Nghệ thuật truyền thống đến với thiếu nhi

07/05/2021 09:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, một cuộc triển lãm tranh dân gian dành cho thiếu nhi đã diễn ra tại Palm Artspace Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) dưới dự hướng dẫn của PGS-TS Trang Thanh Hiền - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cùng bé sáng tạo.

Tổ chức Triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam năm 2021

Tổ chức Triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam năm 2021

Thông tin từ Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, đơn vị này sẽ chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Triển lãm Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam năm 2021.

Đáng nói, sự kiện đã đem đến cho các em không chỉ những kiến thức chuyên môn sâu để nhận diện các dòng tranh dân gian Việt Nam mà còn cả những trải nghiệm thực hành làm tranh với hệ thống công cụ chuẩn của làng nghề.

Mang nghệ thuật truyền thống đến với các em thiếu nhi là một hành trình dài và nhiều ý nghĩa.

Những cầu nối với văn hóa truyền thống

Sự kiện “Cùng bé sáng tạo tranh dân gian” vừa diễn ra tại Palm Artspace Ecopark đã trưng bày 37 tác phẩm tiêu biểu của Đông Hồ và Kim Hoàng, giới thiệu thuyết trình về lịch sử, nghệ thuật, kỹ thuật của một số dòng tranh dân gian Việt Nam vàcác hoạt động trải nghiệm gồm: In tranh dân gian Đông Hồ, in tranh dân gian Kim Hoàng, thực hành vẽ tranh dân gian Kim Hoàng.

Chú thích ảnh
Rất cần các sự kiện như "Cùng bé sáng tạo tranh dân gian"

Với sự nghiêm túc của chương trình, chắc chắn các bạn thiếu nhi và cả những người lớn tới tham dự ít nhiều đã hiểu rõ hơn, hấp thụ được tinh thần của mỹ thuật dân tộc, từ đó mới nảy sinh tình yêu và mong muốn khám phá.

Bên cạnh đó, vốn cổ là cảm hứng sáng tác của rất nhiều nghệ sĩ tạo hình Việt Nam hiện đại và đương đại. Sự kiện lần này còn được tiếp nối bằng “workshop sáng tạo trải nghiệm cùng tranh dân gian”. Workshop với mục đích chia sẻ kiến thức về nghệ thuật dân gian và tương tác thực hành cùng nghệ thuật tranh dân gian. Các nghệ sĩ tham dự đã được tìm hiểu và khám phá các thông điệp của nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam, qua đó có thể ứng tác với các tác phẩm nghệ thuật dân gian, để tạo nên những tác phẩm cho riêng mình. Workshop cho nghệ sĩ diễn ravào ngày 30/4 vừa qua cũng tại không gian nghệ thuật Palm Artspace Ecopark.

Chú thích ảnh
Thực hành tô tranh Kim Hoàng trong chương trình "Cùng bé sáng tạo"

Trong nhiều năm qua, câu lạc bộ Cùng bé sáng tạo đã thực hiện thường xuyên các hoạt động trải nghiệm sáng tạo xoay quanh tranh dân gian như in tranh dân gian, tô tranh dân gian với các dòng tranh Hàng Trống, Đông Hồ, Làng Sình, Kim Hoàng để trẻ em hiểu về nghệ thuật tranh dân gian.

PGS-TS Trang Thanh Hiền -Chủ nhiệm Câu lạc bộ chia sẻ: “Tranh dân gian Việt Nam là một mảng văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc. Ở đó nó chứa đựng những giá trị tinh hoa của người Việt từ chất liệu cho đến thông điệp ngữ nghĩa qua các hình ảnh biểu tượng. Do vậy việc xây dựng những hiểu biết về nghệ thuật dân gian cho các bé là một nhiệm vụ quan trọng để bồi đắp nên những hành trang cần thiết bước vào đời”.

Chú thích ảnh
Trưng bày và giới thiệu 37 tác phẩm tranh dân gian trong chương trình “Cùng bé sáng tạo”

Trong chuỗi hoạt động lần này có trưng bày và giới thiệu 37 tác phẩm tranh dân gian bao gồm những mẫu tranh cũ và mới. Các bản khắc cổ như bộ Tứ thời, Kiều, Huyền đàn tử vi, Tranh gà tranh lợn, Tấn tài tấn lộc…và đặc biệt 2 bộ ván chữ Phúc, Đức còn sót lại từ xưa nhưng chưa từng được công bố, nay xuất hiện lại lần đầu trong triển lãm. Số là, năm 1915 nạn lụt lớn đã cuốn trôi rất nhiều ván in của tranh Kim Hoàng. Sau năm 1945 thì chỉ còn sót lại vài tranh như Đức lưu quang, Phúc mãn đường, Gà, Lợn…

Chú thích ảnh
Chữ “Phúc” và “Đức” được in từ ván cổ lên giấy đỏ - tranh Kim Hoàng

Tranh Kim Hoàng hiện nay không còn một nghệ nhân nào theo nghề, những bức tranh và bản khắc còn lại được coi là báu vật. Bức chữ Phúc được cắt nghĩa từ 5 thứ hạnh phúc là: Phú - Quý-Thọ-Khang-Ninh. Chữ “đức” trong Phật giáo là hành động thiện, lời nói thiện, suy nghĩ thiện… Chữ “phúc” và “đức” trong tranh Kim Hoàng thể hiện mong mỏi trong nhân dân về một cuộc sống giản dị tốt đẹp, no đủ, hạnh phúc.

Dự án “Khôi phục dòng tranh Kim Hoàng”do chị Nguyễn Thị Thu Hòa -Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội khởi xướng từ năm 2015. Chị đã cùng cộng sự là các nghệ sĩ tạo hình, các nhà nghiên cứu và rất nhiều nghệ nhân từ Bắc vào Nam trải qua nhiều giai đoạn hết sức khó khăn để sưu tầm tranh cổ, phục hồi bản khắc, đào tạo nghề cho người dân, và thúc đẩy sự hoạt động trở lại của làng nghề.

Chú thích ảnh
Các bé thực hành in tranh cùng với các bản khắc đã được khôi phục từ dự án “Khôi phục dòng tranh Kim Hoàng”

Chị Thu Hòa là một người tâm huyết lâu năm với mỹ thuật truyền thống và là tác giả của 3 cuốn sách tổng tập về 3 dòng tranh lớn nhất của miền bắc: Tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Ðông Hồ với những nghiên cứu và tài liệu công phu - một việc làm ý nghĩa cho tranh dân gian Việt Nam.

Nếu như việc khôi phục bản khắc cổ là công việc quan trọng để phục dựng và giới thiệu lại nguyên vẹn tinh thần của dòng tranh cổ truyền thì việc chú trọng nghiên cứu phát triển mẫu tranh mới phù hợp với đời sống đương đại là rất mạnh dạn và không kém phần ý nghĩa để tiếp nối dòng tranh dân gian này.

Chú thích ảnh
Các bé được hướng dẫn in tranh cùng với các bản khắc đã được khôi phục từ dự án “Khôi phục dòng tranh Kim Hoàng”. Ảnh: Nguyễn Á

Trẻ em cần gì từ truyền thống?

Bước sang thế kỷ 21 với dấu mốc phát triển của mạng Internet, có thể nói, xã hội phải đối mặt với “cú sốc” văn hóa mạnh mẽ: Những người già thấy mình chệch ra khỏi quỹ đạo của đời sống mới, người trung niên thì phải hối hả để bắt kịp với cộng đồng trẻ, người trẻ thì hồ hởi đón nhận những luồng văn hóa ngoại lai, còn trẻ em thì hoàn toàn hấp thụ và coi những cái mới chính là truyền thống của mình.

Tuy vậy, lớp văn hóa mới đó mới chỉ phủ được bề ngoài và cần rất nhiều thời gian để gạn lọc và thẩm thấu, hòa cùng tầng tầng, lớp lớp văn hóa truyền thống bên trong của dân tộc. Nói như nghệ sĩ Trần Lương: “Trong máu mình đã là Việt, mình lại không sống ở đâu khác ngoài Việt Nam nên không thể lại là một ông Tây được. Cái gì chảy ra từ con người mình trong sáng tạo thì đã là thuộc vào người Việt rồi”.

Chú thích ảnh
Phóng viên thực hiện chương trình phỏng vấn đối với các bé trong chương trình bằnghình thức gây ngạc nhiên và thú vị. Ảnh: Nguyễn Á

Để thấy, đối với trẻ em, nếu người lớn vì bận bịu với cuộc sống mà vô tâm để chúng tự nhiên hấp thụ những biểu hiện mới của văn hóa chỉ ở một thời điểm quá độ hiện tại, mà không đặt chúng vào cả một tiến trình văn hóa dân tộc thì thật nguy hiểm đối với sự hình thành nhân cách của chúng. Bởi khi đó, trẻ em sẽ bị mất kết dính với “phần chìm của tảng băng” - của vốn truyền thống bị lu mờ bên trong xã hội. Cái nôi văn hóa truyền thống là cơ sở để trẻ em nhận diện được mình trong văn hóa toàn cầu, là cái gốc chắc chắn để từ đó mọc lên những nhánh sáng tạo của hiện đại.Trong khi đó, màu sắc của tranh dân gian, đúng như nhà thơ Hoàng Cầm đã nhận định, là “màu dân tộc”:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

Mỹ thuật đối với trẻ em Việt Nam trước giờ được xem là một môn học thứ cấp trong giáo dục phổ thông. Nhận biết được giá trị của mỹ thuật đối với sự phát triển của trẻ nhỏ, nhiều trung tâm mỹ thuật của các cá nhân họa sĩ mở ra để tạo sân chơi phát triển năng khiếu và thẩm mỹ cho thiếu nhi. Tuy nhiên, hoạt động về mỹ thuật cổ trước giờ vốn hiếm và thiếu tính bài bản.

Ngày nay, những khu vui chơi hiện đại cho trẻ em ở các trung tâm thương mại tích hợp vào các khu chung cư đô thị là hết sức phổ biến và tiện lợi. Những địa điểm của văn hóa nghệ thuật truyền thống dành cho trẻ nhỏ khám phá không nhiều, có thể kể đến như: Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội), Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Nhà hát Múa rối Trung ương… là những nơi vẫn thường niên diễn ra các hoạt động về văn hóa nghệ thuật cổ truyền mà các bậc phụ huynh có thể đưa con em tới để tìm hiểu về văn hóa truyền thống.

Bên cạnh đó rất cần đến những dự án nghệ thuật mang tính dân tộc như: Dự án “Khôi phục tranh Kim Hoàng”, các hoạt động của câu lạc bộ Cùng bé sáng tạo, dự án nghệ thuật Trúc Chỉ… và nhữngnhà nghiên cứu, nghệ sỹ, cá nhân tích cực đối với văn hóa truyền thống.

Trần Thu Huyền

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm