Ngẫm ngợi cuối tuần: Cơm búng

28/07/2024 07:32 GMT+7 | Văn hoá

Các bà mẹ xưa ở nông thôn thiếu sữa đường, thường cho con nhỏ ăn thêm bằng "cơm búng". Cơm búng là cơm mẹ nhai cùng thức ăn mềm thành như cháo sữa rồi mớm vào miệng con.

Thứ cơm nuôi con đó giờ không còn mấy người biết, và cũng không ai làm nữa. May ra còn ở những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, đời sống vật chất còn khó khăn. Cho con ăn cơm "búng" thì thời đại khoa học ngày nay càng không ai tưởng tượng nổi. Xưa, vì nghèo, chẳng có gì ăn, mà trẻ còn răng sữa, ăn nhai chưa được, nên mẹ mới thường nhá cơm cho thành nước rồi mớm cho con như thế.

Bây giờ nghe chuyện ai cũng ghê, lứa tuổi 6x, 7x không ai tin, coi là mất vệ sinh; ăn cơm trong mâm còn đổi đầu đũa, gắp thức ăn, đằng này mớm cho con như chim mẹ mớm mồi cho con, khiếp thế đấy.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Cơm búng - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nhưng cụm từ "bú mớm" cũng từ đấy mà ra. Mà đó là sự thật. Không đủ sữa nuôi, dù ăn cơm búng mà đứa trẻ nào lớn lên cũng thành người khoẻ mạnh. Nông thôn xa xưa hầu như đứa trẻ nào cũng từng ăn "cơm búng". Điều đó đã đi vào ca dao: "Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương".

Tôi cũng đã từng phải nuôi con bằng cơm "búng" khi cháu mới được 8 tháng tuổi, mẹ ốm đi nằm viện cả tháng. Tôi hàng ngày đã phải nhai cơm trắng với muối vừng hoặc trứng gà luộc rồi mớm cho con, thế mà cũng qua. Những năm 80 của thế kỉ trước, lúc kinh tế khó khăn đến đỉnh điểm, hộp sữa ông Thọ có mua cũng phải tem phân phối. Còn cách gì hơn nuôi con đây?

                                                                      ***

Nhớ lời người xưa hay nhắc con cháu ăn chậm nhai kĩ. Rồi một thầy lang ở quê thường bảo: Ăn uống thì tập trung vào bữa, không nói chuyện, không ăn vội uống vàng. Ăn kỹ, no lâu, có khi ngày ăn một bữa cơm thôi cũng đủ, không cần thức ăn. Cơm nhai kỹ thì cơm thành sữa trong miệng, khi nuốt xuống dạ dày chắc toàn nước. Vậy nước bọt với tinh bột được nhào trong miệng chắc sẽ cho ra một dạng giá trị dinh dưỡng đặc biệt, lớn hơn những gì khoa học người ta tính toán thì mới cho người ta sức khoẻ như thế.

Trẻ nhỏ thiếu sữa, ăn cơm búng mà vẫn lớn lên khỏe mạnh dù chẳng có món gì tẩm bổ hơn. Ăn cơm búng và kinh nghiệm "ăn chậm, nhai kỹ" là một giá trị khoa học cần được nghiên cứu kĩ, góp phần vào bảo vệ môi trường, tiết kiệm thực phẩm. Một công trình như thế có giá trị với xã hội, sao không có người nghiên cứu, mổ xẻ để hướng dẫn cho mọi người nhỉ?

Đông Ngàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm