Ngày độc lập nghĩ về biển đảo

02/09/2012 13:40 GMT+7

Ngày độc lập năm nay, toàn dân hướng về biển đảo, một vùng thiêng liêng của tổ quốc đang còn bị chiếm đoạt.



Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 - Ảnh tư liệu

Di ngôn của Đức Trần Nhân Tông rướm máu trong mỗi lòng người: “Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác!”. Lời thề độc lập từ Hồ Chí Minh: “Toàn thể dân tộc VN quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng...” lại âm vang.

Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đang đặt ra cho chúng ta một cuộc đấu tranh rất gay gắt và vô cùng phức tạp.

Gay gắt là vì mưu đồ bành trướng thôn tính biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN của Trung Quốc là xuyên suốt, không đổi.

Phức tạp là vì chúng ta vừa quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vừa kiên trì giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng phương pháp hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế, cố gắng giữ gìn quan hệ hữu nghị, hợp tác láng giềng tốt với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

Tuy nhiên dù gay gắt và phức tạp đến đâu, chúng ta tin rằng sự nghiệp của mình là chính nghĩa, phù hợp với lợi ích của khu vực và lương tri của nhân loại thì nhất định sẽ đạt được thắng lợi.

Trung Quốc tuy có sức mạnh về kinh tế và quân sự hơn hẳn chúng ta, nhưng họ đang giẫm lên vết xe đổ của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thực hiện đường lối bá quyền lỗi thời, khiến cho càng ngày càng có nhiều trí thức trong nước lên tiếng phản đối, và bị cô lập trong khu vực và trên thế giới.

Để thu hồi được từng tấc đất của tiền nhân để lại, thế hệ hôm nay có trách nhiệm góp sức mau chóng tăng cường nội lực theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bất cứ hành động nào làm phân tán, chia rẽ sức mạnh dân tộc đều là tội ác.

Chấp nhận nhiều ý kiến khác nhau về phát triển đất nước, chỉ đòi hỏi một câu tuyệt đối phải giống nhau là: “Hoàng Sa, Trường Sa - Việt Nam!”.

Chúng ta chủ trương hợp tác cùng có lợi, nhưng không thể chấp nhận việc để cho Trung Quốc, đưa công nghệ lỗi thời, hàng dỏm, hàng kém phẩm chất làm rối loạn kinh tế và an ninh nước ta. Kinh tế đối ngoại phải góp phần làm tăng nội lực của nền kinh tế theo hướng phát triển chiều sâu, tăng tính cạnh tranh và bảo vệ môi trường.

Toàn cầu hóa đã làm cho mọi quốc gia muốn phát triển đều phải thuận theo xu thế thời đại. Đại hội 11 có một nhận định rất xác đáng là phải “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế”.

Thời đại đang chứng kiến làn sóng dân chủ hóa lần thứ tư. Toàn dân hy vọng cuộc sửa đổi hiến pháp lần này sẽ tiếp thêm cho dân tộc ta sức mạnh mới của thời đại.

Theo Lao động

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm