Nhà thơ Lê Minh Quốc: 'Làm thơ cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn'

19/12/2022 18:54 GMT+7 | Văn hoá

Sau tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến (NXB Văn hóa văn nghệ, 2019), đoạt giải C Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020, Lê Minh Quốc vừa phát hành Từng ngày ba mẹ thở theo con (NXB Kim Đồng). Đây là tập tùy bút với ghi chú "dành cho các thiên thần nhỏ và người lớn. Cảm hứng từ Coco Mì".

Người đọc từng nhìn thấy Lê Minh Quốc rõ ràng hơn trong nhiều diện mạo khác, như thơ tình, tiếng Việt, báo chí và nghiên cứu. Khi trở lại với đề tài thiếu nhi/tuổi thơ, vì sao anh có thể viết sung sức như vậy? Đây cũng là nội dung cuộc trò chuyện giữa báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) với nhà thơ Lê Minh Quốc.

* Con gái anh - Coco Mì, sinh năm 2018- có phải là một "chấn động" để anh có thể viết nhiều và viết liên tục về thiếu nhi trong mấy năm qua?

- Nếu thơ viết cho thiếu nhi trước đây là từ quan sát, cảm nhận sự vật/sự việc bên ngoài hoặc từ tưởng tượng, thì nay hoàn toàn khác. Đó là lúc tôi nhìn thấy "chính tôi" qua hình hài của con, mà, tôi gọi cảm giác của "sự tái sinh kỳ diệu". Cảm giác này có được là từ tiếng khóc oe oe, bi bô nói cười, từng bước chân đi, từng ngày bồng ẵm, nựng nà nựng nịu, nu nống nu na… trải dài theo từng ngày, từ con mình.

Tất cả điều kỳ diệu, mới mẻ ấy lần đầu trong đời được cảm nhận với biết bao khoảnh khắc sung sướng, âu lo lẫn hồi họp tràn ngập trong tâm tưởng, rồi tự nó đã bật dậy tiếng thơ. Nói như thế không ngoa đâu, với tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến là tôi đã "viết" một cách ngẫu hứng lúc ru con.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: 'Làm thơ cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn' - Ảnh 1.

Nhà thơ Lê Minh Quốc và Coco Mì

Từ lòng mình bật ra câu chữ gì, tôi cứ lấy đó ru con, lặp đi lặp lại nhiều lần rồi tự điều chỉnh dần cho đến lúc bài thơ được hoàn chỉnh. Đó còn là quá trình tôi "khám phá" và tự lý giải vì sao những bài đồng dao Việt Nam lại tạo ra sức sống bền bỉ và lâu dài. Nghĩ rằng, không chỉ hình ảnh ngộ nghĩnh, thân thiện phù hợp với đối tượng mà ngay cả nhịp đi của thơ phải ngắn gọn, câu chữ trong sáng cũng kết nối nhau một cách hài hòa.

Và mạch cảm hứng này, đúng là "một sự chấn động", nhưng không riêng gì tôi, vì bất kỳ ai lần đầu có con cũng được sống trọn vẹn trong suy tưởng: Từ nay, mình đã chính thức trưởng thành, đã trở thành một bóng cây che mát cho mầm xanh mới nhú. Do đó, phải nỗ lực một cách tự giác để trở thành "điểm tựa" vững chãi cho con, phải đương đầu bước tới vì một hình hài bé xíu, mà, hình hài ấy là chính mình đó thôi.

Có một điều ngộ nghĩnh, từ bấy lâu nay, mình đi tìm cảm hứng tận đẩu tân đâu, thì nay, ngay trong nhà mình, qua đứa con nhỏ, mình nhận ra xiết bao cảm hứng tươi non, mới mẻ không gì có thể sánh nổi. Nếu bạn say đắm một kiệt tác nào đó, tôi biết có lúc bạn sẽ thay đổi sở thích, nhưng với con thì không, ấy mới là một "kiệt tác" vĩnh cửu, mà chỉ những ai được làm cha, làm mẹ mới cảm nhận trọn vẹn nhất.

* Thế nhưng, sự chấn động ấy vẫn còn lý do gì khác nữa chứ, thưa anh?

- Đúng lắm. Thêm một lý do nữa, của bất kỳ ai, trong trường hợp "cha già con mọn", là họ nghĩ rằng, khi mình đã 80 thì con mới 20, lúc "gần đất xa trời ấy", mình còn đủ sức dạy dỗ, trò chuyện, làm bạn cùng con? Chính vì nghĩ thế, ngay từ khi vừa có con, tôi đã cố gắng làm hết sức mình là vậy. Mọi yêu thương, nhắn nhủ, dặn dò này kia, tôi đều thể hiện qua Chào thế giới bây giờ con đã đến, Từng ngày ba mẹ thở theo con. Tất nhiên, không chỉ dừng lại ở đây.

Cũng nói thật rằng, khi sinh con, nếu bé là con trai, bạn sẽ không quá lo lắng như sinh con gái. Vì sao? Vì con gái sau này, còn đóng vai trò làm mẹ, làm vợ, trở thành dâu con trong nhà khác, tức là con mình bước sang một chặng đường khác, khi rời khỏi vòng tay cha mẹ.

Bấy giờ, mấy ai như trường hợp của tôi có thể đồng hành cùng con trong tháng ngày ấy? Vì thế, muốn chia sẻ, nhắn nhủ với con điều gì, tôi thể hiện ngay từ bây giờ là thế. Điều đó đã trở thành động lực để mỗi ngày tôi viết cho con.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: 'Làm thơ cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn' - Ảnh 2.

Tập tùy bút “Từng ngày ba mẹ thở theo con” vừa phát hành

* Làm sao để anh giữ nhịp hoặc cảm hứng viết liên tục về Coco Mì - cũng là viết về thiếu nhi?

- Tất cả chỉ vì một lý do duy nhất: Tình yêu thương dành cho con. Trên đời này có thể nói không một sự vật/sự việc nào có thể tồn tại mãi mãi dưới nhịp sóng bất tận của thời gian. Thời gian sẽ thay đổi tất cả. Tuy nhiên, tôi tin rằng, có một ngoại lệ, đó chính là lòng yêu thương của cha mẹ dành cho con. Một tình yêu bất chấp không gian lẫn thời gian, có như thế con người ta mới có thể hy sinh chính bản thân mình để chu toàn cho con.

Ông trời vốn công bằng, vì rằng, một người cha tỷ phú và một người cha khố rách áo ôm thì họ đều "bình đẳng" như nhau khi so sánh về tình yêu ấy. Ngay cả một người không hoàn hảo, thì họ vẫn có thể chăm lo cho con theo cách mà họ nghĩ hoàn hảo nhất.

Trên đời này, mỗi người thương con và lo cho con như thế nào là sự lựa chọn của họ, tôi luôn tôn trọng và đồng cảm. Còn với tôi, tôi nghĩ, mình không có tài sản gì lớn lao, vậy tôi cố gắng để lại cho con một "tài sản" khác như bạn đã biết, đó chính là "giữ nhịp cảm hứng viết liên tục về Coco Mì".

Từ nhiều năm nay, mỗi một ngày, tôi đều ghi lại nhật ký cho con. Do tuân thủ một cách nghiêm ngặt thói quen này, nên ngày nào tôi cũng có cảm hứng để viết về con qua nhiều hình thức biểu hiện khác nhau.

Muốn thế, phải thật sự sống/chơi/vui đùa/trò chuyện cùng con thì mới có thể nuôi dưỡng cảm xúc chân thành nhất. May mắn là tôi có thời gian đồng hành cùng con, từ đó, được tiếp nhận được biết bao điều thú vị từ lứa tuổi măng non, tươi nguyên như ánh sáng…

"Nếu không còn cổ tích"


"Hầu như bất kỳ người làm thơ nào thuộc thế hệ chúng tôi cũng có viết thơ cho thiếu nhi. Đơn giản là bấy giờ trong làng báo đã có Khăn quàng đỏ, Nhi đồng, Thiếu niên tiền phong, Tuổi hồng… các anh chị phụ trách những tờ báo đó thường xuyên nhắn nhủ, mời gọi viết thơ cộng tác. Năm 1995, khi nhà thơ Nguyễn Liên Châu thành lập Tủ sách Hoa niên (NXB Đồng Nai), anh đã chọn những bài thơ thiếu nhi của tôi in thành tập Nếu không còn cổ tích, các tác giả khác cũng có tập in riêng tương tự" - Lê Minh Quốc.

* Anh có câu thơ "phúc cho mọi đứa trẻ/ được gặp ngay trong nhà". Phúc ở đây là gì?

- Khi viết câu thơ này, tôi nhớ đến một câu trong Kinh thánh: "Phúc cho ai không thấy mà tin". Nghĩa của nó,Việt Nam tự điển (1931) giải thích: "Phúc: Điều hay, điều tốt, do việc làm nhân đức mà ra: Nhà có phúc, làm phúc". Trong tiếng Việt, phúc thường đi đôi với đức: phúc đức. Chắc chắn bạn còn nhớ đến câu ca dao: "Người trồng cây hạnh người chơi/Ta trồng cây đức để đời mai sau". Muốn có phúc phải có đức.

Thế thì khi viết về người mẹ/người vợ của mỗi nhà, mà tôi ca ngợi đức tính chịu thương, chịu khó, toàn tâm toàn ý của họ đãchăm sóc, lo cho con đến độ: "Yêu con nên da sắt/ Thịt xương như hóa đồng/ Qua nhọc nhằn mỏi mệt/ Ẵm con là thong dong" - đó không chỉ là phúc cho đứa trẻ mà còn là cho cả người cha/người chồng nữa. Qua đó, tôi càng thấm thía câu nói của ông bà ta: "Phúc đức tại mẫu". Rằng, trong mỗi nhà dù người cha/người chồng đóng vai trò rất quan trọng để hình thành nếp nhà, nhưng sẽ không hoàn hảo nếu thiếu người vợ/người mẹ.

Nhà thơ Lê Minh Quốc: 'Làm thơ cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn' - Ảnh 4.

* Viết cho thiếu nhi/tuổi thơ thì những điều gì là khó nhất? Nhiều người nói đó là trách nhiệm, anh có nghĩ vậy không?

- Với tôi, làm thơ thiếu nhi rất khó. Bởi vẫn là lúc chúng ta chỉ mới dừng lại ở chỗ "viết về tuổi thơ", chứ chưa phải "viết cho tuổi thơ". "Viết về" là lúc người lớn áp đặt suy nghĩ của mình đối với con trẻ từ hình ảnh đến ngôn từ; còn "viết cho" là lúc người lớn phải hòa nhập vào con trẻ, vậy, từ hình ảnh đến ngôn từ phải diễn đạt theo cách mà con trẻ đã và đang cảm nhận.

Thí dụ, với con trẻ thì muôn thú muôn hoa, muôn hồng nghìn tía đều có tiếng nói, chứ không theo logic của người lớn. Dù chúng ta có thấu hiểu đi nữa nhưng phải diễn đạt thế nào phù hợp với khả năng tiếp nhận của đối tượng này? Một vấn đề không dễ dàng chút tẹo nào.

Ở đây, tôi chỉ xin nêu một thí dụ riêng tư mà tôi nghĩ các bạn sẽ đồng tình: Qua con mình, một bé gái nói chưa sỏi, vốn từ chưa nhiều, chưa biết đọc, biết viết; lúc ru con bằng nhiều thể loại thơ, tôi dễ dàng nhận ra bé sẽ nhớ bài thơ mỗi câu chỉ 4 chữ. Câu dài hơn thì sao? Thì phải là thể thơ lục bát. Mà, trong đó, các câu phải nối kết chặt chẽ theo vần, vần điệu nhịp nhàng, không kéo dài quá, chỉ đôi ba khổ thơ là vừa cho một sự thâu nhận trong trí nhớ của con trẻ. Bạn không tin ư? Cứ quan sát các bài đồng dao thì rõ.

Vâng, tôi hoàn toàn đồng ý làm thơ cho thiếu nhi là trách nhiệm của người lớn, công việc này rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên làm thế nào để "chinh phục" được con trẻ khiến nó yêu thích, nhớ lâu và nhận ra tính giải trí, hướng thiện, giáo dục ngụ ý trong đó thì bao giờ cũng là công việc khiến chúng ta còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

* Anh hình dung thế nào khi mà Coco Mì trưởng thành và đọc lại những gì anh viết?

- Khi giới thiệu tập tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con, MC Khánh Huyền của VTV3 đã chia sẻ: Trong đời có kỷ vật quý báu nhất mà cô đã không thể giữ được, đó là tập nhật ký mà người bố đã viết cho cô. Mỗi lần nhớ lại thì bao giờ cũng gợi lên sự tiếc nuối và dạt dào cảm xúc nhớ thương bố.

Với những gì mà cha mẹ đã viết về mình, ngay cả tấm ảnh chụp với song thân từ thời thơ ấu, dù chỉ đôi dòng để lại, dù tấm ảnh đã ố màu, nhưng rồi bất kỳ người con nào cũng quý báu, nâng niu và gìn giữ. Tại sao? Đơn giản là qua đó, họ đã có thể hình dung ra "người thật việc thật" của chính mình từ năm tháng đã xa xôi, đã thuộc về ký ức.

Chính vì thế, những dòng chữ, những hình ảnh ấy đã trở thành một phần của đời sống không thể tách rời. Qua đó, lúc đọc lại/xem lại những gì cha/mẹ dành cho mình, thì bao giờ trong lòng người con cũng dội về cảm xúc mãnh liệt: "Ơ hay, ba/mẹ mình đã thương yêu, chăm sóc mình đến nhường này"!

Khi sự ngạc nhiên này xuất hiện trong trí óc một cách rõ nét, điều tích cực gì sẽ xảy ra? Không phải ngẫu nhiên, theo khảo sát của giới làm sách chuyên nghiệp hiện nay thì ở nước ngoài các loại sách viết cho con hoặc chỉ đơn giản là những cuốn sổ đóng bìa cứng, in thật đẹp trong đó có các dòng chữ in sẵn như ngày tháng năm sinh, sở thích của con, ngày con ốm, chăm sóc như thế nào… dành cho các bậc phụ huynh điền vào đó, lại trở thành "quyển sách" được nhiều người quan tâm.

Khi viết tập thơ Chào thế giới bây giờ con đã đến, tập tùy bút Từng ngày ba mẹ thở theo con, dù phải thể hiện văn chương đi nữa, thì tôi cũng bắt đầu từ sự vật/sự việc có thật, không chỉ từ con mình. Vì tôi tin là những ai lần đầu trải qua kinh nghiệm làm cha mẹ cũng cảm nhận và tìm ở đó một sự đồng cảm tương tự như vậy. Tại sao? Không chỉ viết cho tôi mà còn viết cho những ai cùng hoàn cảnh như tôi.

* Trân trọng cảm ơn anh!

BÉ TẬP ĐÁNH VẦN


Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè tập đọc

Mỗi ngày bé học

Đánh vần ê, a

A bờ A ba

Thiệt là dễ nhớ

Không cần nhìn vở:

E mờ E me

Lúc khóc oe oe

Mẹ cho bú sữa

Dỗ dành bé ngủ

Có mẹ với ba

A bờ A ba

Ba thương bé lắm

Bé là hoa thắm

Thỉnh thoảng khóc nhè

Nghe vẻ nghe ve

Nghe vè tập đọc

Mỗi ngày bé học

Đánh vần ê, a… (*)


(30/9/2018)

(*) Nếu bé chưa ngủ, đọc lại từ "A bờ A ba" cho đến hết bài.


NGÀY EM MỌC RĂNG


Giấc trưa chưa chợp mắt sâu

Bỗng nghe huyên náo, lào xào, rộn vang

"Mẹ à, có chuyện gì chăng?"

"Ba ơi, em mới… mọc răng đây nè"

Tròn xoe cái miệng oe oe

Ngạc nhiên ba ngẩn tò te ngắm nhìn

Răng em - bé xíu trắng xinh

Tựa hai hạt gạo tự tin… đứng chào

Tự dưng ba mẹ nôn nao

Như mạch sống mới dạt dào thôi nôi

Reo vui cùng thốt một lời:

"Em sắp ăn dặm được rồi đó em"

Nắng xuân ùa đến ngoài hiên

Bầy se sẻ cũng biết tin nhộn nhàng:

"Hê lô! Bé nhóc tươi măng

Cười lên rôm rả… khoe răng đi nào!"

(3/2/2019)

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm