Giá vàng đi về nơi đâu?

08/11/2008 07:13 GMT+7 | Thế giới

Giá vàng trong nước đang có mức chênh lệch lớn với giá vàng thế giới, có lúc tới 2 triệu đồng/lượng. 

Biến động giá vàng năm nay có khoảng cách giá rất lớn, từ đỉnh giá khoảng 1.000 USD/oz, có lúc đã xuống đến 680 USD/oz. Cho đến thời điểm này, giá vàng lại quay về quanh mốc của cuối năm ngoái. Theo nhiều nhận định, biến động giá vàng sẽ chịu tác động lớn nếu kinh tế thế giới đi vào suy thoái. Vậy giá vàng sẽ biến động thế nào trong ngắn hạn và dài hạn? Sau đây là cuộc trao đổi với ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đại diện Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam quanh vấn đề này.

* Xu hướng giá giảm hiện nay do tác động của những yếu tố nào, thưa ông?

Giá vàng thế giới vừa qua, có lúc đã giảm sâu đến giá 680 USD/oz, chủ yếu là do các quỹ đầu tư quốc tế bán các hợp đồng tương lai để có thanh khoản bù đắp lỗ do những thiệt hại gánh phải trên các thị trường chứng khoán. Một nguyên nhân khác là do kinh tế thế giới đang bước đầu đi vào suy thoái cho nên giá tất cả các loại hàng hóa cơ bản đều giảm, trong đó có vàng và các kim loại quí khác. Tuy nhiên, mức giảm của giá vàng cũng đã trở về mốc giá cùng thời kỳ năm ngoái, tức là quanh mức 750 USD/ oz của đầu tháng 11/2007.

* Quy luật giá vàng thường giảm tại thời kỳ đầu suy thoái và tăng trở lại. Ông có nghĩ bây giờ là điều kiện để giá vàng theo kịch bản đó?

Những diễn biến vừa qua cho thấy rằng giá vàng có thể sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, khi Chính phủ Mỹ phải tung ra một lượng tiền mặt khổng lồ để cứu nền tài chính và các ngân hàng của Mỹ. Khi đó, tốc độ lạm phát tại Mỹ sẽ tăng cao, tạo điều kiện cho vàng tăng giá trở lại, tôi cho rằng vào vùng 850-950 USD/oz, có thể vào cuối năm 2008 hoặc đầu năm 2009.

* Hiện nay, thị trường vàng trong nước đang có một “sân chơi” riêng về giá. Theo ông vì sao lại có mức chênh lớn giữa hai thị trị trường này?

Giá vàng trong nước đang có mức chênh lệch lớn với giá vàng thế giới, có lúc tới 2 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là vì thị trường vàng trong nước không còn liên thông với thị trường vàng thế giới kể từ khi Nhà nước tạm ngưng việc nhập khẩu vàng chính thức (từ đầu tháng 6/2008 - PV). Trong những tháng vừa qua, khi giá vàng thế giới giảm sâu thì giá vàng trong nước cũng có giảm theo, tuy nhiên do mức cầu lớn hơn mức cung nên giá vẫn cao hơn giá thế giới. Một nguyên nhân khác là các đơn vị nhập vàng trước đây đã nhập với giá cao, nay không nhập được thêm vàng bổ sung nên chỉ bán ra được ở mức từ 16,5 đến 17 triệu VND/lượng là thấp nhất.

* Chênh lệch giá lớn như thế khiến nhiều nhà đầu tư khá e ngại khi mua vào. Nó tạo ra những nguy cơ gì, thưa ông?

Chênh lệch lớn này sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới vì đem lại siêu lợi nhuận cho người đi buôn. Về phía Nhà nước, buôn lậu vàng sẽ gây thất thu về thuế. Các doanh nghiệp, ngân hàng kinh doanh vàng chính quy sẽ sụt giảm doanh thu. Người tiêu dùng và nhà đầu tư lại vẫn phải mua với giá cao. Tóm lại chỉ có lợi cho giới buôn lậu. Trong tình hình mức lạm phát trong nước đã giảm, mức nhập siêu cũng đã được kiềm chế thì chúng tôi cũng mong Nhà nước xem xét việc cho nhập khẩu vàng chính thức trở lại trong năm 2009 ở mức độ vừa phải để cân đối cung - cầu và xóa bỏ tình trạng buôn lậu vàng.

* Nếu kinh tế thế giới đi vào suy thoái như người ta lo ngại, vàng sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?

Nếu kinh tế thế giới đi vào suy thoái thì mức tiêu thụ các loại nguyên liệu, hàng hóa như dầu thô, sắt thép,…đều sẽ sụt giảm, trong đó các loại kim loại quí, kể cả vàng cũng sẽ bị ảnh hưởng giảm giá trong thời gian đầu. Tuy nhiên, do vàng không phải chỉ là nguyên liệu cho ngành chế tác nữ trang mà còn là một công cụ thanh toán và đầu tư nên mức giảm giá của nó cũng sẽ không lớn như các loại hàng hóa khác. Khi kinh tế toàn cầu phục hồi trở lại thì giá vàng lại sẽ tiếp tục tăng cao như đã thấy trong các năm vừa qua.

* Giả thử Việt Nam giảm tăng trưởng và lạm phát cũng giảm mạnh, đi vào thiểu phát như một số dự báo thì giá vàng sẽ đi đến đâu?

Nếu nền kinh tế Việt Nam giảm tăng trưởng và lạm phát cũng giảm thì mức tiêu thụ vàng cũng sẽ bị ảnh hưởng sụt giảm tương xứng, vì mãi lực của người tiêu dùng cũng sẽ kém đi. Tuy nhiên, do vàng tiêu thụ tại Việt Nam đều phải nhập từ nước ngoài cho nên giá vàng trong nước cũng sẽ biến động thuận với giá quốc tế. Trong điều kiện giá vàng trong nước không tăng được do sức mua yếu trong khi giá vàng quốc tế tăng cao thì sẽ có hiện tượng xuất khẩu vàng từ Việt nam ra thế giới theo đường chính thức hoặc không chính thức như buôn lậu.

(Theo Vneconomy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm