28/09/2024 07:31 GMT+7 | Văn hoá
Nhà thơ Kim Ba những năm gần đây ít sáng tác thơ thiếu nhi, đã để lại niềm tiếc nuối nho nhỏ với bạn đọc. Vì thơ thiếu nhi của anh mang những hình ảnh và ngôn ngữ rất độc đáo, qua bao nhiêu năm vẫn thấy thú vị.
Một ví dụ nhỏ như bài thơ lục bát Bức tranh đồng quê cũng đủ để thấy một giọng thơ vừa quen thuộc vừa riêng biệt của nhà thơ của vùng đất miền Tây Nam bộ. Bài thơ này đã được đưa vào sách Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo.
Rung cảm với thiên nhiên là điều cần thiết
Bài thơ Bức tranh đồng quê không gây ấn tượng ngay từ tựa đề mà sự thú vị nằm ở nội dung vì đã thể hiện được một buổi bình minh vừa yên bình vừa sinh động qua cách chọn hình ảnh khá độc đáo.
Nhà thơ Kim Ba đã chọn thể thơ lục bát để tạo được sự êm đềm của làng quê và tiết tấu chậm rãi của bài thơ đủ để độc giả có thời gian "chiêm ngưỡng" cảnh mặt trời lên. Phép nhân hóa, so sánh ngay từ đoạn đầu bài thơ đã hấp dẫn với cả người lớn chứ không chỉ trẻ con: "Ông trời đốt lửa phương Đông/Đun bằng mấy dải mây hồng vắt ngang/Rồi xòe rộng cái quạt vàng/Phất tung ánh sáng bay tràn khắp nơi/Trắng ngời mây vảy cá phơi/Đàn cò thoắt hiện cánh bơi nhịp nhàng...".
Đúng như tựa bài thơ, tác giả đã vẽ nên bức tranh buổi bình minh bằng ngôn từ khiến cho chúng ta thấy thiên nhiên thật màu nhiệm. Không dễ để có sự tưởng tượng dễ thương cùng với cách chọn những động từ ngộ nghĩnh vậy nếu nhà thơ không mang tâm hồn trong trẻo như một đứa trẻ.
Tác giả sáng tác bài thơ này vào năm 1993, đặt tựa là Bức tranh và được in trong tập thơ thiếu nhi Ai đi xe mo cau của ông vào năm 1994. Nhà thơ Kim Ba nói rằng hình ảnh những buổi bình minh ở vùng nông thôn Bến Tre đã ăn sâu vào tiềm thức nên đi vào thơ rất tự nhiên, anh chỉ việc ghi lại bằng cảm xúc tinh khôi. Anh hy vọng khi đến với bài thơ này, cảm xúc về cảnh sắc thiên nhiên sẽ được thắp lên trong tâm hồn các em. Kim Ba cho rằng rung cảm với thiên nhiên, với mọi thứ xung quanh cuộc sống là cảm xúc cần có của mỗi người và điều đó càng cần thiết cho trẻ con. Tình yêu quê hương, cộng đồng được bắt đầu từ những điều giản dị như vậy. Nhưng làm thế nào để trẻ con biết cảm nhận vẻ đẹp của một bông hoa, yêu thương một con vật, thích ngắm mặt trời lên?
Theo ông, sự rung cảm ấy phải được những người làm giáo dục chuyên nghiệp truyền tải đến các em. Nếu giáo viên không cảm được cảm xúc tinh tế trong bài học, chẳng bao giờ quan sát cảnh sắc bên ngoài mà chỉ dạy qua loa cho xong tiết học thì làm sao nuôi dưỡng được tâm hồn, làm sao giúp các em thấy được vẻ đẹp trong cuộc sống. "Quê hương của mỗi người, dù thành phố hay thôn quê, đều rất đẹp và có sức lay động sâu thẳm, quan trọng là nơi ấy phải được họ quan sát và khai mở cho những đứa trẻ", nhà thơ tâm sự.
"Đôi khi, tôi tiếc vì đã đánh mất sự trong trẻo, không hòa nhập được với thế giới trẻ thơ thời hiện đại" - nhà thơ Kim Ba.
Đôi khi tiếc nuối vì đánh mất sự trong trẻo
Kim Ba bước vào con đường văn chương từ những năm 1990 bằng những sáng tác dành cho thiếu nhi. Khi ấy, các tác phẩm của ông chủ yếu được giới thiệu trên các báo đài địa phương. Thời bé thơ quanh năm sống với đồng ruộng như nhiều đứa trẻ nông thôn khác nên những ngày đi mót lúa, cưỡi trâu, đá banh, đá dế... cùng chúng bạn đã in đậm trong ký ức của ông. Những kỷ niệm ấy cùng với những câu chuyện cổ tích, đồng thoại... đã đọc trở thành chất liệu bồi đắp cảm xúc văn chương trong ông.
"Hồi học cấp 2, 3 tôi vẫn còn thích đọc truyện đồng thoại, ngụ ngôn của nhiều nhà văn Việt Nam và thế giới. Trong những câu chuyện kể giản dị ấy luôn ẩn chứa những bài học đạo lý ở đời", nhà thơ chia sẻ về cảm hứng sáng tác của mình.
Dù ông sáng tác thiếu nhi nhiều nhưng việc chọn lọc ngôn ngữ, thể thơ, đối tượng miêu tả, hình ảnh so sánh sao cho phù hợp với trẻ con, dễ hiểu, dễ thuộc mà không bị cũ kỹ gây nhàm chán vẫn là những thách thức khó vượt qua. Nói đúng hơn, ông tự nhận, giữ được cái tâm trong sáng để viết cho trẻ là khó đối với ông. Ông đã từng kỳ vọng sẽ theo đuổi con đường sáng tác cho thiếu nhi lâu dài. Tuy nhiên, "Càng trưởng thành theo năm tháng, sự trong trẻo trong tôi dần bị vơi hụt nên tôi cân nhắc viết ít lại, dù đam mê sáng tác cho thiếu nhi trong tôi chưa bao giờ bị dập tắt hoàn toàn. Đôi khi, tôi tiếc vì đã đánh mất sự trong trẻo, không hòa nhập được với thế giới trẻ thơ thời hiện đại", tác giả bài thơ Bức tranh đồng quê bộc bạch.
Kim Ba tâm sự đến nay đã ngoài 60 tuổi, ông vẫn nhớ như in cảm xúc về những món đồ chơi tự làm thuở nhỏ giúp ông có được sự khéo léo, biết quan sát tinh tế và giàu cảm xúc, như dán xong con diều giấy vẫn phập phồng, hồi hộp không biết có bay được không.
Khi một người cầm bút đối diện với thực tại thì nhận thức đương nhiên phải chuyển biến theo những bể dâu của cuộc đời, có nhà thơ nào có thể đứng ngoài thời cuộc? Ông nói: "Nhận ra nhiều điều, có những day dứt, trăn trở về cuộc sống nên tôi không thể đem tuổi thơ của mình ra diễn giải mãi được". Vậy nên, ông sáng tác thơ thế sự, thơ tình và truyện ngắn, lĩnh vực nào cũng có những thành công nhất định. Đến với những câu thơ đầy day dứt của ông như: "Nhà thêm đông, cánh đồng chật hẹp/Ngọn gió thổi về oằn oại hơn xưa" (trong bài Bất chợt thơ 1)hoặc"Anh ngồi trông bóng mưa nay/Nghe chừng nỗi nhớ ngập tràn trong tim/Bàng hoàng một tiếng gọi em/Mới hay đã nửa đời mình khát nhau" (trong bài Hương mưa)... thì rõ ràng là hay nhưng cũng dễ hiểu vì sao nhà thơ tiếc nuối sự hồn nhiên của mình, muốn trở về tuổi thơ cho nhẹ lòng.
Mơ về một tập trường ca
Đọc thơ Kim Ba dễ nhận ra các đề tài quê hương, gia đình và thế sự xuất hiện chủ yếu trong thơ ông, nhưng dù đề tài có khác nhau thì bối cánh chung là đồng quê, như lời ông nói: "Tôi sinh ra và lớn lên trọn vẹn ở nông thôn nên hình ảnh dòng sông, cánh đồng, bờ ruộng, rừng dừa... rất quen thuộc nên chúng xuất hiện tự nhiên trong thơ tôi".
Ở nơi làng quê ấy, đôi khi độc giả bắt gặp một Kim Ba lấp lánh niềm vui trong veo: "Đêm qua mảnh sân được ướp/Ngát thơm mấy lượt hương cau/Tay chị quét nhẹ và mau/Vun hương dần về một phía" (trong bài thơ Chị), hoặc "Tên chị là Mắc Cỡ/Chị sống thật khiêm nhường/Chỉ đàn em biết rõ/Lòng chị đầy yêu thương" (trong tập Viên bi kỳ diệu). Đôi khi lại gặp tiếng thở dài trăn trở: "Đối mặt với cánh đồng trong kiệt cùng nỗi nhớ/Tôi như con chim sa lưới lúc cuối ngày/Vùng vẫy mãi nắng chiều không chịu tắt/Đành cúi đầu nghe kỷ niệm về đây" (trong bài thơ Cánh đồng)...
Kim Ba sáng tác đa dạng về thể thơ, làm mới tư tưởng và ý tứ trong thơ nhưng bao giờ cũng thể hiện bằng lời lẽ giản dị, không cố tình gây trúc trắc khó hiểu nên đem lại cho người đọc cảm giác dễ chịu. Nhà thơ của cánh đồng, bờ ruộng vẫn thích cả đời đắm mình trong những lớp cảm xúc chứa đầy phù sa như thế, dù cho là những hồn nhiên như thuở mới đến với văn chương hay những nhận thức mà theo lời ông là "vượt qua chính mình sau một thời gian lao động sáng tạo".
Hiện nay, Kim Ba là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre. Ông thường để ý đến những nhà thơ trẻ có nhiều tâm huyết và khả năng để mời họ vào hội. Mục tiêu của ông là xây dựng hội với đông đảo người trẻ là lực lượng kế thừa, sẵn sàng hỗ trợ in những tập thơ cho họ nếu đủ chất lượng. Tuy vậy, ông chân thành thổ lộ một trăn trở của mình, rằng hiện nay chưa có nhiều cây bút trẻ nổi bật ở Bến Tre, vì vậy, việc tìm kiếm những gương mặt mới đầy ấn tượng vẫn là con đường dài ông phải đi, với vai trò chủ tịch hội.
Về sáng tác cá nhân, Kim Ba dù đã được giới văn nghệ sĩ và độc giả đánh giá cao, nhưng ông còn ấp ủ ước mơ khác, đó là xuất bản một tập trường ca, như một mục tiêu xa hơn để hướng tới vì sáng tác là không nên dừng lại.
Vài nét về nhà thơ Kim Ba
Tên khai sinh là Hồ Văn Cam, sinh năm 1960 tại Bến Tre. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Hiện, ông là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre.
Các tập thơ: Trăng hoàng hôn, Ai đi xe mo cau, Mùa nồng nàn... Các tập truyện: Viên bi kỳ diệu, Đôi mắt con tàu xanh...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất