Người Việt ít đọc nhất thế giới: Gian nan… khuyến đọc

03/07/2018 07:16 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Xốc lại chương trình đã đeo đuổi từ hơn 10 năm trước, cà phê Trung Nguyên đang dùng dàn xe sang đi xuyên Việt tặng sách cho thanh niên. Với một tên gọi rất vĩ mô, tham vọng: “Hành trình từ trái tim - Hành trình lập chí vĩ đại, khởi nghiệp kiến quốc cho 30 triệu thanh niên Việt”, họ dự kiến tặng hơn 200 triệu cuốn sách.

Thẳng thắn, dù vì mục đích gì và làm theo cách nào, việc tặng sách cho thanh niên luôn cần được khích lệ và trân trọng. Như nhà cải cách giáo dục người Mỹ là Horace Mann (1796-1859) từng mơ ước: “Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”.

Hội thảo quốc gia về xây dựng văn hóa đọc và phát triển mô hình thư viện thân thiện tại trường tiểu học vừa diễn ra tại Đà Nẵng trong 2 ngày 29 và 30/6/2018 cho thấy người Việt mỗi năm chỉ đọc chừng 1, 2 cuốn sách - thuộc nhóm ít đọc nhất thế giới. 30 triệu thanh niên Việt nhận hơn 200 triệu cuốn sách, bình quân 7 cuốn/1 người, nghĩa là với sức đọc như vừa nêu thì phải mất hơn 5 năm để đọc hết. Tất nhiên đây là bình quân, chứ thực tế, nếu chịu đọc, thì đa số sẽ đọc nhanh hơn rất nhiều.

Chú thích ảnh
Thư viện KHTH Đà Nẵng với không gian thoải mái cho trẻ em đọc sách. Ảnh: Đoàn Nhạn/ Báo Tuổi trẻ

Tuy nhiên, làm sao để họ đủ động lực bỏ mạng xã hội, bỏ điện thoại xuống chừng 15 - 20 phút, đi nhậu trễ chừng nửa tiếng, nhằm có thời gian đọc vài trang sách mỗi ngày, tưởng dễ, mà không hề đơn giản.

Chiến tranh, thiên tai, nghèo đói, mô hình giáo dục lạc hậu, rồi xã hội tiêu dùng mau chóng ập đến đã cướp mất thói quen đọc sách của phần lớn người Việt. Rồi phương tiện đi lại - chủ yếu là xe đạp (ngày trước) và xe máy như hiện nay - cũng khó thân thiện với việc đọc sách. Lên xe lửa, tàu điện ngầm, xe buýt, bãi biển hoặc các nơi công cộng ở các nước văn minh, việc đọc sách khá dễ thấy, điều này ở Việt Nam thì khá hiếm gặp.

Đọc sách hay, không chỉ phát triển trí tuệ, tư duy, mà còn giúp tôn tạo sự độc lập, tự chủ của người đọc. Thế nhưng, nhìn ở thực tế Việt Nam thì hành trình khuyến đọc của cà phê Trung Nguyên chắc sẽ còn gặp nhiều gian nan, không phải vì việc tặng sách sẽ “không chạy”, mà làm sao để những cuốn sách đó được mở ra, được đọc, được ngẫm ngợi và trao đổi.

Trong một chương trình về trẻ em và thư viện, ông Barack Obama (lúc ấy là Tổng thống Mỹ) đã phát biểu một câu thu hút. Đó là: “Vào khoảnh khắc mà chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta đã thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”. Nên có lẽ, một trong những việc quan trọng hơn mà tự mỗi gia đình phải cần làm, đó là nên khuyến khích con cháu đọc những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi. Rồi các chương trình cải cách giáo dục phải làm sao để sách giáo khoa và giáo trình nhẹ nhàng hơn, giúp học sinh tiểu học còn thời gian, sức khỏe để đọc sách và duy trì thói quen này. Gia đình nào có con cháu đang học tiểu học sẽ cảm nhận được, trẻ em gần như đứ đừ và kín lịch với việc học, thì giờ đâu mà đọc sách.

Mà không đọc sách, nói như Phan Châu Trinh, thì sẽ không bao giờ tự học được, sẽ không thể làm được công cuộc duy tân cho bản thân và đất nước.

Vì văn hóa đọc, 'chạy' đến bao giờ?

Vì văn hóa đọc, 'chạy' đến bao giờ?

Chuyến 'Chạy xuyên Việt vì văn hóa đọc' lần hai xuất phát hôm 11/5 tại Hà Nội. Chuyến chạy lần đầu là vào tháng 1, đã hoàn thành. Từ Hà Nội vào TP HCM là 1.800km, chạy rồi cũng đến. Nhưng văn hóa đọc thì “chạy” đến bao giờ?

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm