Nâng cao nhận thức không tiêu thụ động vật hoang dã

17/11/2020 11:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Khai thác và sử dụng không bền vững tài nguyên động vật hoang dã được cho là một trong những mối đe dọa chính đối với công tác bảo tồn đa dang sinh học tại Việt Nam và đối với sự tồn tại nhiều loài động vật hoang dã bị đe dọa trên toàn cầu. Do đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không ngừng nỗ lực triển khai Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.

Ra mắt phim ngắn truyền thông phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã

Ra mắt phim ngắn truyền thông phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã

Ngày 11/12, tại Hà Nội, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ra mắt phim ngắn truyền thông phòng ngừa tội phạm về động vật hoang dã.

Cụ thể, các đơn vị này vừa chính thức khởi động Chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp” với thông điệp “Mua một ngà voi, nhận một quả báo – Mua thịt tê tê, nhận một quả báo”, nhằm kêu gọi chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép sản phẩm từ ngà voi và vảy tê tê tại Việt Nam. Chiến dịch gửi tới nhóm đối tượng là những người sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã thông điệp rằng, việc sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật và không thể hiện được vẻ đẹp trong lối sống của người dùng. Thông qua đó, chiến dịch khuyến khích nhóm đối tượng này chấm dứt hành vi vi phạm mua bán, tiêu thụ và tặng, cho các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Ở giai đoạn 1, chiến dịch kéo dài từ nay đến hết tháng 11/2020, tập trung thu hút và nâng cao sự quan tâm của nhóm đối tượng người sử dụng và cộng đồng về những yếu tố nhân - quả của hành vi mua bán và tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê. Giai đoạn 2 nối tiếp đến năm 2021, với chuỗi hoạt động tương tác truyền cảm hứng nhằm khuyến khích những đối tượng mục tiêu thực hiện hành động cụ thể, thực tế và có trách nhiệm để chung tay giúp hồi sinh các loài voi và tê tê.

Việt Nam được xếp vào hàng 16 nước có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Những năm gần đây, hoạt động săn bắt, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã ở Việt Nam tăng nhanh nên số lượng các vụ việc bị bắt giữ và xử lý cũng tăng cao, nhất là các vụ buôn bán có số lượng lớn từ quốc gia và vùng lãnh thổ khác trung chuyển qua lãnh thổ Việt Nam. Sự gia tăng hoạt động buôn bán trái phép cũng làm tăng đột biến số lượng vụ bắt giữ và xử lý, gồm cả những vụ xử lý hình sự và hành chính, trong đó phổ biến có sản phẩm sừng tê giác, ngà voi, tê tê...

Theo bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam, trên thực tế, việc sử dụng sản phẩm từ voi và tê tê để thể hiện đẳng cấp chỉ là thói quen cá nhân vị kỷ. Vì vậy, Chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp” khai thác trực tiếp khía cạnh tâm linh và quan niệm về nghiệp chướng để truyền tải thông điệp đến nhóm đối tượng mục tiêu.

Voi và tê tê là những mắt xích không thể thiếu của hệ sinh thái tự nhiên, hành vi mua bán và sử dụng trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê trực tiếp đe dọa đến sự sinh tồn của các loài hoang dã và sự cân bằng của hệ sinh thái. Chính vì vậy, các cơ quan của Chính phủ Việt Nam cần phối hợp để thực hiện mục tiêu giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã; tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về động vật hoang dã; cải thiện, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã.

Ông Rober Layng, Trưởng phòng Môi trường và Năng lượng của USAID tại Việt Nam cho biết, Chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp” là chiến dịch thay đổi hành vi xã hội rất có ý nghĩa, khơi gợi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và các loài động vật hoang dã. USAID kỳ vọng chiến dịch này, sẽ góp phần đánh động mạnh mẽ và thức tỉnh mọi người thay đổi suy nghĩ và hành vi của mình trước khi quá muộn, để tình trạng tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm từ các loài hoang dã sẽ sớm chấm dứt.

"USAID cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, những người đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của chiến dịch sẽ chung tay thực hiện đa dạng hoạt động trách nhiệm xã hội về bảo vệ động vật hoang dã. Hành động này cũng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao đạo đức kinh doanh, uy tín và từ đó tăng tính cạnh tranh trên thương trường”, ông Rober Layng chia sẻ thêm.

PTTT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm