Nhà văn Việt Nam góp mặt trong Từ điển Tiểu sử Văn học

17/09/2009 11:42 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Bộ Từ điển Tiểu sử Văn học của nhà xuất bản Mỹ Gale - Cengage Learning vừa ra tập thứ 348, dành riêng giới thiệu về các nhà văn ở khu vực Đông Nam Á (Dictionary of Literary Biography, Volume 328: Southeast Asian Writers). Trong tổng số 62 nhà văn trong khu vực được giới thiệu có một số nhà văn Việt Nam..

Chủ biên của từ điển là GS David Smyth, thuộc Đại học Tổng hợp London, với sự tham gia của các học giả, các nhà nghiên cứu và phê bình văn học người Anh và người Mỹ. Nhà xuất bản Gale - Cengage Learning đặt trụ sở ở bang Michigan, chi nhánh ở khắp nước Mỹ và các châu lục. Gale là nhà xuất bản có uy tín hàng đầu thế giới trong việc xuất bản các loại sách, sách điện tử, vi phim và dịch vụ thông tin trên mạng.

Có mặt trong từ điển là 11 nhà văn Thái Lan; 10 nhà văn Philippines; Myanmar, Indonesia và Singapore mỗi nước có 8 nhà văn; 6 nhà văn Việt Nam; 5 nhà văn Malaysia; 3 nhà văn  Campuchia; và Brunei, Timor Leste, Lào mỗi nước 1 nhà văn. Theo giải thích của chủ biên David Smyth, số lượng nhà văn của mỗi nước phụ thuộc vào tác phẩm mà hội đồng từ điển có thể tiếp cận và theo cách đánh giá của hội đồng. Không thể tránh khỏi thiếu sót, nhưng hội đồng đã làm việc một cách nghiêm túc và cố gắng cao nhất. Tập từ điển này cũng chưa bao gồm các nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình... mà chỉ giới hạn ở các tác gia văn xuôi hư cấu, thể loại phổ biến hơn cả, dễ tiếp nhận hơn và bản dịch cũng sẵn hơn. Về mặt thời gian, các nhà văn có mặt trong từ điển đều xây dựng nghiệp văn trong thế kỷ 20, khi văn xuôi hư cấu bắt đầu xuất hiện trong khu vực.

Trong tập từ điển, mỗi đề mục tác giả được khai triển một cách khá bao quát qua những bài viết dài, trên dưới 4.000 từ. Trong 430 trang khổ lớn, 21cm x 28cm, người tra cứu được cung cấp thông tin khá đầy đủ về toàn bộ tác phẩm, về phong cách của tác giả, nội dung của những tác phẩm chính, kèm theo những nhận định...


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp một trong 6 nhà văn
góp mặt trong
Bộ Từ điển Tiểu sử Văn học

Trong 6 nhà văn Việt Nam góp mặt trong từ điển này, có: nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930-1989) “được kính trọng cả về tài năng văn chương và sự dũng cảm, một người phê bình thẳng thắn và bảo vệ quyền tự do sáng tạo” (trang 203). Nhà văn Lê Minh Khuê, sinh năm 1949, “là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại có ảnh hưởng nhất, viết về con đường đi của thế hệ mình từ trong những cánh rừng về lại với những cuộc đấu tranh phức tạp hơn của đời sống hậu chiến - cả về thể xác, tinh thần, tình cảm và tư tưởng” (trang 136). Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, sinh năm 1950, “là một trong những nhà văn Việt Nam đương đại được ca tụng và gây tranh cãi nhất. Ông thiên về viết truyện ngắn, quan tâm đến tính phức tạp của bản chất con người” (trang 199). Nhà văn Hồ Anh Thái, sinh năm 1960, “một trong những nhà văn đương đại xuất sắc với những tác phẩm độc đáo và gây tranh luận do việc sử dụng những tình huống lạ, cốt truyện kỳ ảo cùng ngôn ngữ giàu tưởng tượng, hài hước, sắc bén” (trang 69).

Bộ Từ điển Tiểu sử Văn học của NXB Gale - Cengage Learning được khởi đầu từ năm 1978, đến nay đã xuất bản 348 tập, giới thiệu được hơn 15.000 tác gia văn học cổ kim Đông - Tây với hơn 100 triệu từ. Hội đồng từ điển vẫn đang tiếp tục công trình này với những khu vực và thời kỳ văn chương khác.

Hữu Đông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm