Giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải Fields danh giá

19/08/2010 14:10 GMT+7 | Giáo dục

Ngày 19/8, tại Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabat, Ấn Độ, giáo sư Ngô Bảo Châu đã vinh dự được nhận giải thưởng Fields - giải thưởng quốc tế danh giá được ví như một giải “Nobel toán học.”

Theo phóng viên TTXVN tại Hyderabad, đích thân Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields cho Ngô Bảo Châu lúc 12:55 hôm nay (giờ Hà Nội).


Tổng thống Ấn Độ Patil trao giải thưởng cho giáo sư Ngô Bảo Châu. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cùng với Giáo sư Ngô Bảo Châu còn có ba nhà toán học khác đoạt giải Fields lần này là Elon lindenstrauss (Israel), Stanislav Smirnov (Nga) và Cedric Villani (Pháp).

Khác với giải Nobel tổ chức mỗi năm một lần và không hạn chế lứa tuổi, giải Fields tổ chức 4 năm một lần và chỉ dành cho các nhà toán học có công trình nghiên cứu xuất sắc nhưng dưới 40 tuổi, mỗi lần trao cho không quá 4 người.

Trên thế giới, số nước có cá nhân được nhận giải thưởng này không nhiều, ngay cả nước có nền toán học lâu đời như Đức cũng mới có một người đạt được. Trong lịch sử 70 năm của giải thưởng này (1936-2006), có 48 người nhận giải, trong đó chỉ có 4 người đến từ châu Á, gồm 3 người Nhật Bản và một người Mỹ gốc Trung Quốc.

Vì thế, việc Giáo sư Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng này là một kỳ tích, khẳng định toán học Việt Nam đã có nhân tố đỉnh cao, sánh ngang các cường quốc toán học quốc tế.

Giáo sư Ngô Bảo Châu sinh năm 1972 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống khoa học. Bố là giáo sư, tiến sĩ khoa học Ngô Huy Cẩn, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Cơ học Việt Nam. Mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền, hiện công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương và là Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác (Hà Nội).

Trong môi trường ấy, Ngô Bảo Châu đã sớm được rèn luyện tư duy khoa học và phát huy tài năng của mình. Từng học khối phổ thông chuyên toán của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1988, anh giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tại Australia với số điểm tuyệt đối 42/42 điểm.

Năm 1989, anh tiếp tục mang về huy chương vàng Olympic Toán quốc tế được tổ chức ở Đức, trở thành người Việt đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic Toán quốc tế.

Cũng trong năm 1989, Ngô Bảo Châu được nhận học bổng của Chính phủ Pháp và sang theo học tại Trường Đại học Paris 6. Hai năm sau, anh tiếp tục thi vào Trường Đại học Sư phạm Paris, ngôi trường nổi tiếng nhất nước Pháp. Ngô Bảo Châu bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1997, khi mới 25 tuổi và năm 31 tuổi bảo vệ luận án habilitation (tương đương tiến sĩ khoa học).

Năm 2004, Ngô Bảo Châu được trao tặng Giải Nghiên cứu Clay của Viện toán học Clay cùng với thầy của mình là ông Gerard Laumon vì đã chứng minh được bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita. Cũng trong năm này, Ngô Bảo Châu được cả hai trường Đại học Paris 6 và Đại học Paris 11 mời làm giáo sư.

Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu được đặc cách phong hàm giáo sư tại Việt Nam và trở thành vị giáo sư trẻ nhất của Việt Nam.

Năm 2009, kết quả chứng minh bộ đề cơ bản Langlands của giáo sư Ngô Bảo Châu đã được tuần báo Time, một tờ báo rất nổi tiếng của Mỹ, bình chọn là 1 trong 10 khám phá khoa học tiêu biểu nhất thế giới năm 2009.

Giáo sư Châu hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (Hoa Kỳ), đồng thời là giáo sư của Viện Toán học Việt Nam và Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam. Từ ngày 1/9 tới, anh sẽ làm giáo sư tại khoa Toán trường đại học Chicago, Hoa Kỳ.

Với các công trình khoa học của mình, giáo sư Châu được mời đọc báo cáo toàn thể trong phiên họp tại Hội nghị toán học thế giới năm nay được tổ chức tại Ấn Độ.

Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tới thăm gia đình giáo sư Ngô Bảo Châu. Thay mặt Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, Phó Thủ tướng đã mời giáo sư Ngô Bảo Châu trở về và tham gia Chương trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về toán học giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030 sắp được Chính phủ ban hành.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về sinh hoạt cũng như phương tiện, môi trường làm việc, vị trí công tác để các tài năng toán học như giáo sư Ngô Bảo Châu được phát huy, góp phần thúc đẩy, đưa Việt Nam theo kịp các tiến bộ khoa học hiện đại nhất trên thế giới.

Theo TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm