Người hùng trong 17 khoảnh khắc mùa xuân

11/08/2009 08:33 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Sau khi hóa thân vào nhân vật chiến sĩ tình báo Xô Viết hoạt động dưới vỏ bọc đại tá phát xít Đức Stirlitz, Vyacheslav Tikhonov thực sự đã “tắm” trong vinh quang: trở thành NSND Liên Xô (cũ), nhận nhiều giải thưởng, huân chương và là thần tượng của hàng triệu trái tim phụ nữ. Nhưng trong cuộc đời của người nghệ sĩ sở hữu khuôn mặt rất nam tính này cũng có nhiều nốt trầm, những khoảnh khắc lạnh giá của mùa Đông.

Vinh quang và mệt mỏi

Tại một thị trấn vắng vẻ ở ngoại ô Moskva, những cậu bé choai choai hay tụ tập để nghịch ngợm. Một lần chúng tranh cãi với nhau rất hăng về lòng dũng cảm và quyết định xăm chữ vào cánh tay để tỏ chí “nam nhi”. Slavik (hay Slava, tên gọi thân mật của Vyacheslav Tikhonov) cũng chìa cánh tay ra, để khỏi bị bạn bè trêu là “nhát cáy”. Những người bạn cùng lứa đều có một “nàng thơ” để khắc tên vào da thịt, Slavik thì chưa kịp thương thầm nhớ trộm ai nên đề nghị xăm ngay tên mình - Slava. Trong tiếng Nga, Slava có nghĩa là vinh quang. Không ngờ, điều này đã “ứng nghiệm” vào số phận của Tikhonov. Suốt cuộc đời ông phải theo đuổi và mệt mỏi vì vinh quang.

Tikhonov (giữa) trong phim
17 khoảnh khắc mùa Xuân  
Sinh ra trong gia đình có bố làm công nhân và mẹ là bảo mẫu ở nhà trẻ tại một vùng đất nửa quê, nửa tỉnh, lẽ ra Tikhonov cũng làm thợ tiện hay lái máy kéo như nhiều người khác. Nhưng chàng trai có dáng hình cao ráo, rắn rỏi khi đó lại mơ làm diễn viên và đã đăng ký thi vào trường điện ảnh VGIK. Thế nhưng do tính tình rụt rè, không giỏi ăn nói trước đám đông nên Tikhonov bị đánh trượt. Khi các thí sinh khác đã về hết, Tikhonov vẫn đứng chôn chân ở hành lang vắng vẻ, không muốn tin rằng ước mơ của mình không thể thành hiện thực. Tình cờ, một vị giáo sư đi qua, thấy vẻ mặt thất vọng tràn trề của “thầy khóa hỏng thi”, ông đã thương tình nhận chàng trai vào lớp diễn viên của mình.

Sau đó, Tikhonov liên tục nhận được lời mời đóng các phim Đội cận vệ trẻ (1948), Maximka (1952)... nhưng các đạo diễn lại muốn khai thác ngoại hình “đẹp như tượng” chứ không phải tài năng và sự cảm nhận tinh tế của nam diễn viên này. Tikhonov mơ ước về sự vinh quang khác hẳn.

Sách gối đầu giường của ông là cuốn Chiến tranh và hòa bình (Lev Tolstoi). Khi nghe tin Sergei Bondarchuk, “người khổng lồ” trong làng điện ảnh Xô Viết, chuẩn bị làm phim Chiến tranh và hòa bình, Tikhonov liền tìm cách tiếp cận và ngỏ ý muốn nhập vai Andrei Bolkonsky. Bondarchuk từ chối bởi ông đã có hai ứng cử viên sáng giá cho vai này. Điều đó khiến Tikhonov vô cùng buồn bã. Rất may cho ông là hai diễn viên được nhắm cho vai Bolkonsky đều bận đóng các phim khác. Rồi nhờ sự can thiệp của bà Bộ trưởng Bộ Văn hóa thời đó mà Tikhonov có cơ hội diễn thử và được nhận vai mà mình “mơ ước cả đời”. Quay suốt bốn năm ròng rã, cuối cùng tác phẩm điện ảnh được cả nước chờ đợi cũng ra mắt khán giả. Tuy nhiên, cách thể hiện nhân vật Bolkonsky của Tikhonov không được báo chí đánh giá cao. Bản thân Bondarchuk cũng nói những lời không mấy hay ho về vai diễn này. Thế là Tikhonov quyết định “ly hôn” với điện ảnh.

Anna Tikhonova, con gái của Tikhonov, nhớ lại: “Bố tôi muốn ra đi, không phải bỏ nghề mà bỏ điện ảnh. Ông thích bộ phim Chiến tranh và hòa bình. Nhưng khi đóng phim này, ông gặp rắc rối với Bondarchuk. Giống như mọi nghệ sĩ lớn khác, đạo diễn này rất khắt khe và quá nguyên tắc trong một số vấn đề. Còn bố tôi thì lại là người cả nghĩ, đôi khi quá mức. Do đó ông rất đau đớn khi nghe những lời chê bai, phê phán vai diễn của mình. Sau khi bộ phim Chiến tranh và hòa bình được công chiếu, ông quyết định chuyển sang lĩnh vực sân khấu”.

Nhưng ý định của ông đã bị nữ đạo diễn Tatyana Lioznova làm đảo lộn. Bà mời Tikhonov đóng vai Stirlitz trong bộ phim truyền hình nhiều tập 17 khoảnh khắc mùa Xuân (1973). Ngay từ khi những tập phim đầu tiên về chiến sĩ tình báo xuất sắc Isayev (nhân vật có thật nhưng đã được tiểu thuyết hóa) được phát sóng, vinh quang đã ập đến với Tikhonov.

Được khán giả Liên Xô (cũ) nói riêng và các nước xã hội chủ nghĩa nói chung ngợi ca, Tikhonov thực sự sống trong hào quang của sự nổi tiếng. Nhưng như con gái ông nhớ lại: “Có thời kỳ bố tôi mệt mỏi vì niềm vinh dự này. Tôi nghĩ diễn viên nào cũng không vui khi chỉ được khán giả nhớ có mỗi một vai. Có những lúc, điều này khiến bố tôi bực bội”.

Những bi kịch cuộc đời

Năm 1948, Tikhonov đã cưới Nonna Mordyukova (cũng đóng trong Đội cận vệ tr và về sau được phong tặng danh hiệu NSND) và họ có với nhau một người con trai tên Vladimir.


Tikhonov với con gái  Ann - Con trai Vladimir - Nonna Mordyukova, vợ cũ

Cuộc hôn nhân của hai diễn viên tài năng và nổi bật về ngoại hình này kéo dài 13 năm. Người ta nói rằng Tikhonov đòi ly dị vì người vợ không chung thủy. Nhưng bản thân Mordyukova thề rằng người bội ước hoàn toàn không phải là bà. Sau khi chia tay, hai người đã cắt đứt tất cả các mối quan hệ. Cho đến trước lúc qua đời (tháng 7/2008), Mordyukova đôi khi vẫn bày tỏ nỗi hối tiếc về sự đổ vỡ này: “Nếu được làm lại, tôi sẽ không chia tay Tikhonov mà làm tất cả để giữ lấy gia đình”.

Về sau Tikhonov đi bước nữa và có thêm cô con gái Anna.

Một nỗi đau lớn của ông là người con trai Vladimir đã chết khi mới ở độ tuổi 40. Sở hữu gương mặt đẹp trai, thân hình cân đối, lại là con của hai NSND, Vladimir có nhiều thuận lợi khi đến với nghề diễn. Vợ của Vladimir, bạn học ở trường sân khấu, cũng là bậc “nghiêng nước nghiêng thành”. Nhưng nam diễn viên này lại nghiện rượu nặng, về sau dính vào ma túy và chết do chích quá liều. Với tính cách quá nhạy cảm, Vladimir ở tuổi mới lớn đã không chịu được sự chia tay của bố mẹ. Sự nghiệp điện ảnh của Vladimir cũng không được như ý, đóng một số phim nhưng không có tác phẩm nào gây tiếng vang...

Hiện tại Vyacheslav Tikhonov đã sang tuổi 81. Ông sống gần như ẩn dật ở ngôi nhà nghỉ ngoại ô, làm vườn và chơi với cháu ngoại.
 
Trần Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm