Ngẫm ngợi cuối tuần: Tên đất

24/06/2023 09:43 GMT+7 | Văn hoá

Đi miền núi, tôi hay hỏi ý nghĩa tên thôn bản để hiểu thêm tung tích của vùng đất đó. Đến Trạm Tấu, một huyện của Yên Bái, mới biết Trạm Tấu có nghĩa là "cái nôi" (thung lũng dưới những dãy núi), cũng như quẩy tấu nghĩa là cái gùi dùng để dựng những gì cần thiết khi chợ búa hoặc đi nương.

Địa danh Tà Xùa chỉ là bãi chè chứ chẳng có gì huyền bí. Thế đấy, tên đất hình thành chỉ do đặc điểm địa lý hoặc sản vật hoặc các giá trị khác của nơi đó.

Ở khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang, tên đất nơi nào có chữ "Phó" thì đó là đất của người Lô Lô khai phá. Ví dụ như Phó Là, Phó Bảng, Phó Cáo...Người Lô Lô từ Trung Quốc di thực sang, họ lấy tên quê cũ Po Hạ đặt tên đất mới, như tinh thần vọng về cố hương. Chữ Phó là từ Po mà ra.

Những tên đất tên làng cổ giúp cho người nghiên cứu lịch sử đọc ra nhiều điều về sự phát triển, những biến thiên của vùng đất. Nên việc thay đổi tên đất phải hết sức thận trọng, nếu không dễ thành xóa dấu vết lịch sử dễ dàng nhất dù chỉ là vô tình...

Ngẫm ngợi cuối tuần: Tên đất - Ảnh 1.

"Đất Hà Nam Ninh" (1996, tranh giấy dó của Đỗ Đức, 60x80 cm)

Năm nay, nhóm từ thiện chúng tôi đến Giàng Chu Phìn, Mèo Vạc làm điểm trường ở thôn Tìa Cu Si. Tôi hỏi cô giáo Mông, Tìa Cu Si có nghĩa gì? Cô cười ngặt nghẹo, xấu lắm anh ơi, Tìa Cu Si là bãi phân dê, cứt dê thôi! Thì ra thế.

Tôi bồi hồi nghĩ, vậy xa xưa thì đây là vùng chăn nuôi dê của Mèo Vạc. cũng có thể là của người Lô Lô vì họ có gốc gác sống vùng hoang mạc với nghề chăn nuôi gia súc. Trong đàn gia súc thì dê là loài dễ nuôi nhất vì nó ăn bất kể lá cây gì, kể cả lá ngón cũng không hại được dê. Vậy là tôi đã phần nào thấy được quá khứ của vùng đất này.

***

Quê tôi, một làng ven sông Đuống có tên cũ là Hiệp Phù. Những năm sáu mươi thế kỉ trước, sáp nhập hành chính với làng Phù Ninh thành tên Ninh Hiệp. Ninh Hiệp có 9 thôn, chính quyền đánh số từ 1 đến 9 cho gọn. Mỗi thôn định danh bằng một chữ số chẳng có ý nghĩa gì. Thế là Ninh Giàng, Thọ Lão, Hạ Thôn không còn tên, chỉ còn là con số từ 1 đến 9 vô nghĩa. Thôn có tên dốc Thọ Lão có đặc điểm người sống rất thọ, giờ chỉ còn là thôn 5 vô hồn...

Mảnh đất tôi được sinh ra ở Đại Từ, Thái Nguyên là xóm Đồn. Xóm Đồn vài chục căn nhà xập xệ nằm rải rác quanh ngôi nhà gạch đầu tiên của chủ đồn điền Bùi Huy Khuê. Tên xóm Đồn hình thành như thế. Nhà tôi là một trong số đó... Đến kháng chiến chống Pháp, chủ đồn điền họ Bùi  chạy, ngôi nhà gạch thì đội tiêu thổ kháng chiến phá hủy, chính quyền đổi phéng tên xóm thành Lê Lợi. Còn xóm Đồng Giữa bên cạnh, là thôn ở giữa cánh đồng, của một họ Đạo thì thoắt cái thành xómQuang Trung.

Những cái tên đổi theo trào lưu có tính cổ vũ đó đó nó làm đứt gẫy một đoạn lịch sử. Sau này người làm dư địa chí sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì  lịch sử biến thiên của các vùng đất ta chưa có lưu trữ để đối chiếu.

Trên mười năm trước, tôi đến nhà bạn tôi ở Huổi Hin, thị xã Sơn La. Huổi Hin là suối đá. Nói đến Huổi Hin, ở Sơn La ai cũng biết. Vậy mà chục năm nay, Huổi Hin mất tên, thay vào đó là tên đường mới. Thật quá bất ngờ...

Còn rất nhiều địa phương tên đất thay đổi kiểu như vậy. Tên  đường phố cũ quen thuộc nay bỗng nhiên thay bằng tên một tên mới, cho dù có mang những ý nghĩa mới, không ai có thể phủ nhận, nhưng vô hình trung cũng làm mất đi tên cũ giàu bản sắc của địa phương. Đó là điều phải cân nhắc để đảm bảo sự vẹn toàn.

Đặt tên đất tưởng chỉ là chuyện nhỏnhưng hóa ra không phải thế. Cái gì dính đến đất thì đều không nhỏ. Vì đất làm nên sự sống cho con người. Còn Người thì sinh ra từ đất...

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm