Năm Hợi, nói chuyện... heo: Biểu tượng của bao dung và hòa hợp

31/01/2019 11:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trong văn hóa và tính biểu tượng, ngoài khía cạnh phàm ăn và tham lam, heo/lợn còn tượng trưng cho sự sung sướng và sung túc, nên thường xuất hiện trang trọng trong nhiều nghi lễ, sự kiện quan trọng như mùa màng, cưới hỏi, khai trương, giỗ chạp…

Chiêm ngưỡng 2.000 chú 'Lợn sung túc' của nhà sử học Dương Trung Quốc

Chiêm ngưỡng 2.000 chú 'Lợn sung túc' của nhà sử học Dương Trung Quốc

Triển lãm Con Giáp của tôi - Lợn sung túc - trưng bày gần 2.000 sản phẩm trong bộ sưu tập gồm 6.000 tác phẩm,  đồ lưu niệm, đồ dùng hình lợncủa nhà sử học Dương Trung Quốc khai mạc chiều nay (23/1) tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Theo thông tin khảo cổ học trước đây thì heo được thuần hóa vào khoảng 9.000-8.000 năm về trước ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ và vài nơi khác tại Trung Quốc. Nhưng theo nghiên cứu ADN gần đây, heo ở Việt Nam và Đông Nam Á được thuần dưỡng khoảng 3.000 năm trước đây. Các di chỉ khảo cổ học ở Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Hoa Lộc… (Việt Nam) cũng tìm thấy nhiều xương heo nhà (khác heo rừng) trong khoảng thời gian tương tự.

Mười hũ vàng chôn không bằng… cái trôn heo nái

So với chó được thuần hóa đầu tiên cách nay 40.000 năm, ngựa khoảng 12.000 năm, mèo khoảng 9.000 năm… thì heo được thuần hóa muộn hơn. Heo nuôi/heo nhà bắt nguồn từ heo rừng, hoặc còn gọi là lợn lòi (tên khoa học: scrofa). Có ba giống heo rừng, một là heo rừng Đông Nam Á, hai là heo rừng Địa Trung Hải, ba là heo rừng Trung Âu - Trung Á. Cả ba dòng này đều xuất phát từ một loài (sus scrofa), phân bố từ Đông Nam Á sang Tây Âu.

Chú thích ảnh
Bà Rén (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) có lẽ là chợ duy nhất ở Việt Nam có tên dân dã là chợ heo. Nơi đây chỉ bán heo con

Vậy nguồn gốc xuất phát của heo chính là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và vùng Hoa Nam của Trung Quốc. Trong văn hóa, dấu vết này chúng ta còn tìm được trong chữ Nho là chữ 家 (gia: có nghĩa là nhà), với cấu tạo gồm phần trên là bộ 宀 (miên) tức cái mái và phần dưới chữ 豕 (thỉ) tức con heo. Nói cách khác, về biểu tượng, đã gọi là nhà thì phải chung mái che và có sự thuần dưỡng.

Trong sự thuần hóa và gây giống, cả ngoại hình và sức sản xuất của heo thay đổi nhiều song vẫn tồn tại những đặc điểm sinh học chung như thị giác kém, thính giác nhạy, khứu giác tinh, thể chất thô nặng. Mõm hơi dài, đầu mõm ngắn và linh hoạt để ủi đất kiếm ăn, răng có 44 cái, gồm 12 răng cửa, 4 răng nanh phát triển và 28 răng rỗng. Tứ chi có 4 ngón, vú xếp thành 2 hàng song song ở mặt bụng, lông thưa và thô. Dạ dày đơn chỉ có 1 túi nên thuộc loài ăn tạp và không có nhai lại. Heo ăn đủ các loại thức ăn, hạt, củ, quả, cỏ non, cám bã...

Heo là loài vật nuôi sớm thành thục và mắn đẻ, 4 tháng tuổi đã thành thục về sinh dục, cứ 18-22 ngày lại động hớn, tức là động đực một lần. Heo chửa 112-114 ngày. Khả năng đẻ từ 2 đến 2,5 lứa mỗi năm, mỗi lứa trung bình từ 8 - 10 con. Mỗi heo sơ sinh nặng từ 1,2 - 1,3 kg, như vậy một con heo nái có thể sinh sản mỗi năm ra 2 - 3 tấn heo hơi. Vì vậy Việt Nam xưa mới có câu tục ngữ: “Mười hũ vàng chôn không bằng cái trôn con heo nái” - để chỉ năng suất đặc biệt của loài vật này. Hơn nữa ngoài thịt nạc, heo còn cung cấp lượng mỡ, dùng để chiên xào và là thực phẩm quan trọng tạo năng lượng cao.

Chú thích ảnh
Heo trong tranh Đồng Hồ

Đa diện như… biểu tượng heo

Chính sức sinh sản của heo vượt bậc so với các động vật được nuôi khác nên heo trở thành một con vật quan trọng bậc nhất trong các nghi thức phồn thực (fertility rites). Heo cũng trở thành biểu tượng của bao dung, hòa hợp và thích nghi. Bởi phàm ăn nghĩa là ăn uống cởi mở, không cậu nệ, nên dễ sống, dễ gần, dễ vị tha. Trong những nguyên do chính dẫn đến chiến tranh của loài người là ẩm thực, tôn giáo, chính trị, đảng phái… thì ẩm thực theo nghĩa rộng của từ này vẫn là lý do chính yếu nhất.

Thế nhưng, cuộc sống vốn đa diện, dù heo là biểu tượng tốt lành như vậy, nhưng không phải tất cả đều thích. Các nhà nhân loại học theo chủ nghĩa duy vật - nhất là Marvin Harris - đã tìm được nguồn gốc của việc cấm kị heo trong đạo Do Thái và đạo Islam. Chỉ vì heo nái và bò cái là hai con vật được sùng bái vì có khả năng sinh sản cực tốt, cung cấp nguồn lương thực tối ưu cho loài người. Với cuộc cách mạng nông nghiệp và định cư của thời Đồ đá mới cách đây 12.000 năm, các vị thần linh tượng trưng cho sức mạnh, khả năng chiến tranh và nam tính đã thay thế các nghi thức phồn thực ở vùng giao tiếp giữa châu Á và châu Âu. Các độc thần giáo đề cao vai trò của Thượng đế là thần sấm, thần chiến tranh nên chủ trương phế bỏ các biểu tượng thần linh cũ là bò cái và heo nái.

Chú thích ảnh
Heo trong tranh Kim Hoàng

Không những thế, để diệt tuyệt ảnh hưởng của các tín ngưỡng cũ, các độc thần giáo này thiết định quy luật nghiêm khắc về ăn. Đạo Do Thái gọi cách giết con vật và chuẩn bị thức ăn theo đúng nghi thức của giáo sĩ là kosher, còn đạo Islam gọi là halal (trái với halal là haram). Họ tuyệt đối không được đụng tới một thứ sản phẩm nào có nguồn gốc từ heo, kết tội đây là con vật dơ dáy, dâm loạn. Vì vậy tín đồ của các độc thần giáo này chỉ có thể kết bạn, ăn chung với người đồng đạo, tạo sự cố kết giữa họ với nhau, nhưng lại loại trừ phần lớn khả năng nối kết với bên ngoài.

“Trong tranh dân gian, làng Đông hồ (và cả Kim Hoàng), lợn chiếm vị trí chủ đạo với xoáy âm dương hòa hợp, người - trời -đất; tranh được dán ở nhà vào dịp Tết, mở đầu cho một năm theo nông lịch. Người nông dân nuôi một con lợn tốt sẽ được khen nuôi lợn giống như “lợn tờ” (tức là lợn vẽ trong tờ tranh). Lợn vẽ trong tranh dân gian, toàn thân nhìn nghiêng để thấy hết vóc dáng mẫu mực của lợn. Riêng cái mũi vẽ nhìn thẳng từ trước mặt lại, do đó, “lợn tờ” không còn là một mặt phẳng bẹp dí trên tờ giấy mà có tính lập thể (khối của không gian ba chiều)” - mục từ lợn (mỹ thuật), trang 749-750, dẫn theo Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Phần lớn người Việt ăn thịt heo, xem heo như là biểu tượng của sinh sôi nảy nở và sung túc. Có lẽ từ quan niệm sống này mà người Việt có truyền thống bao dung và hòa hợp, nên rất phóng khoáng về chuyện ăn uống, cách tiếp cận với người khác. Đây là một dấu hiệu cho thấy tương lai rộng mở của người Việt khi đang có nhân lực phân bố trên khắp toàn cầu.

Nguyễn Tiến Văn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm