Broadway còn khó khăn trong việc tiếp cận với gu thưởng thức của khán giả phía Nam, dẫu có rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết đi theo dòng kịch này.
So sánh một chút, ngay cả những vở nhạc kịch do Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP.HCM cũng ít được biết đến với đại chúng. Nhiều người lý giải rằng muốn cảm nhận được nhạc kịch phải học được ngôn ngữ của nó, từ hiểu mới đến thích. Trong khi đó, đa số khán giả Việt Nam khu vực phía Nam lớn lên trong cải lương, thoại kịch đó là không gian sân khấu hoàn toàn xa lạ với nhạc kịch. Dẫu cải lương cũng mang tính chất nhạc kịch, nhưng ở đó, nó mang hồn cốt âm nhạc ngũ cung phương Đông và câu chuyện gắn liền với đời sống và không gian văn hóa Việt Nam, dễ tiếp nhận hơn với âm nhạc mang âm hưởng hàn lâm Tây phương.
Linh hoạt lồng ghép tính chất nhạc trong kịch
Sự thăng trầm của phong cách nhạc kịch tại các sân khấu phía Nam là kinh nghiệm quý báu cho nhiều nghệ sĩ sân khấu. Dẫu vậy, nhiều người vẫn tâm đắc với phong cách này và nỗ lực làm sao để nó phù hợp với khẩu vị Việt Nam.
NSƯT Thành Lộc là người mê nhạc kịch Broadway và anh có ước mơ đưa nhạc kịch vào đời sống kịch nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, anh cũng nhận ra rằng nếu đưa nhạc kịch nguyên mẫu vào kịch Việt Nam sẽ khó thu hút, nên đã linh hoạt lồng ghép phần ca diễn ở mức độ vừa đủ vào các vở diễn của mình.
Cụ thể, trong vở Tiên Nga (tác giả và đạo diễn NSƯT Thành Lộc) tại sân khấu Idecaf, anh mời nhạc sĩ Đức Trí viết phần âm nhạc và có cả sự phục vụ của nhóm hát bè. Trong vở diễn, các nghệ sĩ trình diễn phần ca và múa bên cạnh thoại kịch. Ước tính phần hát chiếm tầm 30% dung lượng thời gian của vở diễn.
Tương tự, lúc thành lập sân khấu Thiên Đăng, NSƯT Thành Lộc lồng nhạc kịch vào vở Những bóng ma nhà hát (tác giả Lê Hoàng, đạo diễn NSƯT Thành Lộc). Cả hai vở diễn này đều được sự đón nhận tốt từ khán giả.
Điều đó có nghĩa rằng khi phong cách nhạc kịch được lồng ghép một cách uyển chuyển và linh hoạt vào thoại kịch, khán giả Việt Nam cảm nhận tốt hơn là nhạc kịch thuần túy. Đạo diễn Quang Thảo của sân khấu Idecaf hiểu rõ nguyên lý này khi yêu cầu nhạc sĩ Văn Tứ Quý viết nhạc và lời cho vở Dưới bóng giai nhân. Âm nhạc sẽ xuyên suốt từ cảnh 1 đến cảnh 14, và trong đó phần diễn viên hát chiếm 10% dung lượng, kèm theo vũ đạo. Điều quan trọng là tiết tấu ngũ cung với sự hiện diện của chầu văn, ả đào được xem như các yếu tố làm tăng lên vẻ đẹp dân tộc cho vở kịch vốn dĩ đã giàu chất thơ.
Dù không gọi đây là nhạc kịch, nhưng phương cách dàn dựng của Quang Thảo cho thấy yếu tố nhạc kịch chiếm vị trí quan trọng trong vở diễn. Vở diễn này có gặt hái thành công như Tiên Nga, hay Những bóng ma trong nhà hát hay không, còn chờ đến ngày trình diễn. Tuy nhiên, việc vận dụng nhạc vào kịch xác định rằng đây là phong cách được các đạo diễn hướng tới khi dựng những tác phẩm nghiêm túc có giá trị tư tưởng.
Có thể, bằng cách làm này, số lượng công chúng Việt sẽ dần dà yêu thích nhạc kịch kiểu Việt Nam sẽ tăng lên. Biết đâu, đây chính là nhịp cầu kết nối để một mai phong cách nhạc kịch sẽ có được vị trí cao hơn so với hiện tại?
Nghệ sĩ Thanh Thủy, một diễn viên có kỹ năng hát tốt, chia sẻ: “Tôi tin phong cách nhạc kịch sẽ hấp dẫn khán giả nếu phần nhạc được đầu tư chỉn chu. Ví dụ, chương trình thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa rất thành công cũng chính là nhạc kịch vì phần hát chiếm khoảng 60% dung lượng thời gian”.
“Khi tôi diễn vở Bông cánh cò trên sân khấu Hồng Vân, tôi nhận ra phần hát khiến khán giả cảm động không kém phần diễn. Những đoạn hát thay lời thoại được viết công phu đã làm khán giả rơi lệ. Từ đây, tôi có cái nhìn rất lạc quan hệ phong cách nhạc kịch kiểu Việt Nam” - Thanh Thủy nói thêm.
(Còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất