Nhà quay phim Trương Tuấn nói về phong cách 'one shot': 'Quan trọng là bạn cảm nhận được gì sau khi xem phim'

10/03/2021 20:30 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, khi phim Kiều @ của đạo diễn Đỗ Thành An thực hiện theo phong cách nghệ thuật quay one shot (một cú máy), vừa ra mắt khán giả cả nước đã làm dấy lên 2 làn sóng khen chê dữ dội. Vì đây là bộ phim one shot tiên phong của điện ảnh nước ta, nên việc khen chê trước cái mới cũng là dễ hiểu.

Phim 'Kiều @': Khi đạo diễn làm nghệ sĩ xiếc trên dây

Phim 'Kiều @': Khi đạo diễn làm nghệ sĩ xiếc trên dây

Thật bất ngờ, khi phim Kiều @ đạo diễn: Đỗ Thành An theo đúng kế hoạch, vẫn ra rạp dự kiến vào ngày 26/2 tại các rạp chiếu còn mở cửa.

Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà quay phim Trương Tuấn - D.O.P (giám đốc hình ảnh) kiêm quay phim của Kiều @. Anh chính là người trực tiếp tạo ra những thước phim một cú máy cho tác phẩm điện ảnh này.

* Đây là phim thứ mấy anh hợp tác với đạo diễn Đỗ Thành An và là phim thứ bao nhiêu anh tham gia với tư cách là giám đốc hình ảnh kiêm quay phim?

- Đây là phim thứ 4 tôi hợp tác đạo diễn Đỗ Thành An, tham gia với tư cách là giám đốc hình ảnh kiêm quay phim, thì trong đó có 2 phim truyền hình: Tiếng đàn kìm (2012), Chữ hiếu thời @ (2012) và 2 phim điện ảnh: Mất xác (2012), Kiều @ (2021).

Chú thích ảnh
Nhà quay phim Trương Tuấn (áo thun xanh), và đạo diễn Đỗ Thành An đang tác nghiệp tại hiện trường phim “Kiều @”

* Đến giờ phút này có thể nói anh là quay phim đầu tiên tại Việt Nam quay trọn vẹn hơn 90 phút phim one shot. Anh có thể chia sẻ việc quay phim bằng kỹ thuật quay one shot, nó có khác gì với kỹ thuật quay thông thường?

- Khác ở chỗ là người quay phim cầm máy đi suốt để thay đổi tâm lý khuôn hình và nhấn nhá nội dung theo từng hành động và diễn xuất biểu cảm của nhân vật trong phim. Trong đó phải đòi hỏi tất cả các diễn viên, người quay phim, người focus (bắt nét) và người thiết kế hiệu quả đặc biệt phải kết hợp nhịp nhàng ăn ý thì mới thành công trong một phân đoạn quay.

Khó nhất là biến góc nhìn chủ quan của người xem thành góc nhìn chủ quan của đạo diễn. Và biến người xem thành nhân vật nào đó trong phim. Khi một nhân vật nào đó nhìn thẳng vào camera nói chuyện, tạo ra hiệu quả giống như nhân vật trong phim nhìn thẳng vào mắt người xem để nói chuyện.

Vì phim được nhìn theo góc nhìn của một linh hồn, nên chúng tôi phải làm sao để từ cú máy vận động như có nhịp thở, nhịp cảm xúc của một con người. Từ đó đạo diễn muốn tôi dùng thiết bị chống rung, nhưng phải làm sao cho máy quay rung theo chủ đích của chúng tôi. Cái khó ló cái khôn, chúng tôi đã “ăn gian” cấu trúc công nghệ của máy quay để đạt được điều mình muốn…

Chú thích ảnh
Trương Tuấn (thứ 2 từ phải sang) tại buổi ra mắt phim “Kiều @” tại TP.HCM, tối 1/3

* Ngoài ra, còn khó khăn gì nữa không?

- Cái khó thứ 2 là người focus phải theo nét liên tục theo hành động của người quay phim và hành động của diễn viên. Phải nói là Nguyễn Chánh Trực - người focus của phim Kiều @ - thật là tuyệt vời.

Khó thứ 3 là về ánh sáng. Sự chênh lệch ánh sáng trong nhà và ngoài trời ban ngày là 8 khẩu độ, (ví dụ camera theo nhân vật đi từ trong nhà ra ngoài sân, thông số kỹ thuật để đủ sáng trong nhà thì ra ngoài sân hình ảnh bị cháy sáng - trắng bóc) đó cũng là vấn đề nan giải, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng giải quyết được.

Vì camera quay theo nhân vật 360 độ, chúng tôi phải làm ánh sáng kiểu 360 độ, rồi phải giấu đèn, giấu bóng của nhóm quay phim để không lòi đèn, lòi bóng người trong khuôn hình. Khi quay những phân đoạn đêm, nội cảnh và ngoại cảnh kết hợp thì chúng tôi phải đánh sáng cả trăm cây đèn lớn nhỏ trong không gian rộng lớn mà phải giấu đèn. Đúng là khó thật và tốn rất nhiều thời gian để dàn dựng. Không thể kể hết khó khăn lên đây.

Trong khi quay bình thường thì chỉ cần làm ánh sáng 270 độ thì rất dễ và thuận tiện cho việc quay.

* Việc dư luận chia thành 2 đối cực: khen không ngớt lời và chê cũng vượt quá chừng mực đối với “Kiều @” như hiện nay, trong đó không ít lời nói về cách quay phim, cho thấy tính tiên phong trong cách quay này ở nước ta còn quá lạ lẫm. Theo anh có phải là nhà làm phim đã không bắt kịp tâm lý khán giả?

- Dư luận chia làm 2 thái cực là đúng thôi. Thật tình mà nói, thái cực nào cũng đúng, quan trọng là bạn đang cảm nhận được cái gì sau khi xem phim xong thì bạn có quyền đứng ở lập trường khách quan hay chủ quan mà nói.

Còn tôi đứng ở thái cực thứ 3 là vẫn chưa thể hài lòng về công tác hậu kỳ của phim. Có nhiều lỗi kỹ thuật từ nối cảnh, kỹ xảo, 3D, âm thanh tiếng động, thoại đặt sai vị trí làm cho ê kíp không còn vui và sướng như mình suy nghĩ. Đây vừa là do sức ép từ phía nhà đầu tư về tiến độ vừa là lỗi chủ quan của đội ngũ dựng phim.

Đạo diễn Đỗ Thành An và tôi đang thực hiện lại một bản dựng mới cho phim để ra mắt khán giả vào đợt chiếu thứ 2 và đem bản dựng này dự các liên hoan phim sắp tới.

* Trải nghiệm nào là đáng nhớ nhất khi anh quay phim “Kiều @”?

- Đó là lối quay long shot của từng phân đoạn của phim. Đúng là điên cái đầu của nhiều anh chị em trong đoàn, nhưng bù lại sau kết thúc 1 ngày làm việc thì anh em trong đoàn quây quần kể lại câu chuyện ngày làm việc đã đi qua.

* Nếu như để anh được tự do lựa chọn thì với kịch bản như “Kiều @” anh có lựa chọn lối quay khác?

- Tôi vẫn chọn lối quay đó, nhưng tôi sẽ tinh gọn lại từng phân đoạn và đổi công ty hậu kỳ khác chuyên nghiệp hơn…

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Trương Tuấn sinh năm 1977, tại Quảng Nam. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Sân khấu và Điện ảnh TP.HCM năm 1999, đến nay, anh đã sở hữu cho mình một bộ sưu tập nghề quay phim và D.O.P vô cùng phong phú: 6 phim điện ảnh, 11 phim truyền hình, 12 phim tài liệu phóng sự, 12 chương trình gameshow, 15 DVD album ca nhạc và vô số các video quảng cáo… trong đó, có những chương trình nổi tiếng như Hoa hậu Việt Nam (2008), Việt Nam Next Top Model (2012, 2013)…

Bảo Bình (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm