Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Nên có môn Hà Nội học

30/08/2009 14:54 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cùng với nhà văn Băng SơnPGS.TS Hà Đình Đức, ông Nguyễn Vinh Phúc được đề cử “Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội” vì hàng loạt tác phẩm về Hà Nội trong sự nghiệp của ông với 15 cuốn sách in riêng, 5 cuốn chủ biên, nhiều sách in chung và tham gia Hội đồng biên tập một số bộ sách lớn. Điều đặc biệt là từ đầu năm 2009 này, ở tuổi ngoài 80, ông đã cho ra mắt hoặc tái bản liên tiếp 6 cuốn sách, trong đó có 2 cuốn sách lớn, gây được tiếng vang là 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, và Hà Nội - cõi đất, con người.

Xuất thân từ một nhà giáo, hành trình 55 năm nghiên cứu Hà Nội của ông đã được dư luận mến mộ, gọi là Nhà Hà Nội học đầu tiên và có lẽ duy nhất tính đến thời điểm này. Trước thềm Lễ trao giải (sẽ diễn ra vào ngày 31/8 tới tại 79 Lý Thường Kiệt, HN), TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông:

Danh từ Nhà Hà Nội học không chỉ dành riêng cho tôi


Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc
* Xuất thân từ một nhà giáo, lý do nào khiến ông chọn con đường nghiên cứu về Hà Nội và hầu như chỉ về Hà Nội mà thôi?

- Chính nghề giáo đã đưa tôi đến con đường nghiên cứu về Hà Nội - điều mà trước đó, tôi cũng không hề nghĩ đến. Nhưng khi tôi đi dạy học ở trường tư thục, để có một bài giảng hay, hấp dẫn học sinh, tôi dần dần bước vào con đường nghiên cứu Hà Nội lúc nào không hay. Càng tìm hiểu về Hà Nội tôi càng thấy thú vị.

* Độc giả nhận xét, điều thú vị nhất khi đọc các tác phẩm của ông là sự khảo cứu công phu, thông tin tỉ mỉ, sinh động gắn liền với hơi thở của cuộc sống, chứ không biện giải dài dòng hay lý thuyết khô khan. Có thể nói, tác phẩm của ông mang đậm chất “địa chí” về cõi đất, con người Hà Nội, vì thế mà bạn đọc hâm mộ gọi ông là Nhà Hà Nội học chăng?

- Có thể danh từ “Hà Nội học” ra đời sau khi tôi in cuốn sách Đường phố Hà Nội năm 1979.Trước đó, từ những năm 1966, 1967, tôi đã viết rất nhiều báo. Hầu như tuần nào tôi cũng có bài đăng trên các báo giới thiệu về Hà Nội. Cho đến năm 1979 các nghiên cứu của tôi mới được tập hợp để in thành cuốn Đường phố Hà Nội giới thiệu trên 400 đường phố lúc bấy giờ của Hà Nội và ở cuốn sách này lần đầu tiên tôi giải thích cặn kẽ tên gọi và lịch sử của những con phố... Có lẽ từ đó mà người ta gọi tôi là Nhà Hà Nội học.

* Danh hiệu Nhà Hà Nội học là do mọi người quý mến gọi ông. Vậy ông có hài lòng với cách gọi này?

- Tôi thấy hiện giờ cứ nói đến danh từ “Nhà Hà Nội học” là mọi người nghĩ đến tôi nhưng tôi nghĩ danh từ này không chỉ dành riêng cho tôi mà dành cho tất cả những ai nghiên cứu về Hà Nội. Tuy nhiên vấn đề ở đây là người làm nghiên cứu phải ra nghiên cứu, chứ không phải sao chép tư liệu của người khác.

Trăn trở về môn Hà Nội học

* Hiện nay đã có một chuyên ngành trong trường đại học là Việt Nam học. Là Nhà Hà Nội học, ông có ý định xây dựng một môn học hay một ngành nghiên cứu dành cho sinh viên đại học là môn Hà Nội học không?

- Tôi thấy ở các trường đại học cấp quốc gia đã có khoa Việt Nam học dạy về Việt Nam. Theo tôi biết, khoa Việt Nam học ở Trường ĐHSP Hà Nội đã có những tiết dạy gọi là Hà Nội học và có những sinh viên ở đây đã làm khóa luận tốt nghiệp về Hà Nội như đề tài về phố cổ Hà Nội, Đàn Xã tắc ở Hà Nội... Tôi nghĩ các trường cấp quốc gia đã có khoa Việt Nam học là đủ rồi nhưng các trường đào tạo cán bộ ở Hà Nội thì nên có môn Hà Nội học.


Tác phẩm của ông Nguyễn Vinh Phúc


Đây không phải là đề xuất của tôi mà năm 2000 trong Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội lúc đó ở mục B2 có ghi đưa môn Hà Nội học vào các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Từ năm 2000 bộ môn Hà Nội học được công nhận đưa vào nghị quyết của Thành ủy. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan nên bộ môn này chưa được ứng dụng rộng rãi.

* Trong năm nay ông đã cho ra đời 6 cuốn sách trong đó có hai cuốn Hà Nội cõi đất, con người1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là những công trình khá công phu và đồ sộ. Sức làm việc của ông quả thực khiến cho người ta phải nể phục...

- Tôi nghĩ sức khỏe là trời cho. Bên cạnh đó tôi có những người bạn như ông Tô Hoài đã 90 tuổi nhưng vẫn viết lách, hay ông Hữu Ngọc cũng trên 90 tuổi nhưng vẫn đi bộ. Đấy cũng là những tấm gương để mình noi theo.

Cái thanh lịch của người Tràng An đang bị lấn át

* Từ góc nhìn của một Nhà Hà Nội học, nghiên cứu Hà Nội từ hàng ngàn năm tới nay, ông có nhận xét gì về những thay đổi của Hà Nội ngày nay?

- Sự thay đổi theo dòng đời là chuyện tất yếu. Nhìn về hình hài của Hà Nội hôm nay tôi thấy rõ ràng là nó đang đẹp lên từng ngày với những con đường rộng và đẹp như đường Nguyễn Chí Thanh, Văn Cao, Láng Hạ... Nhà cửa lừng lững mấy chục tầng mà trước đây chỉ thấy trong phim ảnh thì nay đã hiện diện trước mắt mình.

Tôi thấy mừng vì sự phát triển này của thành phố. Tuy nhiên về vấn đề quy hoạch thì tôi thấy chưa ổn. Nhìn từng ngội nhà thì đẹp nhưng quy hoạch còn mang tính chắp vá, dẫn đến sự tắc nghẽn giao thông như hiện nay. Kiến trúc từng ngôi nhà cũng đẹp nhưng nhìn vào tổng thể thì đôi khi lại thấy sự hổ lốn... Song, cũng phải thấy thành phố đang trong giai đoạn chuyển mình nên thực trạng ấy cũng là dễ hiểu. Chỉ có điều, trong quá trình xây dựng đô thị thì xây dựng cơ sở hạ tầng là quan trọng, nhưng ở Hà Nội lại bị bỏ quên hoặc không được chú trọng. Nhiều khu đô thị xây xong không có hệ thống thoát nước, không có khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi.

* Thế còn các giá trị văn hóa phi vật thể, chẳng hạn các phẩm chất người Tràng An thanh lịch?

“Trong năm nay tôi sẽ hoàn thành nốt 2 công trình là cuốn Thông sử Hà Nội do ông Phan Huy Lê làm chủ biên và cuốn Địa chí vùng Tây Hồ rồi sau đó tôi sẽ gác bút nghỉ ngơi” (phát biểu của ông Nguyễn Vinh Phúc).

- Trong sự đổi thay tất yếu này, có lẽ vấn đề đáng quan tâm nhất là vấn đề con người. Con người Hà Nội ngày nay đã thay đổi nhiều quá. Trước đây, Hà Nội chỉ có 30 vạn dân thì nay con số ấy đã lên đến hàng triệu. Người về Hà Nội xưa chỉ “nhỏ giọt thánh thót” chứ không ồ ạt như bây giờ. Cũng vì thế mà con người ta dễ hấp thụ tinh hoa văn hóa Kinh kỳ...

Bây giờ, số người về Hà Nội đông quá nên họ chưa kịp tự điều chỉnh mình, dẫn đến sự thay đổi về mặt con người khá rõ nét. Những người khác xứ về Hà Nội đôi khi còn lấn át cả người Hà Nội gốc và họ vẫn còn giữ những lối sống như khi còn ở làng quê qua những biểu hiện như đi trên đường nhựa mà vẫn như đi trên đường làng, cởi trần đi trên đường như đi giữa cánh đồng... Đấy là lối sống chưa kịp điều chỉnh.

Chính vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục ở đây là cần thiết. Tôi hoan nghênh các nhà lãnh đạo đã phát động phong trào xây dựng khu dân cư văn hóa và xây dựng phong trào người Hà Nội văn minh thanh lịch, nhưng tiếc là hiệu quả chưa được cao vì làm thiếu đồng bộ.

* Xin cảm ơn ông.

Ngọc Minh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm