03/03/2024 15:55 GMT+7 | Văn hoá
Tết 2001, vợ chồng tôi đến hội thư pháp tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, gặp Phan Bảo từ tỉnh Thanh cũng ra hội chữ với các nhà thư pháp Thăng Long. Tôi mua tờ dướng (một loại giấy) to, đặt 50 ngàn xin Phan Bảo bốn chữ tặng vợ.
Ông hỏi viết gì, tôi bảo, bác cho xin 4 chữ: MĨ NHÂN NHƯ NGỌC (người đẹp như ngọc), đó là bốn chữ mà ông Cung Khắc Lược đã từng viết tại nhà tôi từ mấy năm trước.
Phan Bảo nghĩ ngợi đôi chút rồi nhẹ nhàng: Nếu vậy thì để tôi viết cho anh ba chữ NGỌC NHÂN LAI (người ngọc tới) thì tinh tế hơn. Tôi gật đầu đa tạ và trao cho vợ ba chữ Phan Bảo vừa viết. Vợ tôi rất cảm động trước bức thư pháp chưa ráo mực...
Ba chữ "Ngọc nhân lai" đó ở trong bài "Minh nguyệt tam ngũ dạ" của Nguyên Chẩn đời Đường:
Đãi nguyệt tây sương hạ,
Nghinh phong hộ bán khai.
Phất tường hoa ảnh động,
Nghi thị ngọc nhân lai.
Dịch:
Cửa hé theo luồng gió,
Trăng chờ dưới mái tây.
Chạm tường hoa động bóng,
Người ngọc đến đâu đây".
(Bản dịch của Nhượng Tống)
Thế rồi vợ tôi mất không lâu sau đó. Lại mấy năm sau, giở trang facebook của con gái Phan Bảo, lại chợt nhớ, nên cảm khái viết comment lên đó, nhờ chuyển bài thơ này về cho bố:
Tết qua cháu có về thăm bố?
Ông ấy năm nay có khỏe không
Thư pháp ông cho tôi còn nhớ
NGỌC NHÂN LAI vời vợi một bóng hồng
Xuân này là mấy xuân rồi nhỉ
Chữ còn, người ngọc đã đi xa
Nhớ ông, gửi mấy lời thăm hỏi
Xuân này còn mài mực thêu hoa?
(2/2/2009)
Năm tháng dãi dầu, đời một con người vừa ngắn vừa dài, chẳng biết thế nào nhưng kỉ niệm về bức thư pháp ông cho thì còn nhớ mãi.
Năm 2021, tôi viết bài "Đĩa hoa cúng của người Hà Nội" in trên báo Tiền Phong. Nhớ kỉ niệm với ông, qua mạng xã hội, tôi nhắn ông xin bức kí họa gói hoa cúng bằng lá chuối của ông để kịp in cùng bài. Bức kí họa được tòa soạn trả cho 100 ngàn, tôi nhắn ông cho tài khoản để tôi chuyển tiền nhuận bút. Tiền không lớn nhưng nó ý nghĩa là một giá trị của ông. Ông cười qua faceboook nói, thôi cứ giữ lại lúc nào tôi ra...
Vâng, tiếng Việt mình là thế: Lúc nào cũng có nghĩa là chẳng có lúc nào! Đó là lời hẹn không điểm chốt. Và chúng tôi không kịp gặp nhau lần nữa. Ông lâm trọng bệnh và đã đi xa (25/10/2023).
Mồng 5 tết năm nay (2024), ra Hồ Văn trước Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhìn các sạp chữ lại bâng khuâng nhớ Phan Bảo và câu chuyện năm xưa. Ông đã về miền mây trắng gần nửa năm nay rồi.
Phan Bảo là người bạn ở xa ít gặp nhưng luôn thấy ông gần gũi. Tôi kính trọng ông về độ uyên bác và có thư pháp tuyệt vời. Nhớ ông mãi mãi...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất