Nghệ sĩ Lê Vũ Long: "Tôi đang sử dụng tôi"

19/11/2008 16:27 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Năm 2002, vợ chồng nghệ sĩ Lê Vũ Long - Thu Lan thành lập đoàn múa Nơi Đến (với các diễn viên khiếm thính). 6 năm nay, Nơi Đến vẫn đều đặn nhận hợp đồng biểu diễn ở nước ngoài nhưng các chương trình ở trong nước cứ thưa dần, bởi múa đương đại - niềm đam mê mà Lê Vũ Long đang theo đuổi - với một số người vẫn là thứ nghệ thuật phá cách và quá xa lạ...

Cuộc trò chuyện giữa TT&VH Cuối tuần với nghệ sĩ Lê Vũ Long được thực hiện sau chuyến lưu diễn dài ngày ở Italia, Pháp, Nga của anh. Ngày 27/9/2008 vừa qua tại thành phố Florence - Italia, anh đã nhận giải thưởng Premio Internazionale Franco Di Francescantonio từ BTC liên hoan nghệ thuật: Luôn Đổi Thay (Costante Cambiamento) lần thứ 12, với sự tham dự của Đại sứ quán Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tại Italia.

8 năm nay, người ta không sử dụng tôi vào việc gì!

* Gần đây, trong các chương trình của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nơi anh đang công tác ít thấy có sự xuất hiện của Lê Vũ Long. Vì sao vậy?
 
Đoàn múa Nơi Đến trong chuyến lưu diễn tại Italia
 
- Nhà hát không có nhiều việc, nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn lên cơ quan để cầm cự, duy trì... Chúng tôi không phải không biết làm gì, nhưng quan trọng là người ta sử dụng chúng tôi vào việc gì. Nghệ sĩ trên 35 tuổi rất nhiều kinh nghiệm sống, kinh nghiệm diễn xuất nhưng hầu như không được sử dụng. Năm 1999 - 2000, tôi học và làm việc tại Pháp. Năm 2000 tôi trở về nước, và cho tới giờ, cơ quan chưa sử dụng tôi vào việc gì về biểu diễn, toàn là tôi sử dụng tôi. Tất nhiên, tôi có tham gia biểu diễn cho Nhà hát, nhưng chỉ trong trường hợp người đảm nhận vai diễn vì lý do đột xuất không tham gia được. Đó là tôi diễn vai có sẵn. Chứ chuyện đạo diễn nói rằng thử làm với tôi vai diễn này, vai diễn kia thì từ nhiều năm nay đã không xảy ra.
 
Công việc ở nhà hát của chúng tôi nhiều năm nay không thay đổi, chúng tôi làm việc mà không có kế hoạch. Anh em hay gọi kế hoạch biểu diễn của nhà hát là “bí mật quốc gia” vì thường xuyên chúng tôi chỉ được biết ngày diễn trước 1 tuần. Và vì không có đủ điều kiện cho việc chuẩn bị nên chất lượng nghệ thuật ở mức thấp. Nó không giống như ước mơ của nhiều người đặt ra vì thiếu kinh phí hoạt động. Hiện tại, nhiều đoàn nghệ thuật cũng thiếu kinh phí hoạt động do chưa được quan tâm. Tôi nghĩ, nếu nhà nước không chăm sóc thì nghệ thuật sẽ chỉ sống thoi thóp gọi là có, chứ không thể định hình và phát triển được... Nghệ sĩ ballet đi diễn nhà hàng, chạy show quán bar, các chương trình ca nhạc, sáng ra mệt mỏi, đến nhà hát thì làm gì còn thiên nga với hoàng tử nữa. Hát opera, thính phòng mà tối đi hát phòng trà thì còn đâu... Đấy là thực tế mà nhiều người biết. Nghệ sĩ không muốn làm thế, nhưng đơn giản vì đồng lương ít ỏi không đủ nuôi họ sống. Tôi làm 15 năm ở nhà nước lương tháng 1,7 triệu đồng, lo cho bản thân mình không đủ nói gì đến chuyện lo cho 2 đứa con.
 Nghệ sĩ Lê Vũ Long cùng vợ
* Không thể tin được là 8 năm nay anh không được sử dụng vào việc gì?
 
- Lúc tôi mới ở Pháp về, ông Nguyễn Công Nhạc là giám đốc Nhà hát. Tôi có đề xuất việc để phù hợp xu thế phát triển cũng như lịch sử Nhà hát, nên thành lập một đoàn múa đương đại. Thực tế, Nhà hát là cái nôi mà các nghệ sĩ múa đương đại quốc tế đến để liên hệ làm việc. Đây cũng là nơi đầu tiên ở Việt Nam cử người đi học về nghệ thuật múa mới, con số khoảng 20 người. Nhà hát có công gây dựng ra cả một nền tảng múa như vậy, từ những năm 1990, nhưng tại sao không thành lập đoàn múa đương đại cho nghệ sĩ hoạt động chuyên sâu mà để họ cứ phải chạy đi chạy lại giữa các loại hình múa khác nhau theo kiểu “đa di năng”. Tôi đề xuất và chờ đợi. Nhưng sau hai năm tôi không thể chờ được nữa. Tôi được cử đi học về múa đương đại, về nước không đến cơ quan thì làm gì. Nhưng đến Nhà hát thì tôi phải tập múa ballet. Điều đó hoàn toàn phi lý, và lãng phí. Tất nhiên tôi đã từng học ballet, nhưng sau quá trình tìm ra tiếng nói nghệ thuật phù hợp tôi không muốn trở lại làm công việc cũ nữa... Với công việc người ta giao tôi vẫn làm, vì tôi ăn lương nhà nước. Nhưng tôi không được đóng góp những gì tôi đã được học ở nước ngoài, được yêu thích với công việc mình đang làm. Sau năm 2001, khi không thể chờ nữa thì tôi và vợ bắt tay thành lập đoàn múa Nơi Đến. Và cho đến giờ, ở Nhà hát vẫn chưa có một đoàn múa như tôi đã đề xuất. Những nghệ sĩ múa đương đại lúc phải diễn dân gian, lúc phải diễn ballet cổ điển, cơ hội diễn những cái họ được học thì rất ít vì chưa có quy chế làm việc cho họ. Cũng có một số anh em tự sáng tác và tổ chức biểu diễn, nhưng họ tự tìm nguồn tài chính, tự cân đối lịch làm việc tại cơ quan và phải nhận được sự giúp đỡ từ ban giám đốc cho việc xin cấp giấy phép biểu diễn, thuê nhà hát...
 Nghệ sĩ Lê Vũ Long cùng vợ (nghệ sĩ múa Thu Lan) và các con
* Vậy thì vì sao anh vẫn đều đặn đến cơ quan thường xuyên để nhận đồng lương ít ỏi và phải ép mình làm công việc mình không yêu thích?

- Tôi đã một vài lần xin lãnh đạo Nhà hát cho nghỉ, lý do không phải tôi có công việc khác, vì tôi làm việc cho Trung tâm UNESCO Phát triển Văn hóa và Thể thao (với cương vị giám đốc - NV) là không lương. Ở đấy có điều kiện pháp lý cho tôi và những người khác làm việc chứ hoàn toàn không có lương. Tôi xin nghỉ công việc ở Nhà hát vì nó làm mất của tôi quá nhiều thời gian. Hàng ngày cứ phải đến mà không làm gì cả. Thậm chí một buổi sáng uống 5 ấm trà, đi một vòng lên, rồi xuống, đến giờ về ăn trưa. Mình ăn lương, mình không đến cơ quan không được. Hàng tháng, lĩnh số tiền không đủ sống, nhưng nếu không làm thế mà cầm tiền thì mình xấu hổ. Tôi được 1,7 triệu đồng, nhưng nhiều anh em khác làm việc hợp đồng ở đây chỉ được 600.000 đồng/ tháng sau khi học 7 năm ở trường múa ra. Tôi không muốn đối mặt với những chuyện như thế, quá chán nản, nhìn cuộc sống nghệ sĩ quá đau xót... Lý do cứ đến đây thực ra cũng là vì chưa biết làm nghề gì khác. Vợ chồng chúng tôi chưa thử, nhưng cũng chưa nghĩ tới chuyện thử. Thu Lan học ballet từ nhỏ, ở môi trường tốt là Nga, chả nhẽ lại vác cái mặt này ra chợ bán quần áo!? Tôi cũng chưa từng kinh doanh, buôn bán, đúng là từ bé chỉ biết mỗi việc làm nghệ thuật. Nói phải thay đổi thì thâm tâm rất muốn, nhưng chưa biết phải làm cái gì. Vì thế việc đến đây hàng ngày là việc rất bế tắc, tôi vẫn thường suy nghĩ là làm thế nào, nhưng mãi vẫn chưa nghĩ ra.

Vì sao cứ phải đì đẹt trong đau khổ mà không vươn ra?!

* Đoàn Nơi Đến cũng là một lối thoát và là “con đường sáng” với anh đấy chứ?

- Đó là lối thoát về mặt tư tưởng, để sướng về nghề nghiệp và ngoài ra là mua việc vào người. Nếu chỉ chuyên tâm làm nghệ thuật là sướng nhất, nhưng tôi lại vẫn phải lo từ A đến Z và rất mệt mỏi. Lo kinh tế là một, chuyện tìm tới những thị trường biểu diễn mới mới là nỗi lo... Đang ở một khu vực hoạt động như nước mình, sang nước ngoài, mình phải tìm hiểu xem họ làm việc ra sao để cho phù hợp.

* Anh và Nơi Đến từng gây tiếng vang trong công luận với Chuyện của chúng mình, rồi Mắt bão và những dự án hợp tác rầm rộ với các tổ chức quốc tế. Song gần đây Nơi Đến cũng khá trầm lắng?

- Tôi tìm một cách làm việc khác của riêng mình. Mấy năm gần đây, thậm chí tôi và đoàn múa Nơi Đến còn làm việc nhiều hơn trước, chỉ có điều ít xuất hiện trên báo chí Việt Nam. Tôi tránh vì các thông tin tôi đưa ra thường được đăng tải không như những gì tôi nói. Với tôi các kênh thông tin như đài, báo... rất quan trọng trong việc đưa nghệ thuật đến gần hơn với công chúng, thế nhưng họ hay viết nhầm và sai. Điều này vô cùng nguy hiểm, nên tôi chọn cách im lặng và làm việc. Các thành viên của Nơi Đến đều là những người khiếm thính, họ không học múa theo cách thông thường. Tôi đã học được từ họ cách để lắng nghe cuộc sống.

* Không ít lời đồn đại rằng, vợ chồng anh đã giàu lên nhờ những chương trình biểu diễn và những dự án tính bằng USD?

- Tôi xin khẳng định chưa có chuyện bán vé thu tiền từ hoạt động biểu diễn của các diễn viên đặc biệt. Điều đó chỉ có thể làm được khi chúng tôi có được khán giả. Ở Việt Nam, nghệ thuật múa vẫn chưa có khán giả, trong trường học từ bậc tiểu học cho tới trung học các em không được dạy về thẩm mỹ nghệ thuật hoặc được dạy rất sơ sài, đây là một trong những lý do chúng ta không có tầng lớp khán giả trẻ. Công chúng không xem, không thưởng thức nghệ thuật vì họ không hiểu và cảm thấy xa lạ.

Trong khi ở các nước phát triển, nghệ thuật múa đương đại được chính phủ quan tâm và đầu tư nhiều mặt, thì ở Việt Nam chả mấy người quan tâm... Chúng tôi cũng nghĩ mình là người Việt Nam thì nên có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng thời gian gần đây, các buổi biểu diễn ở trong nước phải cắt giảm, bởi vì đằng nào thì diễn ở đây cũng không có khán giả. Mà số kinh phí nhỏ giọt vô cùng khó khăn mới xin được cũng không đủ để trang trải... Nếu cứ tồn tại như thế thì quá mệt mỏi. Trong khi mình có đủ sức, đủ lực, đủ trình độ để đến với những thị trường nghệ thuật lớn. Vậy thì vì sao mình lại cứ phải đì đẹt trong đau khổ mà không vươn ra?!

Vì thế, vài năm gần đây, tôi chủ yếu hướng tới thị trường nước ngoài. Các tổ chức ở bên đó lo mời đoàn sang, lo địa điểm, bán vé... Họ kinh doanh nghệ thuật, thu lại phần tiền họ bỏ ra, còn mình thì được làm công việc mình yêu thích và cũng được trả thù lao cho công việc đó.

* Và anh cũng lo được cho 12 diễn viên trong đoàn Nơi Đến đủ sống?

- Tôi không lo cho họ được cái gì cả. Chúng tôi chỉ làm việc trên các dự án biểu diễn. Năm 2007 để tổ chức cho đoàn lưu diễn tại 4 thành phố ở Mỹ tôi đã mất một năm rưỡi để chuẩn bị trước đó. Năm nay hai chuyến lưu diễn (một vào tháng 3 và chuyến vừa qua) cũng đã lấy của tôi mất một năm. Vợ chồng tôi luôn mong muốn tìm được nguồn tài trợ đủ để trả cho những diễn viên khiếm thính này đồng lương ít ỏi. Nhưng đã nhiều năm trôi qua, chúng tôi chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề này.

* Nhưng để tồn tại và phát triển, không thể “ăn đong” như vậy. Anh đã tính tới kế hoạch lâu dài?

- Tôi có những dự tính và lịch trình cho các hoạt động, nhưng bây giờ là giai đoạn cần sự hợp tác của nhiều bên thì mới thực hiện được. Sống trong một đất nước mà các cơ quan quản lý chưa quan tâm tới nghệ thuật đương đại, khán giả không biết tới nghệ thuật múa đương đại, nghệ sĩ thử nghiệm với cái mới thì bị cho là những thằng điên..., theo bạn tôi phải làm gì? Nói tới ước mơ thì không thực tế. Thôi tự lo cho nhau, trót mang cái nghiệp với nghệ thuật, trót yêu nó rồi thì phải theo đuổi nó. Đến giờ tôi chỉ có những ước mơ cỏn con, như một chỗ tập cho các bạn, hay những đồng tiền nhỏ để trả lương cho diễn viên, nhưng 4-5 năm nay chưa làm nổi dù đã đến không ít nơi, gặp gỡ cả các nhà quản lý, doanh nghiệp...

Phải chấm dứt tình trạng “con khóc thì mẹ mới cho bú”

* Không dám mơ nữa, nhưng không phải là những loại hình nghệ thuật như múa đương đại mà anh đang theo đuổi không thể có lối thoát...

- Ở nhiều nước, các nhà kinh doanh phải đóng thuế rất nhiều. Chính phủ ở các nước đó có chính sách giảm thuế kinh doanh cho các doanh nghiệp nếu đầu tư cho nghệ thuật. Sự ưu đãi này hậu hĩ tới mức, doanh nghiệp cảm thấy có lợi hơn khi đầu tư cho nghệ thuật. Các nước tôi từng đi tới đều làm như vậy, vì thế nghệ thuật có cơ hội được phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong cộng đồng... Tôi lấy một ví dụ đơn giản. Năm 2007, Tập đoàn viễn thông Altimo của Nga vào thị trường Việt Nam. Năm 2008, họ đưa Đoàn ballet Bolshoi nổi tiếng nhất ở Nga vào biểu diễn và ký thỏa ước tài trợ cho các nghệ sĩ Việt Nam. Họ làm như thế để khi có hiệp ước ấy, ở Nga họ được giảm thuế, điều ấy mang lại cho họ nhiều lợi ích... Ở ta có những quỹ hỗ trợ và phát triển nghệ thuật của nước ngoài, nhưng của Việt Nam thì chưa có. Người Việt phải đi xin của nước ngoài. Mà thực tế chỉ có một vài quỹ như thế, đi xin mãi, nhìn thấy mặt nhau đã chán lắm rồi... Đây là định hướng về mặt chính sách nhà nước, cá nhân tôi không thể làm gì được.

Tôi cũng khá băn khoăn khi nhiều doanh nghiệp ở ta sẵn sàng bỏ hàng tỉ đồng để làm một chương trình truyền hình trực tiếp miễn sao gắn logo của mình trên đó. Tất nhiên các doanh nghiệp coi việc tiếp thị, quảng bá hình ảnh thương hiệu là quan trọng, nhưng nếu việc tiếp thị được tính toán thì sẽ hiệu quả và có văn hóa hơn. Việc này cần sự tham gia định hướng từ chính phủ và các ban ngành liên quan, để làm sao phía nhà đầu tư có lợi và nghệ thuật có cơ hội phát triển. Ngay một nhà hát quốc gia như Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cũng đang phải loay hoay tìm kiếm những đồng tiền nhỏ để bù đắp được vào chuyện in vé, thuê rạp... Nghệ thuật của mình đang là nghệ thuật... chết đói, chứ có đủ để ăn đâu, nói gì đến chuyện phát triển.

Tôi được biết, về chủ trương, “đặc sản” của Việt Nam mang ra nước ngoài là rối nước, là các loại hình nghệ thuật dân gian... Tôi từng ra nước ngoài, từng nghe dư luận nhiều nhà tổ chức biểu diễn nghệ thuật nói rằng, đầu tiên họ thấy rất hay, nhưng sau có thành phố một năm biểu diễn đến hai chương trình giống nhau của các đoàn nghệ thuật khác nhau đến từ Việt nam suốt trong vòng 6 năm nay. Chẳng nhẽ Việt Nam không có “đặc sản” văn hóa khác? Lý do thì nhiều, tôi không muốn nói ra, nhưng ở đó có sự lười biếng, thiếu sáng tạo và vô trách nhiệm...

* Vậy thì múa đương đại sẽ cần “thực phẩm” gì để nuôi sống nó?

- Thực phẩm cho một “em bé” không cần nhiều, quá béo hoặc quá bổ dưỡng. Nhưng nhất thiết phải đủ theo từng thời kỳ phát triển để nó không sinh bệnh hoặc gây lãng phí.

Tôi thì không đặt ra cái quá to, chỉ là những cái nhỏ, nhưng đến giờ tôi mới thấy, để đặt nền móng cho những loại hình nghệ thuật mới phát triển, đây là giai đoạn cần sự tham gia của chính phủ, các nhà quản lý và những nhà đầu tư nghệ thuật nếu chúng ta mong muốn trong tương lai sẽ giới thiệu một hình ảnh Việt Nam đương đại tới thế giới. Đấy không phải là công việc riêng của nghệ sĩ, mà còn là công việc và trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa và của các nguồn lực khác trong xã hội. Nghệ sĩ đã làm đến vậy. Nghệ sĩ đã làm tốt phần việc của mình, thì các nhà quản lý cũng phải làm tốt công việc của họ đi. Cần chấm dứt tình trạng “con khóc thì mẹ mới cho bú” như thời bao cấp vậy. Các nhà quản lý cần nhìn thấy rằng đầu tư cho nghệ thuật mới phát triển cũng chính là đầu tư phát triển xã hội.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
 
Thu Hằng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm