Những người chưa già đã lên lão

19/07/2014 15:09 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Có tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hàng chục tỷ đồng, nhưng cho đến thời điểm này, Đoàn Việt Cường thậm chí còn không có chốn dung thân. Một nguồn tin cho biết, Việt Cường hiện đang sống tạm trên căn gác nhà Quang Thanh, đồng nghiệp và là đồng đội cũ của anh trong màu áo ĐTQG.

1. Việt Cường quê Tam Nông, Đồng Tháp. Từ nhỏ, Cường đã nổi tiếng là người chạy khoẻ nhất nhì huyện. Khi vào đội năng khiếu tỉnh Đồng Tháp, rồi lên đội 1, cầu thủ này vẫn không ngừng tập bổ trợ.

Theo lời kể của người bạn “nối khố”, mỗi sáng, Cường chạy “tập thể dục” vài chục km là chuyện thường. Và để chống lại nỗi sợ hãi, Cường thường nhờ người bạn đạp xe phía trước, còn mình chạy phía sau.

Năm 2005, khi mới 20 tuổi, Việt Cường, khi ấy vẫn là thàng viên ĐT U20 QG, thuộc biên chế Trung tâm huấn luyện Thể thao quốc gia 2, nhưng nhanh chóng được đôn lên đội 1 Đồng Tháp.

Năm 2007, Việt Cường, 23 tuổi, trở thành một trong những đội trưởng trẻ nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam cấp CLB. Điều đó nói lên phần nào sự tiến bộ của Cường, đại biểu ưu tú cho thế hệ của anh.

Cần chắc rằng, thời điểm đó, bóng đá xứ Tràm Chim vẫn còn đủ những anh tài lứa trước. Tài năng của Việt Cường giúp anh giành một suất đến SEA Games 2007 tại Nakhon Rachasima vào cuối năm 2007.

Song, cũng như Phong Hoà năm 2007, khi ĐT Việt Nam đã ghi tên mình vào đến vòng tứ kết Asian Cup và lọt tới vòng đấu loại trực tiếp Olympic Bắc Kinh 2008, Cường vẫn là một cầu thủ chân chất.

Sự tiến bộ của Việt Cường là điều không phải bàn cãi. Tất nhiên, anh là nòng cốt của ĐT Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, với một suất cứng bên hành lang cánh trái vốn không phải sở trường. Chức vô địch Đông Nam Á cho Cường bệ phóng với những bản hợp đồng tiền tỷ ở HA.GL và N.Sài Gòn sau đó. Ít ai biết rằng, đó là bắt đầu cho một sự trượt dài, cả về sự nghiệp lẫn cuộc sống cá nhân.

2. Việt Cường là một con người sống tình cảm, ngay cả lúc vinh quang đến khi thất thế. Điều này có thể kiểm nghiệm thông qua những người bạn của anh, các mối quan hệ xã hội, thậm chí ngay cả những người tình ngắn ngày.

Tuy nhiên, sự phóng khoáng không cần thiết ở một vài tình huống cụ thể, đó cũng chính là nhược điểm của anh. Ngay lúc này, Việt Cường cô đơn hơn bất cứ thời điểm nào khác.

Khi thất thế tại XMXT.Sài Gòn, đội bóng mua lại N.Sài Gòn, Cường đã bắt đầu mất phương hướng. Và khi cái tên cuối cùng mình có thể còn bám víu giải thể trước 2 lượt trận cuối mùa giải 2013, Cường đã gõ cửa từng người bạn.

Nhưng phần lớn đều lắc đầu. Chưa bao giờ nghiệt ngã thế, Việt Cường chấp nhận làm lại bằng con số không (sự nghiệp), với việc thử việc ở hàng loạt các CLB, song tất cả đều không ăn thua.

Đầu mùa hạng Nhất 2014, Việt Cường về khoác áo CLB TP.HCM, đội bóng chỉ vừa mới giành suất lên hạng. Đó là điều khó chấp nhận với một nhà vô địch Đông Nam Á, một cựu đội trưởng một đội bóng chuyên nghiệp và một cầu thủ từng có giá chuyển nhượng lên đến chục tỷ đồng. Nhưng, thời thế mà. Tiếc rằng, Việt Cường tuy mới ở tuổi 29, song đã không bao giờ tìm lại hình ảnh của mình ngày xưa nữa.

Có quá nhiều những người như Việt Cường, những cầu thủ chưa già đã lên lão. Nguyên nhân và lý do thì nhiều, và chắc rằng, tiên trách kỷ hậu trách nhân. Ở những kỳ sau, chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về vấn đề này. Cường hiện giờ ở đâu, làm gì và suy tính gì cho tương lai, đó mới là điều đáng bận tâm. Tiếc cho Cường, một cầu thủ tài năng và tiếc cho cả thế hệ của anh, một thế hệ cũng đầy tài năng.

Việt Cường sinh năm 1985, được liệt vào hàng tài năng nhất thế hệ của anh ở khu vực phía Nam. Tất nhiên, khi bóng đá Việt Nam tập hợp được các cầu thủ giỏi cùng lứa, chúng ta có quyền mơ ước danh hiệu.

Và ĐT Việt Nam đã lên ngôi vô địch AFF Cup 2008. Đó là bệ phóng, là nấc thang, nhưng tiếc rằng, đó lại là cột mốc duy nhất và cuối cùng để người ta nhắc đến thế hệ của Việt Cường. Một trong những sự mất mát đáng tiếc nhất của bóng đá Việt Nam là Đoàn Việt Cường.


Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm