Nhà văn trẻ muốn đi thực tế ở Trường Sa

10/09/2011 09:55 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Sáng ngày 9/9, Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 8 đã khai mạc tại TP. Tuyên Quang với sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ 56 tỉnh, thành cả nước, cùng các vị khách mời là các “cây đa, cây đề” trong làng văn. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đã được đề xuất để thúc đẩy sáng tác ở những người viết văn trẻ, trong đó có đề xuất được đi thực tế ở Trường Sa.

1. Ngay trong màn giới thiệu đại biểu, nhiều người đã rất bất ngờ và vui sướng khi biết có sự hiện diện của nhà thơ Giang Nam, tác giả của bài thơ Quê hương nổi tiếng trong SGK một thời. Có lẽ rất lâu rồi mới thấy ông xuất hiện, càng mừng hơn khi sức khỏe ông còn tốt, tác phong nhanh nhẹn, còn kiêm được MC dẫn chương trình khi ngồi trên ghế Chủ tịch đoàn của hội nghị. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả của Chiếc lược ngà, người luôn theo sát lớp trẻ, lần này cũng “rong ruổi” cùng đoàn từ trong TP.HCM ra.



Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong Hội nghị viết văn trẻ lần 8 tại Tuyên Quang (9/9). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Bài phát biểu khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN khá ấn tượng. Vừa trang trọng vừa thân tình, vừa khúc chiết, vừa dí dỏm, bài phát biểu đã khái quát được mục đích ý nghĩa của hội nghị trẻ đồng thời cũng là tâm sự rất chân tình của vị lãnh đạo Hội đối với những người viết trẻ. Trong bài phát biểu đầy chất hùng biện dễ đi vào lòng người, nhà thơ Hữu Thỉnh ví von rất hay về việc một số người viết trẻ “thêu thùa cho cá nhân thì nhiều mà may vá cho xã hội còn ít”, đồng thời bày tỏ mong muốn, “nếu hôm qua chỉ cần năng khiếu thôi là đủ, thì hôm nay trên hành trình mới năng khiếu phải trở thành tài năng”.

Ông cũng khẳng định, không hề có một sự áp đặt nào về lối viết cho những người trẻ, và nền văn chương nước nhà phát triển là nhờ tập hợp được đa dạng những phong cách, tài năng. Nói về văn học trong thời đại công nghệ mới, ông cho rằng, trong mỗi máy tính của các nhà văn, ngoài phần cứng, phần mềm, còn cần có phần tâm hồn của người viết...

2. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đăng đàn, nhưng ông không muốn “căn dặn” lớp trẻ điều gì, và ông cũng không nhìn lớp trẻ như những người cần phải căn dặn. Trái lại, ông muốn đi theo để “học” họ: “Khi còn trẻ, tôi chơi với những người già để học hỏi. Bây giờ tôi già rồi, không chơi với người già nữa, tôi đến thăm họ chỉ thấy họ ngủ thôi. Tôi chơi với người trẻ để bắt nhịp với cuộc sống hiện đại”.

Lời nói của ông thể hiện ở việc ông làm. Đó là lang thang với tụi trẻ lên đây, nán lại cuộc tụ tập đêm qua với cánh trẻ rất khuya. Không những thế, trái với một số suy nghĩ rằng, những người viết trẻ bây giờ quá sướng, ông lại nhìn nhận rằng lớp trẻ bây giờ có nhiều khó khăn hơn so với thời ông, vì phải kiếm sống bằng các nghề ngoài văn chương và nếu như không hỗ trợ lớp trẻ có một cuộc sống tốt hơn thì họ rất khó có thể tập trung vào văn chương. Một đề xuất của ông khiến hội nghị vỗ tay rào rào, ấy là mỗi truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ phải được trả nhuận bút là 10 triệu đồng. Con số này dĩ nhiên là không tưởng đối với tiềm lực của báo Văn nghệ, cũng như các tờ báo có trang văn nghệ nói chung ở Việt Nam (cao nhất là báo Tuổi trẻ cũng chỉ bằng khoảng 1/3 con số đó). Tuy nhiên, nếu xét trong những thời kỳ các nhà văn có thể kiếm sống bằng ngòi bút của mình (dẫu rằng chỉ là Ra chợ bán văn ngày tháng qua), thì con số 10 triệu thiết nghĩ cũng không phải là trên trời. Tất nhiên, ai cũng hiểu rằng, văn chương “rẻ” không bởi tại các tòa báo trả rẻ mà bởi công chúng. Khi văn chương “có giá” đối với chúng, đương nhiên sẽ có giá với những nơi sử dụng văn chương (báo chí, xuất bản...).

Sáng nay, hội nghị sẽ chia thành 2 ban: hội thảo thơ trẻ và văn trẻ. Buổi chiều hội nghị sẽ bế mạc. Sáng mai, đoàn đại biểu sẽ lên đường thăm Tân Trào, ATK Định Hóa (Thái Nguyên) trước khi trở về các địa phương.

3. Trong cả ngày 9/9, các đại biểu lần lượt đọc tham luận bày tỏ suy nghĩ của mình về văn chương. Với chủ đề về người lính, về biển đảo quê hương, số lượng các tham luận và thời gian đăng đàn của các đại biểu trong quân đội, đặc biệt là trong lực lượng hải quân là điểm nhấn của hội nghị. Đại biểu nhà văn Nguyễn Xuân Thủy đem đến hội nghị tình cảm của người lính hải quân có 7 năm sống ở Trường Sa, anh kêu gọi mỗi người viết trẻ hãy là một “thợ lặn” giỏi – lặn vào cuộc sống và lặn vào chính trang viết của mình. Đại biểu – nhà văn Trương Anh Quốc kể về những ngày là người lính cầm bút trên tàu viễn dương, viết giữa cơn rung lắc của sóng...

Cả hội nghị đã dành một tiếng rưỡi đầu giờ chiều để nghe nói chuyện thời sự về chủ quyền biển đảo quê hương do đại diện của lực lượng hải quân trình bày. Xúc động trước những thông tin về “điểm nóng” này, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN, trong lời đáp từ, có đề nghị lưc lượng hải quân hãy dành những “suất” đi đến với Trường Sa và các vùng biển đảo quê hương cho các nhà văn, đặc biệt là những người viết trẻ.

Có một thực tế là, hằng năm, rất thường xuyên có các đoàn nhà báo được mời ra thăm Trường Sa, nhưng các đoàn nhà văn thì rất ít. Chắc chắn khi có nhiều trải nghiệm thực tế ở Trường Sa thì sẽ có nhiều hơn những “Mưa trên đảo Sinh Tồn”,  “Đảo chìm”...

Đề xuất của nhà văn Nguyễn Trí Huân khiến cả hội nghị hân hoan.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm