Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025: Chuyển đổi số, đưa sách gần công chúng hơn

09/04/2025 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Với các thông điệp: "Văn hóa đọc - Kết nối cộng đồng", "Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", "Đọc sách - làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo", Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 2/5/2025 trên toàn quốc.

Khuyến khích phát triển văn hóa đọc

Từ lâu đọc sách đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của nhiều người. Từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha đã có "Ngày hội đọc sách". Vào ngày lễ Thánh George (23/4), người ta tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng. Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình. Và từ năm 1995, UNESCO đã chính thức chọn ngày 23/4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới .

Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam (nay là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam-Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 4/11/2021) nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025: Chuyển đổi số, đưa sách gần công chúng hơn - Ảnh 1.

Nhiều học sinh ở thành phố Việt Trì tham quan tại Hội Sách đất Tổ năm 2025. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN

Hằng năm, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn, không chỉ ở các tỉnh, thành phố mà đã được chú trọng triển khai đến địa bàn cơ sở, vùng nông thôn, miền núi, những nơi còn khó khăn. Qua Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trên cả nước đã xây dựng được phong trào đọc, viết, quảng bá, lưu giữ sách trong mọi tầng lớp nhân dân, lan tỏa thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay diễn ra với đa dạng các hoạt động, như: Ngày hội với các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật; Giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc, tôn vinh người đọc, người sáng tác, người làm thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và góp phần phát triển văn hóa đọc…

Sách - nguồn tri thức quý của mọi thời đại

Từ xa xưa, trong xã hội loài người, nền văn hoá nào cũng có những công cụ và phương tiện vật chất đặc trưng cho thời đại của mình để xã hội, cộng đồng sinh tồn và phát triển. Trong số các công cụ và phương tiện vật chất ấy, sách được coi là một sản phẩm diệu kỳ, một phương tiện hữu hiệu để truyền đạt tư tưởng, tình cảm, cả ý nghĩ và kinh nghiệm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sách không những có thể hợp nhất không gian, mà còn hợp nhất được cả thời gian, bởi khi mở một cuốn sách có thể biết được điều người khác đã nói, đã làm cách ta hàng vạn dặm; hay biết được cuộc sống và sinh hoạt của những người đã sống cách ta nhiều thế kỷ trước...

Trong tiến trình văn minh của nhân loại, sách luôn luôn đóng vai trò là nguồn kiến thức, là phương tiện và là một công cụ để sáng tạo và nhận thức thế giới. Trên thế giới, người dân các nước vẫn duy trì thói quen đọc sách in truyền thống. Sách vẫn là một phương tiện có sức lan tỏa mạnh mẽ để truyền đạt kho tàng tri thức của nhân loại, đồng thời mang lại những suy nghĩ, cảm xúc riêng cho mỗi người.

Cho dù xã hội phát triển cao hơn nữa, thì sách vẫn không mất đi giá trị văn hoá truyền thống lâu đời vốn có của nó. Đơn giản bởi sách đã gắn bó với con người qua hàng nghìn năm lịch sử và sách vẫn là nguồn sống quí giá nhất mà không có món ăn tinh thần nào có thể so sánh được.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2025: Chuyển đổi số, đưa sách gần công chúng hơn - Ảnh 2.

Ảnh tư liệu: Thu Hoài - TTXVN

Chuyển đổi số, đưa sách gần công chúng hơn

Để phát huy hơn nữa giá trị của sách, những người làm xuất bản, in, phát hành đã chủ động chuyển đổi, kết hợp hài hòa thói quen của người đọc để lựa chọn sách, đưa sách đến gần hơn với họ thông qua môi trường số.

Nhiều nhà xuất bản, công ty sách chuyển dần hướng tiếp cận bạn đọc từ sách in sang sách điện tử. Hiện cả nước có 31 nhà xuất bản điện tử, chiếm 54% số nhà xuất bản, 27 cơ sở phát hành phát hành điện tử; với sự gia tăng đáng kể về số lượng sách điện tử, sách nói và đặc biệt là các loại sách tương tác đa phương tiện. Đây là một bước chuyển mạnh mẽ, giúp ngành xuất bản hiện đại hóa và mở ra nhiều cơ hội tiếp cận đối tượng độc giả trẻ.

Nếu như năm 2015, cả nước mới chỉ có hơn 1.000 đầu sách điện tử được xuất bản thì tới năm 2023, toàn ngành có tới 4.600 đầu sách điện tử được xuất bản. Số lượt nghe sách nói năm 2023 đạt 40 triệu lượt, tăng 25% so với năm 2022. Ước tính, doanh thu toàn thị trường sách nói ước đạt khoảng 120-130 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% tổng doanh thu toàn ngành.

Một số nhà xuất bản cũng đã liên kết với các công ty công nghệ để xây dựng các phần mềm, hệ điều hành xuất bản điện tử hiện đại để áp dụng vào hầu hết các khâu trong quy trình xuất bản, phát hành.

Cùng với đó, tại nhiều địa phương, thư viện tỉnh linh hoạt tổ chức các triển lãm, hội sách trực tuyến trên các nền tảng công nghệ; hội sách trực tiếp kết hợp với trực tuyến; hội sách thanh toán không sử dụng tiền mặt; quảng bá sách và văn hóa đọc trên các chuyên mục báo điện tử, mạng xã hội…

Không chỉ có sách in, người đọc cũng từng bước quen với các loại hình sách mới, như: Ebook (sách điện tử), audio book (sách nói), video book (sách có video), Interative book (sách tương tác), CD-Rom, DVD-rom… Cùng một nội dung, người đọc có thể lựa chọn tiếp cận dưới nhiều hình thức khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu, sở thích và điều kiện của bản thân.

Như vậy, không chỉ trong khuôn khổ các hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, những năm qua, phong trào đọc sách, đưa sách đến với người đọc đã lan tỏa, trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống. Qua đó, cũng tạo cơ hội để các đơn vị xuất bản, phát hành đưa sách hay, sách mới đến cộng đồng, khuyến khích người viết, người đọc, giúp thị trường sách sôi nổi, đóng góp tích cực không chỉ về mặt tri thức, mà cả kinh tế cho đất nước… 

Phương Anh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm