Vừa điểm danh vừa đợi (Kỳ 2)

06/09/2011 10:49 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Điểm danh và chờ đợi tác giả có tên xuất bản tiếp, tác giả mới “ra ràng”, gạn đục khơi trong cả nước cũng chỉ được gần… 10 tá (hơn 110 ĐB). Một số cái tên chưa nghe thấy lần nào. Vì thế, nói một cách công bằng, việc nhà thơ trẻ Ngô Thị Hạnh bị loại khỏi danh sách từ TP.HCM nơi chị đang sống và viết là đáng tiếc. Với lượng tác phẩm, thành tích đã có, Hạnh xứng đáng được chọn.

Nhưng danh sách chính thức đã công bố, không có gì “bù đắp” cho Hạnh được nữa, vì kỳ sau, Hạnh sẽ quá khung tuổi. Hạnh đã trượt mất kỳ hội nghị trẻ đầu tiên và có thể là duy nhất của đời mình.

Trẻ và già

Việc thay thế, đào thải không phải là sự “bạc” của nghề như người ta quan niệm, mà là đòi hỏi khốc liệt của mỗi nghệ sĩ. Tác giả vắng lâu quá thì công chúng sẽ quên, trong khi nhân tố mới liên tục xuất hiện, cám dỗ, hòng chen chỗ, lấn át nhau. Song, khác với lĩnh vực ca nhạc nhan nhản nhạc sĩ - ca sĩ tự phong, những giọng hát karaoke xóm sau một đêm mơ thành ngôi sao, xưng danh ca sĩ, lĩnh vực văn chương không công nhận dễ dãi bao giờ. Nó chỉ tôn vinh những gì đích thực và xếp chỗ cho các nhân tài. Ảo ảnh tham lam do ngộ nhận “tung lên mạng là cả thế giới biết” chỉ là ham hố xổi nực cười và đáng thương.

5 năm, đủ cho các mầm văn chương tuổi 16, 20 khẳng định mình, đủ cho những cây bút “có tên” chứng tỏ phong độ hoặc “biến mất”, đủ cho tác giả thanh niên qua tuổi “tam thập nhi lập” với tóc bạc trên đầu. Trang viết, thành giấy quỳ thử độ say mê, hào hứng, tài năng và bản lĩnh chống chọi. Dù có muôn vàn lý do, thì chuyện tồn tại hay không, “nổi” hay “chìm” của mỗi tác giả xét cho cùng là do chính họ quyết định.

Các ĐB dự Hội nghị NNVVT toàn quốc lần 7 (2006 tại Hội An). “Nhà thơ trẻ lâu”
Dương Tường (thứ hai từ phải sang). Ảnh: Nguyễn Đình Toán

10 năm trước, nhà thơ Hoàng Hưng có viết Thơ VN đến phiên đổi gác in trên báo Lao động, chịu sự phản ứng dữ dội của một số người “lớp già”. Trước khi chịu sàng lọc của các giám khảo người đọc và lửa thời gian, trong giới nghề đã có nhiều “cuộc chiến” giữa mới - cũ, trẻ - già mà chỉ người “nằm trong chăn” mới tỏ.

70% số hội viên Hội Nhà văn VN trên 60 tuổi, rất đông trong số đó lâu nay không viết được gì, nên khó mà mơ họ công nhận sòng phẳng lớp trẻ. Nói về lớp trẻ cũng có mấy kiểu: đã định dạng; chỉ mới thấp thoáng in thơ trên dăm ba báo, tạp chí, không biết đi tiếp được mấy năm. Khó khăn thử thách chất chồng.

Vẫn biết tâm hồn có thể trẻ hoặc “không tuổi” ở những tầm xuất chúng. Nhưng có một số người không còn trẻ luôn nuôi hào quang quá vãng nhằm “cố thủ” kéo dài. Họ sẵn sàng thường trực kháng cự, bài bác phủ định cái mới bởi tập quán định kiến hòng giấu nhẹm mặc cảm cạn vốn, già nua, bất lực trước việc hiểu, chưa bàn tới viết được những sáng tác cách tân. Cách thị uy chứng tỏ lão làng là lớn tiếng răn dạy, tung roi vọt, bút chiến chí mạng bằng những đòn “thừa sống thiếu chết”.

Những người trẻ mà tôi biết

Một trường viết văn Nguyễn Du (VVND) qua tuổi 30 học theo mô hình trường viết văn M.Gorki. Sau này, trường VVND tuyển sinh tú tài, không đông những cô cậu đủ “liều” chọn nghiệp văn, theo học để bắt đầu văn chương từ tuổi 18 hoặc sớm hơn. Trong số ấy, tôi thấy Trương Hồng Tú, cây bút nữ đáng hy vọng. Được thừa hưởng dòng dõi văn chương 3 đời của hai ông cậu Ngô Y Linh, Ngô Văn Phú và cha - nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, ngay tập thơ đầu đời Tự thoại, Tú đã lộ thất vọng, hoang mang. Bài Niệm khúc là ví dụ: Tay ơi về đi/Về úp trên mặt em nức nở/Có những mộng mỵ/Em để rơi qua ô cửa/Về đi tay ơi.

Và có một Lê Minh Đạt từ Phú Thọ, về ở trọ khu Cầu Diễn, Hà Nội, tuổi 30 say sưa văn chương nuôi mơ ước từ lớp 7. Đặt cho mình bút danh “Lãng tử Đạt ma”, Đạt quản trị web lucbat.com, vẫn làm thơ tự do. Với máy ảnh, sách bút, Đạt chăm chỉ tới các sự kiện văn chương viết tin bài cho mạng mình, gửi các báo và bổ ích cho chính Đạt bằng hiểu biết văn chương cập nhật; tham gia tổ chức Lễ hội Lục bát bằng kinh phí 0 đồng, vận động mọi người tuỳ tâm đóng góp. Mấy ai say thơ nhiệt thành thế, chàng trai miền trung du Thanh Sơn về đô thành vẫn nguyên niềm tin tận tụy Anh hồng hộc gió chạy rông/con cào cào ngố đá phồng tuổi thơ.

Bốn năm qua, tôi vẫn là hội viên trẻ nhất Hội Nhà văn VN, Hội chỉ có 20 người dưới 40 tuổi! Không thiếu người luôn lo sợ thế hệ kế cận, tiếp nối, sợ bị soán ngôi (dù chưa từng có “ngôi”), chiếm chỗ. Văn chương khắc nghiệt quyết không phụ bạc nhân tài, chỉ người làm văn chương tranh giành sát phạt nhau tới bến mà thôi.

***

Ai chẳng có tuổi trẻ. Những người trẻ hôm nay không so bì với thời Xuân Diệu, Huy Cận tìm về tận Nam Sách, Hải Dương gặp thần đồng Trần Đăng Khoa. Ngày xưa, văn chương và điện ảnh được coi trọng lắm. Giờ thì bao loại hình giải trí, cạnh tranh thị phần, lôi kéo công chúng. Giới nghề ít chịu đọc nhau, hoặc không hề đọc mà cứ phán “như thật”, trách gì độc giả sa sút.

Đón xem kỳ 3: Hy vọng giữ “bơ vơ đông đảo”

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm