09/02/2025 09:05 GMT+7 | Văn hoá
Vào ngày 12/2 (ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ) tới đây, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 với chủ đề Tổ quốc bay lên sẽ diễn ra tại TP Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là lần đầu tiên sự kiện thường niên này được tổ chức tại một địa phương khác ngoài Hà Nội.
Theo đó, tại cuộc họp báo diễn ra sáng 6/2 ở Hà Nội, Ban tổ chức cho biết, năm nay, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình để triển khai ý tưởng và chủ trương của Hội Nhà văn Việt Nam đưa ngày thơ quốc gia đến với công chúng rộng rãi trong cả nước. Những năm tiếp theo, ngày thơ hằng năm có thể được tổ chức tại các địa phương khác nhau, tùy thuộc vào chủ đề của năm đó.
Chuyển động mới
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) nhấn mạnh: "Ngay từ đầu nhiệm kỳ của BCH Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, chúng tôi đã có chủ trương đưa ngày thơ di chuyển qua nhiều vùng đất. Điều này làm cho thơ ca trực tiếp chia sẻ, gặp gỡ và cất tiếng ở những vùng miền khác nhau trên đất nước. Và, trên đất nước của chúng ta, ở vùng miền nào cũng vậy, con người rất yêu thơ ca".
"Ngay cả ở làng Chùa bé nhỏ của tôi, cách trung tâm Hà Nội rất xa, tình yêu thi ca vẫn luôn hiện hữu. Trong hương ước của làng tôi, có đoạn: "Làng ta không phải làng trạng nguyên, bảng nhãn, nhưng là làng hiếu học tự ngàn xưa. Người làng ta lấy đức làm gốc và lấy thơ để truyền đức" - ông Thiều bày tỏ - "Việc mang Ngày thơ Việt Nam đến với mọi vùng miền của đất nước chắc chắn đều sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt. Bởi thơ ca là một phần quan trọng trong căn cước văn hóa của người dân Việt Nam. Họ có thể không trở thành nhà thơ, những bài thơ của họ có thể rất vụng về nhưng qua thơ ca họ luôn luôn bày tỏ con người, khát vọng và giấc mơ của mình".
"Sau Ninh Bình, những năm tiếp theo ngày thơ có thể diễn ra tại Khu di tích Pác Bó (Cao Bằng), núi Nhạn (Phú Yên), cố đô Huế, TP.HCM…" - ông Thiều cho biết - "Trong nhiệm kỳ tới, BCH Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tiếp tục làm cho ngày thơ lan tỏa. Thi ca luôn chứa đựng những vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam, những thông điệp về hòa bình, cùng những khát vọng lớn. Và, một trong những mục tiêu quan trọng của ngày thơ chính là lan rộng những vẻ đẹp, thông điệp đó trên khắp các vùng miền của đất nước".
Cùng "Tổ quốc bay lên"
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 diễn ra trong một thời điểm đặc biệt. Đó là dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Đây cũng chính là lý do để Ban tổ chức chọn chủ đề Tổ quốc bay lên, lấy cảm hứng từ câu thơ "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân" trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân.
"Tôi nghĩ rằng, thơ ca là một trong những phương tiện cho con người một đôi cánh của trí tưởng tượng, của những giấc mơ để bay lên" - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ - "Tổ quốc bay lên" cũng có nghĩa là mỗi con người phải đập cánh bay lên ở trong giấc mơ của họ, trong khát vọng của họ. Và như thế, ý thức về dân tộc, nguồn cội, ý thức về con người và ý thức của thời đại sẽ trở nên sáng rõ hơn".
Bám sát tinh thần này, ông Thiều cho hay, "Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 sẽ dựng lại lịch sử thơ ca Việt Nam trong các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc với sự hội tụ của các nhà thơ của nhiều thế hệ, nhiều vùng miền. Những bài thơ được cất lên trong ngày thơ dẫu được viết trong chiến tranh hay hòa bình đều tỏa rạng vẻ đẹp của con người Việt Nam và chắp cánh cho một thời đại mới".
Tại đêm thơ, công chúng sẽ được lắng nghe tác phẩm của các nhà thơ: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Lệ Thu, Trần Đăng Khoa, Phan Hoàng, Nguyễn Việt Chiến, Trần Kim Hoa, Đinh Thị Như Thúy… và các nhà thơ trưởng thành từ Đổi mới đang tạo được ấn tượng trên văn đàn: Nguyễn Bảo Chân, Nguyễn Tiến Thanh, Nguyễn Quang Hưng, Phùng Thị Hương Ly…
Bên cạnh các màn tác giả trực tiếp đọc thơ, đêm thơ còn có các tiết mục ngâm thơ với các tác phẩm: Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dục Thúy sơn của Trương Hán Siêu, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân, Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi của Nam Hà. Đặc biệt, ngày thơ năm nay có sự tham gia của nhà thơ cựu chiến binh Mỹ Bruce Weigl với bài thơ gửi một người mẹ Việt Nam.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình cũng sẽ có những bài hát phổ thơ của các nhà thơ Việt Nam như: Đường chúng ta đi (thơ Xuân Sách, nhạc Huy Du), Tổ quốc gọi tên mình (thơ Nguyễn Phan Quế Mai, nhạc Đinh Trung Cẩn)…
Trong khi đó, không gian ngày thơ sẽ trưng bày poster của 20 nhà thơ Việt Nam tiêu biểu được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; các bài thơ cổ và hiện đại về vùng đất Ninh Bình.
Khẳng định trách nhiệm của nhà thơ
Cùng với đêm thơ, một trong những hoạt động quan trọng khác của ngày thơ năm nay đó là tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.
Theo Ban tổ chức, tọa đàm hướng tới thông điệp: Với tư cách người cầm bút, nhà thơ phải luôn có khát vọng khám phá và chinh phục những chân trời nghệ thuật đang đặt ra hằng ngày, thậm chí hằng giờ khi ngồi trước trang giấy trắng. Nhưng với tư cách một công dân, bằng sáng tác của mình, người cầm bút phải thể hiện trách nhiệm với đất nước, dân tộc và nhân loại tiến bộ trên thế giới; bởi nếu thiếu những điều đó thì tác phẩm văn chương sẽ không còn nhiều ý nghĩa.
Chia sẻ tại họp báo, nhà thơ Trần Anh Thái (Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam) nhấn mạnh, trách nhiệm trước tiên của nhà thơ, đó là trách nhiệm nghệ thuật. Ở đây, mỗi nhà thơ khi sáng tác phải có ý thức tìm tòi, đổi mới, cách cân cả về hình thức thơ ca, lẫn tư tưởng, nội dung tác phẩm. Việc này sẽ tạo nên một nền thơ ca có sức sống, có tư thế, có nền tảng để phát triển mạnh mẽ.
Cùng với trách nhiệm nghệ thuật, nhà thơ không thể thiếu trách nhiệm xã hội. Như lời nhà thơ Trần Anh Thái, "nhà thơ không thể tách khỏi đời sống, một xã hội đang đổi mới, một thời đại vươn mình như hiện nay. Trước bối cảnh này, nhà thơ phải hòa vào dòng chảy chung của đất nước và khát vọng chung của dân tộc. Với khát vọng này đòi hỏi nhà thơ là phải có một trách nhiệm xã hội như chúng ta đã từng có".
Còn ở khía cạnh khát vọng của nhà thơ, ông Thái nhấn mạnh đến việc bên cạnh mong muốn viết thơ hay, có tác phẩm được xã hội công nhận, các nhà thơ còn phải có khát vọng đưa nền thơ ca dân tộc có thể sánh vai cùng với các dân tộc khác trên thế giới. Để làm được điều này, ông Thái đề xuất cần nâng cao chất lượng thơ cũng như đầu tư cho công việc dịch thuật tốt hơn.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất