Nhà văn Ngô Văn Phú: Có nên làm SGK theo chủ đề?

20/07/2008 17:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Nhà văn Ngô Văn Phú, tác giả của các bài thơ “Mây và bông” (SGK lớp 1), “Tí xíu” (SGK lớp 2), và truyện ngắn “Con voi ở công viên Thủ Lệ” (SGK lớp 9) bày tỏ quan điểm của mình về cách làm SGK và việc dạy văn trong nhà trường.
 

Nhà văn Ngô Văn Phú
 
Trước tiên cho các em thấy yêu thích tác phẩm cái đã!
 
Một đôi lần, tôi được mời làm cố vấn cho việc tuyển chọn những tác phẩm văn học vào in trong SGK. Tôi nhận thấy một đặc điểm là hội đồng tuyển chọn cứ làm theo chủ đề, cái gì cũng phải có chủ đề. Như vậy, theo tôi thường dễ bị gò làm sao bao quát hết được đủ thứ chủ đề, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng sách. Có những bài chọn ép, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của chính các em học sinh.
 
Tôi có một cuốn SGK lớp 4 của Pháp và đọc rất kỹ cuốn sách của nước họ. Nhìn chung, tôi thấy cách làm SGK của họ rất khác so với nước mình. Họ không hoàn toàn soạn theo chủ đề nhưng đọc lại rất hay và được biên soạn kỹ, đặc biệt là luôn cập nhật in bài mới. SGK của nước mình mang tiếng cập nhật mà không cập nhật, còn mải ôm đồm kiến thức.

Thứ nữa, việc biên soạn SGK thường được Bộ GD& ĐT giao cho một nhóm các vị có uy tín thực hiện. Tuy nhiên trong những người thực hiện biên soạn SGK có người không trực tiếp tham gia giảng dạy ở cả ba cấp học. Vì vậy, ít nhiều họ không thể nắm rõ khả năng thực tế trong tư duy, khả năng tiếp thu của học sinh ngày nay khác với khả năng mà các tác giả muốn các em phải có hoặc tưởng là các em đã có.

Lại còn chuyện định lượng chương trình như thế nào là hợp với các em học sinh. Tôi có lần đọc báo biết rằng ngành GD& ĐT cũng thừa nhận là chương trình hiện hành quá tải. Như vậy các em kham sao nổi?

Vậy nên theo ý kiến riêng tôi, chọn tác phẩm để in vào SGK là phải đáp ứng, phù hợp với trình độ của các em học sinh và đừng bao giờ đánh giá thấp mức độ tiếp xúc, nhận thức của các em với tác phẩm. Nếu chúng ta cứ đúc khuôn tác phẩm theo chủ đề một cách nặng nề e rằng các em sẽ học miễn cưỡng hoặc học cũng rất qua loa đại khái. Tác phẩm được chọn phải trước hết làm cho chính các em yêu thích chứ không phải là người biên soạn yêu thích. Giữa chuyện bắt học và yêu thích hoàn toàn khác nhau, chính vì thế nên tùy theo mỗi cấp học mà người tuyển chọn tác phẩm in vào SGK phải rất lưu ý. Hãy đưa vào những tác phẩm thật hay, thật có chất lượng mang tính giáo dục cao để trước tiên cho các em thấy yêu thích tác phẩm đó cái đã. Có thế mới tạo hứng thú cho học sinh.

Người thầy dạy văn phải như là một thần tượng có uy

Ngày nhỏ, tôi cũng có thích văn chương thơ phú nhưng chưa thật đam mê như sau này. Hồi nhỏ, ở Hà Nội, các nhà thơ Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá Lân, Trần Huyền Trân đến nhà tôi chơi hay nói chuyện thơ phú với anh tôi. Tôi thấy họ nói về văn chương rất hay và cuốn hút. Chính vì thế tôi thích được nghe lỏm các ông phẩm bình văn chương với nhau.

Lớn lên và tôi được học các nhà thơ Vũ Hoàng Chương và Bàng Bá Lân… Họ thật sự đã làm cho tôi thấy và hiểu được rất nhiều thứ ngoài phạm vi tác phẩm mà họ giảng. Từ đó tôi thấy phục họ, thích họ và có thiên hướng mê văn chương.

Khi tôi học trường Đại học Tổng hợp khoa Ngữ văn cũng vậy. Cùng với nhiều bạn bè khác chúng tôi mê thầy dạy văn lắm. Từ chỗ mê thầy dạy văn tự nhiên thấy thích và yêu văn, học văn một cách nghiêm túc và say mê. Với tôi, thầy dậy văn đúng phải là một thần tượng, phải có uy thì mới khiến học sinh ham thích và mê những điều thầy giảng. Các môn khác cũng thế! Chẳng hạn nếu được học toán với thầy Văn Như Cương hẳn học trò sẽ có một ấn tượng khác so với học toán với một thầy A – B nào đó!
 
Vấn đề giảng văn cho các em học sinh bây giờ không còn giống như trước đây nữa. Tôi cũng từng được mời dạy văn ngay từ khi mới học cấp III. Sau này khi là sinh viên tôi cũng vẫn đi dạy thêm lớp bổ túc văn hóa. Trước đây, để giảng một tác phẩm trong SGK, thầy dạy văn phải giải thích hết những từ ngữ khó, tiếp đến là giảng về nội dung và sau cùng mới là giảng về cái hay cái đẹp... Tất nhiên phải như thế! Nếu như thầy dạy văn phải là một thần tượng để học trò mê mỗi khi lên lớp giảng thì quý hơn nhiều.
Yên Khương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm