Nhà thơ Bế Kiến Quốc & "Ngẫu hứng lý qua cầu"

29/06/2008 07:30 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH Online) - Tạp chí Thơ số 4/2007 của Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu: “Nhà thơ Đỗ Bạch Mai chuyển cho tạp chí Thơ thật quý và cũng thật… bất ngờ - bản thảo tập thơ Lời nói được nhà thơ Bế Kiến Quốc (1949-2003) viết từ hơn hai mươi năm trước. Chị Đỗ Bạch Mai - bà quả phụ Bế Kiến Quốc - cho biết, có được những trang quý giá này là nhờ tấm lòng gìn giữ trân trọng của nhà thơ Thu Nguyệt. Toàn bộ ba mươi bài thơ của Lời nói chỉ dành riêng cho những say đắm cũng như đau khổ về tình yêu, được viết trong thời gian khá ngắn ngủi của một chuyến thực tế vào đồng bằng Nam Bộ, song mỗi dòng thơ đều tràn đầy cảm xúc chân thành”.

Ngày ấy, lúc còn quen viết tay thì thiếu giấy, Quốc ghé nhà tôi để có giấy viết. Những phác thảo cho bài Điện thoại đường dài rất hay Quốc tặng Đỗ Bạch Mai vợ mình được viết trên những tờ nháp mà mặt bên kia in dòng chữ Anh “consulate general of the republic of Vietnam 904-906 Melbourne Plaza Hong Kong”. Khi Quốc đã quen gõ phím chữ máy vi tính, lại chưa có máy xách tay, những lần vô Nam, Quốc tới nhà tôi, thức thật khuya để chờ tôi vừa buông phím chữ là ngồi vào bàn. Những đêm như thế, đèn nhà tôi không tắt.
 
Tổ "Lật xe" nhà thơ Bế Kiến Quốc đứng ngoài cùng bên phải
Nhưng, các bài trong tập Lời nói không viết tại nhà tôi dù Quốc viết ở miền Nam vì chúng tôi ngày ấy cùng tham gia một trại viết. Ở trại, chúng tôi cùng một tổ gọi là tổ “Lật xe” (tổ “Chìm xuồng” là của nhà thơ Trần Mạnh Hảo). Có tên gọi như thế là vì tại khóa “kiết hạ” văn chương này, trong một lần xuống huyện, Thu Nguyệt, Hoàng Kim, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Duy, Thành Vạn và tôi cùng ngồi trong một chiếc xe Zeep mui trần, chạy hết tốc lực. Xe đang chạy chữ nhất bỗng chuyển sang chữ chi và “lật xe” hất tất cả xuống đồng nước nổi Lấp Vò. Lóp ngóp bò được dậy, Nguyễn Duy ứng khẩu ngay: Dù ai buôn đâu bán đâu - mười một tháng Bảy giỗ nhau thì về! Cả một tập thể “tài sắc ” như thế, nhưng Quốc chỉ cần chọn mỗi mình Thu Nguyệt làm “nàng thơ” thôi đã đủ công lực viết tập Lời nói.
 
Tôi với Quốc từng bàn nhiều về cách tìm các “nàng thơ” cho lao động nghệ thuật của mình, tôi biết, Quốc lấy ngay kinh nghiệm mình bị thành “nàng thơ” để mạnh dạn tìm “nàng thơ” cho mình. Năm 1974 Quốc đã là một nhà thơ trẻ với đôi mắt buồn, những ngón tay yếu đuối và mái tóc kiểu Êxênhin. Nhà thơ trẻ trai của chúng ta lọt mắt xanh của thi sĩ Xuân Diệu. Anh được Xuân Diệu mời tới 24 Cột Cờ để truyền nghề. Bài học thơ ca ngày một tha thiết hơn để rồi sau đêm thơ ấy, Quốc khoe tôi bài thơ 4 khổ Xuân Diệu viết về Quốc, với chi chít dấu môi hôn: “Buổi chiều hôm ấy đáng muôn hôn/ Hôn gió hôn mây với cả hồn/ Hôn cái khúc đường, hôn cả bóng/ Hàng cây xanh biếc dưới hoàng hôn/ Dun dủi làm sao thế, hỡi em/ Chiều nay em khoác áo muôn duyên/ Em đi đôi dép xinh đơn giản/ Em thật hồn nhiên, rất tự nhiên...”
Bài Lý qua cầu - trong tập bản thảo Lời nói
Tôi vẫn nhớ manh “áo muôn duyên” màu hạt dẻ Quốc mặc, hàng simili, may kiểu blouson thắt eo, áo quần cùng một thứ vải. Nhớ cả đôi dép xinh đơn giản, thứ dép nhựa Tiền Phong đã được ông vá dép nhựa ngã tư chợ Hôm điểm xuyết một đôi lần. Biết Quốc đã từng là “nàng thơ” của Xuân Diệu cho nên khi biết Thu Nguyệt thành “nàng thơ” của Quốc, tôi thấy bài học lao động của nhà văn này cũng không đến nỗi khó hiểu.

Trở lại với tập Lời nói. Tôi đã viết rồi, nhưng vẫn muốn nhắc lại, rõ ra là có mối liên hệ giữa 72 âm tiết thơ Quốc viết năm 1984 trong tập thơ này với 307 âm tiết ca từ Ngẫu hứng lý qua cầu của nhạc sĩ Trần Tiến (tôi đã đếm từng chữ như thế). Phải chăng ngẫu hứng nhạc kia đã bắt đầu từ bài này của Quốc:

“Điệu lý qua cầu
Bằng lòng đi em...
Nhưng má anh đã mất
Mịt mù xa Nam Bắc khó đưa dâu
Bằng lòng đi em...
Nữa mai rồi cách mặt
Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu!
Bằng lòng đi em...
Dẫu chỉ nhờ câu hát
Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau
Bằng lòng đi em...
Mỗi khi buồn đến khóc
Một mình anh ca điệu lý qua cầu...”

(Cao Lãnh 16/7/1984)

Đã viết rồi nhưng vẫn muốn nhắc lại, để biết đâu, nhạc sĩ Trần Tiến đọc bài báo nhỏ này và ông sẽ kể một câu chuyện gì đấy.

Tôi có điện tới góa phụ Nguyễn Việt Hải - bà Thu Nguyệt, người được cả thơ và nhạc khuyến khích “bằng lòng đi em”. Bà Nguyệt khuyến khích tôi cứ viết, và góp chuyện:
 
Ảnh minh họa cho bài thơ Hoa Tầm xuân của Bế Kiến Quốc
“Đây là tập thơ viết vào năm 1984 của nhà thơ Bế Kiến Quốc, anh đặt tên là Lời nói... Tôi được anh giao giữ bản thảo tập thơ này. Đối với tôi, anh Quốc là một người anh, một người thầy, một người bạn thơ vô cùng thiêng liêng. Tôi may mắn được gặp anh vào năm 1984, trong trại sáng tác văn học Đồng Tháp lần thứ I. Năm ấy, tôi là một con bé nhà quê, sinh viên trường sư phạm, mới tập tễnh bước vào lĩnh vực văn chương, tôi đã được anh tận tình chỉ bảo. Anh đã dạy tôi từ cách đọc và hiểu thế nào là một bài thơ hay đến những kỹ thuật sơ đẳng nhất của một người sáng tác. Anh đã mất rất nhiều ngày và đêm thức trắng để chép và viết bằng tay (anh từ Hà Nội đi công tác vào Nam nên không có máy đánh chữ) một quyển sổ những bài thơ hay của Việt Nam và thế giới từ xưa đến nay, và gần trăm trang “giáo án” về phương pháp sáng tác để tặng cho tôi. Xúc động nhất là những “bài học vỡ lòng” về phương pháp sáng tác mà anh tự nghĩ ra, đúc kết kinh nghiệm xưa nay của mình để cung cấp cho tôi kiến thức, chỉ vẽ cho tôi cách làm thơ như thế nào. Tôi còn nhớ rất rõ những trang viết ấy có nhiều chữ bị nhòe vì mồ hôi của bàn tay anh. Thật rất tiếc là tôi lúc đó còn non trẻ, chưa ý thức được hết mọi việc nên đã đem cả trăm trang tâm huyết ấy của anh chia sẻ cho một cô bạn (cũng mới tập làm thơ như tôi) mượn để rồi bị thất lạc! Nếu không, những trang viết ấy mà còn thì chắc có thể đó sẽ là một tài liệu tham khảo bổ ích cho những cây bút trẻ mới bước vào lĩnh vực sáng tác. Tấm lòng, sự nhiệt thành của anh đối với lớp đàn em thật đáng quý xiết bao! Tôi công bố tập thơ này lên blog của mình như một nén tâm hương tưởng nhớ về anh, gởi đến anh lòng biết ơn sâu sắc dù anh đã sang một thế giới khác. Nhưng tôi nghĩ rằng tấm lòng và những điều tốt đẹp mà anh để lại cho cuộc đời này vẫn mãi còn. Nguyện cho anh có một cuộc đời mới xứng đáng với những điều mà anh đã sống. Kể từ ngày 2/8/2006 tập thơ này sẽ thuộc bản quyền sở hữu của gia đình nhà thơ Bế Kiến Quốc”.

Không phải một, mà hai người đàn bà đã “bằng lòng” để bạn yêu thơ được nghe Lời nói - được “Ngẫu hứng lý qua cầu”.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm