26/12/2010 19:10 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH cuối tuần) - Đêm nói lời chia tay ĐTQG, những giọt nước mắt đã rơi trên gương mặt thủ quân và đồng đội. Cuộc chia tay Minh Phương đã không trọn vẹn với anh và với cả BĐVN. Nhưng đây vẫn có thể coi là một biểu tượng của BĐVN.
Làm trai đứng ở trong trời đất
Đó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ/ Tươi như cánh nhạn lai hồng (Nguyễn Mỹ). Cuộc đời này, khi chia tay cái gì đó, nếu lòng thanh thản vì mình đã dốc hết tâm và lực cho nó, thì đấy mới là hạnh phúc của kẻ chia tay. Minh Phương là một người đàn ông hiếm hoi của BĐVN có thể ngẩng cao đầu đến thời điểm này.
Ở ĐTQG, cả khi cơ hàn hay thăng hoa, Phương vẫn thể hiện được tầm ảnh hưởng bao trùm của mình. Một cầu thủ không tì vết sau 71 lần khoác áo ĐTQG trong 8 năm, đấy là điều rất khó với các ngôi sao ở ta. Xét yếu tố này, Phương ăn đứt nhiều đồng đội, thậm chí những người anh của thế hệ vàng thứ nhất như Huỳnh Đức, Sơn “công chúa”! Đấy là lý do cơ bản để sau lưng Minh Phương là khoảng trống hun hút khi nói lời chia tay đất Long An và ĐTQG. Đấy là điều hạnh phúc của một gã trai đứng ở trong trời đất.
Ngọc phải mài giũa
AFF Suzuki Cup 2010, ở tuổi xế chiều sự nghiệp người ta thấy Minh Phương vẫn không cũ. Anh chơi bóng “bằng đầu”, hào hoa mà không kém phần tinh quái. Nhìn cái cách Phương di quả bóng ra sát biên trận Singapore những phút cuối, nó vẫn không bị phô và phản cảm dù ai cũng biết đó là hình thức câu giờ. Sự khác biệt của người tài là luôn biến mình thành hữu dụng ngay cả khi hoàn cảnh và tuổi tác không ủng hộ. Có lẽ, Phương ý thức được ở tuổi mình, điều cần hoàn thiện để có ích, tạo được tầm ảnh hưởng thì phải vót nhọn những vũ khí mang thương hiệu mình. Hay nói cách khác, đặt sự sắc sảo lên trên hết. Phương di chuyển không nhiều nhưng những cú chuyền bóng vẫn nhạy cảm. Tại giải này, người thủ quân đặc biệt ấn tượng với những cú sút xa và có uy lực, thậm chí nhỉnh hơn cả năm 2008. Thanh Hưng là cầu thủ trẻ, sút xa cũng tốt nhưng để quăng chân khiến quả bóng đi được như đàn anh thì vẫn không thể. Đấy cũng có thể coi là điều đáng kinh ngạc với một cầu thủ lão tướng.
Minh Phương chia tay sẽ để lại lỗ hổng lớn ở hàng tiền vệ - Ảnh: VSI
Và nó thể hiện sự không ngừng hoàn thiện mình của thủ quân ĐTQG. Hành trình 8 năm khoác áo ĐTQG đã chứng minh điều đó. Xuất phát điểm của Phương là đá hậu vệ phải. Thế nhưng, khi được đẩy lên đá tiền vệ phải và sau đó chết luôn vị trí “lá phổi”, thì dường như anh đều mở rộng được giới hạn của mình. Để chiếc băng thủ quân bám chặt và có trọng lượng trên cánh tay, số phận cũng thử thách Phương nhiều. Như SEA Games 22 năm 2003, anh đã không gánh nổi để rồi A.Riedl đã phải trao cho Hữu Thắng. Phải đến năm 2005 đổ về đây, Phương mới được các đồng đội và lãnh đạo chấp nhận là không ai xứng đáng làm thủ quân hơn tiền vệ này. Nên nhớ, môi trường đội tuyển tập trung toàn cầu thủ cá tính, để tạo được một “đế chế” thì phải là người đặc biệt, có lẽ tư cách và những khoảnh khắc lóe sáng khác người mới là yếu tố tiên quyết giúp Phương được tín nhiệm. Nói thế bởi không phải giải đấu nào Phương cũng đá “mê ly” cả. Nếu chọn đâu là thời điểm chói ngời nhất của Phương thì đấy mới là Asian Cup 2007, lần đó Phương đá tiền vệ trung tâm cùng Tài Em. Đường đến vinh quang tại AFF Suzuki Cup 2008 có được hiện thực hóa, nếu như không có pha đá phạt đúng phong cách Minh Phương, để Công Vinh đánh đầu đưa bóng vào lưới Thái Lan ở những phút cuối?
Một cầu thủ có thể chơi nhiều vị trí nhưng vẫn hoàn hảo. Có thể đá phạt, dứt điểm, sút xa, chuyền bóng không lẫn vào đâu được. Tóm lại, để có thể làm chủ được quả bóng và cảm xúc trong mọi tình huống, thì dứt khoát phải thường xuyên khổ luyện, không ngừng hoàn thiện mình, đặc biệt ý chí. Tài năng của Phương và Tài Em không mang dáng dấp thiên bẩm, kiểu như Văn Quyến.
Bóng vàng cứ lăn sau lưng
Chúng ta đã thừa nhận Minh Phương là cầu thủ khó thay thế của ĐTQG, tầm ảnh hưởng của anh quá sâu sắc, thì có nghĩa công nhận một nghịch lý khi anh chưa bao giờ được bầu chọn là Quả bóng Vàng. Cả hai lần (2006, 2007) anh chỉ đoạt Quả bóng Bạc, xếp sau Công Vinh. 2008 và 2009 không được danh hiệu gì. Trong khi đó, người chiến hữu Tài Em đã một lần ẵm danh hiệu cao quý này năm 2005.
Có nghĩa, Quả bóng Vàng cứ lăn sau lưng tiền vệ tài hoa này như một định mệnh. Chắc chắn, điều đó khiến anh cảm thấy day dứt, dù đã 2 lần cùng ĐT.LA nếm hương vị vô địch V-League, 1 lần cùng ĐTQG lên đỉnh Đông Nam Á. Lần này, khi nói lời chia tay ĐTQG và trong điều kiện hàng loạt ngôi sao thi nhau “xẹt’ trong năm 2010, Phương sẽ đảo ngược được số phận trong cuộc bầu bán sắp tới?
Đấy là chuyện mà người thủ quân không thể quyết được. Tuy nhiên, một trận đấu chia tay Minh Phương là nguyện vọng có tính nhân văn. Nửa cuộc đời với tuổi thanh xuân công hiến cho màu áo đỏ, hình ảnh Minh Phương luôn lay động được người hâm mộ. Giờ đây ở SHB.ĐN, chắc Phương hiểu mình phải làm thế nào để cho giá trị của mình không lung lay, dù biết đấy là điều rất khó với tuổi tác và môi trường SHB.ĐN, khi Huỳnh Đức đang muốn biến anh thành một thủ lĩnh để tẩy bớt chất và tầm ảnh hưởng của người Đà Nẵng. Hy vọng Phương đọc những câu thơ này:
Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy? Cái màu đỏ như màu đỏ ấy/Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi/Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người/Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp/Một làng xa giữa đêm gió rét/Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi/Như không hề có cuộc chia ly…
NGỌC HÒA
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất