(TT&VH) - Sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 15 năm, mới đây chính quyền Italia đã đồng ý trả khoản tiền thưởng trị giá 150.000 euro cho một cặp vợ chồng có công phát hiện ra Oetzi, xác ướp được bảo quản tốt nhất kể từ thời đồ đá.
Tháng 9/1991, ông Helmut Simon, một người Đức, và vợ là Erika đã tình cờ phát hiện thi thể Oetzi bị vùi trong băng tuyết khi đi khám phá sông băng Similaun ở phía Bắc Italia. Ban đầu thi thể này được cho là của một nhà leo núi xấu số bởi trong khu vực không hiếm chuyện những người leo núi gặp tai nạn và bị tuyết vùi. Song những kiểm tra sau đó đã cho thấy nó có niên đại hơn 5.000 năm.
Tư thế nằm của Oetzi khi được ông bà Simon phát hiện
Ngoài cái xác, người ta còn thu giữ được nhiều cổ vật có giá trị gồm một chiếc áo choàng không tay bằng cỏ bện, áo da và giày không thấm nước. Những đồ tùy thân khác của Oetzi gồm rìu đồng, dao đá, ống chứa đầy tên, giáo gỗ... Ban đầu người ta nghĩ rằng Oetzi chết do đói và rét nhưng sau đó các nhà khoa học nhận ra rằng ông ta chết vì những vết thương trong một trận chiến.
Ông bà Simon và cuốn sách viết về
“Người băng”Oetzi của họ |
Năm 1994, chính quyền thành phố Nam Tyrol, tỉnh Bolzano, nơi lưu giữ xác ướp Oetzi, đã tặng thưởng vợ chồng Simon số tiền tượng trưng là 1 triệu lira (5.200 euro). Phẫn nộ với khoản tiền ít ỏi này, hai vợ chồng đã đâm đơn kiện.
Tháng 9/2006, tòa án Italia cho rằng đúng là vợ chồng Simon đã tìm thấy Oetzi và yêu cầu chính quyền Nam Tyrol có những đền bù “một cách hợp lý”. Khoản tiền đền bù được xác định là 150.000 euro. Chính quyền thành phố dĩ nhiên không đồng ý và kháng án lên cấp cao nhất, Cassation Court, với lý do khoản tiền đền bù quá nhiều. Họ nói rằng đã phải bỏ ra tất cả chi phí để tìm thấy Oetzi, bao gồm việc xây một bảo tàng và chi phí điều hành hệ thống làm lạnh giúp bảo quản xác “Người băng”.
Nhà Simon phản bác lại bằng tuyên bố “Người băng” đã trở thành “mỏ vàng” cho chính quyền thành phố kể từ khi được tìm thấy. Giới chức Nam Tyrol tỏ ra nhượng bộ khi đề nghị nhà Simon nhận khoản tiền thưởng 50.000 euro. Song chẳng những không nhận tiền, nhà Simon còn cho biết Oetzi đã mang lại 4 triệu euro/năm cho địa phương từ các hoạt động du lịch. Đó là còn chưa kể đến tiền thu từ việc làm các bộ phim tài liệu, sách, chương trình truyền hình liên quan tới Oetzi.
Nhà Simon tiếp tục đệ đơn lên các cấp cao của Italia, yêu cầu làm rõ ai đã tìm thấy Oetzi và ai sẽ được nhận tiền thưởng theo luật. Luật pháp Italia có quy định rõ rằng người tìm thấy cổ vật sẽ nhận được 25% giá trị vật đó. Yếu thế, chính quyền Nam Tyrol nói rằng đã có vài người từng nhìn thấy xác ướp Oetzi trước vợ chồng Simon. Trong số đó có một người Thụy Sĩ từng tuyên bố mình đã nhổ nước bọt lên Oetzi để đánh dấu. Song ADN của cô này đã không được tìm thấy trên “Người băng”. Một nữ diễn viên Slovenia cũng nói rằng cô ta đã tìm thấy Oetzi trước vợ chồng Simon 5 phút. Nhưng cô chẳng có ai làm nhân chứng ủng hộ. Chính quyền Nam Tyrol vẫn cố kháng cáo và phải tới giờ mới chấp nhận trả tiền.
Bảo tàng Bolzano trở thành một điểm hấp dẫn khách
du lịch kể từ khi trưng bày “Người băng” Oetzi |
“Chúng tôi rất vui khi cuối cùng đã có thể đưa chủ đề dễ gây cáu giận này tới hồi kết” - Christian Rainer, phát ngôn viên chính quyền Nam Tyrol, nói. Số tiền thưởng trị giá 150.000 euro sẽ được trao cho bà Erika Simon, 72 tuổi, và hai người con trai do ông Helmut đã qua đời trong một tai nạn leo núi hồi năm 2004.
Cái chết của ông Helmut từng có thời gian làm xuất hiện những tin đồn về “lời nguyền Oetzi” bởi ông bị lạc trong bão tuyết và rơi khỏi một vách núi giống như “Người băng”. Người ta cho rằng Oetzi nguyên là một pháp sư và có thể đã yểm bùa quanh thi thể ông ta. Vài giờ sau đám tang của Helmut Simon, Dieter Warnecke - lãnh đạo một đội cứu hộ được cử đi tìm kiếm ông - đã chết vì đau tim. Tom Loy, nhà khoa học nghiên cứu ADN của Oetzi, thì được phát hiện đã chết ở nhà. Còn Rainer Henn - chuyên gia bệnh học, người tiến hành các nghiên cứu đầu tiên trên xác Oetzi - chết vì tai nạn xe hơi...
Luật sư của gia đình Simon, ông Georg Rudolph, cho biết họ đã đón tin mừng với “niềm vui và cảm giác giải thoát”. Theo vị luật sư, “tất cả những chuyện này xảy ra không phải do Simon muốn chia lợi nhuận mà vì muốn được người khác ghi nhận”. Quả thực, nếu không có vợ chồng Simon, chắc nhân loại đã không thể có được đột phá trong nghiên cứu, với những góc nhìn cực kỳ chi tiết, cụ thể về cuộc sống của người châu Âu thời đó.
Gia Bảo