Trả lại sự công bằng cho những người tìm thấy Oetzi

03/10/2008 10:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 29/9, cuộc tranh chấp tiền thưởng kéo dài hơn một chục năm qua giữa nhà chức trách Italia và các cá nhân tìm ra người băng Oetzi nổi tiếng đã kết thúc.
 
Theo đó, chính quyền tỉnh Bolzano của Italia sẽ phải trao khoản tiền thưởng trị giá 150.000 euro cho bà Erika Simon, một trong hai người đầu tiên tìm thấy Oetzi. Dư luận chú ý tới vụ tranh chấp này còn bởi bà Simon được xem là người sống sót duy nhất sau cái gọi là "lời nguyền của Oetzi".

5.000 và 150.000

Oetzi được ông Helmut và bà Erika Simon, người Đức, tìm thấy vào năm 1991 ở sông băng Schnalstal nằm tại khu vực biên giới Áo - Italia. Ba năm sau, họ bắt đầu khởi kiện chính quyền Bolzano, thủ phủ tỉnh Bolzano-Bozen của Italia, nơi trưng bày Oetzi.
 
Ông bà Simon, những người đầu tiên tìm thấy Oetzi

Nguyên nhân do hai vợ chồng nhà Simon chỉ được thưởng một khoản tiền trị giá 3 triệu lia (khoảng 5.200 euro), cho việc tìm thấy Oetzi. Không chấp nhận món tiền ít ỏi này, hai vợ chồng bắt đầu đâm đơn kiện lên tòa án các cấp của Italia cho rằng chính quyền Bolzano đã thu tới 4 triệu euro mỗi năm nhờ hoạt động du lịch liên quan tới người tuyết Oetzi, chưa kể tới các nguồn thu từ chương trình truyền hình, phim tài liệu và sách báo.

Qua các phiên tòa, chính quyền Bolzano nhượng bộ dần dần, có lúc chấp nhận chi cho hai vợ chồng nhà Simon tới 50.000 euro. Nhưng họ vẫn không chấp nhận. Bực mình, chính quyền địa phương đâm đơn kiện ngược lại, cho rằng khoản tiền họ dành cho nhà Simon là hợp lý bởi tiền thu từ du lịch còn phải chi cho hoạt động xây dựng bảo tàng và vận hành một thiết bị làm lạnh đặc biệt cho Oetzi.

Họ còn đưa ra vài người được cho là đã tìm thấy Oetzi trước hai vợ chồng người Đức. Nhân vật đầu tiên là Sandra Nemeth, một phụ nữ Thụy Sĩ, với tuyên bố bà ta đã nhổ nước bọt lên người Oetzi để "đánh dấu". Tuy nhiên kiểm tra sau đó không thấy dấu vết DNA của bà này trên cơ thể người băng. Một nữ diễn viên điện ảnh người Slovenia nói rằng cô ta tìm thấy Oetzi trước hai vợ chồng Simon chỉ 5 phút. Song cô này cũng không có nổi một nhân chứng để bảo vệ tuyên bố của mình.

Sau khi đơn kháng án lên tòa tối cao bị bác, nhà chức trách Bolzano đã chấp nhận thưởng cho ông bà Simon số tiền 150.000 euro

Nhân vật đặc biệt

Khi mới phát hiện Oetzi, hai vợ chồng nhà Simon tưởng đó là một người hiện đại, bị thiệt mạng trong quá trình leo núi. Nhưng khi được đưa ra khỏi băng tuyết, tới phòng nghiên cứu, Oetzi đã khiến giới nghiên cứu cổ sinh vật sững sờ.
 
Xác ướp Oetzi nổi tiếng

Các đo đếm cho thấy Oetzi cao 1m59, nặng 50kg, khoảng 46 tuổi và qua đời cách đây khoảng hơn 5.000 năm. Anh là xác ướp tự nhiên cổ nhất từ trước tới nay. Cơ thể của Oetzi được bảo quản gần như hoàn hảo, chưa kể tới quần áo và vũ khí cũng trong tình trạng tốt. Oetzi có 57 hình săm, gồm những chấm và gạch đơn giản trên cơ thể.

Quần áo của Oetzi được chế tạo tương đối cẩn thận. Anh mặc một chiếc áo choàng dệt từ cỏ. Ngoài ra anh còn có một đôi xà cạp, một chiếc thắt lưng và đi giày da. Đôi giày được làm từ da gấu và giữ ấm bởi cổ mềm. Nó hoàn toàn không thấm nước và rất rộng, dường như để đi trên tuyết. Chất lượng giày tốt tới mức người ta đã tính tới việc thiết kế lại về hình thức để sản xuất hàng loạt nó.

Nghiên cứu ruột Oetzi, người ta thấy rằng anh đã ăn hai bữa trước khi chết. Một bữa Oetzi ăn thịt sơn dương và bữa còn lại là thịt dê. Ngoài thịt, anh còn ăn bột lúa mì nghiền nhỏ, có khả năng đã được nướng thành bánh, và vài quả mận.

Ban đầu người ta nghĩ rằng Oetzi chết vì đói và lạnh. Rồi người ta đồn rằng anh ta là trưởng tộc, là nạn nhân của một cuộc tế thần. Nhưng những kiểm tra kỹ lưỡng qua phương pháp chụp X quang và chụp cắt lớp CT cho thấy anh ta đã chết sau một cuộc chiến. Đầu một mũi tên vẫn cắm vào vai Oetzi. Bàn tay, cổ tay, ngực Oetzi có nhiều vết xước. Các nhà nghiên cứu đoán rằng anh ta đã bị giết bởi một cú bổ mạnh vào đầu. Ngoài ra Oetzi còn bị viêm khớp và trong bụng có chứa một loại giun.

Kể từ khi được phát hiện tới nay, Oetzi đã xuất hiện trên ít nhất 30 phim tài liệu của các đài truyền hình nổi tiếng thế giới. Anh đã mang tới những hình ảnh có một không hai về người châu Âu thời kỳ đồ đồng.

Lời nguyền của Oetzi

Với tầm quan trọng của Oetzi và lợi ích kinh tế mà xác ướp này mang lại, khoản tiền thưởng 150.000 được xem là hợp lý. Tuy nhiên ông Helmut Simon sẽ không có cơ hội tiêu tiền bởi đã qua đời cách đây 4 năm trong một vụ tai nạn. Cái chết của ông đã làm dấy lên nỗi lo sợ cái gọi là lời nguyền của Oetzi.

Cho tới nay đã có 7 người thiệt mạng vì có mối liên hệ với Oetzi. Helmut chết hồi năm 2004 trong một vụ lở tuyết khi ông đang leo núi Alps. Xác ông được tìm thấy không xa nơi hai vợ chồng phát hiện ra thi thể Oetzi. Vài giờ sau lễ tang của Simon, Diter Warnec, người đứng đầu lực lượng cứu hộ tham gia truy tìm ông chết vì đau tim dù ông này có sức khỏe rất tốt.

Lần lượt, Rainer Henn, một chuyên gia nghiên cứu bệnh học, người từng chạm tay vào Oetzi, đã chết trong một tai nạn xe hơi. Kurt Fritz, nhà leo núi đưa Henn tới khu vực đặt xác Oetzi chết trong một vụ lở tuyết. Rainer Holz, nhà làm phim ghi lại cảnh người ta dỡ Oetzi khỏi băng, chết vì u não. Nhà khảo cổ Konrad Spindler, người dẫn đầu nhóm chuyên gia nghiên cứu xác Oetzi bị đột tử. Nhà nghiên cứu tế bào Tom Loy, người phân tích mẫu DNA của Oetzi chết vì lý do không rõ ở Australia.

Mặc dù có nhiều cái chết liên quan tới Oetzi, nhưng theo các chuyên gia, chẳng có chuyện bùa chú hay lời nguyền nào ở đây. Họ cho rằng do có hàng trăm người tham gia nghiên cứu Oetzi nên sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu vài người trong số đó qua đời trong hơn một thập kỷ kể từ khi xác ướp này được tìm thấy.
 
Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm