Người thơ thanh đạm Ngô Văn Phú phiêu du cùng 'Mây và bông'

26/10/2022 08:09 GMT+7 | Văn hoá

Thời ở trong căn hộ tập thể ở Hà Nội, tác giả của những trang sách giáo khoa như Mây và bông, Tí xíu, Con voi ở công viên Thủ Lệ... lúc nào cũng cần mẫn viết, xa lạ với công nghệ hiện đại.

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏ

Vĩnh biệt nhà văn Võ Khắc Nghiêm: Cả một đời thao thiết với vùng mỏ

Tháng 9 năm ngoái, với tiểu thuyết "Thị Lộ chính danh", nhà văn vùng mỏ Võ Khắc Nghiêm đã mở cánh cửa ra khu vực Đông Nam Á bằng Giải thưởng Văn học ASEAN.

Khi nỗi buồn thường trực, ông mượn chén rượu đối ẩm và tự ngẫm với mình- “chén rượu suông nhấc lên đặt xuống”. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho hành trình hơn 60 năm cầm bút, làm nên một gia tài văn chương kỷ lục, với 230 cuốn sách đã xuất bản thuộc nhiều thể loại...

Nhà thơ, nhà văn Ngô Văn Phú đã an yên về miền đất, phiêu du cùng Mây và bông. Ông đã gửi lại cõi tạm tuổi 88 (1935 - 2022) vào lúc 15h15 ngày 24/10.

Người thơ thanh đạm

Tôi vẫn nhớ kỷ niệm gặp nhà thơ Ngô Văn Phú lần đầu tiên vào cuối năm 1998 khi tôi đang làm luận văn cao học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Qua nhà thơ Phạm Tiến Duật giới thiệu, tôi đến gặp ông tại NXB Hội Nhà văn. Biết tôi nghiên cứu thơ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông nheo nheo mắt với nụ cười ấm áp, hiền hậu.

Chú thích ảnh
Nhà văn Ngô Văn Phú (thứ hai trái sang) cùng bạn văn: Phạm Tiến Duật, Bảo Ninh và Hữu Thỉnh (trái sang)

Khi tôi hỏi ông bài thơ Sẹo đất in trong tập Mắt mùa Thu năm 1994, nhà thơ Ngô Văn Phú tặng tôi cuốn sách và chia sẻ rất chân tình: “Phạm Tiến Duật giới thiệu chắc là cô đã được nhà thơ nói về bài thơ Vòng trắng. Năm 1973, bài thơ Sẹo đất của tôi được tạp chí Thanh niên đăng sau bài Vòng trắng của Phạm Tiến Duật. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên thân thuộc với đất đai, ruộng đồng. Đến Đông Anh, bắt gặp hình ảnh đất đai bị bom đạn băm lỗ chỗ thành các hố chi chít, tôi chợt thấy nỗi đau hiện hình như vết sẹo của con người vậy. Cảm xúc bật lên rất nhanh. Tôi chả nghĩ xa xôi gì ngoài hình ảnh gợi nỗi đau hằn sẹo. Cũng chẳng có gì phức tạp cả...".

Nhắc lại chuyện cũ, ông nói thêm: "Tôi nghĩ bài thơ bị nhắc nhở là do thời điểm xuất hiện chưa thích hợp thôi. Tôi thấy khái niệm cái tôi phi sử thi trong luận án của cô thật thú vị. Cảm ơn cô đã quan tâm đến Sẹo đất của tôi”.

Ngô Văn Phú từng có bút danh là Ngô Bằng Vũ, Đào Bích Nguyên. Ông sinh ngày 8/4/1935 tại xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc trong một gia đình Nho học. Ông học Khoa Văn khóa 3 (1958 - 1961), Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng các bạn văn Trần Nguyên Vấn, Nguyễn Thị Ngọc Trai, Võ Văn Trực, Xuân Trình, Đoàn Minh Tuấn... Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm các báo Văn học, Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, rồi làm Giám đốc NXB Hội Nhà văn...

Trong con mắt bạn bè, ông là một người sống thanh đạm, giản dị; gần gũi với những bạn bè, đồng nghiệp, như: Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Xuân Quỳnh, Trinh Đường, Ma Văn Kháng…Ông có một gia đình ấm áp, người vợ tảo tần, nhân hậu và các con tôn trọng tự do sáng tác của cha.

Chú thích ảnh
Bài “Gió” của Ngô Văn Phú trong SGK

Thời ở trong căn hộ tập thể ở Hà Nội, ông cần mẫnviết với cây bút, bản thảo chép tay nét chữ đẹp đều, xa lạ với công nghệ hiện đại, mặc cho ngoài kia là một thế giới sôi động của internet, Zalo, Facebook, smartphone... Làm bạn với ông là chiếc ti vi hàng ngày cho có tiếng người nghe tin thời sự. Bên ông là kính lúp, sách chữ Nho, từ điển tiếng Việt, bản thảo ngồn ngộn trên bàn... Chiếc xe đạp là phương tiện cho ông xê dịch, giao lưu.

Căn phòng nhỏ của ông có khung trời rộng mở Mênh mông hơn vũ trụ. Tiềm ẩn trong ông nội lực tràn trề của sáng tạo hấp dẫn luôn đồng hành gọi về từng con chữ. Khi nỗi buồn thường trực, ông mượn chén rượu đối ẩm và tự ngẫm với mình - “chén rượu suông nhấc lên đặt xuống”. Một mình ông thỏa sức với miền ký ức tươi trẻ, không tuổi và luôn có một “nàng thơ” hiện hữu cho sáng tác thăng hoa... Chỉ chừng đó thôi cũng đủ cho hành trình hơn 60 năm cầm bút làm nên mộ tgia tài văn chương kỷ lục, đáng nể phục.

Các giải thưởng của Ngô Văn Phú

Từ năm 1958, nhà thơ Ngô Văn Phú đã được ghi nhận với những giải thưởng văn học: Giải thưởng Thơ tạp chí Văn nghệ (1961), giải thưởng văn xuôi báo Văn học, giải Nhất ca dao báo Văn học (1962); giải Nhất thơ và giải thưởng 5 năm của Hội Văn nghệ Hà Nội (1975 - 1980); giải A thơ của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (1998); giải thưởng 5 năm Văn học Vĩnh Phú (1975 - 1980)...

Năm 2012, ông vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho hai tập thơ Phương gió nổiVầng trăng dấu hỏi.

“Bác ong thợ” cần mẫnđạt kỷ lụcxuất bản sách

Ngô Văn Phú là nhà văn đa tài, cần mẫn với 230 cuốn sách đã xuất bản, thuộc nhiều thể loại: Thơ, trường ca; văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn); dịch thuật; nghiên cứu phê bình; khảo cứu, biên soạn. Với 28 tập thơ, 26 tiểu thuyết, 34 tập truyện ngắn, cùng nhiều cuốn sách biên soạn, khảo cứu, dịch thuật đã đưa tên tuổi nhà văn Ngô Văn Phú vào danh sách những tác giảđạt kỷ lục xuất bản sách nhiều nhất ở nước ta hiện nay.

Ồng đã rút ruột tâm huyết, đam mê sáng tác trong tâm sự nghề văn: “Nhà văn phải có thiên bẩm, phải học tập không ngừng, có một vùng đất gửi gắm khao khát của cả một đời người. Nhà văn phải tự nhận ra mình trước những trang viết đầy trách nhiệm và thuyết phục. Đừng để tư liệu choáng ngợp hư cấu. Đừng để hiện thực lấn át sáng tạo. Đừng lóa mắt trước những hình thức có vẻ như mới nhưng không”.

Trách nhiệm với ngòi bút, ông xác tín bản lĩnh: “Thơ viết thì ngại dở/ Phong xanh khói thuốc/ Xác và hình như một gốc cây khô”...

Như một lão nông, trường phủ sóng thơ ông bám chặt vào đất đai, đồng ruộng, cuộc sống thôn quê với ân tình sâu nặng. Sống, làm việc, sáng tác chủ yếu ở Hà Nội, song trong ông lúc nào cũng thường trực nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn: “Những dải cọ xanh trồng dọc phố/ Đi về xe cộ vút đưa thoi/ Có ai biết được cây vươn ngọn/ Ngóng một trung du phía núi đồi”. Hoặc: “Ga quê hương như một tiếng còi tàu/ Xa xôi mấy đi về thường vẫn nhớ/ Một ánh đèn ghi ngã ba thị xã/ Dãy phố nghèo dăm mái lá con con” (Ga quê hương).

Chú thích ảnh
Bài thơ “Mây và bông” của Ngô Văn Phú trong SGK

Chất ca dao đã đi vào thơ ông tự nhiên, trong sáng, thuần khiết. Hơi thở cuộc sống lao động, sản xuất, men say tình người thẫm đẫm, hồn hậu như một làn gió nhẹ thoảng bay, thanh sáng, thuần khiết khiến mọi người cứ ngỡ bài thơ Mây và bông của ông là ca dao:

Trên trời mây trắng như bông

Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây

Mấy cô má đỏ hây hây

Đội bông như thể đội mây về làng

Kể từ bài thơ Mây và bông quen thuộc với thế hệ học sinh trong sách lớp 1, sách giáo khoa phổ thông có nhiều tác phẩm của ông, như: Tí xíu (Tiếng Việt 2, tập 2, NXB Giáo dục) giai đoạn 1990 - 2003; bài thơ Trâu đồi (Tiếng Việt lớp 4, tập 1, NXB Giáo dục, 2002); bài thơ Gió... và không thể không kể đến truyện Con voi ở công viên Thủ Lệ trong SGK lớp 9 một thời.

Ngô Văn Phú đã định hình cho mình một phong cách thơ qua các tập: Tháng năm mùa gặt (1978), Ngọn giáo búp đa (Trường ca, 1978), Đi ngang đồi cọ (1986), Cỏ bùa mê (1989), Đừng khóc (1991), Âm thầm (1992), Mặt trái xoan (1993), Mắt mùa Thu (1993), Hoa trắng tình yêu (1994), Heo may (1998), Phương gió nổi (1999), Tuyển tập Thơ Ngô Văn Phú (2000), Chiêm bao (2001), Nhặt nắng trong mưa (2003)...

Ngoài các tập thơ, ông là tác giả của những tập tạp văn đầy chất thơ: Mùa hoa cải vàng (1998), Cỏ may (2002), Bụi tầm xuân (2009)…

Chân dung tự họa trong thơ tình

Thơ tình yêu của ông được thế hệ nhớ lưu chép trong sổ tay. Nhà thơ vẫn thao thiết một mối tình câm, tự tặng riêng mình và người ấy một "Khau Vai” nhưng nhức nhớ: "Em có nhớ góc phố buồn u tối/ Ta thường qua, lặng lẽ, bước thâm trầm/ Nhạc dang dở than nỗi đời rắc rối/ Không gian thầm dâng nhẹ hương hoàng lan/ Yêu đến đỗi/ Lòng cũng buồn đến đỗi/ Nói hoài rồi, cần lắm, phút lặng im/ Hơi thở nhẹ lẫn mùi hoa bối rối/ Dáng em đi, tóc xõa, phủ vai mềm/ Phố u tối. Tình yêu không lối thoát/ Lòng chơi vơi theo chiếc lá Thu buông/ Đêm Hà Nội. Hai người. Hai cái bóng/ Nhạc tắt rồi, giai điệu vẫn còn vương…" (Phố buồn).

Chú thích ảnh
Tác phẩm của Ngô Văn Phú

Tình yêu có bùa phép lạ. Thơ tình yêu không có dấu hiệu tuổi tác dẫu người đàn ông ấy đã độ tuổi bát tuần.“Không lúc nào ta không nghĩ về nhau/ Những ước mơ lặng thầm/ Những khát khao gần gũi/ Bao năm tháng chia xa bao chờ đợi/ Đã bao giờ ta được sống gần nhau/ Gặp gỡ làm chi cho vơ vẩn âu sầu/ Cho trằn trọc nhớ thương, thương nhớ/ Khi cái thiếu tìm về nơi sẵn có/ Chưa đắp bù càng thiếu vắng cô đơn/ Đôi mắt em ẩn náu nỗi niềm riêng/ Câu cửa miệng em mong chờ kiếp khác/ Anh cũng thế cứ như người bước hụt/ Nửa sống cho mình nửa biết sống cho ai/ Vẫn cứ đi khắp bể rộng sông dài/ Để lại phía sau lời yêu thương chưa bao giờ nói được/ Để lại phía sau một tâm hồn đói khát/ Để lại sau mình hoa trắng tình yêu” (Hoa trắng tình yêu).

Trong thơ có bức chân dung tự họa của ông:“Ở một mình cho thấu nỗi cô đơn/ Ngày tháng dài ngoằng/ Bữa ăn chuệch choạc”. Thi nhân thấm nỗi cô đơn: “Thiếu một thứ gì đó không bù đắp nổi/ Và ngại ngần khi có lại dư thừa”; khát mong không gì thành thực hơn: “Thèm một tiếng gõ cửa/ Một hơi ấm đàn bà...”.

Chú thích ảnh

Sau thơ, ông có thế mạnh viết tiểu thuyết, truyện lịch sử. Những tiểu thuyếtcủa ông được đông đảo bạn đọc ngưỡng mộ. Kể từ tiểu thuyết đầu tiên Tình yêu đến từ nơi ấy xuất bản năm 1983 đến tiểu thuyết cuối cùng Thời loạn lạc xuất bản năm 2019, ông cần mẫn viết với mật độ đáng nể chỉ vài năm gối tay các tiểu thuyết đầy đặn 2 năm/một, năm/một, năm/đôi…

Các tiểu thuyết ra đời 2 năm/một, năm/một, năm/đôi

Kể từ tiểu thuyết đầu tiên Tình yêu đến từ nơi ấy xuất bản năm 1983 đến tiểu thuyết cuối cùng Thời loạn lạc xuất bản năm 2019, ông cần mẫn viết với mật độ đáng nể chỉ vài năm gối tay các tiểu thuyết đầy đặn 2 năm/một, năm/một, năm/đôi. Đơn cử, bộ tiểu thuyết năm/một: Chiến trận, đời thường (1988), Ngôi vua và những chuyện tình (1989); Nợ đời phải trả (1990), Gươm thân Vạn Kiếp (1991), Quán trọ giữa đời (1992), Ngang trái phủ Tây Hồ (1993); Tuyên phi họ Đặng (1996), Vận trời (1997), Ấn kiếm trời ban (1998), Vầng lửa ngũ sắc (1998), Gió Lào thành cổ (1999).

Các tiểu thuyết ra năm/đôi là: Chiến trận, đời thường (1988), Bụi và lốc (1988); Ấn kiếm trời ban (1998), Vầng lửa ngũ sắc (1998); Gió Lào thành cổ (1999), Hoàng đế đa tình (1999)... Còn ra hai năm/ một: Sau hồi chuông cầu nguyện (1986), Bụi và lốc (1988); Ngôi vua và những chuyện tình (1988), Nợ đời phải trả (1990). Ba năm/một: Ấn kiếm trời ban (1998), Dòng đời xuôi ngược (2001).

PGS.TS Lê Lưu Oanh cho rằng tiểu thuyết của ông “bộc lộ rõ sự tinh thông và niềm say mê sâu sắc lịch sử, khả năng sử dụng lớp từ cổ, từ Hán Việt với những câu chuyện lịch sử dài mang hơi thở của cuộc sống trong Ngôi vua và những chuyện tình, Người đẹp ngậm oan, Tuyên phi họ Đặng, Gươm thần Vạn Kiếp, Uy Viễn tướng công…”.

Nhìn khối lượng tác phẩm của ông cho thấy một tinh thần làm việc, sự cần mẫn thật đáng nể phục. Cùng tiểu thuyết, ông xuất bản các tập truyện ngắn với mật độ đầy đặn: Ngõ Trúc (1986), Thần hoàng làng (1992), Hảo hán Đồ Sơn (1998), 100 truyện danh nhân dã sử (1999), Lầu vọng tiên (2000), Người lang thang với mùa thu (2001), Sắc độ (2013)... Đặc biệt, trong hai năm liền 1993, 1994, ông hoàn thành 6 tập truyện ngắn: Chủ tịch Hội sợ vợ, Dạo chơi núi Dục Thuý , Giấc mơ hoàng hậu (1993); Đêm rừng, Bà chúa kho, Một người đàn bà (1994). Ngoài ra, ông có 5 tập Truyện ngắn danh nhân Việt Nam (2006) gồm các câu chuyện kể về các nhân vật lịch sử như: Lý Công Uẩn, Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn; Đinh Lễ; Nguyễn Xí; Trịnh Khả; Bùi Cẩm Hổ; Phan Thiên Tước; Lê Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên, Lương Thế Vinh... Năm 2015 ở tuổi gần 80 ông đã dành hơn một năm dịch tiểu thuyết Bởi vì của nhà văn Trung Quốc Trì Lợi (NXB Công an nhân dân) dày hơn 300 trang. Cuốn tự truyện được dịch xong dẫu vất vả đã mang đến cho ông nhiều niềm vui. Bốn năm sau (2019), ông công bố tiểu thuyết Thời loạn lạc ở tuổi 82.

Với ông, nhà văn viết truyện lịch sử là phải có nguồn tài liệu tốt, có thông tin đầy đủ, chính thống. Tất nhiên, không thể bê nguyên lịch sử mà lịch sử phải được viết theo nhãn quan của thời mình, có cách kết cấu, bố cục, bút pháp thể hiện, hư cấu... sao cho khéo, cho hay. Điều này đòi hỏi năng lực của nhà văn rất lớn.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm