Nghịch cảnh của nghệ thuật Syria: Chết gục trong nước, bùng nổ ở hải ngoại

09/06/2014 07:24 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc nội chiến ở Syria không chỉ tàn phá nặng nề nhiều di sản văn hóa cổ đại mà còn ảnh hưởng mạnh tới khung cảnh nghệ thuật, theo hướng kích thích sự phát triển tại hải ngoại và tàn lụi ở trong nước.

Theo Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO), tình hình hiện nay ở Syria còn tồi tệ hơn ở Iraq, Afghanistan và Mali. Nhiều di sản văn hóa của Syria đã bị phá hủy trong cuộc chiến gần đây.

Cuộc chiến cũng khiến Syria còn rất ít nghệ sĩ. Các nghệ sĩ danh tiếng như Diala Brisly cũng phải rời khỏi quê hương mình cách đây 1 năm. Hiện cô đang sống và làm việc ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Cô đã có cuộc chuyện trò với báo giới về tình hình văn hóa nghệ thuật của đất nước:

* Cuộc bầu cử Tổng thống ở Syria  vừa diễn ra trong bối cảnh đất nước đang xảy ra nội chiến. Cô nghĩ sao về cuộc bầu cử này?

- Ở Syria hiện nay ngày nào cũng có người thiệt mạng. Nhiều người đang phải sống trong những ngôi nhà bị phá hủy, trong các trại tị nạn. Vậy mà chính phủ vẫn muốn người dân đi bỏ phiếu.


Nghệ sĩ Syria Diala Brisly đang ở Istanbul, nhưng cô đang muốn chuyển tới Beirut và cùng bạn bè mở 1 thư viện cho trẻ em

* Hiện vẫn có nghệ sĩ làm việc ở Syria chứ?

- Có, nhưng rất ít. Ở đất nước tôi giờ không có cộng đồng nghệ sĩ. Nghệ sĩ nào muốn bày tỏ quan điểm của mình trong tác phẩm nghệ thuật đều phải dùng biệt danh, nếu không sẽ rất nguy hiểm với họ. Ở Syria có rất ít triển lãm. Đối với hầu hết người Syria, nghệ thuật giờ là điều quá đỗi xa xỉ.

Chỉ có ở thành phố nhỏ Kafranbel là vẫn có một rạp chiếu phim và một trung tâm văn hóa. Các nghệ sĩ ở đây dùng nghệ thuật để truyền đi các thông điệp tới những người sống ở nước ngoài. Tuy nhiên, ở nước ngoài khung cảnh lại hoàn toàn khác và trong môi trường đó, nghệ thuật Syria đang phát triển thịnh vượng hơn bao giờ hết.

* Cô có thể giải thích tại sao lại như vậy?

- Trước khi diễn ra cuộc cách mạng ở Syria, tôi không nghĩ đất nước mình có nhiều nghệ sĩ đến vậy. Chúng tôi không biết đến nhau và không có bất cứ một tổ chức nghệ thuật nào. Giờ chúng tôi có thể gặp nhau, được tự do làm việc và tạo nên cuộc cách mạng nghệ thuật. Trước đó, khi còn ở trong nước, nếu muốn xuất bản một cuốn sách hay tạp chí, bạn phải dùng tên giả, biệt danh.


Diala Brisly kể lại thời thơ ấu trong 1 tác phẩm của mình.

* Ở hải ngoại, nghệ thuật Syria đã phát triển như thế nào?

- Trước đây, rất nhiều nghệ sĩ Syria chịu ảnh hưởng của nghệ thuật phương Tây. Giờ đây, nghệ thuật của chúng tôi mang tính phương Đông hơn. Các nghệ sĩ cũng có nhiều cảm xúc hơn và quan trọng là họ nhớ Syria.

Nhiều nhạc sĩ đã tung ra các ca khúc rock mang âm hưởng nhạc truyền thống Syria. Chúng tôi rất thích âm nhạc của ban nhạc rock Anh Pink Floyd. Họ đã tung ra nhiều ca khúc mang tính cách mạng.

Nói chung, trước đây các nhạc sĩ Syria sáng tác rất ít, giờ thì đã khác hẳn. Đặc biệt ở Beirut (Lebanon) có rất nhiều hoạt động âm nhạc.

* Vì vậy nghệ thuật Syria giờ đa dạng hơn trước?

- Vâng và sẽ tốt hơn khi mọi chuyện kết thúc. 1 ngày nào đó hòa bình sẽ trở lại. Tôi tin vào thế hệ trẻ Syria. Thế hệ trẻ là tương lai của đất nước và sẽ tái xây dựng Syria. Đó chính là lý do tại sao tôi làm việc với các em trong nhiều trại tị nạn.

* Cụ thể là cô làm gì với thế hệ trẻ?

- Trẻ em cần có một nền giáo dục tốt. Nhiều em từ lâu đã không được đến trường. Tôi đang xây dựng một cuốn sách có hình minh họa và nghĩ rằng nó sẽ giúp các em học tốt hơn.

Ở Beirut còn có một xưởng sáng tác nghệ thuật cho trẻ em sống trong các trại tị nạn. Nơi này giúp các em thể hiện được những gì chúng cảm nhận về môi trường sống của mình. Tôi và một số bạn bè còn đang có kế hoạch mở 1 thư viện cho trẻ em ở Beirut.

Việt Lâm (theo DW)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm