Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Triển lãm 'Bạn nghề' - cuộc dấn thân cho sơn mài

24/09/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Bạn nghề của Lý Trực Sơn và Trịnh Quốc Chiến đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (kéo dài 25/9), giới thiệu gần 30 bức tranh sơn mài tiêu biểu của hai họa sĩ từng là thầy trò này. Sáng tác của họ đã để lại rất nhiều suy ngẫm về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam ngày nay. TT&VH đã chia sẻ về vấn đề này với nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, người giới thiệu triển lãm.

Họa sỹ Lý Trực Sơn mang loạt tranh vẽ hơn 25 năm ra triển lãm

Họa sỹ Lý Trực Sơn mang loạt tranh vẽ hơn 25 năm ra triển lãm

Triển lãm tranh sơn mài và giấy dó của họa sỹ Lý Trực Sơn do Mai Gallery tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 10/3/2013 đến 20/3/2013 tại Art Talk Cafe – 12 Quán Sứ, Hà Nội .

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nghệ thuật Sơn mài Việt Nam đang ở cái thế lạ lùng - vừa bế tắc, vừa phát triển. Nó bế tắc và phát triển ở cả xu hướng truyền thống và cách tân, coi sơn mài chỉ là một phương tiện thể hiện bất kỳ ý tưởng nào, bút pháp nào của nghệ sỹ, thậm chí có lẽ cũng không cần là nghệ sỹ, bởi cái bề mặt tự thân của nó đã rất thẩm mỹ.

Lý Trực Sơn (sinh năm 1949) và Trịnh Quốc Chiến (sinh năm 1966) - hai họa sỹ, tiêu biểu cho quá trình này, cũng là hai thế hệ xuất hiện từ hai thập kỷ 1980 và 1990 của thế kỷ trước, khi mà chiến tranh đã chấm dứt nhưng còn rất nhiều âm hưởng, nông thôn Việt Nam chưa bị xáo trộn hoàn toàn, và một thời bao cấp nhọc nhằn. Những câu chuyện xã hội ảnh hưởng đến sơn mài cả về ý tưởng và hình thức. Đó là thời gian trượt dài của chất lượng cây sơn và khan hiếm vật liệu tốt, khi các nghệ nhân phục vụ cho ngành sơn ta cũng chết dần mang theo những bí quyết truyền thống, ngược lại ở mặt kia, các nghệ sỹ hoàn toàn không muốn dừng lại ở mức độ hiện thực và tả thực của các họa sỹ từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mà muốn có cái nhìn và cách thể hiện của thời buổi mình...

Có thể nói, trong hội họa và sơn mài hiện nay, hai ông là những người dấn thân, để lại những bài học sâu sắc về nghề nghiệp, trong quá trình sáng tác của mỗi người không dưới 30 năm qua. Truyền thống - văn hóa và kỹ thuật, đọng lại trong họ tinh xảo, điệu nghệ, đến mức họ cố gắng không bộc lộ ra như vậy.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng

*"Bạn nghề" có thể gọi là triển lãm sơn mài của hai họa sĩ kỳ cựu. Trong làng sơn mài, thì sơn mài của Lý Trực Sơn, một người cũng "dấn thân vào chiến tranh và bươn trải cuộc sống ở mức phiêu lưu"... có gì đặc biệt?

- Ông Lý Trực Sơn tiêu biểu cho thế hệ họa sỹ những năm 1980, còn ông Chiến những năm 1990. Họ cùng từng học ở Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, là thầy trò, bây giờ là đồng nghiệp, lần này cùng bày chung, nên có lẽ vậy gọi là "Bạn nghề", nhưng thực ra ông Sơn có một nhóm họa sỹ sơn ta, gồm những người sử dụng chất liệu và kỹ thuật sơn ta và sơn mài truyền thống Việt Nam. Nhóm này từng vài lần trưng bày.

Sơn mài thì dù sao cũng chỉ là chất liệu, giống như sơn dầu, mà họa sỹ dùng để nói những vấn đề của mình. Nhưng sơn mài là loại chất liệu có tính phương Đông, được các họa sỹ thời Đông Dương nâng lên thành một thứ phong cách Việt Nam trong hội họa, có thể nhận diện hội họa Việt Nam từ tranh sơn mài - điều này, quốc tế đã thừa nhận.

Lý Trực Sơn là người nắm được các kỹ năng có chiều sâu của sơn ta và sơn mài, từ đình chùa cổ và từ các thế hệ đi trước. Nếu bạn vẽ sơn mài, đắp vàng vào, rồi lại mài đi, khi nào được mới thôi... thì mới hiểu sự tốn kém và công phu đến mức độ nào của kỹ thuật này, đây là mới nói ở khía cạnh kinh tế. Để trưởng thành một họa sỹ như ông Sơn có lẽ rất kỳ phu, tốn kém. Ông có một cuộc đời dấn thân vào chiến tranh như một người lính thực thụ, sau đó bất chấp thị phi, nghèo đói, không giấy tờ, lang thang ở châu Âu để học hỏi đến 10 năm, cũng là việc ít nghệ sỹ nào dám làm.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Lý Trực Sơn tại xưởng vẽ

* Lý Trực Sơn từng tự chế tạo họa phẩm từ thiên nhiên để vẽ giấy dó. Ông nghĩ gì về hướng tìm tòi này của Lý Trực Sơn?

- Ông Sơn thích mầu tự nhiên, từ cây cỏ và đất đá. Bản thân mầu sơn mài cũng có gốc tự nhiên. Mầu tự nhiên rất phong phú có thể chế để vẽ với gốc sơn, gốc nước. Tuy nhiên mầu tự chế thường không bền, dễ bay mầu cho nhạt đi hoặc đen dần. Tranh mầu tự chế của ông Sơn cũng bị như vậy, trừ mầu son gốc đá son, thì có thể giữ mầu được lâu, hoặc các sắc vàng (hoa hòe), chàm (xanh chàm) thì nói chung có thể giữ được mầu, thay đổi chút ít.

Hiện thì mầu tự nhiên cũng được bán trên thế giới, nhưng đắt hơn rất nhiều sơn dầu và sơn mài, hiệu quả cũng chỉ là để vẽ trên giấy và vải, mầu cũng không phong phú, nên ít người dùng. Tôi nghĩ việc này mang tính cá nhân nhiều hơn.

* Đọc tiểu sử thì biết Lý Trực Sơn và Thành Chương cùng thế hệ ở Trường Mỹ thuật, cùng tham gia chiến tranh. Ông thử so sánh "cái đặc biệt" kể trên trong sơn mài Lý Trực Sơn với Thành Chương? Nếu là curator, ông có nghĩ tới một triển lãm chung giữa họ?

- Đây là việc không nên làm, bản thân hai họa sỹ đó rất cá tính, không thích bị so sánh với ai. Tuy nhiên về nghề nghiệp, Thành Chương phát triển rất sớm, ông học dở trung cấp rồi bỏ, sau hoàn toàn tự học và tự phát triển, sớm đến với chủ nghĩa Hiện đại, có ảnh hưởng đến nhiều họa sỹ trẻ thời ông. Tranh sơn mài là một trò chơi công phu của Thành Chương, ông cũng không muốn lệ thuộc vào truyền thống ở bất kỳ yếu tố nào.

Lý Trực Sơn thì bộc lộ chậm chạp hơn, nhưng ông sâu lắng, tự mãn trong lòng, cởi mở mà khó hòa đồng, nghiêm khắc trong sự phát triển cá nhân, và muốn giữ kỹ thuật sơn mài truyền thống, ít nhất như các họa sỹ thời Đông Dương.

* Gần đây có khá nhiều triển lãm sơn mài. Đồng thời cũng có những khám phá mới về nguồn gốc sơn mài, với những thông tin cho rằng, sơn mài không thực sự "thuần Việt" như nhiều người từng nghĩ. Ông có quan tâm đến các thông tin mới này? Quan điểm của ông về vai trò của sơn mài trong mỹ thuật Việt?

- Ta cần phân biệt khái niệm cây sơn, sơn ta và tranh sơn mài. Cây sơn thì có ở nhiều nước, đặc biệt từ Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Nam Á nói chung, được dùng như chất kết dính và chất đắp, bịt cho đồ gỗ, đồ tre, cũng được dùng làm dung môi vẽ mầu cho các loại tranh cổ, hoặc tô vẽ tượng Phật, kiến trúc.

Tranh sơn mài, là dùng thêm kỹ thuật mài, hiện người ta dùng từ Sanding Lacque để nói rõ vấn đề mài. Làm tượng Phật cũng dùng kỹ thuật này, chứ không phải chỉ có họa sỹ. Và rất nhiều nơi, nhiều họa sỹ làm tranh sơn mài trước các họa sỹ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Nhưng có vẻ các họa sỹ Đông Dương thành công hơn, khi đẩy sơn mài thành một thứ quốc họa của Việt Nam, và tạo ra bản sắc dân tộc, phong cách cá nhân trong sơn mài rõ nét. Thuần Việt hay không là bản sắc văn hóa chứ không phải là một loại kỹ thuật. Trong khi đó tranh sơn mài Trung Quốc không có vị thế gì so với tranh thủy mặc, tranh sơn mài Pháp cũng không có gì so với tranh sơn dầu, tranh sơn mài Nhật Bản cũng không thay thế được tranh in khắc gỗ.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm