Nền văn hóa có biết xấu hổ?

05/02/2014 19:06 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thỉnh thoảng, nền văn hóa lại gây giật mình vì báo động “xuống cấp” hoặc “chạm đáy”. Mỗi năm ít cũng phải vài lần. Chạm đáy nhiều vậy không biết nền văn hóa có còn ngóc đầu lên nổi không. Đại văn hào Nga Chekhov từng nhận xét: “Chúng ta ra sức làm việc cho các thế hệ tương lai, nhưng mai sau họ vẫn nói: trước đây chúng ta sống khá hơn nhiều”.

Khi văn hóa thuộc về đám đông và bầy đàn

Câu nói của Chekhov được trích trong cuốn Một nền văn hóa biết xấu hổ nói về tình trạng chạm đáy của văn hóa Nga. Cuốn sách là tập hợp 25 bài viết tâm huyết của các nghệ sĩ Nga, bộc lộ những niềm xấu hổ đa dạng về sự đi xuống của nền văn hóa, liên quan đến nhiều lĩnh vực văn hóa: Văn học, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc... Các bài viết, bài trả lời phỏng vấn được thực hiện trong thập niên 1990-2000, mới nhất là năm 2012, còn đầy tính thời sự.

Đọc Nga, nghĩ về Việt Nam. Một phần vì sự tương đồng giữa hai nền văn hóa: nền văn học vốn nhiều thành tựu đang đánh mất sự tôn trọng trong cộng đồng; điện ảnh - văn hóa đại chúng chịu sự xâm lấn của Mỹ, không cách nào cưỡng lại được; truyền thông đại chúng đưa tin ra rả về bạo lực, gây cảm giác bi quan về một xã hội ngày càng mất nhân tính...


Bìa sách Một nền văn hóa biết xấu hổ

Hai chữ “xấu hổ” chẳng xa lạ gì với người Việt những ngày gần đây. Có những khoảnh khắc, chữ “xấu hổ” như hiện rõ trong không khí trước tầm mắt người, hoặc được viết trên trời bằng những đám mây. Cụ thể hơn, chữ “xấu hổ” phát ra từ miệng có lẽ đến hàng triệu người và được in hàng nghìn lần trên mặt báo - đó là những ngày râm ran sau vụ hàng trăm người hôi bia ở Đồng Nai.

Nhưng đó đâu phải lần đầu, cũng không phải lần cuối, dư luận bày tỏ xấu hổ. Mỗi năm như thế vài lần là ít. Chỉ có lần đó sự xấu hổ tập thể lớn hơn, rộng hơn, sâu hơn. Nhưng rồi vẫn đáng để quên đi như những lần khác, có phải vậy không?

“Dân chúng ào ào xông lên như một đám đông” - Nikolai Skatov (nguyên Viện trưởng Viện Văn học Nga) trích dẫn câu này trong kịch Boris Godunov của thi hào Pushkin (trang 114, Một nền văn hóa biết xấu hổ).

Ông nguyên viện trưởng viết: “Dân chúng có thể là nhân dân, là người bảo trợ và người thể hiện yếu tố sáng tạo tinh thần, song cũng có thể trở thành đám đông. Sự khiếm khuyết yếu tố tinh thần, tính chất bầy đàn - đó chính là ví dụ của thứ nghệ thuật đại chúng, nghệ thuật không mang tính nhân dân mà mang tính chất đám đông”.

Mà đám đông là ai? Đám đông là rất nhiều người nhưng cũng có thể là không ai cả. Họ vô danh. Những người vô danh xếp hàng dọc các tuyến đường để hòa vào lễ tang quốc gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo thành một tập thể thực sự, khiến lòng người xúc động. Bởi giữa họ có sự gắn kết. Còn những người vô danh lao vào hôi bia, hoặc những người gần như vô danh quay các đoạn phim cởi đồ ăn theo Anh không đòi quà, họ cũng tạo thành một đám đông, nhưng không phải là một tập thể. Giữa họ chẳng có sự gắn kết nào ngoài cơn cao hứng nhất thời.

Những ai có thể ở trần thì đã khỏa thân

Trong suốt những thập niên vừa qua, người Nga đã kêu về sự xấu hổ. Từ cuối thập niên 1970, Saltykov Shedrin (nhà văn châm biếm của Nga) đã viết: “Sự xấu hổ là một cảm giác lành mạnh và nếu có dịp, nó có thể được giới thiệu như một phương thuốc bổ ích thiết thực. Cần phải làm cho có nhiều người cảm nhận được sự xấu hổ”.

“Phần lớn những người được gọi là có văn hóa hiện nay đang sống mà không biết xấu hổ là gì. Sự thức tỉnh cảm giác xấu hổ là đề tài đáng khai thác trong văn học” (trang 116, Một nền văn hóa biết xấu hổ).

Còn trong bài viết được lấy tên làm tiêu đề sách, bài Một nền văn hóa biết xấu hổ của diễn viên - Nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Mikhail Ulyanov, ông viết về nền sân khấu Nga nhưng nghe như viết về văn hóa đại chúng Việt Nam hiện tại: “Tất cả những ai có thể ở trần thì đã khỏa thân. Tất cả những từ ngữ của tiếng Nga sinh động mà trước đây chưa bao giờ được phát ra trên sân khấu thì bây giờ đã được nói oang oang một cách thoải mái”.

Tất nhiên, những “ở trần” và “khỏa thân” trong câu của nghệ sĩ Nga chỉ là ẩn dụ, nhưng hay ho thay nếu phóng chiếu sang văn hóa Việt Nam hiện nay thì chẳng còn chút ẩn dụ nào. Hiểu theo nghĩa đen được luôn. Còn câu sau, đọc, khó mà không nghĩ đến Mr.T và Yanbi của Việt Nam khi hai ca sĩ này cất tiếng hát “Thế đéo nào” (thay vì “Có lẽ nào”) khi biểu diễn ca khúc Thu cuối ở Hải Phòng cuối năm 2013.

Sách Một nền văn hóa biết xấu hổ (Những lời tâm huyết của các văn nghệ sĩ Nga), do Lê Sơn - một nhà nghiên cứu văn học Nga - tuyển dịch, dày 295 trang, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và NXB Văn học ấn hành quý 4/2013.

Văn hóa xấu hổ và văn hóa tội lỗi

Nhà nhân chủng học về văn hóa, Ruth Benedict (người Mỹ), từng đưa ra khái niệm về “văn hóa xấu hổ” của người phương Đông và “văn hóa tội lỗi” của người phương Tây. Trong khi văn hóa xấu hổ có tính cộng đồng, nỗi xấu hổ hướng vào nhân cách con người, thì văn hóa tội lỗi có tính cá nhân, cảm giác tội lỗi hướng đến tính chất hành động.

Người ta thấy xấu hổ vì cách người khác nghĩ về hành vi của mình, và thấy tội lỗi vì cách chính mình nghĩ về hành vi của mình. Nhưng, dù là trong xã hội đề cao tính cộng đồng hay cá nhân, con người luôn phải đối mặt với cả hai thứ đó: dư luận từ xã hội và dư luận từ trong lòng mình.

Bởi vậy, có thể khẳng định, ở nền văn hóa nào, xấu hổ và tội lỗi đều là hai cảm giác tồn tại song song, khó thiếu một trong hai. Nhờ vào chúng, con người giữ được nhân cách và phẩm giá của mình. Nếu dứt bỏ chúng, con người sẽ hỏng.

Văn học sẽ cứu văn hóa?

Tại sao điều đó lại xảy ra? Những nhận định về nền văn hóa của một nước (Nga), lại có thể phóng chiếu sang nền văn hóa một nước khác (Việt Nam) và bắt gặp những điểm tương đồng như vậy?

Điều này có thể giải thích bằng “sự trống rỗng về văn hóa và ý thức hệ” - cách giải thích của nhà văn Nga Mikhail Golubkov (trang 223 của cuốn sách). Tại sao trong hầu hết các lĩnh vực (giáo dục, đời sống, kinh tế, văn nghệ...), ở đâu con người cũng thể hiện sự thiếu sót văn hóa, chẳng hạn như (và cũng trớ trêu nhất), cô giáo dạy trẻ lại hành hạ đánh đập trẻ con?

Golubkov viết: “Nếu chúng ta muốn làm một điều gì đó để phản bác lại sự trống rỗng về mặt văn hóa và ý thức hệ hiện nay, thì chúng ta cần nhớ tới người truyền bá duy nhất của nguồn thông tin về lịch sử, xã hội và văn hóa - đó là văn học. Cần phải tạo ra các độc giả, những người biết suy ngẫm, chứ chỉ riêng các nhà văn thôi thì không đủ”.

GS Nguyễn Lân Dũng, trong lần trả lời phỏng vấn TT&VH Cuối tuần về vụ việc hôi bia, cũng khẳng định: “Tình yêu văn chương góp phần vun đắp đạo đức xã hội”. Không có gì khó hiểu, trong thời văn chương bị coi rẻ, các biểu hiện văn hóa, đúng ra là phản văn hóa, cũng liên tiếp khiến chúng ta phải xấu hổ.

My Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm