Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: "Tôi tán thành việc dỡ đường sắt khỏi cầu Long Biên"

11/11/2009 10:07 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vừa qua, có thông tin sẽ dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên, đồng thời một cầu đường sắt thuộc tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ thực hiện nhiệm vụ cho tàu hỏa lưu thông qua sông Hồng như cầu Long Biên hiện nay.Xung quanh việc này có nhiều ý kiến khác nhau vì cầu Long Biên là một di sản đặc biệt của Hà Nội.

Trao đổi với TT&VH xoay quanh phương án này, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc - người vừa đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, cho biết:

- Nhiều nước trên thế giới đã có tuyến đường sắt trên cao, giải tỏa được ách tắc giao thông rất nhiều. Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ phương án dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên. Để tàu hỏa đi trên “mặt bằng đường phố” tôi nghĩ nó không thuận tiện cho giao thông thành phố, nếu không muốn nói là một trở ngại. Ngày xưa làm đường sắt, người Pháp nghiên cứu rất cẩn thận, khoảng cách an toàn giữa đường sắt với nhà dân ít nhất là cách nhau từ 10 đến 15m. Trong “cự ly” ấy người ta cũng không cho ai xây dựng gì hết cả. Bây giờ thì khác rồi, nhà dân cách đường tàu chỉ còn trong khoảng 2-3m và không thể giải tỏa được nên đã có nhiều tai nạn xảy ra khi tàu hỏa đi qua khu dân sinh trong thành phố.

* Với một “nhà Hà Nội học” như ông chả nhẽ không có chút tiếc nuối?

- Theo tôi không có gì phải tiếc nuối ghê gớm cả.

* Nhưng có người cho rằng, việc dỡ bỏ đường sắt trên cầu Long Biên “là sự vi phạm ghê gớm về di sản, văn hóa và kinh tế... Văn hóa Hà Nội ngàn năm sẽ không còn nguyên vẹn”. Ý kiến của ông thế nào?

- Không có vấn đề gì liên quan đến văn hóa trong việc này cả, hoặc có theo tôi cũng rất ít. Chỉ có điều đối với người Hà Nội, bao nhiêu năm đã quen với tàu hỏa rồi. Tiếng tàu hỏa đi, tiếng còi hú đã thành một kỷ niệm trong lòng người Hà Nội từ lâu. Bây giờ dỡ bỏ đi, dù chỉ là phần đường sắt trên cầu Long Biên, nhiều người sẽ nghĩ mất đi một phần hoài niệm trong tâm khảm của họ nên cảm thấy tiếc nuối, thấy ảnh hưởng đôi chút thôi rồi sau dần cũng sẽ quen. Bởi vì ga Long Biên là ga đầu mối phía Bắc của Hà Nội. Nếu xây một cầy cầu khác dành cho tàu hỏa ở một ví trí khác nghĩa là hàng hóa không đổ về ga Long Biên nữa. Nếu chuyển đi nơi khác đương nhiên chợ đầu mối này cũng phải chuyển theo, ảnh hưởng đến sinh hoạt buôn bán của người dân, kinh tế nói chung của Hà Nội, đó là chưa kể đến việc nếu làm mới, ở một vị trí khác chắc chắn sẽ lại liên quan đến vấn đề giải tỏa, đền bù, phá vỡ cảnh quan này khác... nên cần phải cân nhắc thật kỹ, thận trọng là một việc làm không thừa...


Công nhân duy tu cầu Long Biên
* Theo thông tin mới đưa ra, dự án khôi phục cầu Long Biên xác định là sẽ sửa chữa triệt để nhằm bảo tồn khôi phục nguyên hình dạng ban đầu trước năm 1965. Nếu nói vậy thì hình dạng cầu Long Biên sau năm 1965 đến nay đã bị biến dạng nhiều lắm sao, thưa ông?

- Biến dạng nhiều lắm chứ, sao không?! Được xây dựng năm 1899 đến năm 1902 thì xong một làn đường sắt chạy giữa và hai làn đường xe nhẹ chạy hai bên. Trải qua trên 100 năm tồn tại và hai cuộc chiến tranh, đến nay cầu Long Biên đã bị hư hỏng nặng nề. Tôi thi thoảng vẫn đi qua cầu Long Biên, và cũng để ý thấy các thanh dàn gốc thời Pháp đã bị han gỉ, hiện tượng xói lở ở xung quanh khu vực cầu có nguy cơ xuất hiện ngày càng nhiều... Khôi phục cầu Long Biên, xác định là sửa chữa triệt để nhằm bảo tồn khôi phục nguyên hình dạng ban đầu trước năm 1965, nếu làm được thì tốt quá, hay quá bởi cầu Long Biên là một di sản đáng giá của Hà Nội, cây cầu có hình dáng tôi cho là đẹp nhất nước mình.

* Xin cảm ơn ông!

Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm