Ngẫm ngợi cuối tuần: Vật nào, chỗ nấy

11/02/2023 08:00 GMT+7 | Văn hoá

Tranh có nhiều loại và nhiều chất liệu. Chơi tranh cũng "tùy nơi chơi tùy chốn". 

Tranh có loại là tác phẩm nghệ thuật treo trong bảo tàng, có tranh lịch sử của bảo tàng lịch sử, hoặc tranh tiêu bản ở bảo tàng thiên nhiên, hoặc tranh cổ động phóng to ở các ngã tư đường động viên phong trào. Ở nhà có tranh phòng khách, tranh phòng ăn, tranh buồng ngủ... Nói chung là vật nào chỗ ấy phù hợp, dù cũng chỉ có tính tương đối.

Lại có tranh…toilet công cộng. Trước đây chưa có gạch men, nhà vệ sinh công cộng xoa trát bằng vôi cát. Người ta vẽ bậy viết bậy đủ thứ trên mặt tường phù hợp với phân rác, xú uế, chả thiếu thứ gì. Tranh ấy chẳng ai treo, chỉ triển lãm tại nơi nó được vẽ ra với những điều bí bách để giải tỏa ức chế bản thân.

Ngẫm ngợi Cuối tuần: Vật nào, chỗ nấy - Ảnh 1.

Tranh “Phố Cầu Giấy” (khắc gỗ, 1982) của Đỗ Đức

Chuyện trò với nhau cũng vậy, có ngôn ngữ trao đổi, ngôn ngữ buồng the, ngôn ngữ nghị trường, ngôn ngữ quán nước, và ngôn ngữ chửi thề chẳng vào ai...Không thể trộn lẫn.

Lại có văn hóa dân gian không thành văn, dù chỉ là lời nói gió bay, mà lưu truyền đời này qua đời khác vì nó động chạm đến thời thế, không thể có mặt đàng hoàng trên giấy mực. Chỉ khi thời thế đi qua, thì mới được chép lại dưới hình thức vô danh, nhiều dị bản.

Văn, họa cũng có "chính", có "tà". Và cũng có khi nó đảo vị trí khi thời thế thay đổi. "Chính","tà" cũng chỉ có nghĩa tương đối.

Bây giờ chém gió trên "phây" (Facebook) có thể coi là loại mới. "Phây" tổng  hợp đủ loại. Đây là cái nồi lẩu luận đàm thế sự toàn cầu. Soi người khác đến chân tơ kẽ tóc, phỉ báng cạn lời và tâng bốc cũng hết tầm. Cái gì cũng khen chê được. Trong đó có người và ma cùng chơi. Phơi bày tất tật kiểu thế giới phẳng, từ sang trọng, trí tuệ sang đồi bại, tha hóa, từ thơm sang thối, từ cẩn thận đến ẩu tả, có tất!

Vào nồi lẩu này phải biết lọc khi ăn như gỡ xương cá mè trong bát om. Nếu không hóc chết.Văn hóa cả đấy!   

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm